DỰ CẢM “XA NGHÌN TRÙNG”
Cảm nhận về nhạc phẩm Như cánh vạc bay của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
“Từ lúc đưa em về Là biết xa nghìn trùng”. Đây là lời ca, hay nói cách khác, là dự cảm, linh cảm về biệt ly trong Như cánh vạc bay của Nhạc sĩ (NS) Trịnh Công Sơn (sáng tác năm 1964). Khi chạm đến những ca từ đó, tôi mường tượng có đôi trai gái chia tay nhau ở cuối con đường, bên bến đò, giữa sân ga hay bên chiếc cầu dưới cơn mưa lất phất. Dự cảm về một vấn đề rất có thể sẽ không chính xác, nhưng không hẳn không thể xảy ra. Riêng dự cảm của NS Trịnh Công Sơn thì tôi cho rằng có khả năng diễn ra trong thực tế mười mươi với cảm xúc ngập tràn của “người trong cuộc”. Nhờ yếu tố đó mới xuất hiện thêm tuyệt phẩm để rồi tồn tại trong lòng giới mộ điệu nhạc Trịnh hơn nửa thế kỷ qua – Như cánh vạc bay – có phải chăng!
Nói cho “công bằng”, dự cảm “xa nghìn trùng” là nét độc đáo, song không mang tính quyết định mà chỉ góp phần tạo nên một Như cánh vạc bay bất hủ. Nét độc đáo khác trong nhạc phẩm này là cái duyên so sánh – “Nắng có hồng bằng đôi môi em Mưa có buồn bằng đôi mắt em”; nó khiến người nghe đi từ bất ngờ đến thích thú, ngưỡng mộ và không thể nào quên được. Chỉ có đôi môi tinh khiết, rực rỡ của người con gái mới đủ chuẩn làm cho nắng hồng đẹp đẽ cũng phải hờn ghen – “Nắng có còn hờn ghen môi em”. Lá đâu phải khô vì già nua theo năm tháng mà chính vì… đợi chờ, nghiệt ngã đợi chờ. Chiếc “lá-khô-đợi-chờ”, qua suy nghiệm của người nhạc sĩ tài hoa, có khác gì đời người trĩu nặng khối u ám triền miên. (“Lá khô vì đợi chờ Cũng như đời người mãi âm u”).
Cứ mỗi lần nghe lại Như cánh vạc bay, tôi thấy trong tâm trí mình khi ẩn khi hiện vai ai gầy nhỏ ngày nào và đôi mắt nhỏ lệ sầu đau. Xa lắm, xa lắm rồi, xa ngút ngàn cánh vạc của đời tôi! (“Vai em gầy guộc nhỏ Như cánh vạc về chốn xa xôi”). Tôi nghĩ, chắc không ít những chàng trai Việt đã mang theo trong đời hình ảnh yêu thương nuối tiếc tương tự… Người bình thường chỉ thấy thực tại bằng mắt, còn người nghệ sĩ nhạy cảm nghe ra được, cảm nhận được từ không gian xa tít mù khơi “nghìn giọt lệ rớt xuống thành hồ nước long lanh” (“Nơi em về ngày vui không em Nơi em về trời xanh không em Ta nghe nghìn giọt lệ rớt xuống thành hồ nước long lanh”).
Thời sinh viên, tôi học chơi khẩu cầm (harmonica). Có hai điệp khúc viết ở cung trưởng của NS Trịnh Công Sơn tôi rất mê mà hễ cầm kèn lên là thổi ngay, một trong Như cánh vạc bay và một trong Cát bụi. Riêng Như cánh vạc bay, dù đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn muốn tiếp tục nghiền ngẫm “Mưa có còn buồn trong mắt trong”.
Nghe nhạc Trịnh, không phải nghe đơn thuần mà cần động não, suy tư, suy ngẫm về cuộc đời, tình yêu, thân phận con người, v.v… Có phải các “tín đồ” nhạc Trịnh đã trải nghiệm cung bậc thăng trầm trên cõi tạm rồi đưa ra “triết lý” thưởng thức một thế giới nhạc huyền diệu như thế! Với tôi, mỗi lần nghe lại các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, cũng có nghĩa là tôi đang tiếp tục khám phá – không chỉ là sự phong phú, sâu lắng trong giai điệu của ông, ca từ của ông. Từ nhạc Trịnh, tôi thấm thía nội tâm chứ không chìm sâu trong tăm tối. Tôi thích ngắm nhìn thế giới xung quanh và không ngần ngại tiếp cận.
Bây giờ, tôi đang hát lại dự cảm ở thời điểm xa xưa của Trịnh Công Sơn: “Từ lúc đưa em về Là biết xa nghìn trùng”. Tôi “tự biên tự diễn”, cũng có nghĩa là tôi đang lắng nghe. Mà không, phải nói là tôi đang khám phá tiếp cõi bao la nhạc Trịnh…
Trần Ngọc Vui
________________________________________________
* Tham khảo: Tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương tuyển chọn, Nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
Chào mừng Trần Ngọc Vui ( tác giả bài báo ” Bánh Mì làm sao quên ” ) đã trở lại với Trang Nhà Tống Phước Hiệp -Vĩnh Long . Lần này là bài cảm nhận về bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn : Như Cánh Vạc Bay trong bài viết : Dự Cảm ” XA NGHÌN TRÙNG ” .
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa , đã có nhiều người cảm nhận về nhac của ông , bài nào cũng hay về ca từ và tính triết lý . Trần Ngọc Vui đã chon bài yêu thích : Như Cánh Vạc Bay để viết cảm nhận . Bài viết từ cảm xúc chân thật của bản thân có tham khảo tài liêu và ghi chú thích cụ thể . Tôi cũng có cảm nhận giống tác giả . Xin chúc mừng !
Ngọc Vui ui! tôi cũng là người rất ghiền nhạc Trịnh từ thời còn đi học và tới bây giờ vẫn còn ghiền…người nhiều tâm sự mà…hihi…mỗi lần nghe bản nào lại quay lại kỷ niệm thuở mình nghe…lòng buồn da diết, tôi và Cúc cũng thường đi quán caphe nghe nhạc Trịnh, cám ơn Ngọc Vui bài viết đầy cảm xúc…thân mến.
Đời một người nhận được sự đồng cảm là diễm phúc! Nghe nhạc Trịnh, “lòng buồn da diết” (Neang Phi Rom) và cảm tưởng sau khi đọc Dự cảm “Xa nghìn trùng” (Đỗ Thu Cúc) – những dòng chữ ngắn gọn – tự nhiên mang đến nét gần gũi, xúc động…