GIẤC MƠ CHƯA TRỌN NHƯNG TRƯỜNG TỐNG ĐỂ LẠI DẤU ẤN TRONG TÔI MÃI MÃI
Thân tặng những người bạn tôi quen cũng như không quen, nhưng đã từng một thời mài đủn quần thời trung học dưới mái trường Tống Phước Hiệp thân yêu ngày nào. Tôi là một cựu học sinh Tống Phước Hiệp (62-68). Ở đây tôi có hai điều nói về Giấc Mơ Chưa Trọn: Thứ nhất là giấc mơ của các thân hào nhân sĩ Vĩnh Long, những người đã đề nghị lấy tên vị quan Lưu Thủ đầu tiên của Dinh Long Hồ để đặt tên cho ngôi trường nầy trong kiến nghị vào năm 1958 và được Bộ Giáo Dục VNCH chấp thuận và chính thức lấy tên Ngài Tống Phước Hiệp đặt cho ngôi trường trung học đầu tiên ở Vĩnh Long vào năm 1960.
Theo lời ông ngoại Trần Văn Tiếng của người viết bài nầy kể lại thì ông còn nhớ tên một số vị đã đề nghị đổi tên trường gồm có các vị Trần Văn Tiếng (thân hào nhân sĩ), Trần Văn Hương (dân Vĩnh Long lúc đó đang làm Đô Trưởng Sài Gòn), Nguyễn Văn Mẹo (Chủ tịch làng Long Châu), ông Giáo Sang (ở cua Long Hồ), ông Vương Kim Liêng (hiệu trưởng trường tiểu học Long Hồ), bà giáo Nam (hiệu trưởng trường nữ tiểu học Vĩnh Long), ông Nguyễn Văn Trạch (hiệu trưởng trưởng Nam tiểu học Vĩnh Long, ông giáo Sao (hiệu Trưởng trường trung học tư thục Lam Sơn), ông Nguyễn văn Lộc (luật sư Vĩnh Long, sau nầy trở thành Thủ Tướng VNCH) và còn rất nhiều vị nữa mà người viết không còn nhớ tên. Các vị thân hào nhân sĩ vừa kể trên chỉ mong ngôi trường được mang tên vị quan mà cả vùng đất Phương Nam nầy đều kính ngưỡng, những mong hồn thiêng sông núi và hồn thiêng của Ngài Tống Phước Hiệp sẽ mãi hộ trì cho các thế hệ học sinh Vĩnh Long, nhưng giấc mơ ấy đã nửa chừng tan vỡ vào năm 1975. Thứ nhì là giấc mơ của chính người viết bài nầy, mơ được hoàn tất chương trình trung học ở ngôi trường nầy, nhưng giấc mơ ấy cũng không thành vì vào năm 1968, khi vừa xong đệ nhị và Tú Tài phần I, vì hoàn cảnh, tôi đã phải bỏ học ra đi làm trai thời loạn.
Từ ngày tôi rời xa mái trường thân yêu đến nay đã trên nửa thế kỷ, một khoảng thời gian khá dài với biết bao nhiêu vật đổi sao dời, nhưng dấu ấn mà trường Tống Để Lại Trong Tôi Là Mãi Mãi vì kể ngày ấy đến bây giờ và từ bây giờ cho đến hơi thở cuối cùng của tôi trên đời nầy, Dấu Ấn về Ngôi Trường Mang Tên Tống Phước Hiệp sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức và trong tâm trí tôi. Sẽ Không Bao Giờ!!! Bây giờ tôi xin trở lại giấc mơ chưa trọn của tôi. Vào thập niên 60s học sinh tiểu học ở các tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình và Sa Đéc chắc ai cũng như tôi, đều mơ thành học sinh Tống Phước Hiệp (thuở đó còn mang tên Nguyễn Thông). Tại sao tôi mơ thành học sinh Tống Phước Hiệp? Dễ hiểu thôi, thứ nhứt là nhà tôi quá nghèo, cha mẹ tôi phải tần tảo vất vả lắm mới nuôi nổi anh em chúng tôi thì lấy tiền đâu ra để cho tôi học trường tư; thứ nhì thuở ấy khắp 3 tỉnh chỉ duy có một trường trung học có từ lớp đệ thất đến đệ nhất, đó là trường Tống Phước Hiệp và thanh thiếu niên nghèo cỡ tuổi tôi trong ba tỉnh này chỉ có một con đường lựa chọn duy nhứt là phải đậu vào Tống Phước Hiệp để còn được tiếp tục đi học. Ngày đó học sinh tiểu học chúng tôi, sau khi học xong bậc tiểu học là phải chuẩn bị thi tuyển vào lớp đệ thất, tức là lớp 6 bây giờ. Hễ ai đậu thì tiếp tục học trường công, còn ai rớt mà nhà có tiền thì theo trường tư hoặc bán công, nhưng nếu nhà không tiền thì hoặc ở nhà tiếp tục học thi cho năm sau, hoặc khăn gói ra đồng phụ giúp cha mẹ. Bây giờ hồi tưởng lại những kỷ niệm một thời những thí sinh tí hon chúng tôi phải lều chõng đi, mình thấy nó vui vui làm sao ấy. Hồi đó thi tuyển vào đệ thất trọn ngày nên những đứa nhà gần như chúng tôi thì buổi trưa chạy ù về nhà ăn cơm, rồi trở lại trường thi tiếp; còn những đứa ở xa như ở các quận lên thì thường có cha mẹ đi theo, lúc con vào thi thì cha mẹ ngồi ngoài quán nước gần đó hay những gốc cây sao ven đường, đợi các con thi xong buổi sáng rồi cùng ăn trưa với các con và tiếp tục đợi buổi chiều để rước con về.
Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nghèo lắm, nghèo da diết, lại sống trong một khu xóm toàn là dân lao động tay chân, nên ít có gia đình nào có ý hướng muốn cho con cái học hành đi lên. Thường thì ai được học tới khi biết đọc biết viết hoặc cùng lắm là hết tiểu học đều cũng ở nhà phụ cha mẹ trong kế sinh nhai. Gia đình tôi thì khác, lúc nào ba mẹ tôi cũng tranh cãi với nhau về vấn đề cho con ăn học. Mẹ tôi thì một mực phải cho con ăn học để có chữ có nghĩa với đời dù thân mẹ có ra sao mẹ cũng cam, vì theo mẹ, giáo dục không những chỉ được dùng để giáo hóa con người hay là bực thang thăng tiến trên đường đời, mà trường học còn là bức chắn không làm cho thanh thiếu niên hư hỏng khi bước chân vào trường đời, khiến cho họ có khả năng sống một đời đáng sống hơn. Còn ba tôi thì ngược lại, ba tôi thực tế trong vấn đề sanh kế trước mắt hơn nên ba thường nói: “học để sau này làm ông cống ông nghè gì đó mà học?” Cứ thế mà tôi phải sống vằng vặc trong hai ý hướng đối nghịch giữa ba và mẹ. Tuy nhiên, thuở đó ba tôi thường không có ở nhà nên mọi chuyện về học hay nghỉ của anh em chúng tôi đều do mẹ quyết định. Thế là anh em chúng tôi vẫn được tiếp tục đi học trong hoàn cảnh hết sức nghèo khổ của gia đình.
Niên học 1962 tôi bắt đầu vào lớp đệ thất 5 của trường Tống Phước Hiệp, nhưng thuở đó có lẽ vì trường mới chưa có đủ lớp nên những lính mới chúng tôi còn phải học một năm ở trường cũ, mang tên Nguyễn Thông mà sau nầy đã trở thành trường bán công. Lớp học tôi nằm bên phía đối diện với tiểu chủng viện Xuân Bích, được cách bởi con đường đầy cây me còng (loại có trái khi chín thì trở màu đen và tươm mật rất ngọt, khi ăn vào có thể bị say máu ngà). Tôi vẫn còn nhớ anh trưởng lớp tên Hậu, hơi lớn tuổi hơn chúng tôi, nhưng rất hiền và dễ thương. Về sau nghe nói anh đã hy sinh ở mặt trận vùng Chương Thiện. Đến năm đệ lục, anh em chúng tôi lại khăn gói dọn về trường lớn, nằm ngay trên đại lộ Gia Long, đối diện với sở công chánh, mà ngày đó người dân quen gọi là sở trường tiền. Tại trường mới, lớp của chúng tôi nằm ở tầng hai, ngay hai góc đường Pasteur và Hùng Vương, ngó xuống là thành lính truyền tin. Trường Tống Phước Hiệp tọa lạc trên một mảnh đất khá rộng, bao quanh bởi bốn con đường, mặt tiền hay phía bắc của trường là đại lộ Gia Long, phía đông là đường Pasteur, phía nam là đường Hùng Vương, tôi không còn nhớ phía tây là con đường tên gì, nhưng phía này giáp với khu phố của chợ Vĩnh Long. Đây là ngôi trường thiệt đẹp, trong sân trường được trồng nhiều cây phượng vỹ, nhứt là con đường từ cổng đi vào phòng khánh tiết, hai bên được viền bởi hai hàng phượng vỹ thật tuyệt, nhứt là những lúc sắp vào hè, những lúc chúng tôi sắp sửa xa nhau thì hai hàng phượng nở rộ đỏ thắm cả trường. Bây giờ ngồi đây, hơn nửa vòng trái đất xa quê, tôi thấy nhớ thương làm sao những năm tháng vụn dại của tuổi học trò năm xưa. Thời gian qua mau, sau đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, rồi đệ tứ, chúng tôi chuẩn bị thi trung học đệ nhất cấp thì được tin cuộc thi này được bộ Giáo Dục hủy bỏ, những ai thi đậu hai kỳ lục cá nguyệt ở trường sẽ được đương nhiên được cấp bằng trung học. Cuối năm đệ tứ, anh em lớp đệ thất 5 của chúng tôi phải chia tay vì trường sắp lớp đệ tam theo ban mà mình chọn, hoặc A (vạn vật), hoặc B (toán), hoặc C (văn chương), hoặc D (cổ ngữ). Ngày đó với tôi chỉ có ban B là thích hợp nhất, vì không có thì giờ học bài nên không dám theo ban vạn vật, không biết gì về văn chương thi phú nên ban văn chương cũng không dám ngó tới, còn cổ ngữ thì hầu như không có người theo. Những năm đầu trung học, vì nhà nghèo, phải phụ mẹ giữ em nên không có giờ học bài vì thế suốt ba năm thất lục ngũ, tôi học hành không giống ai hết, bắt đầu từ năm đệ tứ, tự nhiên tôi học vượt lên hầu hết các bạn trong lớp, nên tháng nào cũng được nhà trường cho vào đứng trong bảng danh dự và cuối năm ấy tôi được lãnh thưởng hạng danh dự, rồi đệ tam và đệ nhị năm nào tôi cũng được lãnh thưởng toàn trường. Tuy nhiên, năm thi tú tài I tôi chỉ đậu hạng bình vì không làm được một câu việt văn nào. Sau khi xong tú tài I, vì nước hay vì hoàn cảnh gia đình mà tôi phải ra đi, lên đường chinh chiến, bỏ lại sau lưng tất cả những kỷ niệm êm đềm của một thời vàng son ngày đó. Cuộc đời tôi lúc đó cũng nổi trôi theo vận nước, chỉ là một đám mây mù trước mặt, nên tuổi chim non đã ngưng bặt tiếng hót khi chưa chớm bay được vào đời. Thời gian êm đềm đối với tôi như một chớp mắt, thoáng đó mà vật đổi sao dời, con người thay đổi và hoàn cảnh thay đổi. Tuổi trẻ nghèo nàn của tôi qua đi trong cơ hàn vất vả, không có lấy một ngày vui, nhưng những kỷ niệm lưu lại trong tôi là những gì tôi trân quí nhứt đời. Bây giờ dù tuổi trẻ tôi đã qua đi nhưng tâm hồn tôi vẫn như ngày nào, vẫn nhớ nước nhớ quê, nhớ trường xưa bạn cũ với chất ngất kỷ niệm một thời.
Dù tôi không được học hết trung học trong mái trường Tống Phước Hiệp thân yêu, nhưng với tôi, Tống Phước Hiệp lúc nào cũng là nơi thân thương đong đầy kỷ niệm của thời đi học. Nếu không có ngôi trường thân yêu ấy thì năm năm sau, không cách chi tôi có khả năng hoàn tất được hai chương trình đại học ban Anh văn và Việt Hán, và rồi trên bước đường lưu lạc nơi xứ người, cũng không có cách chi mà tôi tiến xa hơn được để thành công trên bước đường sự nghiệp. Tôi muốn nhân bài viết này để cảm ơn tất cả thầy cô và nhân viên của trường mà tôi còn nhớ hay không còn nhớ tên, từ thầy cô hiệu trưởng (thầy Đào khánh Thọ dạy Vạn vật và cô Võ thị Ngọc Dung dạy Sử địa), thầy Nhơn dạy Pháp văn, thầy Vỹ dạy toán (đã thất lộc), thầy Bai dạy Lý Hóa, thầy Nguyên dạy Lý Hóa, thầy Hiệp dạy Việt văn, thầy Bảo dạy Lý hóa, thầy Ngẫu dạy Công dân, thầy Côn dạy Pháp văn, cô Phi
dạy Anh văn, thầy Huỳnh Tấn Sĩ dạy Anh Văn, thầy Hảo dạy Anh văn, thầy Trà văn Bông dạy Anh Văn, Thầy Nhã dạy Sử Địa, hai thầy Diệp (một mắt kiếng và một móm) đều dạy Toán, thầy Quang dạy Toán, cô Ross (người Mỹ dạy Anh văn), thầy Vĩnh dạy vẽ, cô Từ tiểu Linh và cô Hượt dạy Việt văn. Còn nhiều thầy cô nữa mà tôi không còn nhớ được tên. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả nhân viên của trường từ chú y tá, bác lao công đến bác Năm đánh trống (đã thất lộc). Tôi cũng không quên tri ân những bằng hữu đã an ủi và khuyến tấn tôi trong thời hàn vi cơ cực như bạn Biện Công Danh, Đặng Văn Còn, Nguyễn Phước Anh, Nguyễn Bá Lộc, Nguyễn Bá Phúc, Hữu An, Lai, Chí Hiếu, Đầy, Dương (đã thất lộc), Thới, Khánh (đã thất lộc), Huệ, Đức, Dương Thanh Khải, Lê Ngọc Điệp, Mẫn, Lâm Hữu Hạnh, Phúc, Vinh, Quang, Phú, Quý, Phước, Hưng, Cách, Mến, Tấn, Hỷ, Dậu, Còn (đã thất lộc), Phước Anh và Công Danh, Việt Dũng (đã thất lộc), Hữu Dũng (đã thất lộc), Hoàng, Đen, Ngọc Huệ (đã thất lộc), Ngọc Chúc, Tương Thục, Nhạn, Kim Trọng, Minh Lan và Minh Nga, Hồng Vân… Tất cả đã gói ghém, đã đong đầy trong tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm, tất cả là một phần đời, một phần kỷ niệm vô cùng tươi đẹp của tôi, mà cho mãi đến hôm nay lúc nào tôi cũng trân trọng mỗi khi chia sẻ những kỷ niệm này với bằng hữu.
Người Long Hồ
Hình 1-2-3: Cổng trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long trước năm 1975, ảnh tư liệu của Hội Ái Hữu CHS TPH Nam California.
Hình 4: Một dãy lớp học của trường TPH vào năm 1968.
Hình 5: Phù hiệu TPH trước năm 1971 (trước thời hiệu trưởng Võ thị Ngọc Dung).
Hình 6: Phù hiệu TPH sau năm 1971 (dưới thời hiệu trưởng Võ thị Ngọc Dung, từ năm 1971 đến năm 1975).
Hình 7: Các Nữ sinh trường Tống Phước Hiệp đang ngồi tại hồ nước nhỏ trong khuôn viên trường trong giờ ra chơi.
Hình 8: Thầy Đào Khánh Thọ, một trong những Hiệu trưởng trường có công phát triển trường trung học Tống Phước Hiệp trở thành ngôi trường trung học đứng hàng thứ nhì tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Hình 9: Thầy Nguyễn Văn Hiệp, cựu Giám học trường trung học TPH.
Hình 10-11: Ban Gám thị của trường trung học TPH.
Hình 12-13-14-15-16: Ban Giảng Huấn của trường trung học TPH.
**Cám ơn các em Nguyễn Hoàng Hưng, Vân Nguyễn, Bích Nguyễn, và hai vợ chồng em Trần văn Mỹ Phước & Nguyễn thị Ly, cũng như các anh Lưu Vĩnh Khương, anh Huấn, 2 anh Quới, và một số anh chị khác mà tôi không nhớ tên, đã cung cấp hình ảnh cho tác giả lúc đang làm các quyển đặc san cho Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp từ 2003 đến 2008.
Đọc bài viết của người Long Hồ em rất cảm động ,thấy cay cay nơi mắt và nao nao trong lòng .Đọc bài viết của anh bao kỹ niệm tràng về trong tâm trí . Hoàn canh đi học của tụi em rát giống anh, nhà nghèo lại ở dưới quê , quí thầy cô anh kể có thầy cô em đã từng học .Em vân thường xuyên liên lạc với Thầy Hiệp,thầy ợ CANADA .. Em hoc sau anh năm 66 em mới vào đệ thất, em cũng sẽ không bao giờ quên quảng thời gian học ở trường TONGPHUOCHIEP . Em cám ọn anh rất nhiều ,đã giúp em nhớ lại thời tươi đẹp nhất của một đời người.. Cám ơn anh ,kính chào anh .
Em không nhận được hình từ số 4 đến số 15 . Anh có thể gừi cho em được không ? [email protected]
Đọc bài viết của người Long Hồ em rất cảm động thấy nao nao trong lòng và cay cay nơi mắt .quảng thời gian học ở trường TỐNG PHƯỚC HIỆP là quảng thời tươi đẹp nhất của đời người . Hoàn cảnh tụi em cũng rất giống anh ,gia đình nghèo lại ở quê phải khăn gói lên tỉnh ở nhà bà con trọ học vô cùng vất vả .Qúi thầy cô anh vừa kể có một số em đã từng học . em liên lạc được với thầy Hiệp Thầy cở Canada .Tụi em học sau anh năm 1966 em mới vào đệ thất .em rất cám ơn anh đã giup1em nhớ trường nhớ lớp nhớ thầy cô, bạn bè .. Cám ơn anh rất nhiều, em kính chào anh chúc anh nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Em không nhân được hình từ số 4 đến số 14 .anh có thể gửi cho em theo địa chi [email protected].
Võ Thị Lài có thể vào xem hình ảnh nơi đường link nầy. https://thuvienhoasen.org/images/file/MYSnOx2y3AgQAL9c/trai-thoi-loan.pdf
Chúc V.T.L. và gia đình thân tâm luôn an lạc.
Bai viet cua anh rat cam dong,doc ma nghe nao nao trong da cay cay noi mat .Anh giup tui em nho lai cai thoi tuoi dep nhat cua mot doi nguoi , toi nam 66 tui em moi vao de that qui thay co anh ke co mot so em da tung hoc . Em co lien lac duoc thay Hiep thay hien o Canada .Em khong nhan duoc so hinh tu 4 den 16 anh co the gui cho em theo dia chi vothilai189@gmail .com . Em kinh chao anh , chuc anh nhieu suc khoe .
Tôi có vài bài đã đăng trên Trang Nhà Tống Phước Hiệp, nay muốn tìm lại không biết làm sao tìm. Nếu còn lư lại, có cách nào giúp dùm. Cám ơn.
Chúc nhiều sức khỏe
Huỳnh Ái Tông
Dạ có nhiều trang Tống Phước Hiệp, anh xem lại đăng ở đâu ? Nếu ở trang nhà này thì rất dễ tìm, chỉ cần đánh tên tác giả bài viết là hàng loạt bài hiện ra ngay. Chúc anh thành công.