NGUYỄN VĂN SÂM : NGUOI MÊ SÁCH CỔ
Tình cờ tôi biết Nguyễn Văn Sâm trrong chuyến đi Củ Chi với các bạn trong CLB chơi sách. Anh là giáo sư dạy chữ Nôm của trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975. Nhà anh không lớn lắm nhưng tủ sách của anh làm tôi mê mẩn, lúc đó nghe nói anh thu dọn sách vở nhà cửa để về Mỹ sống, tôi chỉ nhìn mà thèm thôi chứ không có ý nghĩ gì dù muốn giữ giùm anh một kệ sách cũng không thể. Về sau nghe anh nói, cũng có người muốn mua nhưng trả rẻ quá, anh gửi tặng cho vài nơi cần sách , chỉ mang theo những sách quý mà anh thấy cần thiết cho việc nghiên cứu.
GS Nguyễn Văn Sâm và Luong Minh
Gần chục năm sau, tôi kết bạn Face book với anh, khi anh biết tôi là người Vĩnh Long, anh hỏi tôi có biết nhà thơ Việt Chung Tử không? Việt Chung Tử cách nhà tôi chưa đầy hai cây số, anh chuyên khảo cứu về văn sử địa tại địa phương. Những năm, 1990 anh còn viết cho nhiều báo các tỉnh phía Nam nhất là trong dịp xuân về. Anh Sâm quen với Việt Chung qua những bài thơ mà Việt Chung gửi cho nhà biên khảo Bằng Giang và anh chủ động làm quen với Việt Chung. Mỗi lần về Vĩnh Long là anh ghé thăm anh Việt Chung, hai bạn già gặp nhau cùng sở thích như nhau nên trò chuyện tâm đắc. Anh Sâm sống ở nước ngoài lâu lâu cũng nhớ về bạn hiền, hỏi thăm và nhờ tôi khi về quê ghé anh Việt Chung gửi cho chút quà. Tôi biết ở Mỹ, anh cũng có đi dạy, giờ thì đã về hưu thu nhập chẳng nhiều, vậy mà cũng nhín chút tiền gửi cho bạn, tuy không là bao nhưng người nhận rất trân trọng. Nghe anh Việt Chung có ra sách mới, anh dặn tôi mua dùm ủng hộ chứ tôi biết anh nào có thời gian đâu để đọc. Mua rồi thì để nhà người quen ở Sài Gòn chờ có người đi qua thì gửi. Cũng trong dịp này , anh cũng mua ủng hộ sách của tôi, người bạn nhỏ mới quen đang tập tành viết lách.
Từ khi quen anh, tôi theo dõi hoạt động từng ngày của anh trên facebook, hai ba ngày anh gửi một bài trên tường, viết và chỉnh lý nhiều sách cổ. Tôi hỏi anh làm việc nhiều , bài viết đăng nhiều báo có nhuận bút không ? Anh cho biết, viết là một bổn phận chứ nào có thù lao chi đâu ! Làm con tằm thì phải nhả tơ cho đời. Câu nói đó làm tôi ngày nào cũng viết không chờ đợi các báo có đặt hàng hay không?
Thấy tôi đi chơi nhiều, anh cho rằng những chuyến đi như vậy rất thú vị, đến chỗ nào cũng gặp bạn văn, chắc khi về Việt Nam cùng tôi đi một vài nơi ở miền Tây. Tôi có hứa nhưng lần này về Việt Nam, bạn bè , học trò đến thăm nhiều quá, anh chưa có thời gian rỗi.
Hôm đến nhà anh, tôi thấy nhiều bạn trẻ ở đó, bạn nào cũng chừng ba mươi tuổi, có người lớn hơn dạy đại học về môn Hán Văn, tu nghiệp tại Đài Loan, ấy vậy mà cũng diện kiến với anh, người thầy về môn chữ Nôm. Em Nguyễn Anh Tú , sinh sống tại Dak Lak , đang nghiên cứu chữ Nôm thường trao đổi với anh về các tuồng cổ , truyện thơ cổ của Việt Nam như Người đi đòi nợ Phật, Tội vợ, vợ chịu, Thơ tuồng Chàng Lía.. .Anh chỉ các bạn trẻ rồi nói, đây là những người giúp đỡ anh trong việc giới thiệu hiệu đính các tác phẩm Nôm mà anh xuất bản sau này. Tôi nghĩ, đó là cách nói khiêm tốn của anh chứ các bạn trẻ chỉ là động lực thôi thúc anh làm việc, họ đồng hành cùng anh trong việc nghiên cứu, gìn giữ và phổ biến các tác phẩm của ông cha ta cho thế hệ mai sau.
Anh tặng tôi quyển Kể Chuyện Tình Buồn của Hồ Biểu Chánh, xuất bản năm 1913 và anh viết giới thiệu và hiệu đính lại , in lần thứ nhất 2014 tại Hoa Kỳ. Quyển này tái bản năm 2022 tại Việt Nam. Đọc lời giới thiệu của anh trong sách, hiểu được tấm lòng của anh với văn chương nước nhà. Văn Việt có từ lâu khởi đầu bằng chữ Nôm và số tác phẩm viết bằng chữ Nôm có rất nhiều nhưng thời hiện tại có mấy ai tìm được và đọc hiểu. Anh là một trong số ít những người tìm vốn văn chương cổ để phổ biến cho đời sau, nhất là văn chương phương Nam.
Từ ngữ Nam bộ , ta nghe thấy trong tiểu thuyết chữ quốc ngữ của Hồ Biểu Chánh, sau này được dựng thành phim thì qua lời thoại của diễn viên, hay đọc văn Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư nhiều người tưởng đây là kho tàng văn nói của người Nam bộ. Đọc nhiều các truyện Nôm của Nguyễn văn Sâm , người ta còn thấy nhiều chữ cổ mà mình mới được nghe như: thày lay ướm lòng, héo don, nhúm bịnh, hôm mơi …còn nhiều lắm nhưng phải đọc để biết cách nói người Nam Kỳ.
Nói anh là nhà nghiên cứu chữ Nôm là đúng, gọi là nhà văn cũng không sai vì anh có nhiều truyện ngắn hay nằm trong tập Giọt Nước Nghiêng Mình, Khói Sóng Trên Sông… được nhiều người hoan nghênh.
Bước vào tuổi 84, anh vẫn yêu đời, vẫn làm việc, nhất là giao du với người trẻ tuổi, tôi thấy anh khó mà già được, thế nên anh là mẫu người mà tôi noi theo.
LUONG MINH