HIỂU NHAU

Ngày đăng: 28/05/2024 04:54:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Gấn một tháng nay, hiện tượng thầy Minh Tuệ gây xôn xao trên mạng xã hội, trong và ngoài nước; tức một hiện tượng cá nhân trong một góc nhỏ của một đất nước nhỏ so với thế giới, đã vượt qua biên giới quốc gia, một số người nước ngoài kể cả chủng tộc khác cũng đã quan tâm, muốn về Việt Nam để tận mắt xem thầy Minh Tuệ thế nào. Ngoài ra dư luận trái chiều bất nhất không cùng một điểm chung, đó là lý do gây xôn xao chống đối của một số bình luận viên.

Phật giáo là một Tôn giáo thế giới, tồn tại hàng ngàn năm và đã được nhân loại chấp nhận, do giáo lý vượt trên mọi cảm quan thế tục.Chuyện lục đục trong giới tu sỹ, đã có từ thời Phật còn tại thế. Không một Tôn giáo nào tránh khỏi tai tiếng vì một vài thành phần thiếu nghiêm túc. Phật giáo Ấn Độ ngoài  lý do bị Hồi giáo triệt tiêu, Bà La Môn áp đảo, còn một yếu tố khác đã không tồn tại trong lòng quần chúng, đó là nhân cách tu sỹ. Tổng quan chỉ là việc thạnh suy tất yếu. Một tôn giáo suy nơi này sẽ thạnh nơi khác,lúc này thạnh, lúc khác suy, lịch sử thế giới đã minh chứng.

Du nhập vào Việt Nam hơn 2.000, cũng từng có thời kỳ cực thịnh, đóng góp hữu ích cho đất nước và an lành cho xã hội, Phật giáo từng sản sanh những bậc anh minh, những đạo sư nổi danh, những bậc chứng đắc còn lưu dấu, đó là điều đáng nói; chả lẽ những trang sử vàng son đó không đủ làm phai mờ một vài nét hoen ố do vài cá nhân thiếu nhân phẩm?

Trong Tôn giáo, nhất là đạo Phật, vô lượng pháp môn tu, Phật pháp là bất định pháp, mang tính uyển chuyển nên sắc vẻ muôn màu. Không nên đem nguyên tắc của pháp môn này đánh giá pháp môn khác, pháp hành này chỉ trích pháp hành khác. Mỗi hành giả có một công hạnh khác nhau, tiêu chuẩn chung là giới luật nếu là hành giả tu theo Phật giáo.

Chuyện các sư ở chùa, xây dựng cơ sở vật chất, điều hành tổ chức, sinh hoạt xã hội là chuyện đương nhiên trong thời buổi hiện tại. Đâu thể lấy hình ảnh thầy Minh Tuệ để đối chiếu và áp đặt làm tiêu chuẩn, cũng không thể lấy sinh hoạt của một Tôn giáo để bài trừ công hạnh của một cá nhân như thầy Minh Tuệ , vì thầy xác nhận mình chỉ là công dân tập tu đang thực hành lời Phật dạy, không thuộc tổ chức của GHPGVN, tức là không liên hệ gì đến GHPGVN; Một số thầy đứng trên lập trường và tiêu chuẩn trong tổ chức Phật giáo phê phán , không nên có.Khi phát biểu trên mạng xã hội, không nên ra ngoài phạm vi để đụng chạm Tôn giáo khác.

Cần dè dặt khi phát ngôn. Ông Hoàng Duy Hùng phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn, nhà ngoại giao, đề cập đến ông Thích Chân Quang, là cao Tăng trong Phật giáo Việt Nam xin đính chính, ông ấy nếu có chỉ là danh Tăng (người nổi tiếng thuyết giảng không đúng chánh pháp) đã bị Ban Hoằng pháp khiển trách.

Trên mạng xã hội, một vài youtuber, tiktoker…không hiểu nhiều về giáo lý và công hạnh của tu sỹ Phật giáo nên đã đi quá xa làm đụng chạm đến tổ chức Phật giáo khi so sánh đề cao thầy Minh Tuệ; các bạn có thể đề cao công hạnh của thầy Minh Tuệ mà không nên lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá chung.Một số tu sỹ tai tiếng không đại diện cho toàn bộ Tăng ni PGVN, chưa nói những tai tiếng do hiện tượng không đúng với thực chất để đánh giá.

Thầy Minh Tuệ không phải mới xuất hiện mà đã 6 năm. Việt Nam cũng từng xuất hiện nhiều thầy tam bộ nhất bái, đi từ Nam ra Bắc, cũng từng có nhiều vị chân tu khổ hạnh, đâu có gì lạ, do mạng xã hội thổi bùng, chúng ta lên tiếng vô tình làm ngọn lửa tràn lan. Cứ mặc nhiên im lặng đâu có đợt sóng Thần như ngày nay.

Tóm lại, đứng ở góc độ này để phê phán một góc độ khác chưa hẳn đúng. Hiện tượng chỉ là hiện tượng trong một giai đoạn, thực chất mới là giá trị lâu dài.Cả phía mạng xã hội, một số đánh giá, so sánh chưa đúng về thầy Minh Tuệ và tu sỹ PGVN, cũng vậy, một vài tu sỹ bốc đồng tự ái khi mạng xã hội đề cao quá mức thầy Minh Tuệ, vội lấy tiêu chuẩn giáo luật để chỉ trích phê phán một hành giả đã nhận là người không phải tu sỹ, không đứng cùng giới tuyến, hà cớ chỉ trích!

Riêng văn bản của Hội Đồng Trị sự GHPGVN cũng đã gây phản ứng không chỉ mạng xã hội, ngay cả ông Nguyễn Thanh Sơn nhà ngoại giao là một Phật tử trí thức cũng lấy làm tiếc những lời lẽ trong đó.Phải chi có một cố vấn pháp lý và giáo luật thì tránh những sai sót không đáng có. Thực ra Giáo hội có thiện chí trong vấn đề này, nhưng lời lẽ thiếu tế nhị.Ban ngành, tổ chức nào cũng cần có cố vấn, ngay cả Tổng thống, Thủ tướng, vì người đứng đầu ngành không phải là toàn năng.

Hy vọng Giáo hội chỉnh đốn những tu sỹ phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây tai tiếng không đáng có, nội tình hướng đến tu tập nhiều hơn. Mạng xã hội cũng không nên lấn sân sang tổ chức GHPGVN nói chung và Tăng ni nói riêng. Xã hội Việt Nam là một vườn hoa nhiều sắc màu, không thể thuần nhất như ý muốn, cuộc sống cũng thế, không ai đòi hỏi tất cả mọi hiện tượng  phải theo ý mình.

Một vị nhận xét, quần chúng là nước, PGVN là con thuyền vượt sóng, nếu không chuẩn mực thì thuyền chìm xuống đại dương mà Ấn Độ là một điển hình.

Do không hiểu nhau nên không thông cảm cho nhau; Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh từng nói có “Hiểu mới có Thương”, thì làm gì có tranh chấp lẫn nhau!

MINH MẪN

27/5/24

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác