Love Story – Biết dùng lời rất khó…(P1)

Ngày đăng: 6/06/2024 07:16:02 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Ngày 20/3/1971, nhạc phẩm chủ đề của phim “Love Story” (“Chuyện tình”) nhảy vọt lên đứng đầu bảng xếp hạng của thị trường nhạc nhẹ Hoa Kỳ, và ngự trị trên đỉnh cao này liên tục trong suốt một tháng! Nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng “Love Story” là một bản nhạc xuất sắc, gọi là kiệt tác là xứng đáng.

Còn Viện Phim ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute) thì bình chọn đây là tác phẩm nằm trong TOP 10 của 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại. Nhạc phim “Love Story” đứng hạng thứ 9, xếp sau các nhạc phim kinh điển như “Casablanca”, “Cuốn theo chiều gió”, “Bác sĩ Zhivago”!

___________________

Bản nhạc chủ đề gắn liền với bộ phim này đến nỗi rất ít có ai còn nhớ tựa bài hát ban đầu của nó là “Where do I begin” (“Bắt đầu từ đâu”). Nhưng khi nghe những nốt nhạc dạo đầu trỗi lên, có lẽ mọi người đều nhận ra ngay và gọi đó là bài “Love Story”. Đó là khoảng không của một giai điệu nhẹ nhàng lãng mạn, miên man đến dịu dàng, đã gieo vào hồn người một chút cảm giác bâng khuâng, một thời xao xuyến rung động. Những nốt nhạc cứ trầm trầm khiến cho tâm hồn thoáng buồn, trong lòng loanh quanh khoảnh khắc tơ vương.

Thực ra Francis Lai sáng tác cho phim là nhạc nền, không có lời; sau khi phim công chiếu, ở bên Mỹ ông Carl Sigman viết lời bằng tiếng Anh, ở bên Pháp bà Catherine Desage viết lời bằng tiếng Pháp, hai lời này độc lập với nhau, không phải là bản dịch của nhau và khác biệt lớn nhất ở chỗ: Lời tiếng Anh là lời của chàng trai, còn trong tiếng Pháp lại là lời của cô gái (sắp từ giã cõi đời).

Những người hát thành công nhất là hai danh ca Andy Williams và Shirley Bassey. Ca khúc này cũng đã chu du vòng quanh thế giới với gần 800 phiên bản và được chuyển lời sang 25 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Phiên bản tiếng Việt “Chuyện tình”, do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời với ca từ quen thuộc “Biết dùng lời rất khó…”.

SỐ PHẬN LẠ KỲ

Như đã chia sẻ, trước khi trở thành một bản tình ca nổi tiếng ướt đẫm nước mắt như mọi người đã biết, nhạc phẩm “Love Story” trước hết chỉ là giai điệu chủ đề bộ phim của đạo diễn Arthur Hiller. Bộ phim này ra mắt khán giả vào ngày 16 Tháng Mười Hai 1970, dựa theo quyển tiểu thuyết vô cùng ăn khách của Erich Segal. Khởi đầu, nó được viết như một kịch bản phim, nhưng “Love Story” chẳng rõ vì sao lại không được bất cứ một hãng phim nào mua bản quyền cả.

Sau đó tác giả phải viết lại thành truyện ngắn để đăng trên báo, rồi từ đó được hoàn chỉnh trở lại để chuyển thành một quyển tiểu thuyết dày 127 trang, phát hành đúng vào ngày “Lễ tình yêu Valentine” năm 1970. Erich Segal (1937-2010), dù là gương mặt không hề xa lạ với giới xuất bản hồi đó và cả sau này, nhưng ông là nhà văn chỉ nổi tiếng nhờ một tác phẩm duy nhất vừa kể trên, cho dù ông đã sáng tác nhiều cuốn truyện sau đó. Chính con gái của Erich Segal đã tâm sự: “Có hai thứ làm nên cuộc đời của cha tôi – đỉnh cao và vực thẳm, đó là tiểu thuyết Love Story và căn bệnh Parkinson”!

Ringo Starr (ngồi), thành viên nhóm The Beatles, và Erich Segal (Getty Images)

Khi hãng phim Paramount công chiếu phim “Love Story” vào mùa Đông năm 1970 (với Ryan O’Neal vai Oliver và Ali MacGraw vai Jenny), dù được dự báo nó trở thành một quả bom tấn làm nổ tung mọi kỷ lục trước đó về doanh thu nhưng có lẽ chắc những ông chủ của hãng phim cũng không ngờ xuất phẩm của họ làm thổn thức rung động hàng triệu con tim trên thế giới như vậy, với câu chuyện thương tâm của đôi tình nhân trẻ, yêu nhau ở trường đại học, nhưng lại bị gia đình cấm cản ngăn cách.

Motif tình dang dở trái ngang giữa Jenny – một nữ sinh nhà nghèo, với Oliver – chàng trai con nhà giàu trở thành tấn bi kịch đẫm lệ, chắc cũng không quá xa lạ nhưng chính ca khúc chủ đề, hoặc lời thoại của phim… đã trở thành một trong những câu nói bất hủ của lịch sử điện ảnh Mỹ!

Một chi tiết khá thú vị là câu thoại nổi tiếng trong phim đã ăn sâu vào tâm trí người xem và thậm chí “tràn” ra cả cuộc sống thực tế của nhiều thế hệ, câu “Love means never having to say you’re sorry” (tạm dịch “Yêu là không bao giờ phải nói lời xin lỗi”)!

Câu thoại nổi tiếng này được mọi người biết “Love means never having to say you’re sorry/Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói lời hối tiếc” thực ra là một lỗi của diễn viên khi nói sai trong kịch bản, lẽ ra phải là “Love means not ever having to say you’re sorry”.

Viện Phim Mỹ đã xếp câu thoại trên ở vị trí thứ 13 trong top 100 lời thoại kinh điển nhất lịch sử màn ảnh. Không chỉ xuất hiện trong nhiều bài hát và tựa phim sau này, câu nói trên phổ biến đến mức trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ cho tình yêu, được dùng trong nhiều đám cưới, bức thư tình.

___________________

Một trong những nguyên nhân khiến bộ phim tình cảm ướt át này được yêu mến đến vậy là nhờ phần nhạc của bộ phim, xâm chiếm hết cảm xúc của công chúng. Ca khúc này mỗi lần nghe lại đều mang đến cho ta một giai điệu nhẹ nhàng lãng mạn, miên man dịu dàng, gieo vào hồn người chút cảm giác bâng khuâng, để nhớ về một thời xao xuyến rung động. Những nốt nhạc trầm khiến cho tâm hồn thoáng buồn, trong lòng khoảnh khắc tơ vương.

Hẳn phải có đến hàng triệu triệu người thuộc nhiều thế hệ nằm lòng những giai điệu của bài hát (“Where do I begin”) – “Love Story” – dù có thể thậm chí chưa xem qua bộ phim kinh điển này bao giờ. Thật kỳ lạ, đây là một trong những bài hát nhạc dành cho phim mà số phận của nó lại không cần phụ thuộc vào bộ phim nó thuộc về, hay nói đúng hơn, nó đã vượt ra khỏi chức phận của một bản nhạc phim, có đời sống độc lập, và dường như “trẻ mãi không già”!

Stanley Jaffe, ông chủ hãng phim Paramount khi giao đề bài cho nhạc sĩ người Pháp, Francis Lai, người soạn nhạc cho phim “Love Story”, nói ngắn gọn như ra lệnh: “Không cần lời, chỉ cần giai điệu”! Câu chuyện ly kỳ có lẽ đã bắt đầu từ đây…

NGƯỜI CHA ĐẺ FRANCIS LAI

Trước khi đến Paris lập nghiệp, nhạc sĩ Pháp Francis Lai (1932-2018) đã tốt nghiệp nhạc viện thành phố Nice. Thời thanh niên sôi nổi, ông trau dồi thêm nhạc lý với nhiều bậc đàn anh, trong đó có Bernard Dimey, người được xem là hướng dẫn ông trong lĩnh vực sáng tác nhạc phim. Những năm 1950, Francis Lai tách ra khỏi xu hướng hiện thực của dòng nhạc Pháp, và ở thời điểm những năm 1960, ông đã nổi tiếng khắp thế giới như là một trong những gương mặt tiêu biểu của trường phái lãng mạn.

Nhạc sĩ Francis Lai (ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images)

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông đã viết khoảng 600 bài hát và hơn 100 ca khúc cho phim. Thật ra, ông đã thành danh trong làng nhạc quốc tế từ năm 1966, nhờ soạn ca khúc chủ đề của bộ phim “Un homme et une femme” (tạm dịch “Một người đàn ông và một người đàn bà”) của đạo diễn Claude Lelouch. Phim này từng đoạt Cành cọ vàng tại Cannes và bốn giải Oscar. Từ năm đó trở đi, ông rất bận rộn với công việc do được nhiều đạo diễn mời hợp tác.

Ngoài nhạc phim, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc ăn khách trong lĩnh vực nhạc nhẹ. Tính tổng cộng, có trên dưới 60 nghệ sĩ tên tuổi từng hát nhạc của ông, từ danh ca Edith Piaf, Dalida, Aznavour, Patricia Kaas – phía nhạc Pháp; tới các bậc thượng thặng như Ella Fitzgerald, Elton John hay Carly Simon – phía nhạc Anh-Mỹ.

Với ca khúc “Love Story” do Andy Williams và Shirley Bassey lần lượt thể hiện, ông đã giành được một tượng vàng Oscar năm 1971 ở hạng mục “Ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất”. Cũng trong năm 1971, bài hát này cũng mang về cho ông giải Quả cầu vàng danh giá.

Trong Francis Lai tồn tại một quan niệm khá độc đáo rằng, âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới, nên có thể chẳng cần đến ca từ mà nó vẫn có thể ăn sâu vào lòng người! Hầu hết bản nhạc (kể cả bài “Love Story”) do ông sáng tác đều không có lời, ca từ bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh chỉ được đặt sau đó mà thôi, và thường do những người khác đặt. Ông thố lộ rằng sở dĩ ông ưa nhạc không lời là xuất phát từ việc ông rất mê nhạc jazz!

Francis Lai góp phần vào thành công của hơn 100 bộ phim với những ca khúc chủ đề đi vào lòng người và nhiều người nhận định rằng, chỉ với một vài nốt nhạc thôi, Francis Lai đã làm cho các bộ phim trở nên đẹp đẽ và gây xúc động hơn. Chính vì thế những ca khúc bất hủ của vị nhạc sĩ được mệnh danh “ông vua của những câu chuyện tình” này đã luôn có chỗ đứng để mãi ngân nga trong trái tim của nhiều thế hệ người yêu nhạc từ trước đến giờ!

Ryan O’Neal và Ali MacGraw trong ‘Love Story’, kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết của Erich Segal và được đạo diễn bởi Arthur Hiller (ảnh: Michel Ginfray/Sygma/Sygma via Getty Images)

5 NỐT THỔN THỨC KHÔNG BAO GIỜ CHẾT

Sau khi nhận “đơn đặt hàng” của chủ hãng phim Paramount, Francis Lai tìm được giai điệu của khúc nhạc “Love Story” vào lúc… nửa khuya. Ban đầu ông định sáng tác trên bốn nốt nhạc căn bản ấy, nhưng nghĩ lại nếu làm như vậy thì thấy gần giống với cấu trúc của một giai điệu vô cùng ăn khách đã trở nên đình đám hai năm về trước là nhạc phẩm chủ đề của bộ phim “Romeo & Juliette” (“A time for us” của Nino Rota).

Do vậy trong câu mở đầu của mỗi đoạn, ông cho thêm một nốt nhạc nữa, biến thành năm, trong khi các câu kế tiếp chỉ có bốn, nhưng có lẽ cũng vì thế mà giai điệu trở nên lâm ly hơn. Vì sự thêm vào một nốt nhạc này, mà đến tận hàng thập niên sau, bản nhạc này vẫn “đẹp không tì vết”, phần lớn cũng vì giai điệu tự nó đã đứng vững, không lời mà vẫn lôi cuốn lạ thường. Nhiều người đúc kết rằng mỗi bài hát thì sẽ cũng sẽ có những giai thoại nào đó đi theo nó, nhưng với trường hợp của “Love Story”, bản tình ca này đã trở thành huyền thoại!

Bộ phim “Love Story” có tiết tấu khá nhẹ nhàng trên giai điệu dìu dặt của bản nhạc nền đó, và đây được xem là điều ấn tượng. Đạo diễn phim đã sử dụng một hình ảnh cho cảnh ban đầu phim và lúc bộ phim kết thúc: Một người đàn ông ngồi đối diện hàng rào trong công viên tuyết phủ trắng. Anh ta vừa mất đi một người yêu anh nhiều hơn bản thân người đó, và anh cũng yêu người đó hơn chính bản thân mình. Nhưng, anh vẫn tự nhủ: “Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc”.

Ali MacGraw và Ryan O’Neal trong ‘Love Story’ (ảnh: ullstein bild/ullstein bild via Getty Images)

Chính vì khá đắt “show” viết nhạc cho phim (điển hình là bài hát trong những bộ phim diễm tình như “Bilitis”, “Emmanuelle” rất được yêu thích) nên Francis Lai đã có tới hai lần từ chối khi hãng phim Paramount có dự án chuyển thể tiểu thuyết “Love Story” lên màn bạc, bởi vì vào thời điểm đó, ông đang phải soạn nhạc chủ đề cho… bốn phim khác nhau. Nhà sản xuất người Mỹ Bob Evans thấy vậy mới gọi điện thoại cho nam tài tử Alain Delon cậy nhờ anh thuyết phục, vì biết rằng hai người là bạn thân của nhau. Nể bạn, nên Francis Lai mới nhận lời, nhưng dường như ông cũng loay hoay mãi vẫn không tìm ra được một giai điệu ưng ý để thể hiện.

Được mệnh danh là ông vua sướt mướt, nghe nhạc của Francis Lai, nếu ai không bùi ngùi thì cũng trở thành thơ thẩn, rất dễ bị đeo đuổi không dứt ra được bởi những giai điệu cứ quẩn quanh quẩn quanh. Chọn Francis Lai viết nhạc phim, giới chủ hãng phim Paramount “chắc cú” rằng chỉ cần những giai điệu không lời của Francis Lai cùng với hình ảnh diễm lệ của bộ phim nói về một cuộc tình đẹp và đau đớn, là “ăn tiền”, là đủ. Thậm chí quá đủ!

Khi được chủ hãng phim nhấn mạnh rằng phải làm sao đó để nó luôn… ám vào đầu công chúng giai điệu bài hát và hình ảnh bộ phim, chứ không cần bất cứ lời hát nào, bởi phần lời bài hát ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hai điều trên, thậm chí có nguy cơ sẽ làm trôi tuột đi tất cả, Francis Lai đã cho ra đời bản nhạc phim có giai điệu như tuôn chảy từ trái tim, như cửa sổ mùa thu đón chào nắng mới, có một nỗi buồn xen lấn nhưng lại dịu ngọt và tan chảy chậm rãi.

Trên nền nhạc ấy, cuộc tình hai nhân vật chính bỗng lung linh như cổ tích, như thể cái chết không xóa nhòa được sự tận hiến. Khi bộ phim chính thức phát hành, nó đã xô đổ mọi kỷ lục và trở thành phim “bom tấn” của năm 1970. Cùng với đó, bài nhạc trong phim được yêu thích một cách đặc biệt. Tất cả các đài phát thanh đều được yêu cầu phát đi phát lại phần biểu diễn của dàn nhạc Henry Mancini.

Ryan O’Neal và Ali MacGraw trong ‘Love Story’

Và một “hệ quả” đã xảy ra: Nhiều ông chủ của các hãng đĩa gọi điện về cho Paramount yêu cầu được biến bài nhạc này thành ca khúc có lời. Họ nói rằng đang có một loạt các ca sĩ gạo cội yêu cầu được hát bài hát trong phim và yêu cầu này là không thể từ chối! Ba ngày sau khi phim công chiếu, “ông trùm” điện ảnh Stanley Jaffe gật đầu đồng ý với điều kiện: Bài hát này chỉ được phát hành sau nhiều tuần nữa bởi ông vẫn không muốn bộ phim và phần nhạc tuyệt vời của Francis Lai bị ảnh hưởng.

Và Carl Sigman, người khả dĩ nhất có thể cho ông một phần lời bất hủ, được chọn để giao trọng trách này, bởi sự nghiệp của ông gắn liền nhiều bài nhạc phim phổ lời rất nổi tiếng như “Till”, “What Now My Love” kèm theo lời nhắn: Đây là một bộ phim sướt mướt nên phần lời cũng phải như vậy, càng buồn càng tốt, còn “viết kiểu gì thì tùy ông”. Và chỉ trong vòng một ngày sau đó, Carl Sigman đã viết xong lời bài hát, cũng nhanh như kiểu Francis Lai đã làm!

Dưới cây bút của mình, Carl Sigman đã làm cho bản nhạc trở thành một bài hát, có tựa đề “Jenny – A love story” (“Jenny – Một câu chuyện tình”). Bao trùm bài hát là một nỗi buồn được tả qua sắc lá Tháng Tư với những chiếc lá rơi buồn bã. Đó là tâm trạng của chàng trai Oliver ngồi chờ đợi Jenny khi nhớ lại những hơi thở ngọt ngào của Jenny đã bỏ lại phía sau.

“Nàng đến và ra đi như những cơn mưa mùa hè, như chiếc lá vô tình chạm vào Tháng Tư buồn bã” và rồi “nàng chia sẻ cùng tôi thế giới đặc biệt của nàng, nàng trải dài nó ra với tất cả tình yêu của mình và rồi đột ngột biến mất. Tôi với tay nhưng vẫn không chạm vào được”…

Khi trình bày thử được nhiều người khen, nhưng hóa ra đời đâu có đơn giản như vậy. Bob Evans, một sếp có số má trong hãng Paramount và còn là bạn trai ngoài đời của… Ali MacGraw (người thủ vai Jenny trong “Love Story”) sau khi xem xong phần lời đã nói rằng nó quá buồn bã và kéo cảm xúc chùng xuống. Evans yêu cầu Sigman… viết lại.

Carl Sigman tức điên lên và nói rằng sẽ không sửa bất cứ một từ nào. Sau một hồi đi vòng vòng trong phòng, bỗng Sigman dừng lại, và tự hỏi rằng “Where do I begin?” (tạm dịch “Tôi bắt đầu từ đâu đây?”). Nói xong, ngay lập tức Sigman lấy tờ giấy, kéo ghế ngồi xuống bàn và từ đó ca từ tuôn chảy. Ngay dòng đầu tiên, tựa bài hát ông đã viết luôn: (“Where do I begin”) Love Story”. Ở thời điểm này, mạch câu chuyện bắt đầu… chuyển hướng và đó là giây phút lịch sử để tạo nên một bài hát huyền thoại như chúng ta đã biết!

Sigman đã “hóa thân” cho câu chuyện cũ để đổi màu câu chuyện ấy, bỏ đi tên các nhân vật trong phim, chuyển nội dung từ thể bi quan sang thể hồi tưởng với đầy ắp những lời tán dương tuyệt diệu…

“Tôi biết bắt đầu từ đâu, để kể một câu chuyện tình tuyệt diệu đến nhường nào, một chuyện tình ngọt ngào mà nàng đã mang đến cho tôi, lấp đầy cả một thế giới trống rỗng. Nàng đến và biến đời tôi thành đáng sống, với những bài ca thiên thần cùng mộng tưởng hoang dại, lấp trong tôi tình căng tràn”…

Viết xong xuôi, Sigman cảm giác như mình vừa bị hút hết hơi ra khỏi người. Nhưng ông khoan khoái tựa lưng vào ghế và nghĩ “Tay Evans đó đã đúng, phần lời trước quả thực quá tệ”.

Ngày hôm sau, phần lời của bài hát được chính thức mang tên (Where do I begin) Love Story. Bài hát được gửi đến các ông chủ nhiều hãng đĩa danh tiếng và chờ ngày phát hành.

Trong lịch sử ghi âm Mỹ, chưa có trường hợp nào mà cùng một bài hát lại có đến ba phiên bản của ba nghệ sỹ khác nhau cùng phát hành… một ngày. Nhưng chuyện này đã xảy ra với (Where do I begin) Love Story, khi hãng dĩa Columbia vì quá đau đầu với cuộc chiến cover bài (Where do I begin) Love Story giữa ba ông hoàng Tony Bennett, Andy Williams và Johnny Mathis nên quyết định phát hành bài này vào cùng thời điểm, ngày 20 Tháng Ba 1971.

Cả ba ca sỹ này đều là con cưng của hãng Columbia và ai cũng đều muốn mình là người hát đầu tiên nên cuối cùng ông chủ hãng đĩa quyết định: Tung cả ba bản ra thị trường để cả ba ca sỹ có cơ hội thi tài với nhau, mà công chúng sẽ là người phán xử công bằng.

Kết quả: Andy Williams thắng gần như tuyệt đối. Ông được mời lên kênh NBC (với hàng chục triệu khán giả theo dõi mỗi đêm) hát bài này 12 lần liên tục. Đĩa đơn này còn thắng tuyệt đối với hàng triệu đĩa bán ra. Ở Nhật, bài này bán được 600,000 bản tiếng Anh trong bốn tuần và 600,000 bản tiếng Nhật chỉ trong vòng có ba tuần mà thôi.

Trong khi đó, phiên bản của Tony Bennett dù hát khá tình cảm nhưng nhịp điệu lại khá chậm và nó không thu hút bằng Andy Willlams. Johnny Mathis là người xếp ở vị trí cuối cùng khi ông chỉ thắng nhờ bài hát nằm trong album mà không phát hành thành single.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác