ĐÔI ĐIỀU VỚI NHÀ THƠ PHONG TÂM

Ngày đăng: 2/11/2013 11:57:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (27)

 Lâu rồi trang nhà không có bài phỏng vấn nhân vật. Lần này, SOS nhờ anh Hồng Băng phỏng vấn nhà thơ Phong Tâm để biết thêm về chuyện đời của tác giả cũng như chuyện “bếp núc” trong sáng tác. Qua cuộc trò chuyện này, độc giả có thề biết thêm về hành trình sáng tác thơ của PT trong khoảng thời gian hơn bốn mươi năm, sự ẩn nhẫn chờ thời để ngày nay tiếp tục có mặt trên thi đàn. Bài viết có nhiều điều thú vị nhờ người phỏng vấn và người được phỏng vấn đã biết tiếng nhau dù một năm trước đây chưa hề gặp mặt. Những thắc mắc của HB (cũng như của bạn đọc) giờ đã được giải tỏa. Nghe nói, bài viết này sẽ được in trong quyển sách văn học sẽ xuất bản vào cuối năm (SOS)

                                     Hồng Băng và Phong Tâm

HỒNG BĂNG(HB) Biết nhau trên thi đàn cũng tròn trèm trên 40 năm, chừng ấy cũng đã là nhiều, cũng đủ để hàm hồ khoác vai tâm sự. Thưa anh Phong Tâm: Biết nhau cũng đủ lâu rồi /  Chốn thăng trầm tỏ đôi lời để sau.

PHONG TÂM (PT) Trong một lần vui miệng, thi sĩ Kiên Giang đọc mấy câu thơ diễn tả về tôi. Rất tiếc,  tôi chỉ còn nhớ mang máng câu thơ đầu: “Phong Tâm có máu trong thơ”… Có lẽ can cớ đưa tôi đến với thơ có một phần cảm nghĩ này của anh. Bởi sự đam mê ấp ủ thơ trong tôi có từ rất sớm. Dầu vậy, mãi đến thập niên 50 mới làm quen với thơ. Bài đầu tiên đăng trên báo “Tiếng chuông” ông Đinh Văn Khai chủ nhiệm, vào khoảng năm 60, đây chính là năm tôi thật sự sáng tác.

Vào năm 1962 cùng với nhóm bạn sinh viên họp lại thành lập Thi văn đoàn (TVĐ)  Phương Ngàn (BT). Buổi đầu có 7 cây viết sáng tác, sau đó tăng thêm tổng số được 14, hoạt động tới năm 1965 do nhiều hoàn cảnh nhóm này tự tan rã.

Đầu năm 1969, kết nối được một số bạn viết có nhiều thành phần, tôi đứng ra thành lập TVĐ Mai Vàng – Cái Mơn (lấy địa danh Cái Mơn làm đặc điểm cho Mai Vàng). Lúc đầu có 9 thành viên, sau những trang mục của các báo Sài Gòn giới thiệu về bút nhóm, TVĐ thì các nơi từ Quảng Ngãi trở vào miền Tây- Đồng bằng sông Cửu Long gửi thư và bài vở về gia nhập, đạt số bạn TVĐ trên 40. Phần đông là sinh viên học sinh đang ngồi ghế nhà trường. Người đỡ đầu cho TVĐ Mai Vàng là thi sĩ Kiên Giang và nhà văn Sơn Nam. Anh Kiên Giang cũng đã xây dựng một chương trình đặc biệt giới thiệu những khuôn mặt của TVĐ Mai Vàng trong chương trình thi văn Ban Mây Tần phát sóng trên đài phát thanh Sài Gòn do anh phụ trách. Bài viết của nhóm thường đăng trên các báo Sài Gòn và thường xuyên trên tờ báo Điện Tín thời bấy giờ. Nhà báo Mặc Tuyền, nhạc sĩ Bắc Sơn trực tiếp ủng hộ tạo cho nhóm phát triển, hoạt động đến đầu năm 1975 .

Sau năm bảy lăm, tôi chính thức về lại quê nhà xứ Cái Mơn (Bến Tre) tham gia vào ngành giáo dục. Bài thơ tôi viết sau đêm 30/4 là bài “Hoa vàng năm cánh nở”, thầy Tô Phước Hậu phổ nhạc, tập cho học sinh trung học hát dưới cờ, có lẽ thầy Hậu vẫn còn nhớ riêng tôi nay đã quên mất cả nhạc lẫn lời thơ, Không hiểu vì tình cảm, tâm lí, hoàn cảnh hay chưa kịp thích nghi với thời đại mới lúc này hoặc có nhiều trăn trở về nhận thức đã ảnh hưởng đến sáng tác mà tôi không thể viết được nữa? Có một điều tự nhận biết được là không tìm được cảm xúc thật, chưa thấy an tâm. Viết mà phải cố gò nắn cho đúng hướng, cứ lo sợ sơ xuất sai lạc bị hiểu lầm. Có những bài viết xong, đọc lại thấy ca ngợi trống rỗng không xuất phát rung động từ trái tim, tự thấy trơ trẽn thì sao gọi được là thơ, có mảnh đất nào tiếp nhận tự nó không lối thoát, đành từ bỏ thói quen mê thơ và làm thơ.

Tất cả thơ đăng báo viết về tình yêu, tình quê hương, cả bản thảo, bản nháp lưu tồn để kỉ niệm trước bảy lăm lần lượt cân ký bán gói đồ, làm giấy vệ sinh, thất lạc chỉ còn một vài bài chưa rớt ra khỏi kí ức là còn.

Đến năm 1988 – 1989, do một cơ duyên đưa đến, có hai người khách lạ không biết từ thông tin nào đã đến trường trong giờ dạy học tìm tôi, sau đó mới biết Nguyên Tùng, Hàn Vĩnh Nguyên là hai nhà văn ở hội Văn học Nghệ thuật BếnTre, gợi ý động viên tôi viết lại và gởi bài tham gia tạp chí Văn nghệ Bến Tre (tiền thân của Văn nghệ Hàm Luông hiện nay). Cũng chính Hàn Vĩnh Nguyên từng lặn lội đến tận nhà góp ý chọn bài, đúng vào lúc tôi có bài viết cho tờ báo địa phương “đặc san Chợ Lách” vì nhận lời Nguyễn Tân ở Phòng văn hóa thông tin và Lương Minh – nay là nhà báo đang công tác tại tờ “Thời báo Tài chính Việt Nam” TPHCM.

Với Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, nơi giúp tôi thêm động lực trở lại với thơ. Ban biên tập đầy tình cảm ưu ái tạo mọi điều kiện cho tôi sáng tác và đi bài. Các bạn nhà văn, nhà thơ Hồ Trường, Vũ Hồng, Kim Ba, Nguyên Tùng, Hàn Vĩnh Nguyên đến Nhật Nam, Mỹ Lệ… là những người đồng hành giúp tôi có cảm hứng sáng tác được nhiều người biết đến. Tôi luôn nhớ nhà văn Vũ Hồng, ở Cần Thơ có nhà thơ Lê Chí chuyên trách tạp chí Bông Sen.

Khuynh hướng sáng tác của tôi thuộc loại thơ trữ tình nhắm vào quê hương , gần gũi nhất là cha mẹ, tình yêu. Về thế sự, không thích ngợi ca vì đã có nhiều người làm, tránh va chạm đến chuyện phức tạp, những điều chưa biết. Tôn trọng nghệ thuật mài mò tìm kiếm hướng đi mới cho thơ mình, nhờ vậy mà may cho tôi, không bị tai nạn nghề nghiệp như vài bạn thơ khác,  bị gán về quan điểm hoặc vô tình “phạm húy” người đương thời mà sau thời mở cửa họ là những người viết bị hàm oan.

Không phải ngẫu nhiên tôi thành lập TVĐ Cái Mơn lấy hoa mai ghép địa danh làm biểu tượng cho nhóm. Bởi khi thấy mai vàng nở là nghĩ đến Tết cổ truyền của dân tộc, nghĩ về quê hương là nhớ nơi chôn nhau cắt rún, nơi nhà bác học Trương Vĩnh Ký sinh ra. Lấy Mai Vàng Cái Mơn là một biểu tượng cho tình yêu quê hương, vì vậy trong thơ tôi vương mang chất trữ tình mộc mạc từ quê xứ sở mà không phải đòi hỏi đề tài lớn lao nào khác.

H B :Cái Mơn cho những dòng sông, những ngàn hoa khoe sắc… Những kí ức đã chuyển thành thơ ca. Điều gì khiến anh vẫn mài mò và tiếp tục thể hiện?                

                         Hoa và sông trải trong thơ

                   Mai sau còn đọng trên tờ giấy trinh.

PT: Sinh ra, lớn lên và sống quanh năm với sông nước nơi vùng đất kinh mương đào ngang xẻ dọc để tháo nước rửa phèn, ươm cây, hái trái qua bao đời của tiền nhân và đời sau liên tục chuyển đổi giống cây trồng. Giờ đây khắp nơi biết đến Cái Mơn như một địa chỉ hoa kiểng cho du khách tìm về. Với tôi, hồi còn nhỏ đã biết được cha mẹ vất vả, nghèo nàn trong tay không có được nắm đất chọi chim, mở mắt trong mái nhà lợp lá, dừa tre xiêu vẹo, lại tiếp cận sớm với sông rạch để kiếm sống, với bao nỗi bất công vây quanh bên những con người tốt bụng… hình thành trong tôi nhiều ấn tượng nằm sâu trong kí ức đã nuôi dưỡng tâm hồn. Kết hợp với tình yêu thương có được trong đời là những thứ tạo nguồn cảm hứng chuyển thành thơ ca mà tôi dựa vào đó để làm nên tác phẩm của mình.

Thơ vốn là nghệ thuật đầy màu sắc, đẹp như tình yêu, có sức hấp dẫn đầy quyến rũ khó giải thích được. Thật ra tôi làm thơ chưa bao giờ nghĩ đến sẽ trở thành nhà thơ, cũng chưa bao giờ dám mang danh xưng này vào người dẫu là kì vọng, bởi vì tôi làm thơ chỉ xuất phát từ sự đam mê, viết để cởi mở tấm lòng thỏa mãn niềm yêu thích, làm thơ cũng là cách để tu dưỡng tâm hồn nói lên được cái đẹp,  cũng có nghĩa là loại dần được cái xấu  đang tiềm ẩn tồn tại trong bản thân.  Làm được một bài thơ hay có người đọc, chia sẻ là niềm hạnh phúc. Tôi có gần 20 bài thơ được những người thân thiết hoặc sơ giao như nhạc sĩ: Bắc Sơn, Xuân Hòa, Kiều Tấn Minh, Trần Thế Kỷ và Hà Xuân Hiệp phổ nhạc. Tuy rằng chỉ để kỉ niệm,  ít phổ biến, cũng đã khích lệ tạo thêm cho tôi nguồn cảm hứng sáng tác.

Tình yêu tình quê hương nói chung ngấm sâu vào máu thịt ,lay động cảm xúc không ngừng cho tới giờ này vẫn còn rung cảm trong tôi. Chính câu mở đầu trong chương trình thi văn ban Mây Tần của thi sĩ Kiên Giang: “Người ta có thể cất bước rời khỏi quê hương, nhưng con tim  không thể tách rời quê hương được”. Câu này đã theo tôi suốt,  và trong thơ tôi nó tiếp tục thăng hoa.

HB: Xin chân thành cảm ơn Nhà Thơ đã  tỏ bày với tấm lòng chơn chất. Rất mong được đọc những sáng tác mới thấm đẫm tình yêu quê hương dân tộc.

                                                        Cái Mơn, 28.10.2013

 

 

Có 27 bình luận về ĐÔI ĐIỀU VỚI NHÀ THƠ PHONG TÂM

  1. ngocthusa nói:

    Xin. chao anh Hong Bang !!!! Em la Ngoc Thu co vài hàng gui anh !!!! Em là ban hoc từ nhỏ cua vợ anh Huynh Công Luan , tuc nha thơ Huỳnh Tâm Hoai , vợ anh Hoai có hỏi e khi đi. sinh nhat trang TPH-VL.com co gặp anh HB không ! e tra loi có biet , vợ anh Hoai bảo em tả voc dáng anh cho cô ấy nghe , em chiu roi co hình a nhưng khg biết gui !! co the nao a nho  Luong Minh đua giúp hinh a len trang trung Hoc Cho lach , de vo anh Hoai chiêm ngưỡng dung nhan anh không !!! Vai hang mong a HB chap thuan hihi !! NT chờ tin anh HB tra loi !!!! 

    • hongbang nói:

      Thân chào Chị Ngọc Thu,

        Có lẽ nên gọi như thế, vì tôi tuy là bằng hữu với anh Hùynh Tâm Hòai nhưng tuổi thì nhỏ hôn ảnh nhiều. Tôi chỉ được có cái cao hơn ảnh thôi(1.75m). Tôi sính 1952, tại làng Ngãi Xuyên, nơi anh Hòai sống và lớn lên còn tôi thì theo cha mẹ về TràVinh năm 1953. Tôi mang máng nhớ có gặp chị Hòai một lần nhân ghé vội nhà ảnh tìm anh Trúc Phương. Bây giờ nếu gặp Chị ấy chắc tôi không nhìn ra. Việc tải ảnh thì không có gì trở ngại, tùy LMinh thôi, nhưng có lẽ phải đi kèm bài thơ đã đăng trên TPH/ THỬ ĐI VỀ CHỐN CŨ.

         Mừng cho sự góp mặt của chị trên trang TPH và hi vọng đọc thơ chị ngày gần đây, cho vui vậy thôi mà. Thân kính. HB.

         Nhân đây, kính lời thăm anh chị Hùynh Tâm Hòai và gia đình được nhiều sức khỏe, an vui. Nếu có thời gian rảnh, xin vào google, gỏ trangthohongbang, có hình tôi ngày cũ, hi vọng sẽ nhận ra chăng. Thân HB

  2. Một Lúa nói:

    Chào sư huynh Phong Tâm và Hồng Băng,

    Hỗng biết còn có kiếp sau không. Chứ đời nầy Lúa tui được quen với các anh thì thiệt là cơ duyên tốt.

    Một Lúa

  3. trương mẫn nói:

    HÌ..HÌ..

    Chào anh Phong Tâm cùng anh Hồng Băng, nhờ đọc được bài này biết quá trình hoạt động của anh Phong Tâm, quả là phong phú, nhân tiện diện kiến dung nhan anh Hồng Băng, cũng cám ơn anh Lương Minh đưa bài hửu ích và mới lạ này lên.

    CHÚC VUI TẤT CẢ

    • hongbang nói:

         Anh Mẫn ơi, diện kiến dung nhan cái nỗi gì?

                    Ta nhìn ta móm mém da dùn

                     Em vẫn thế, vẫn muôn đời mướt rượt.

                                                         HB.

       

      • không phải lúa nói:

        Khô nước tưới nên da dùn má hóp

        Mặt có nhăn nhưng thơ ý mượt mà

        Đời vẫn vui nhờ nét đẹp thi ca

        Muôn sắc thắm tuôn ra từ nét bút

        (kính tặng 2 đại huynh sư phụ)

  4. Lương Minh nói:

    Mới có  một ngày mà có 9 ý phản hồi. cái này hay à nha. Sáng nay, uống cà phê với Phạm Đức Mạnh, anh có ý mỗi tháng nên trò chuyện với một nhân vật (ưu tiên cho CHS). Tôi đồng ý, nhưng không biết “Nhân vật” được chọn có vui vẻ trả lời không. Mong quý huynh đề nghị và chỉ thêm chiêu thức. (SOS)

  5. Phú Thạnh nói:

    –Cám ơn Hồng Băng, nhờ bạn mà PT*tui mới được biết nhiều về nhà thơ lão thành PT….Hay lắm., PT* sẽ vào thăm viếng vườn thơ của bạn ngay..

    –Anh PT kính mến .Rất cảm ơn anh qua bài tự thuật làm thơ của anh rất dễ thương và rất đáng nễ…Bề dày lịch sữ thơ văn của anh khộng phải ai cũng dễ kiếm được..Chúc anh càng thăng hoa hơn nữa…

    —Bạn NHA thân mén…Xin cho tao tiếp mày 2 câu để gọi là phấn đấu chạy theo đại huynh PT nhé:

    …Dừa non dừa nạo Long Hồ

      Quyết lòng theo bước Dừa khô dừa già……(hi…hi…hi..!!!)

     

  6. Phong Tâm nói:

    @ Một Lúa, tôi cũng thấy lạ như Hồng Băng, Trong thơ Nguyễn Bính dặn con gái đừng lấy chồng thi sĩ…khổ lắm!

    @ NHA,  xin mượn ý ông bạn già cải biên:

    ” Dày cơm lắc nước ( dầu ra ) già râu/ Da khô má hóp còn đâu mượt mà!”

    @ Trương Mẫn (T.V.Phú) – Quả là Phong Phú bạn ơi, Mình còn chút xíu bỏ đời đi đâu!?

    Theo bạn không phải lúa còn có hy vọng: Khô-Mặt-Đời-nét bút thắm tuôn ra ( nhặt trong 4 câu trên )

    @ Ngoc Thu, Thanh Nhi, mừng trễ 2 bạn đăng ký bước chân vào…Chợ Thơ! 

    • không phải lúa nói:

      Chào các sư huynh,

      Thi sĩ Nguyễn Bính ngoài tài làm thơ, chắc lâu lâu cũng có ngắm mấy cô hái mơ nên dặn con gái như vậy.

      Còn các sư huynh có ngắm các cô gái hái chôm chôm, dáng người xinh đẹp dịu dàng của miền sông nước cù lao cây lành trái ngọt để tạo hứng thú nhả thơ lai láng như Nguyễn Bính hay không.

  7. Phong Tâm nói:

    Cám ơn lời khích lệ của bạn già Phú Thạnh, tiếp vui với 2 câu của anh.

    Dừa treo, dừa rắm khô da

    Một mai lên mộng cây già trái non.

  8. Phong Tâm nói:

    Theo gợi ý cùa bạn Phạm Đức Mạnh và lời kêu gọi của Lương Minh, tôi thấy sáng kiến hay coi như có ” thực đơn ” mới hấp dẫn ( ưu tiên cho CHS ) là đúng.Theo cá nhân tôi nghĩ quí vị am hiểu trong bạn bè nên đề nghị ” Nhân vật ” và LM chịu khó liên hệ hỏi ý người bạn được mời hợp tác thực hiện, tôi tin rất bổ ích và vui!

  9. Một Lúa nói:

    Nếu có ai bầu Cả Lần, cho tui theo một phiếu. Nếu có câu hỏi về xã hội, cho tui ké một câu.

  10. Phạm Đức Mạnh nói:

    Kính gửi: Anh HỒNG BĂNG  và Anh PHONG TÂM

                      Sau khi đọc bài “Đôi điều với nhà thơ Phong Tâm”, tôi nói với SOS: “Đây là mục hay, cần được duy trì và phát huy. Ít nhất mỗi tháng cũng phỏng vấn-trao đổi được 1 người để bạn đọc gần xa có cơ hội biết thêm những thông tin và sự chia sẻ của người được PV với trang nhà. Nếu cạn nguồn thì mở rộng đối tượng PV ra bên ngoài và ở nhiều lĩnh vực để giao lưu, trao đổi. Nếu làm tốt, trang TPH chỉ có được chứ không mất gì cả”.

                     Đọc bài phỏng vấn đầu tiên của anh Hồng Băng với nhà thơ Phong Tâm – những điều tôi muốn biết về nhà thơ (tuy chưa đầy đủ) mà chưa có dịp hỏi anh PT thì nay đã được PV Hồng Băng ghi lại rất thực. Đó cũng là lời giải cho câu hỏi bấy lâu của tôi: “Sao ông PT làm thơ hay và nội lực vẫn sung mãn ở tuổi ngoài hoa giáp?”. 

                     Tuy nhiên PĐM tui cũng phát hiện ra một lỗi nhỏ trong quá trình tác nghiệp phỏng vấn của anh HB khi nhìn tấm hình: chẳng hạn, gương mặt của anh hơi căng thẳng không biết lần đầu thêm nghề, hay trước nhân vật “bự” xứ Nguyễn Đình Chiểu… làm anh “khớp”. Vấn đề tiếp theo, thấy anh thập thò tay vô túi (nếu lấy máy ghi âm thì không sao), còn nếu đó  là thiện ý chiêu đãi cafe để cảm ơn nhà thơ đã nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc trao đổi-phỏng vấn của anh thành công mĩ mãn, và còn thêm  “túi quà” tặng để trên bàn nữa !!! – nếu đúng như vậy, chuyện chẳng có gì sai, nhưng thành tiền lệ sẽ chết NB tụi này khi đi PV anh HB ơi!? Nhưng mà nghe anh PT trả lời PĐM cũng muốn đãi anh 10 ly cũng zui!

             Xin cảm ơn PV Hồng Băng nhiều nhiều.

    • Phong Tâm nói:

      Thân mến nhà báo PHẠM ĐỨC MẠNH,

                  Đúng là bạn nhà ta tinh thật, chỉ một chi tiết nhỏ cũng ” chạm dây nghề nghiệp “! Theo tôi hiểu HB đưa tay vào túi ” gãi nhẹ ” trái tim thôi. Tôi trả lời Pv của HB, ( viết rất trung thực về đời sống và làm thơ của mình ). Tới nay còn làm thơ được vì còn tình yêu chảy trong tim… chứa đầy ắp trên những dòng sông quê hương.

                  Đọc tập thơ ” Đừng Theo Trăng Em Nhé ” của Mạnh, tôi trăn trở khôn nguôi bởi nghe được trong tôi có quá nhiều cảm xúc. Ước gì còn ở tuổi của Mạnh cho mình viết được nhiều hơn. Một Nhà Báo làm thơ như bạn đáng được gọi là Nhà Thơ, thành thật chúc mừng Phạm Đức Mạnh và đang chờ đọc ” ĐONG ĐẦY KỶ NIỆM ” của bạn.

  11.          Chú Phong Tâm và anh Hồng Băng kính mến!

      Nhờ bài phỏng vấn nầy cháu hiểu về quá trình làm thơ của chú . Bấy lâu nay cháu rất ư kính trọng chú, nay đọc bài nầy cháu càng kính mến hơn nhà thơ . Sáng tác thơ nhà thơ thường phải tuân thủ niêm luật, tuỳ theo thể thơ tuân theo cách giẹo vần, người ta có cái lầm tưởng bị gò bó vào khuôn khổ; nhưng thực tế không phải vậy . Nhà thơ thường không lệ thuộc vào những thế tục khác, và không ai có thể sai khiến nhà thơ phải sáng tác như thế nào, ý chí đó cháu đã bắt gặp ỏ con người của chú, thật là kính phục . Cháu định nhiều nữa thời gian không cho phép .

    Chúc chú và anh Hồng Băng khoe mạnh ,sáng tác nhiều bài thơ cho đời .

    • Phong Tâm nói:

                  Võ Châu Phương mến,

                  Đọc lời tâm tình của Phương, tôi nghe lòng ấm lại. Rất cám ơn VCP chịu khó lắng nghe và theo dõi cuộc đời và bước đường…thơ của tôi, lại dành cho nhiều tình cảm đẹp!  Mặc dầu tự thấy mình chưa xứng đáng với những gì P đã dành cho, nhưng cũng coi đó là sự khích lệ đáng trân trọng để tôi tiếp tục tu dưỡng cho chính bản thân mình.

  12. KiềuOanh nói:

    Đọc bài phỏng vấn của anh Phong Tâm mà KO hết hồn. Thơ xem như là máu tim của người nghệ sĩ mà anh nỡ đem những bản thảo của các bài thơ trước bảy lăm đi …cân ký hết trơn, không còn lưu giữ để làm kỹ niệm. Uổng ghê! Em sẽ không khen ngợi anh nữa đâu vì mọi người đã sử dụng hết ý hết từ để khen rồi, hehehe. Mong là hôm nào anh rãnh rang thì cho em xin một bài làm kỹ niệm, nhưng nhớ là đừng phổ biến rộng rãi nhe, mắc cở lắm! Chúc anh sáng tác thật hăng.

    @ Anh Phạm Đức Mạnh, anh Lương Minh, Em xin ủng hộ ý kiến mỗi tháng tổ chức phỏng vấn một thành viên trong trang nhà, không cần phân biệt CHS hay CTV, vì ai cũng lần lượt đến phiên hết. Có thể mở rộng nội dung phỏng vấn, và các ACE đều có thể tham gia đặt câu hỏi. Cần thông báo trước cho nhân vật và các ACE để tất cả có thể tham gia phỏng vấn nhân vật (một việc sau hậu trường là nhân vật có quyền từ chối trả lời nếu không biết rỏ tác giả câu hỏi là ai? Việc này phải nhờ anh Lương Minh rùi.) Dĩ nhiên sinh hoạt này chỉ mang ý nghĩa giao lưu, Bên cạnh việc hiểu biết thêm về người bạn của mình đồng thời cũng giúp mang lại những phút giây vui vẽ, những tiếng cười sảng khoái vốn rất cần cho các ACE ở tuổi của chúng ta. Xin hết!yes

  13. Phong Tâm nói:

    Tiện đây ” bật mí ” cho Kiều Oanh biết để ” phụ đau bụng ” với PT. Sở dĩ đành bứt ruột cân ký bán hết tài sản…trái tim là vì trên loa phóng thanh lúc đó hằng ngày suốt tháng cứ xoáy vào lỗ tai: ” Yêu cầu tất cả báo chí, sách vở cũ…đồi truỵ phải đem nộp cho cơ quan TN xữ lý, ai cố tình giấu giếm thì…” Dầu ( thơ không đồi truỵ cũng là cũ ) hết xài còn để làm gì!? Bỏ sạch, bán sạch để làm lại thơ mới chứ! Ai biểu mình không thông suốt, cứ nghe là…tích cực, bây giờ…tức bụng ráng chịu! Thơ mới cho KO thì hứa nhưng lỡ lâu thì ráng khấn cho PT sống thọ nghen. Chúc Kiều Oanh vui mỗi ngày!

  14. ngocthusa nói:

    Than gui Kieu Oanh !!! em khieu nai  !!! cung duoc nhưng cho chi NT nói đôi lời găp K O hôm ngay sinh nhật TPH-VL , chị Ngọc Thu va , MyLinh  , co chú ý dến  “cô nàng xinh xinh”. Chị chỉ ML , bảo làm quen nàng này , nhưng mà hởi ơi cứ bị anh chàng Dinh Kim Phúc cứ lẻo đẻo theo nàng Kieu Oanh mãi nên tụi chị đành mất cơ hội, KO ơi !! Cho chi lên lịch cho năm tới bắt DKP đền thôi !,Nói vậy chứ. để chị đền, chịu chứ?  Chị gui den KO loi chúc an lành , và hanh phúc ! than ái. Chi sẻ gửi ảnh đẹp, khg phải mờ mờ  như ảnh lảo mập đưa chờ nhé KO chi NT 

  15. Linh Thy nói:

    NT Phong Tâm kính mến!

    Nhờ tin báo bão, LT thức ” đón bão”, nên lang thang khắp trang TPH…đã đọc và biết rõ hơn về cuộc đời hoạt động văn học của thầy.

    Thầy đúng là người công dân gương mẫu, nên đôi lúc có hơi thiệt thòi nhỉ…hihiii….

     Thôi thì đành giữ lại những gì ở trong tim vậy!

    Xin chúc Thầy trường thọ và mãi thăng hoa trong những vườn mai vàng Thầy nhé!

     Kính

                Linh Thy

    • Phong Tâm nói:

             Thân chào Linh Thy,

              Rất hân hạnh tiếp người đồng hương bạn thơ mới trang TPHVL. Được biết quê nhà LT thuộc Bình Phú,BT chỉ cách dòng Hàm Luông ngó qua và hiện sinh sống tại Bình Dương, có thơ đăng trên Lục Bát VN.com và trang BBXN, vì nhớ quê rảo bước bắt gặp được người quen nên ghé vào đây giao lưu, tỏ lòng!

              Dù không rõ lắm nhưng tiếng gọi thầy êm ái LT dành cho và chia sẻ với bài nói về mình PT rất cảm động và rất cám ơn! Mong rằng LT sẽ tìm được hơi ấm quê hương nơi trang này và tiếp tục giao lưu. Thân mến. ( PT )

  16. KiềuOanh nói:

    @Anh Phong Tâm: Lúc ấy “Yêu cầu tất cả báo chí, sách vở cũ…đồi trụy phải đem nộp cơ quan…”,hahaha em biết rồi, chắc thơ anh lúc đó có chút “đồi trụy” nên anh sợ mà hủy hết chứ gì? Lúc ấy nếu mà “Em bỏ sót khuy cài trên nút ngực…” thì gặp rắc rối to rồi, nên thủ tiêu hết cho chắc ăn anh hé.hihihi.Em nói đùa cho vui, Thơ cho em có chậm cũng không sao.Em chờ. Cám ơn anh trước nhe.

    @ Chị Ngọc Thu: KO cám ơn chị quá khen, chỉ tội cho “ai kia” bị nhảy mủi vì bị nhắc đến. hihihi. Lần sau có dịp gặp lại thì bổn phận em út phải đến chào hỏi mấy bà chị của mình trước rồi. Mong sớm gặp lại chị. KO

  17. Phong Tâm nói:

    Kiều Oanh lầm to rồi! Là dân đồng bằng lại là Bến Tre nữa thì dâu có “Đồi non khe suối ” gì đâu mà sợ phải ” nộp “, sợ ngủ không yên thôi, còn câu thơ trên là tấm màn che, KO không nghe các đại thi hào dặn dò là ” ý tại ngôn ngoại ” sao?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác