NHUỜNG ĐƯỜNG ANH ĐI (Phần Cuối)

Ngày đăng: 23/08/2012 09:49:20 Sáng/ ý kiến phản hồi (13)

 

Truyện của Lưu Phương là chuyện tình cảm thuần khiết, không khiêu gợi. Hình tượng người phụ nữ của chị cũng là người phụ nữ Việt Nam (ngày xưa) lúc nào cũng cam chịu bị hành hạ, dù lỗi đó không phải là do mình. Mới đọc cứ tưởng chị không đồng ý cho tư tưởng “Nam Nữ bình quyền” nhưng thật ra chị đề cao người phụ nữ như thánh nhân mà gã đàn ông có lương tâm nào cũng phải tôn thờ (GT)

Một sáng chúa nhựt nhà tôi có hai vị khách nam, một trẻ với một già. Tôi càu nhàu  mẹ khi biết người ta ở nước ngoài về để coi mặt tôi.

 – Sao mẹ không nói trước với con? Con không ưa, họ . . . người nào cũng tỏ ra bảnh chọe thiếu khiêm tốn. Tiếng Vìệt đã nhão ra mà làm bộ bẻ mồm bẻ miệng, lơ lớ như giọng ông Chệt Xín bán chạp phô dưới chợ.

 Tôi tiếp tục dài giọng cằn nhằn:  Nghe phát ghét.

– Con sao hồ đồ, cứ gặp, cứ tiếp xúc vài lần với người ta đàng hoàng đi đã rồi hãy kết luận  Mẹ cau có mắng tôi:  làm hoa thì phải cho người ta ngắm, muốn ế đến chết già phải không?

Vị khách lớn tuổi ở cùng làng tôi, điềm đạm không nhiều lời, còn người khách trẻ thì ăn mặc giản dị, mẹ tôi hỏi gì nói nấy tạo cho tôi cảm giác dễ chịu. Tôi thở phào nhẹ nhõm và thay đổi ý nghĩ ban đầu.

 Sáng hôm sau, mãi lầm lũi dắt chiếc PC đi ra, tôi giựt mình khi thấy anh Công tần ngần trước cỗng bịnh viện. Anh hơi nghiêng mặt chào tôi với cái cười bằng mắt. Tôi xấu hổ vì mặt mũi bơ phờ sau một đêm trực thức, cũng  may là trước đó tôi đã qua loa chỉnh trang lại nhan sắc của mình nếu không thì tôi không biết phải chui đàng nào để trốn.

– Sao anh lại ở đây? – Tôi bẽn lẽn hỏi nhỏ.

– Anh đợi em.  Hồi nãy anh ghé  qua nhà nghe mẹ em nói em muốn gặp riêng anh

Anh chọn một quán nước bên đường, tôi lúng túng vụng về vì không quen ngồi quán, lại cùng ngồi với người thanh niên lạ. Tôi chưa kịp nói gì thì anh chụp lấy cổ tay tôi  nói nhanh:

– Tay  em sao vầy? Ai cào cấu em?

– Dạ, không sao đâu anh. Tôi cười – Dấu tích của trận chiến đêm qua để lại thôi mà, em vật lộn với bà bầu, bà ấy xấu nết đau nên bấu chặt tay em không chịu buông – Tôi nói để đùa nhưng hoàn toàn là sự thật.

– Có đem theo dầu không đưa đây anh xức cho.

 Anh xuýt xoa nhìn vết thương còn rướm máu trên tay tôi. Cử chỉ thân mật của anh làm tôi ngượng nghịu ngó loanh quanh. Tôi từ từ rút tay lại trong khi anh cứ chằm chằm nhìn tôi, giọng thật thấp

– Em có chuyện gì muốn nói với anh phải không?

– Em có yêu một người . Tôi thu hết cam đảm nói thật nhanh nhưng chưa kịp hết câu thì hai mắt anh chợt cụp xuống làm tôi hoảng hồn khựng lai. Anh chầm chậm ngước lên bảo, em nói tiếp đi.

– Cuôc tình kéo dài gần ba năm thì người ấy bàn đến chuyện cưới xin. Trước khi quyết định đi đến hôn nhân em muốn người ấy biết rõ ràng thân phận bọt bèo  của em để sau nầy khỏi xảy ra cắn đắng. Em cho người ấy biết là em không cha mẹ, là đứa… ( tôi định nói là đứa bị bỏ rơi, bị thả trôi sông nhưng anh ngăn lại)

– Em không cần kể chuyện của em, anh biết tất cả, rất rõ. Anh chỉ muốn biết rồi sau đó ra sao thôi.

– Thân phận không ra gì của em thì cả làng nầy ai cũng tỏ tường nhưng ngưòi ấy thì không, nhà  cách đây hơn ba mưoi cây số lận. Sau bữa đó người ấy biệt tăm luôn. Em không thể không buồn, thiệt tình là rất buồn nhưng em không trách bởi em biết  chuyện yêu đương là chuyện của hai người trẻ nhưng quyết định cuối cùng thì luôn nằm trong tay các bậc cha mẹ hai bên mà dân tộc mình vẫn còn  oằn vai với quá nhiều hủ tục, với tập quán nặng nề, với biết bao nhiêu định kiến khắt khe bất di bất dịch dài đến lê thê – tôi cười buồn – Mua heo chọn nái mà anh. Hoàn cảnh của em hoàn toàn bất lợi. Trong thâm tâm mọi người, dòng của em là dòng không đoan chính lại độc ác bất nhân. Hoàn cảnh của người sinh ra em biết đâu . . . cũng tội

– Em muốn gặp anh chỉ để nói có vậy thôi sao?

Tôi không trả lời câu hỏi cuả anh mà  gật gật đầu rồi thở ra thật dài  – anh không cảm thấy ngại sao?

– Ngại gì? Chuyện bất hạnh của em chứ đâu phải em làm nên tội lỗi, anh không thương  em thì thôi việc gì mà anh phải ngại? Anh không chối là anh đã say mê em vì em nhan sắc nhưng chỉ là chuyện mới đây thôi, sau khi anh gặp được  em. Cho nên đó không phải là lý do để anh chịu khó lặn lội đường xa . Nếu như .. . nếu em không hiếu thảo hiền lành, thật thà chân chất thì . . . Anh bỏ lững câu, mắt đăm đắm nhìn tôi rồi cười thật tươi – Vậy em có thể cho anh biết quyết đinh của em chưa?

Sau mười ngày ở bên nhau thường xuyên, chúng tôi huyên thuyên với nhau nhiều chuyện, hiểu nhau nhiều hơn,vừa đủ quyến luyến nhau thì anh đi. Sau khi anh đi rồi mẹ tôi mới cho tôi biết anh Công chính là anh Cống ngày xưa, người ơn của tôi, người mà lâu nay tôi chỉ hình dung trong tưởng tượng và mong ngóng thiết tha được gặp dù chỉ một lần.Tôi hỏi mẹ tại sao mọi người đều muốn giấu tôi

– Vì lớn hơn con khá nhiều tuổi nên Cống muốn con bằng lòng làm vợ nó vì yêu thương chứ không phải vì ân nghĩa. Cái tên Công mới có khi đến nước ngoài, không bỏ dấu cho đễ đọc vậy mà

Tôi không nóng lòng chờ đợi hay viễn vông mơ mộng điều gì ở tương lai, nơi xứ lạ. Đối với tôi chuyện ở, đi còn khá mơ hồ vả lại mọi thứ hãy còn nằm trong định số..Tôi tiếp tục an phận sống bên cạnh mẹ, bình yên với cái nghề vật lộn cùng các bà bầu để rước những đứa trẻ sơ sinh. Đã hai lần tôi êm ái rước bé sơ sinh của vợ anh Ngàn và của cô Vạn đanh đá ngày xưa. Cái tên “ Lưu Giang Bình “ hay  “ Lục Bình trôi “ hay “ Bình Lưu Giang “ bây giờ đã xa, đã lui về quá khứ, đã trở thành cổ tích.

Còn một điều cứ bám riết lấy tôi làm tôi ray rứt mãi là người sinh ra tôi vẫn cương quyết chối bỏ tôi. Dường như Người cho rằng tôi là nỗi nhục mà Người suốt đời phải đeo mang.  Tôi rất muốn từ miệng Người nói cho tôi biết ba tôi là ai. Tôi chi láng máng nghe được ba tôi chết vì chiến tranh trước khi tôi chào đời. Cái lý lịch trích ngang của tôi đơn giản chỉ có vậy. Nguồn cội của tôi khô khốc đến thảm thương.

Bảy năm trôi qua mau.

Sáu năm rồi tôi sống chốn tạm dung, yêu thương đã có, hạnh phúc cũng từng. Mẹ tôi vĩnh viễn ra đi trước khi tôi định cư theo chồng về xứ lạ nên mẹ không toại nguyện được ước mơ. Mẹ muốn được thấy tôi yên bề gia thất, sinh con đẻ cái để mẹ có cháu ẵm bồng. Mẹ thèm được đón mùa thu nơi xứ lạ để thỏa mản ngắm nhìn cây lá đổi màu, rừng phơi dáng đỏ. Thèm được khoác chiếc áo mùa đông kiểu dáng cổ xưa mà tao nhã thanh lịch như vị phu nhân của  ngài cố Tổng Thống Kennedy.  Ước mơ của mẹ không nhiều vậy mà mẹ không bao giờ có được.

Suốt ba năm làm vợ dù rằng hạnh phúc nhưng tôi chẳng làm nên tích sự gì để đáp ứng nỗi khát khao có người nối dõi của gia đình chồng và cũng như của chồng. Tất cả kỳ vọng vào tôi bởi anh là người đàn ông trẻ duy nhứt trong dòng tộc. Áp lực làm oằn vai, tôi nơm nớp với nỗi lo mình sẽ sinh con gái làm gia đình anh thất vọng. Nhưng một năm lãng phí trôi qua, chẳng được gì. Đến năm thứ hai rồi năm thứ ba, chờ đợi mỏi mòn tôi cũng không có, dù là con gái để mà sinh. Họ hàng nhà anh bắt đầu chì chiết tôi, mỗi người một câu, mỗi người một cách, bằng điện thoại, bằng thư từ. Nào, vì tôi là nữ hộ sinh nên tôi biết cách làm cho mình không con để giử gìn dáng vóc. Nào, vì mẹ tôi vô sinh nên nuôi tôi giống y như mẹ cũng vô sinh. Kết luận cuối cùng “ Cây độc làm sao mà có trái “.

Nỗi đau của tôi đã đến lúc bão hòa. Nhiều lần anh tỏ ra thiếu tinh tế trong lời nói làm tôi vô cùng đau xót mặc dù tôi biết anh vẫn còn rất yêu tôi. Tuy nhiên, nếu mang ra cân đo đong đếm thì thân phận “ vợ” của tôi chỉ chiếm một chỗ hết sức khiêm nhường trong anh so với những người cùng anh mang chung dòng máu.  Tôi nhẹ nhàng:

– Anh à, em dỡ quá không được việc gì hay là anh đi tìm người đàn bà khác để sinh con cho vừa lòng mọi người, cho khỏi mang tội với tổ tông.

– Em nghĩ vậy và chấp nhận như vậy?

Tôi không nói chỉ nhè nhẹ gật đầu và anh im lặng. Thì ra, thái độ im lặng của anh ngầm cho tôi biết anh đã chờ câu nói đó của  tôi từ lâu. Tôi âm thầm rút lui. Không lâu sau anh hớn hở báo với tôi, từ bịnh viện : “ Thằng bé sinh thiếu tháng nhưng bụ bẫm hồng hào, khóc to bú khỏe.”. Tôi còn biết nói gì hơn ngoài thành thật chúc mừng khi lòng tôi se thắt

Thằng bé ra mắt họ hàng bên nội bằng cái lễ thôi nôi đuợc tổ chức rất linh đình ở Việt Nam cùng lúc tôi lẻ loi về thăm mộ bà ngoại và mẹ tôi. Không may bé bị tai nạn phải  đưa cấp cứu, bé lại mang nhóm máu AB+  hiếm hoi. Trong khi chờ hội Chữ Thập Đỏ can thiệp, cả họ hàng anh vây quanh cùng với sự hiện diện của tôi nhưng không ai có nhóm máu thích hợp, trừ tôi. Tôi hiến máu không phải để trả ơn anh mà chỉ vì tôi muốn vực dậy cái sinh mạng bé bỏng nhỏ nhoi đang cận kề cái chết.

Từ chuyện nhóm máu đến chuyện sinh non và cả ngoại hình của bé, nó không giống mẹ mà cũng không nét nào giống anh, anh đâm ra nghi ngờ. Anh không làm gì tổn thương cháu bé nhưng anh  quyết tâm làm rõ chuyện theo cách của mình.

Kết quả xét nghiệm y khoa làm anh choáng váng. Anh tất tả đến tìm tôi rồi đỗ sụp xuống úp mặt trên hai đầu gối tôi khóc như một đứa trẻ con. Một lúc sau anh mới ngước hai mắt đỏ hoe lên nhìn tôi. Thì ra người không thể làm tròn trách nhiệm nối dõi tông đường là anh chứ không phải là tôi. Thì ra người đàn bà đó đã lỡ làng trước khi về rổ rá với anh. Không biết nên thương hay nên trách. Thì ra nét cao to vạm vỡ của anh đã trút hết tội  “tuyệt tự” về phiá tôi để bao nhiêu năm nay tôi phải chịu thiệt thòi oan ức. Thì ra chuyện nghiệt ngã tưởng như đùa, khó tin mà có thật.

– Làm sao để anh chuộc lỗi bây giờ em? Anh phải làm sao để được em  tha thứ? Phải làm sao, làm gi để được em đối xử với anh như trước đây?

Tôi vẫn ngồi bất động, chẳng nói cũng chẳng rằng nhưng trong lòng tôi đang gào thét gọi mẹ. Mẹ ơi, con phải làm sao đây khi con vẫn còn khá trẻ mà lửa yêu đương trong tim con đã tắt ngấm lụi tàn? Chính anh Cống đã bổ trái tim con một nhát thật sâu, bây giờ thành sẹo, sần sượng chai lỳ. Trong lòng con vẫn còn trình trịch nặng ơn cứu tử cộng với ba năm tràn đầy hạnh phúc anh ấy ân cần mang đến cho con.

Tay tôi vô tình chạm phải mớ tóc rễ tre quen thuộc của anh làm tôi bừng tỉnh. Tôi  vuốt nhẹ lên mái tóc rễ tre đó như tôi đã từng âu yếm suốt ba năm trước đây và hạ giọng thật thấp

– Thôi anh về đi kẻo . . . đợi ( tôi không muốn nói ai đợi ). Hãy sống như mấy năm qua anh đã sống, như mẹ em đã sống với em. Hãy yêu thương như mấy năm qua anh đã yêu thương, như mẹ em đã yêu thương em.

Anh nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp thiết tha mà ngày não ngày nao ánh mắt ấy đã từng làm trái tim tôi chao đảo

– Em nỡ đuổi anh sao?

 – Không . . . không phải đâu anh ! Em nhường đường . . . anh đi.

 

                                                          Lưu Phương

                                                                                    Sydney tháng 12 năm 2010.

 

Có 13 bình luận về NHUỜNG ĐƯỜNG ANH ĐI (Phần Cuối)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đọc bài buồn quá chị Lưu Phương ơi ! Em cứ ngỡ nhân vật trong truyện được đổi đời, nào ngờ vẫn tiếp tục nổi bất hạnh. Thôi âu cũng là số phận phải không chị ? Dường như con người ai cũng có cái số được tạo hóa “lập trình” sẵn cả rồi. Không ai làm sai lập trình đó được. Cũng như em, hiện tại : đọc báo, lên mạng, uống cà phê, ăn  sáng, ăn trưa, ngủ trưa, chạy thể dục vào buổi chiều, tắm rửa, ăn cơm, nghỉ, đọc tin trên mạng, ngủ,  là xong 1 ngày để cho tuổi đời ngày càng chồng chất. Cảm ơn chị đã cho em và độc giả của trang nhà bài viết thật hay !

    • Lưu Phương nói:

       

      Cậu Cả thân mến,

      Truyện chị viết bao giờ chị cũng dựa theo chuyện thật ngoài đời, của người quen, của bạn bè. Sau đó chị hư cấu để có thêm kịch tính. Chị cảm thấy chị không đủ chữ nghĩa và hứng thú để diễn tả những niềm vui, cho nên truyện lúc nào cũng buồn. Cám ơn em đã đọc và khen. Trong tất cả các em thì Cả Lần là người chị nghĩ về nhiều nhất. Nhìn hình thấy lúc nào em cũng cười nhưng chị không biết phía sau cái cười đó em như thế nào khi hết ngày nầy qua tháng nọ em thui thủi một mình. Chị LP

      • Kiều Oanh 79 nói:

        Chị Lưu Phương thương mến, Chị khiêm tốn quá đó thôi, chỉ tại câu chuyện thật ngoài đời không được vui nên truyện của Chị viết buồn là phải rồi, Chị ơi, anh Cả Lần không có thui thủi 1 mình đâu nhe, mà có cô Mèo làm bầu bạn với ảnh đó, và phía sau nụ cười của anh là cái mặt …..méo xẹo khó coi , tại ảnh hay chọc ghẹo người ta nên bị ….nhéo đau đó mà , kakaka ,cheeky đúng hông anh Cả ?

         Thương Chị . KO  

  2. Kiều Oanh nói:

                  Người phụ nữ trong truyện đúng là hình tượng của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa , cam chịu, nhẫn nại, chịu đựng, bao dung ….Những tưởng trải qua bao bất hạnh cuối cùng cô sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc, nhưng tạo hóa vẫn muôn trêu ngươi nên đã lấy mất đi  niềm hạnh phúc khỏi tay cô trong lúc cô hoàn toàn không có lỗi phạm gì!!! Với tấm lòng bao dung sẳn có cô muốn nhường đường anh bước với hy vọng anh sẽ sống như mẹ cô đã từng sống, để yêu thương, chăm sóc, và bù đắp cho đứa con không cùng huyết thống.

    Chị Lưu Phương ơi,không cần nói trắng ra mọi vấn đề mà chỉ cần vài dòng ngắn ngủi chị đã phơi bày được những sự việc nhạy cảm và tê nhị trong cuộc sống đời thường,Em cảm phục chị lắm. Tôi nghiệp cô Yên Bình vào thời ấy quá ! nếu như bây giờ thì em sẽ khuyên cô ta nhờ những tiến bộ khoa học để giúp cô có một đứa con hầu giử được hạnh phúc gia đình khỏi tan vỡ . smiley

    Cô Yên Bình còn trẻ lắm. Em hy vọng thời gian sẽ chửa lành vết thương lòng của cô, giúp cô quên đi quá khứ để thẳng bước về phía trước.

  3. Nguyễntuyết nói:

    Chị Lưu Phương thương mến,

    Cốt truyện đoạn cuối chị viết ,em đọc tới 2 ,3 lần em mới hiểu kỷ,  chỉ câu cuối thôi,  ” Không… không phải đâu……. Em nhường đường anh đi “. Em rất là tâm đắc với phương cách giải quyết này. Đây là 1 mẫu ngưới phụ nữ kiên cường và cao thượng. Mình chấp nhận phủ phàng nhưng ra đi thanh thản nhẹ tên….. vì có những điều có thể rộng lượng mà tha thứ được, nhưng vì cái anh này ảnh chàng hảng ở ngả 3 đường, em cho rằng đó là 1 người  tiêu cực, mà tiêu cực trong tình cảm thì….là người không xứng đáng để cô Bình  Yên hay Yên Bình trao tiếp cuộc đời còn lại. Vì theo em nghỉ…. ông bà mình cũng nói…. ” cái ly nước mà đổ đi thì làm sao mà múc trở lại được bao giờ “, em phục cô gái này lắm…. và gặp là trường hợp cuả em thì em cũng tự xử vậy mà thôi…. rất nhẹ nhàng, rất thoải mái , không noí  lãi nhãi nhiều. Em còn nhớ có 1 lần em tâm sự với chồng em: – Anh à! nếu mai sau này  anh có điều gì không phải với em, em không thèm cải lộn với anh đâu, em sẽ cho anh 2 phương án để chọn lưạ….. 

    1/ là em sẽ âm thầm ra đi lặng lẽ với 2 bàn tay trắng, em sẽ lập nghiệp lại từ đầu.và không bao giờ anh nghe thấy tới tin tức cuả em.

    2/ hoặc là em sẽ sắp xếp sản cho anh 1 cái vali, với đầy đủ tất cả…khi anh mở ra tuần tự mà xài ,sẽ không thiếu 1 thứ nào .

    3/ Em rất là quí con và anh cũng vậy, con sẽ theo em vì anh phạm lỗi, còn nếu anh quí con hơn em ,mà anh dành thì em nhường cho anh…. chừng nào anh lo không có được nụ cười cho con thì tự nhiên con nó chạy tìm em mà thôi.

    Sau khi noí xong , chồng noí anh không chọn phương án nào hết….. chỉ chọn em và con suốt cả cuộc đời….đừng bao giờ nghỉ vẩn vơ….. thế là em an tâm và sống với chồng con cho tới bi giờ.

    Đúng ra là đàn ông cũng tốt  nhưng thật ra họ rất là nhẹ dạ… dễ mắc bẩy lắm phải không chị…. như anh chàng Công này….. đến nỗi đưá con ra đời rồi mới khám phá ra….. tại sao mình không biết tác phẩm đó là cuả mình hay không….. anh ấy sẽ hối hận và tiếc nuối suốt cả cuộc đời với câu….. phải chi…… !!!??? NT Snow.

    • Lưu Phương nói:

       

      Kiều Oanh và Nguyễn Tuyết thương,

      Hết truyện rồi! Đọc để giải trí thôi.

       Như chị đã nói với anh Cả của hai em là truyện hư cấu thêm nên buồn thê thảm. Cám ơn hai em đã nồng nhiệt đến với bài viết của chị. Thương hai em . Chị LP

  4.                            Cô Lưu Phương kính thương,
         Bài viết không dài, mô tả được một nữa đời người của nhân vật Bình Yên, một nhân vật mới sinh ra , đã chịu bao đau khổ bởi lòng dạ ích kỷ của ông cha bà mẹ.
       May mắn cho cô về được sống với bà ngoại nhân hậu, một người mẹ hết lòng thương yêu, không ruột thịt nhưng sẳn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ, thật đấng ca ngợi.
          Nàng lớn lên có chồng ngở sống hạnh phúc, nào ngờ bị đổ vở vì lòng ích kỹ của con người, lần nầy là người chồng. Yên Bình đã quyết định đúng đắn nhường đường cho anh. Hy vọng cuộc đời con lại của nàng gặp một người đân ông xứng đáng và hết lòng thương nàng.
          Một câu  chuyện ngắn mang lại cho đọc giả nhiều cảm xúc.
     Chúc cô vui tươi, luôn khỏe mạnh và sáng tác nhiều câu chuyện hay nữa.

  5. PhuongNga nói:

    Chị Lưu Phương kính.
    Em về tới nhà lúc nửa đêm thứ ba. Sáng lại phải vô trường sắp xếp cho ngày khai giảng. Lu bu quá cho tới hôm nay, mới rảnh đọc bài viết của chị. Càng thương cho số phận long đong của chị Yên Bình, càng thấy thương hại cho anh Công. Nói cho cùng anh ta chỉ là một người tầm thường, tình yêu dành cho vợ không vượt qua nổi những định kiến hẹp hòi.

    • Lưu Phương nói:

      Phương Nga thương,

      Mấy bữa nay chị cứ ngong ngóng chờ tin em. Vắng trên mạng cũng thấy nhớ. Có được cuộc sống như em và Nguyễn Tuyết quả là phúc đức. Thời của chị, bạn bè chị đa số đều bất hạnh. Có lẽ vì vậy mà chị bị ảnh hưởng nhiều khi viết truyện. Thương em. Chị LP

  6. Lưu Phương nói:

    Võ Châu Phương thương,

    Cám ơn Châu Phương lần nào cũng nhiệt tình đến với bài viết của cô. Thật lòng mà nói thì viết mà không có người đọc buồn lắm. Cám ơn lời chúc của Châu Phương gởi cô. Thương.  LP

  7. Hoàng Hưng nói:

        Kinh thưa chị tối qua, đọc chuyện của chị và Phương Mai xong, coi phần Kiều Oanh viết phản hồi như thế nào để bắt chước viết theo, vì Kiều Oanh là người viết phản hồi “bén nhạy” nhất.

    Hôm nào em kể cho chị nghe chuyện một người con gái, giai đoạn từ hồi thơ ấu em không có hỏi, em chỉ biết sau khi lấy chồng, số phận của cô ấy còn hẩm hiu hơn Yên Bình nữa.

     

     

    • Lưu Phương nói:

       

      Hoàng Hưng ơi,

      Chị chờ đọc truyện Hưng viết về cô gái bất hạnh mà Hưng biết. Nếu có vấn đề gì lớn lao hoặc nhạy cảm em nhớ xin phép người ấy rồi hãy viết kẻo người ta trách. Chị đã bị trách rồi cho nên sau nầy muốn viết về nhân vật nào chị đều xin phép. Cũng có vài trường hợp người ta nhờ chị viết. Chị gởi lời thăm hai em và Tommy.

       

  8. Kiều Oanh 79 nói:

    KO cám ơn anh Hoàng Hưng viết tiếng Việt có dấu, nếu không thì bà con tưởng anh nói KO là ” nhái bén” thì khổ ! sad ( ” bén nhạy = ben nhay = nhay ben = nhái bén ”  hihihi cheeky)

    Chị Lưu Phương ơi , Còn em sẽ kể chị nghe chuyện 1 người con gái từ thơ ấu đến lúc có chồng , biết đâu câu chuyện của em với anh Hoàng Hưng ghép lại thành 1 câu chuyện Tiểu thuyết đôc đáo thì sao  hé chị ? ….winkEm nói đùa cho vui Chị ơi , em sợ Huynh Hoàng Hưng nghe em nói xong ảnh hông dám kể chuyện cô nàng nào đó vì sợ em ” ghép ” câu chuyện vô, thì bà con cô bác sẽ ” rủa xả” em thì khổ cho em lắm ! hic hic hic …crying . Thương chị nhiều ( mà hông dám thương người khác , hehehe.cheeky..)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác