NHỮNG NĂM NGỌ TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM

Ngày đăng: 20/01/2014 06:27:10 Sáng/ ý kiến phản hồi (19)

Năm Giáp Ngọ (năm 34), Tô Định sang làm Thái thú Giao Chỉ thay cho Tích Quang. Tô Định thi hành chính sách cai trị và bóc lột rất tàn bạo đối với người Việt. Bọn Thái thú Tô Định cùng Đốc bưu đốc thúc đồ cống, thu thuế muối, sắt, cùng sản vật thủ công, thuế đánh cá đầm ao,… Không những thế, chúng còn khống chế, đè nén các lạc tướng và con cháu họ. Dân oán hận, quý tộc Âu lạc cũ cũng oán hận chính quyền đô hộ, đã làm bùng nổ những phong trào chống đối ngày càng mạnh mẽ của nhân dân và quý tộc Lạc Việt.

– Năm Canh Ngọ 550, quân khởi nghĩa của dân ta do tướng Triệu Quang Phục chỉ huy đã tung quân phản công đánh bại đội quân xâm lược nhà Lương do tướng Dương Sàn chỉ huy. Trước đó vào năm 540 Lý Bí đã lãnh đạo dân ta khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương về nước lập ra nước Vạn Xuân độc lập của người Việt. Nhưng sau đó, tháng 5/545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy lại sang đánh. Lý Nam Đế không địch lại được quân địch phải lui về động Khuất Lão ủy thác mọi công việc cho Triệu Quang Phục.Triệu Quang Phục bèn cho lui quân về giữ đầm Dạ Trạch ở ven sông Hồng (nay thuộc huyện Khoái Châu – Hưng Yên). Địa thế đầm Dạ Trạch xung quanh đều là đầm lầy, cây cỏ um tùm bụi rậm che kín. Quân của Triệu Quang Phục đóng ở một bãi đất cao nằm giữa đầm. Trần Bá Tiên đóng quân bên ngoài nhưng không cách gì tiến công vào được. Trong khi đó, đêm đêm, quân của Quang Phục lại đi thuyền độc mộc ra tập kích bất ngờ rồi rút lui. Trần Bá Tiên đánh mãi không được định bụng cầm cự lâu dài cho quân của Triệu Quang Phục hết lương sẽ phải mệt mỏi thì sẽ đánh vào. Nhưng năm 550, nhà Lương gọi Trần Bá Tiên về dẹp loạn trong nước, việc quân ở đây giao lại cho tì tướng Dương Sàn. Nhân cơ hội ấy, Triệu Quang Phục tung quân ra đánh lớn. Dương Sàn thua trận bị giết. Quân Lương tan vỡ chạy về nước. Nền độc lập của nước Vạn Xuân được bảo vệ.

– Năm Bính Ngọ (766), Phùng Hưng, người ở quận Đường Lâm (nay là Phú Thọ – Sơn Tây) đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, chỉ trong vòng mấy tháng đã tiến đánh chiếm phủ Đô hộ của quan đô hộ nhà Đường là Cao Chính Bình, khiến Cao Chính Bình lo sợ lâm bệnh mà chết. Phùng Hưng chiếm giữ phủ thành, dựng nền tự chủ. Đến năm 791 thì mất. Nhân dân ái mộ, lập đền thờ và tôn danh hiệu là Bố Cái Đại Vương, (nghĩa là tôn Phùng Hưng là Cha, Mẹ) để ghi nhớ công lao đánh giặc cứu dân của Ngài.

– Năm Nhâm Ngọ (1042), niên hiệu Minh Đạo, Vua Lý Thái Tông (1028-1054) đã ban hành Bộ hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam; mở đầu trang mới trong lịch sử pháp quyền nước ta. Từ nội dung của bộ luật đó mà sau này vào niên hiệu Hồng Đức, vua nhà Lê là Lê Thánh Tông làm cơ sở để cho biên soạn và ban hành bộ luật định thời Lê sơ mà ta quen gọi là bộ Luật Hồng Đức.

– Năm Giáp Ngọ (1054), ngay sau khi lên ngôi, vua Lý Thánh Tông cho đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Quốc hiệu Đại Việt do ông đặt kéo dài suốt thời kỳ trị vì của ông và các con cháu nhà Lý (171 năm).

–          Năm Mậu Ngọ (1078), Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt. Bài thơ “Nam quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt – Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta ra đời.

Nguyên bản:

南國山河

南 國 山 河 南 帝 居

截 然 定 分 在 天 書

如 何 逆 虜 來 侵 犯

汝 等 行 看 取 敗 虛

 

Bản phiên âm Hán –Việt:

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

 

Bản dịch thơ:

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,

Rành rạch định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời

– Năm Mậu Ngọ (1258), sau khi không thành công trong việc chiêu dụ nhà Trần phục vụ kế hoạch đánh chiếm Nam Tống, quân đội Mông Cổ khoảng 4 – 5 vạn kỵ binh và bộ binh do các tướng Triệu Ngột Lương và Quỳ Hợp Thai ồ ạt tiến vào nước ta, mở màn cho cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ nhất.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, thì lúc bấy giờ do thế giặc mạnh, sau 2 ngày giao chiến, vua tôi nhà Trần phải lui về Phù Lỗ (nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội) rồi rút khỏi thành Thăng Long thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”.

Quân Nguyên Mông đắc thắng tiến vào Thăng Long nhưng họ vấp phải việc đại kỵ trong hành quân là thiếu lương thực và nước. Trong khi đó, dưới sự chỉ huy của Thái sư Trần Thủ Độ, vua tôi nhà Trần tận dụng cơ hội, tập kích quân địch bất ngờ vào đêm 28/1/1258. Quân Nguyên trở tay không kịp, rối loạn hàng ngũ và bị quân đội nhà Trần truy kích phải chạy dọc sông Thao về phía Bắc.

Kết quả là chỉ sau nửa tháng chiến đấu, quân dân nhà Trần đánh bại đội kỵ binh được xem là hùng mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó. Chiến thắng này mở ra niềm tin mãnh liệt để 27 năm sau, vị tướng lừng danh triều Trần là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh toàn quân đánh bại quân Nguyên Mông thêm 2 lần nữa ở các trận Vạn Kiếp, Hàm Tử (1285) và Bạch Đằng (1288). [Năm Nhâm Ngọ (1282): Nhà Trần mở Hội nghị Bình Than, bàn kế hoạch chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai].

– Năm Bính Ngọ (1426), vào tháng 10, khi nhận thấy quân Minh ở cả Nghệ An và ở ngoài Đông Đô không cón bao nhiêu, Bình Định Vương (Lê Lợi) bèn sai tướng Lý Triện, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Đỗ Bỉ tiến đánh vùng Quốc Oai, Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đái (Bạch Hạc) Tuyên Quang  để chặn đường viện binh của quân Minh từ Vân Nam sang. Quân Minh vừa đến Tốt Động thì bị phục binh của quân ta bốn mặt đổ ra đánh chém. Quan Thượng Thư là Trần Hiệp,  Nội quan là Lý Lượng cùng 50.000 quân lính nhà Minh phải bỏ mạng , hơn 10.000 tên bị bắt sống. Quân ta còn thu được vô kể đồ đạc khí giới, voi, ngựa. Tướng giặc Phương Chính và Mã Kỳ hoảng loạn chạy tháo thân về thành Đông Quan cố thủ cùng Vương Thông.

– Năm Bính Ngọ (1786), được dân ủng hộ, lại có tài năng quân sự lỗi lạc của Nguyễn Huệ nên chẳng mấy chốc thế lực của chúa Nguyễn ở Đàng trong bị đánh bại. Nguyễn Huệ dẫn quân ra Bắc dưới danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, chỉ trong thời gian ngắn đã tiêu diệt thế lực họ Trịnh mục ruỗng. Lần đầu tiên sau mấy trăm năm bị chia cắt, non sông nước ta lại quy về một mối.

– Năm Canh Ngọ (1930), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản, tổ chức Hội nghị hớp nhất ba tổ chức Đảng ở Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Năm Nhâm Ngọ (1942) Hồ Chí Minh bị bọn phản động Tưởng Giới Thạch bắt giam, đày ải qua 14 nhà tù ở Trung Quốc. Chính trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù”.

– Năm Giáp Ngọ (1954), với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của nhân dân Việt đã dẫn đến sự cáo chung của Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Hiệp định Geneve về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương (trong đó có Việt Nam) được ký kết ngày 21/7/1954.

– Năm Mậu Ngọ (1978), chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thắng lợi. Quân tình nguyện Việt Nam giúp lực lượng cách mạng Campuchia đập tan tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt-Iengxary và giúp cách mạng Campuchia thành công vào ngày 7/1/1979.

– Năm Giáp Ngọ (2014), hy vọng Việt Nam sẽ xây dựng nội lực hùng mạnh làm đà để giành lại Hoàng Sa và Một phần Trường Sa của ta bị Trung Quốc chiếm trái phép.

Đinh Kim Phúc

 

 

Có 19 bình luận về NHỮNG NĂM NGỌ TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM

  1. Anh Đặng Kim Phúc thân, người dân ta sống ba miền Bấc Trung Nam, ngày nay sống trên năm châu bốn bể, sống bất nơi đâu, dẫn mang dòng máu Lạc Hồng, Hồn thiên sông núi cứ sống trong lòng, mỗi lần đọc trang sử hào hùng của cha ông, máu trong người như được đốt nóng. Người em nầy rất kính phục những phát biểu thẳng thắng đầy nhiệt huyết của anh, những bài viết về quê hương và đất nước của anh đệ đón đọc một cách hào hứng và lấy làm thích thú.

    • Phú Thạnh nói:

      Bài viết của ĐKP bao giờ cũng còn giá trị, bởi vì nó là tư liệu lịch sử,sống mãi với thời gian, là hành trang không thể thiếu tong kiến thức của người Việt có tinh thần dân tộc. Cám ơn ĐKP…

  2. Một Lúa nói:

    Lịch sử luôn chờ đợi những người làm nên lịch sử. Cố gắng nha bạn.

  3. Hoàng Hưng nói:

         Cám ơn Đinh kim Phúc, Từ năm Bính Ngọ (1786) trở về trước đã biết rồi, từ năm Canh Ngọ (1930) về sau thì nhờ Đinh kim Phúc. Ờ! Hình thứ nhì (hình bán thân ông có râu đó) sao giống “ông có râu” trong một tờ giấy bạc 500 quá.

    • Lương Minh nói:

      Ông đó là thần tượng của mình, sở thích của mình lúc đó là đức Thánh Trần, mình ao ước lúc nào cũng có ngài bên cạnh. Không biết HHg có thích giống mình không ?

  4. Hoàng Hưng nói:

      Y chang

  5. DKP nói:

    Anh HH, hiểu ý anh rồi. Năm 1930 và 1942 xin anh đọc kỹ dùm sẽ thấy: DKP chép Sử. Nhiều khi DKP cũng muốn học theo Tôn Thọ Tường nhưng sao khó quá: “Thà mất lòng anh đặng bụng chồng”.

  6. Hoàng Hưng nói:

       Chúc Đinh Kim Phúc ăn Tết thật vui vẻ bên con, và hãy yêu thương con gấp đôi. Ờ! Anh đã ở bên Mã một thời gian, hình như anh không thấy bên Mã có “chim én.”

  7. DKP nói:

    Anh HH ơi, hiện nay ở Mã có rất nhiều én ở VN bay sang, nhiều hơn én TQ. Cạnh căn hộ của các con em đang ở có 3 con mới bị trục về VN nên hơi tiếc.

  8. Nguyễntuyết nói:

    Ăn Tết bên Mã xong, rồi chừng nào qua Or.. , qua Ar. hoặc qua Fr….khi nào đổi bến đò , chắc ông ĐKP sẽ ngồi mà viết sử hằng đêm…Chúc  ĐKP ăn tết vui vẻ và ấm áp bên cạnh các con…Anh chị Wilson hỏi tôi là ĐKP lúc này thế nao , qua du lịch chưa, đang ở đâu… sao đến hẹn lại không lên… có gì thì nhớ mail cho tui biết . Cẩn trọng và giữ gìn sức khoẻ.

  9. Phong Tâm nói:

    Định nói nhiều  để  tỏ lòng với bài viết vế Lịch sử của Đinh Kim Phúc, nhưng…” Ngó lên tay điếu thuốc cháy lụi dần”…

    (Hồ Dzếnh) . Mong phát huy những bài viết về Lịch sử như thế nầy. Cám ơn Phúc!

  10. DKP nói:

    Anh Phong Tâm, chỉ sợ ông LM không dám đăng thôi! Thí dụ như vầy: Dân gian ta thường nói 21 Lê Lai, 22 Lê Lợi là nhằm nhắc đến công Lê Lai cứu Chúa. Nhưng ai đã giết Lê Lai? Cha, vụ này vui nha.

  11. Nguyễn Thế Thăng nói:

         PHÚC thân mến;

         Có lẽ sau này chúng ta không dịch nghĩa, diễn nôm câu ” Nam quốc sơn hà NAM ĐẾ cư” một cách đơn giản, khiêm tốn là ” Sông núi nước Nam  VUA NAM ở” ,  phải để nguyên từ  “NAM ĐẾ”  thôi !.   Bởi, đế – hoàng đế cao hơn vương – vua một bậc;  là bề trên, kẻ cả của các vương – vua.

         NAM ĐẾ  là hoàng dế nước Nam, trong tâm thức  NAM ĐẾ  tự xem mình ngang hàng với hoàng đế nước phương Bắc.  Hùng khí của nguyên tác ” Nam quốc sơn hà”  là ở chữ “ĐẾ” . Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có rất nhiều vị xưng là ĐẾ , chứ đâu có chịu chỉ là  Vương .                                                                            – NTT –

     

    • PhươngNga nói:

      Nhờ anh Thế Thăng mới biết ra từ ĐẾ “ngon lành” như vậy.  

      Hèn gì  người ta không dịch rượu đế là rượu vương-vua, mà gọi là rượu ĐẾ

  12. Nhóm YAMAHA nói:

    DKP ơi ! chị đọc báo SGGP là Nn ta kêu gọi các nhà nghiên cứu lịch sử, viết sử về TRƯỜNG SA, HOÀNG SA, để thế hệ sau rõ. Thầy có tham gia chưa!? Ai giết LÊ LAI, nhờ HHưng hỏi NGỌC HOÀNG giúp, được hông ta? nhưng mà ngày 23 đã qua, thôi chờ 23 năm sau vậy.

                                                                                              Thương mến.

                                                                                          

  13. DKP nói:

    Nghiên cứu Sử Việt bao giờ cũng có bất ngờ lý thú: Quân Minh không giết Lê Lai mà chính là Lê Lợi sau khi xưng vương đã giết Lê Lai!

  14. Nguyễntuyết nói:

    Nhà sử học ĐKP ghi 21 LL , 22 LL , còn 23 thì sao ta , đi hỏi cái bụng tào tháo thì ra thôi , chỉ có làn khói bay lơ tơ tư xa, nên kẻ hiền nhân bị nạn , bị phụp 1 cách đau thương để lại bia miệng đời đời.. biết vậy… mà ngu .. vẫn trung … cơ khổ cơ khổ ! thôi nhắc chi nững chuyện đau buồn thế nhân ….bỏ qua đi tám,9 bổ thành 10.

  15. Hoàng Hưng nói:

         Ngày xưa hình như thầy Lê Kim Ngân có nói sơ qua về nghi án Lê Lai cho nghe rồi, thầy khẳng định Lê Lai không chết nơi sa trường. Những sử gia thời Lê Lợi không nhắc đến, hay không dám nhắc đến vấn đề này. Tương tự như vậy cũng có thể xảy ra ở những “triều vua khác,” nhưng thôi, chuyện Tống phước Hiêp thì Thế Thăng là bạn, Đinh Kinh Phúc là đàn em. Bây giờ Thế Thăng và Đinh Kim Phúc có học vị ngang hàng với các thầy hồi xưa rồi, nên trong lảnh vực Sử học, Thế Thăng và Đinh Kim Phúc là thầy. Chờ đọc những bài viết về sử thật khách quan và thật “sử” của hai thầy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác