Cà phê “chiên”

Ngày đăng: 4/04/2014 05:21:54 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Viễn thông quốc tế ngày càng nhanh chóng, tiện lợi thông thoáng, cước phí không còn cứa cổ như hai thập niên trước. Lúa chuyển ngân sách thuốc lá du di qua thẻ gọi, nhờ vậy Lúa có dịp tán gẫu đường dài với bạn bè, trao đổi đủ thứ chuyện tạp lục trên đời.

– A-lô, xin hỏi có phải máy điện thoại của nhà báo Lương Huynh.

– Tui đây, gọi hoài mà còn hỏi, báo biếc con khỉ khô.  Lúc nầy ông lặn ở đâu mà không thấy bài dzở tăm hơi gì hết. Ông đang làm gì vậy.

– Uống cà phe.

– Lúc nào gặp ông là uống cà phe, vậy ngoài cà phe còn có việc gì khác không.

– Còn nhiều, đi chợ mua hành hẹ tiêu tỏi cho bà xã nè, rửa chén nè, đưa rước cháu, có rảnh thì ngồi mổ lai rai thóc lép.

– Tại sao mổ thóc lép.

– Viết bài cho ông, gởi tốn tiền cò mà không có một xu mua cà phê uống cho sáng mắt thức đêm. Không thóc lép, thì là lúa chắc hay sao.

–  Ông thử viết bài về cà phê, tui nói anh Cả ủy lạo cho vài lon lúa Nàng Hương chợ Đào, mổ cho láng mỏ thơm râu, chắc bầu dìu cứng cựa, hoặc là vài cây Xuân Thạnh cho ấm lòng chiến sĩ già.

–  Vụ làm ăn nầy hấp dẫn à nghen, ông mớm cho tư liệu.

– Ông kể chuyện của ông trước, tui sẽ kể chuyện tui sau, bảo đảm đầy hai cột trang trong ruột.
xox

ca phe

Như bao đứa trẻ lớn lên ở xóm Chùa trong những năm một chín năm mươi mấy.  Lúa tôi biết uống cà phê dão ở lứa tuổi còn nhỏ đến mức không thể nhớ nỗi. Còn việc được hưởng một ly cà phê chính thống ở quán, thì Lúa  được uống ly cà phê đầu đời trong tâm trạng nửa âu lo nửa hả hê vào một buổi trưa nắng gắt chói chang, lúc vừa tròm trèm 12 tuổi.

Mùa hè 1964, không biết quý thầy cô phụ trách ra đề thi vô tình hay chơi trác đám nhỏ tụi tui. Đề luận văn kỳ thi tuyển Đệ thất năm ấy coi nhẹ nhàng hiền hòa nhưng ẩn chứa cạm bẫy không ngờ. Lâu quá Lúa cũng không nhớ từng chấm phết, hỏi ngã, đại ý như vầy: “Các em hãy bình giảng câu: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Nói thật thà, dân quê tụi tui hồi mới sanh cho tới ngày thi, chưa có đứa nào thấy tận mắt con ngựa bao giờ. Cho dù đứa nào may mắn dòm được con ngựa kéo xe ở Sài Gòn hay hình trong sách báo thì cũng không biết những món phụ tùng của nó. Vì vậy mà chữ “cả tàu” trong đề thi như chiếc ghe chở cả đống những đứa bạn học giỏi của Lúa bị trợt vỏ chuối rớt lịch bịch.

Nhớ lại buổi chiều buồn bả hôm đó, sau ba tiếng trống xé lòng, hiệu lịnh góp bài môn thi luận văn. Lúa vừa bước ra khỏi phòng thi trong tâm trạng trống rổng chơi vơi.  Lúa càng hết hồn khi thấy anh mình lóng nhóng chen lấn ngoài cổng trường với rất đông phụ huynh khác. Trong khoảnh khắc sắp sửa đối diện với người hạch tìm tội lỗi, Lúa còn sót một chút sáng suốt là bóp tròn tờ giấy nháp làm văn, phi tang vào bồn hoa trên sân trường Tiểu học. Tuy mọi sự thẩm vấn diễn ra suốt từ trường thi đến nhà, kéo dài lai rai đến tối. Mà cả nhà chỉ nhận được những câu trả lời tiền hậu bất nhất, và không có chứng cớ để chắc chắn tên sĩ tử đã bị lạc đề. Nhưng mọi người đều nghĩ rằng, thằng nhỏ nầy chắc là ăn trứng vịt cho đề luận văn quá là mắc mỏ.

Bởi thành kiến coi thường “hàng lô-can là hàng dỏm”, thế nên hôm thông báo dán giấy kết quả cuộc thi, người anh kế của mình nhận lệnh đi dò tên một cách rất là miễn cưỡng. Ảnh còn kêu mình ở nhà vì sợ bị quê với mấy người bạn lớp Đệ tứ của ảnh. Từ nhà mình đến ngôi trường Trung học ước mơ-chỗ niêm danh sách thí sinh trúng tuyển, cùng nằm trên một con đường chừng 500 mét. Lúa thấy thái độ “bỗng nhiên xa lạ” của người anh nên không dám đi sát theo lưng ảnh. Mình cũng nóng tím ruột nhưng chỉ dám mò đến cống thầy Cai, lóng nhóng hỏi thăm những người chung xóm đi dò danh sách niêm yết trở về. Người thì nói tao không thấy tên mầy. Kẻ thì an ủi, hình như mầy gần kế chót. Lúa đang lo lắng không biết trưa nay phải tỵ nạn ở đâu thì có người nói: “Anh mầy về tới kìa, hỏi người ta làm chi”. Lúa tui định lẽn vô quán cà phê chú Năm Soái để vọt qua con hẽm phía sau thì nghe tiếng:
– Lúa, Lúa đứng lại. Em muốn đi đâu.

Lúa tui vừa len qua mấy chiếc bàn nhôm, nghe kêu tới tên nên đứng yên, toàn thân tê dại.

– Em đi đâu vậy, ngồi đây uống cà phê với anh. Cho tụi cháu một ly phê đen và một xây-bạc-xiểu chú Năm ơi.
Chú Năm Soái bước đến vỗ vai anh của Lúa, là một tay chơi bi-da thường xuyên tại quán nầy và cũng là bạn học với anh Năm Còi con của chú.
– Mầy đừng rầy thằng nhỏ, nãy giờ tao thấy nó lấp ló trước quán, nó sợ muốn khóc rồi. Rớt keo nầy gầy keo khác các cháu ơi.
– Ai nói nó rớt, nó đậu hạng khá nữa đó chú Năm.
Chính tay chú Năm Soái bưng ly cà phê để trước mặt hai anh em. Tay chú vò lên mái tóc 3 phân đều của mình. Cái miệng rộng và móm của chú nói cười rổn rảng. Ly cà phê hôm đó ngon thơm ngọt béo vô cùng. Ai cũng xúm lại mừng cho thằng nhỏ, chỉ có anh mình còn nghi ngờ kết quả được in đậm trên giấy roneo.
– Sáng nay tao biết nhiều đứa học giỏi hơn mầy, có đứa khóc mù trời vì thi rớt. Sao mầy đậu được như vậy. Tao hỏi thiệt, trong phòng thi mầy có “lụm được bùa” của ai không.

Lúc đó thì Lúa đâu có trí óc bao nhiêu mà phân giải. Vả lại anh mình quên rằng đứa em nầy hồi tám tuổi nó mới đến trường. Lúc nó còn ở nhà đã được bà cô dạy đánh vần chữ quốc ngữ để đọc tiểu thuyết kiếm hiệp như “Lệnh Xé Xác” của Lã Phi Khanh. Vì vậy mà cái tàu ngựa đâu có lạ lùng đối với một thằng nhỏ 12 tuổi đã thông thạo dàn thun, bẫy bắt chim nơi dã ngoại. Vì lớn lên trong sự ô nhiễm giang hồ “mưa máu gió tanh” của minh chủ Kim Dung. Nên trong khi những đứa bạn khác làu làu các tác phẩm nhà văn Thanh Tịnh, hấp thu tinh túy của học giả Trần Trọng Kim. Còn mình tối ngày lén vô kẹt bồ lúa làm quen với Quách Tỉnh, Quách Hòe. Bây giờ công bằng nghĩ lại, sức mình lúc đó đậu đệ thất hạng 90 trên tổng số 100 là may lắm rồi. Nhưng vì nhiều đứa giỏi mà thiếu kinh nghiệm giang hồ, tụi nó hiểu lầm chuồng ngựa là tàu ghe chở ngựa. Vụ nầy, mình xin lỗi mà tạm ví von tình trạng ngựa què về ngược. Nên ly cà phê vẻ vang trưa hôm đó thật xứng đáng công lao những ngày bỏ cơm luyện chưỡng.

Dù ở quê nhưng con người cũng phải lớn lên. Những năm sáu mấy gần đến bảy mươi, trong bộ vó trai làng và tiếng nói vừa mới bể còn rè, mình thường đi xe đò lên Vãng Long mà không cần phụ huynh dòm ngó kềm cặp. Thời đó chợ Vĩnh Long ít có những quán cà phê đình đám. Dân nghiện cà phê mà nhỏ tuổi, túi ít tiền như mình thì tụ họp theo bà con chòm xóm gần nhà thân thuộc. Tiêu biểu một quán pha cà phê vợt như quán chú Xăng-xe ở góc Tống Phước Hiệp + Calmette, hoặc kín đáo như quán Tre ẩn mình trong đường hủ lô. Lâu lâu cũng có dịp đến những quán lớn vừa cà phê kho vừa mì hủ tíu bánh bao xíu mại như Đồng Hính ở đường Gia Long và tiệm nước Hòa Bình ở dãy phố ông cha tuốt trên ngã ba Cần Thơ. Hoặc đôi khi mon men đến những quán cà phê phin nghe nhạc âm thanh nổi như Đan Thanh trên đường Hùng Vương, quán ghế mây gần rạp Vũ Đông, quán lồng trong khung cành cây vườn như cafe Chiều Tím, và các quán bàn thấp ghế lùn, nhộn nhịp bình dân ở khu vực miếu Bảy Bà, cầu Bà Điều, Cái Cá, Kinh Cụt.
Thuở ấy, người ta đến những quán cà phê đông vui khoảng thời gian từ ban chiều lấn vào đêm một chút với đủ mọi nhu cầu. Họ cần một chút hương vị cafeine để thức trọn đêm nay, hay đến quán để trò chuyện tán gẫu với bạn bè vừa nghe nhạc. Hoặc để những chàng trống tơ bắt đầu biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp duyên dáng của các cô tiếp viên thường là con cháu bà chủ quán, cho giấc ngủ đêm đó tròn đầy mộng đẹp.
Là dân quận lỵ Lúa tôi nếm trải cuộc sống thành thị qua nền văn minh cà phê thơm lừng, đắng ngọt và đầy thao thức như vậy.

(Hết Phần 1)

Một Lúa

 

Có 6 bình luận về Cà phê “chiên”

  1. Hue Dang nói:

    A ha ! Vậy mà tui tưởng ông lớn lắm. Ai ngờ cùng lều chỏng đi thi năm đó, cùng 1 đề thi luận văn ” Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Nhưng kết quả thi của trưòng Tống Phước Hiệp thì khác. Tụi tui đứng đầy nghẹt phía sân trước của trường, ngước cổ cao nhìn khung cửa sổ trên lầu khánh tiết nhìn người đọc kết quả và lắng nghe tên mình từ từ máy phóng loa lớn. Nghe tên là đậu, không nghe là rớt.
    Thân ái chào Một Lúa: tài năng luyện chưởng Kim Dung.

  2. Nhóm YAMAHA nói:

    Quách Đào thường nhắc đến quý anh, chị em nhà ta,nhất là huynh Một Lúa với Hoàng Hưng,bây giờ tui mới biết M Lúa, QĐ đồng môn với Quách Tỉnh, cái vụ chưa vào đệ thất mà biết thưởng thức cà phê, ghê chưa! còn huynh HHg và QĐ…!? Hãy đợi đấy!

  3. NGUYEN TUYET nói:

    Thấy cái tưạ ” Cà phê chiên ” làm NT tò mò, nhưng chưa đọc , để xem hình minh hoạ trước, chời ơi cái gì mà thấy ghê quá ! , cái chảo khét lẹt , đui then , ớn quá , bắt đầu chuyển hướng đọc , đọc đoạn đầu hỏng hiểu gì ráo , chỉ là 2 ông đờn ông tò tí với nhau ,rán đọc tiếp đoạn 2 , phải công nhận anh Một Luá chuyển hệ từ từ rơ và càng đọc càng hấp dẫn , hay nhứt là cái lật ngược thế cờ đầy lo âu và rùng rợn , nhờ tài luyện tiểu thuyết kiếm hiệp ” Lệnh xé xác”… rồi cà phê thơm lừng…làm thao thức… vậy mà ghiền !!

  4. Phú Thạnh nói:

    Một Lúa ơi,đêm qua anh gửi phản hồi rồi, sao bay đi đâu mất ! .Bây giờ tóm tắt lại nhe:
    Hành trình kỳ thi tuyển vào Đệ Thất của em thật là lý thú ! . Chúc mừng ly cà phê xây-bạc-xỉu của em. Năm ấy (1964) anh cũng vừa tốt nghiệp ở TTKT-PT và đi làm ở Sàigòn . Sau này Quán Tre là nhà anh ở lúc anh trở về VL làm việc vào năm 1970..đến Ngày Giải phóng. Đang chờ em uống cà phê “chiên” đấy!. Em viết chuyện tuyệt quá ! hấp dẫn lắm!!!…

  5. ngocthusa nói:

    gửi anh lúa !! ngth cũng thi cùng đề thi với anh , có lão sos cùng năm luôn , ngth thì khg suy nghỉ như nhiều bạn mà làm một mạch luôn , nên đậu vào trung học chợlach, năm đó rớt cũng nhiều , khi hết giờ có đứa cứ hỏi đâu thấy ngựa đi tàu bao giờ đâu mà tả !!! thế là phải chờ đến ‘ dùng hàng nội hoá là yêu nước mới vào được đệ thất !!!!

  6. Một Lúa nói:

    Thư trả lời muộn, xin ACE cảm phiền
    Hỗm rày Lúa bận cày cấy nên quên việc bút nghiên lều chõng.
    @Huệ Đặng
    “Tưởng ông lớn lắm”, nghĩa là già lắm. Bây giờ mới biết trẻ như nhau. Hi hi
    @Nhóm Yamaha
    Hồi xưa Lúa kết hụt Quách Tỉnh, nay gặp Quách Đào, tui làm sao bỏ qua.
    @Nguyễn Tuyết
    Việc gì mà hai gã đờn ông “tò tí”. Nghe nhột nhạt quá vậy. He he
    Sáng mơi đãi Nguyễn Tuyết cà phê chiên nghen.
    @Anh Phú Thạnh
    Cám ơn anh đọc bài. Chắc tại em uống cà phê sớm quá, cafeine làm cho đèo đẹt.
    @Chị NgocThusa
    Lúa mê truyện chưởng cũng có lợi hén chị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác