Người Sài Gòn xưa

Ngày đăng: 13/01/2018 09:03:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Xế chiều ngày 24 tháng 12, nhớ lại thằng bé khoảng 4 tuổi cạnh gian nhà nhỏ của tôi. Thường ngày gặp tôi, bé chạy lại tươi cười chào hỏi. Chạy khoảng 30 chục cây số, tặng bé hộp chocolate. Trên đường về trời chiều chiều, một đoạn khoảng 10 cây số. Nhiều đàn chim, hàng ngàn ngàn con bay lượn thật đẹp mắt, đẹp cả góc trời. Về đến nhà, xéo xéo trước cửa có một công viên nhỏ. Cô gái khoảng 12 tuổi và cha cô đang thả diều. Hai con diều bay lẻ loi vào mùa đông. Thấy là lạ, tôi lấy điện thoại bấm vài tấm hình. Diều bay không cao lắm, nhưng trời đã sẩm tối, chụp không rõ. Hai cha con vẫn ung dung với cánh diều, chưa vội thu về, mở quà Giáng Sinh.

Những ngày tháng đông nơi tôi ở, khá bình yên. Nhiều người từ Canada, những tiểu bang tuyết lạnh vùng bắc Mỹ, đến đây trốn tuyết. Bạn của một người bạn cũng đến từ một tiểu bang khá giá lạnh của nước Mỹ. Những ngày đầu năm nhàn tản, cùng uống cà phê, ôn chuyện đời. Người bạn ấy kể.

Bạn đã đọc câu chuyện nói về Người Sài Gòn xưa, thật giống chuyện của bạn. Quê bạn nghèo lắm, nhà bạn cũng nghèo theo quê hương. Bạn may hơn những người bạn khác cùng xóm. Được về Sài Gòn học, tá túc sau hậu liêu của một ngôi chùa nghèo, có người thân tu trong ngôi chùa này. Hàng ngày bạn được chùa cho ăn tạm no với tương chao. Những người gần đó không thể mang thức ăn đến cho bạn, thỉnh thoảng nhà này, nhà khác mời bạn những buổi cơm có thịt, có cá. Rồi bạn cũng như bao chàng trai khác cùng tuổi, phải ra đi năm 72. Đến năm 75, bạn cũng như những chàng trai sau cuộc chiến còn sống sót, vào trại cải tạo. Thời gian tại ngũ, chẳng biết ngày mai ra sao, phần nhà quá nghèo, nên bạn vẫn độc thân. Mẹ già thỉnh thoảng lặn lội đường xa đến trại cải tạo thăm. Mẹ bạn khuyên, nếu có một ngày được khoan hồng, đừng nên về quê, nghèo lắm, cố bám Sài Gòn, làm thuê, làm mướn có thể còn khá hơn. Chỉ mang một mai vàng, bạn học cải tạo hơn ba năm.

Nghe lời mẹ, bạn chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống cho những ngày còn lại. Trở lại ngôi chùa ngày xưa từng cưu mang bạn. Bây giờ cũng vậy, nhưng nay bạn không thể chia miếng cơm của chùa nữa. Mẹ già thăm nuôi, nhét cho bạn ít tiền, cất giấu được. Ít lắm, mỗi ngày bạn mua một gói xôi nhỏ. Chia làm ba buổi ăn, bạn vẫn còn cái muỗng thật nhỏ trong trại cải tạo. Định mang về làm vật kỹ niêm, không ngờ bây giờ lại hữu dụng. Dùng muỗng nhỏ xúc một lần vài hạt xôi, buổi ăn cũng kéo dài khá lâu. Mỗi ngày đi quanh Sài Gòn, bạn chẳng biết phải làm gì ra tiền. Ba tuần sau tiền gần cạn, bạn đánh bạo đến hỏi một anh xích lô đạp. Làm sao để mướn được chiếc xích lô. Chạy làm sao để kiếm khách. Anh xích lô nhìn bạn từ đầu đến chân. Anh xích lô xuống ngồi chổ của khách ngồi, bảo anh lên đạp thử. Quá đói anh chỉ đạp một đoạn ngắn, đạp hết muốn nỗi, chạy càng lúc càng chậm. Anh xích lô ra dấu bảo ngừng, đổi chỗ. Anh xích lô đạp về nhà, vợ anh vắng nhà, anh tự tay dọn mâm cơm. Anh chỉ lấy một cái chung, lấy bình rượu thuốc. Anh xích lô bảo anh ăn cơm trước đi, anh chưa đói, khề khà vài chung nhỏ. Bạn ăn thật tình, lâu rồi không thấy cơm. Mới đầu bạn ăn, vẫn có ý chừa cho anh xích lô. Anh xích lô khoát tay, bảo anh ăn tiếp. Anh ăn cạn nồi cơm, anh xích lô lấy chung khác, đong cho bạn chung rượu nhỏ. Anh cười, anh xích lô cười. Hiểu nhau, chẳng biết hiểu nhau như thế nào. Anh xích lô tận tình giúp đở bạn. Vợ anh xích lô buôn bán giỏi, anh chỉ đạp xe cầm chừng, nhường lại cho bạn đạp nhiều hơn. Chỉ lấy tiền tu bổ xe thật tượng trưng. Bạn dư tiền gởi về giúp mẹ già.

Rồi công an khu vực không cho bạn tạm trú ở chùa nữa vì là chùa ni. Anh xích lô lại mở rộng vòng tay lần nữa, cho anh ngủ tạm một góc nhỏ trên căn gác.

Hết cơn bỉ cực, diện HO ra đời, bạn đã học cải tạo hơn ba năm. Phái đoàn Mỹ chấp nhận cho bạn được định cư nước Mỹ. Mẹ và gia đình anh xích lô tiển bạn ra phi trường, xiết tay từ giả.

Đến Mỹ, số tiền đầu tiên bạn kiếm được, chia hai, gởi cho mẹ và anh xích lô. Người Sài Gòn xưa. Bạn mĩm cười.

Tôi cũng góp thêm câu chuyện nhỏ về Người Sài Gòn xưa.

Kính đeo mắt bị mất con ốc. Tôi đến tiệm kính đường Lê thánh Tôn, chủ tiệm tặng con ốc không tính tiền. Lần sau bể tròng, trở lại tiệm kính, chủ tiệm thay cũng không lấy tiền. Nói với cậu chủ, hôm trước tặng tôi con ốc rồi. Cậu chủ nói, lần trước tặng con ốc, lần này biếu tròng kính.

Một lần vào ăn tiệm cơm chay, xeo xéo chợ Bến Thành. Ăn xong, bà chủ mang ra bình trà và tặng cái bánh đậu xanh. Cái bánh không bao nhiêu tiền.  Tấm lòng bà chủ to lớn, ăn cái bánh thật ngon. Vừa ra khỏi tiệm cơm, phát giác dây kéo quần bị hỏng, đến tiệm may gần đó nhờ sửa dùm. Chị thợ may đưa cho chiếc quần khác, bảo vào phòng thay, đưa chị chiếc quần hư dây kéo. Ngập ngừng nói với chị, chiếc quần đã mặc rồi nghen chị. Chị nói, hỏng sao đâu cưng, em út mà. Thay dây kéo xong, chị không tính tiền.

Những người Sài Gòn xưa có biết. Hai người xa quê hương, đang nhắc lại những người Sài Gòn xưa với lòng biết ơn. Cầu mong những người Sài Gòn xưa luôn khỏe mạnh, luôn gặp may. Mãi nhớ ơn những người Sài Gòn xưa.

Nguyễn Hoàng Hưng

Hình minh họa  nguồn Net

 

Có 9 bình luận về Người Sài Gòn xưa

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay vì chân thật  ,,Hoành Châu nghe người SG xưa nổi tiếng hào phóng , điệu nghệ  nay mới biết  nội dung từ những câu chuyện anh Hoàng Hưng kể  , hay thiệt đó !
    Mấy chiếc nón bảo hiểm trên đường phố SG không phải sg xưa ,,,Hình cô gái đẹp mặc áo dài được chụp nhằm phục vụ cho phim ảnh đấy ,,
    Hoành Châu ~ Lãng Uyển Châu (Gia đình C  )

    • Hoàng Hưng nói:

      Cát Cát muốn biết thêm người Sài Gòn xưa hỏi bà và cô Hồng Khanh là những người Sài Gòn xưa.

      • Hoành Châu nói:

        Sao anh hay dữ vậy ! Chuyện gì cũng thông , Đúng như anh nói ,,em thấy tư tưởng  qua bài viết , hành động và phong cách sống của cô và Bà là như thế đấy ! Cảm ơn anh đã tiết lộ !
        Hòanh Châu (Gia đình C  )

  2. VÕ THI LÀI nói:

    Bài anh viết rất hay , được nhìn lại hình ảnh Sài Gòn xưa đọc 2 câu chuyện thật cảm động.Bây giờ khó mà tỉm được những tình cảm  chân tình như thế .Ngàn lần nuối tiếc một thuở hoàn kim xa xưa ấy. Cám ơn anh Hưng đã cho thưởng thức một câu chuyện đáng suy ngẩm về Sài Gòn xưa và nay .

    • hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Lài. Sau tháng 4-75 anh Hưng về quê ngoại với dì 4, và người chị con của dì từ cục R về, chị cũng cùng tuổi, gặp chị lần cuối vào năm 1959. Anh, dì và chị cùng đi bằng tam bản, đoạn đường khoảng 5 cây số. Anh và chị gây lộn gần hết đoạn đường. Gần tới quê ngoại, dì 4 mới lên tiếng, thôi bỏ đi con. Con nhìn chị cho kỹ đi, hồi má con bằng tuổi chị, giống hệt như chị bây giờ. Sau này cũng vậy, giả sử khi chị 40 cũng giống như má anh hồi 40. Năm 2000 anh có số điện thoại của chị, gọi về xin lỗi chị. Lúc đó chị nói ngược lại hết những gì ngày xưa chị nói. Chị nói, chị phải xin lỗi em, ngày xưa chị vô duyên quá. Chị khơi lên nỗi đau của em. . Cách đây vài năm đứa em về Việt Nam, dặn đứa em ghé thăm chị, xin chị tấm hình. Nhà chị bên cầu Tân Thuận,  đứa em thăm chị xong trở ra, gặp chiếc taxi trờ tới, đứa em đón chiếc taxi đó. Những chiếc taxi đang đậu nơi đó chận chiếc taxi của đứa em vừa lên, đập nát đầu chiếc xe với lý do dành khách. Đó là những “người Sài Gòn nay”

  3. Huong cau nói:

    Bài viết cảm động quá. Nghe chừng như khóe mắt ươn ướt. Nhớ Saigon quá.

    Cô gái ngồi xích lô càng nhổng cao là loại xích lô sau 75. Cô gái cũng mặc chiếc áo dài khác style của trước 75.

    • hoàng Hưng nói:

      Cám ơn chị nhiều. Trong hình cũng ngồ ngộ, đang xuôi chiều, ông Honda xoay ngang nhìn cô gái.

      • Huong cau nói:

        Tôi nhìn hình thì nghĩ là, ồ ông này muốn quẹo. Đây có lẽ cũng là style của Sg bây giờ? Muốn quẹo là quẹo, muốn leo lề là leo lề!!! Cô gái nghiêng qua bên phải, có lẽ nhìn về phía ống kính. Tôi quan sát hình kỹ lắm. Hình không có chút gì là Sg xưa, chỉ trừ bài viết của anh HH, đậm đà tình xưa nghĩa cũ.

        • Hoàng Hưng nói:

          Cám ơn chị. Sao ông muốn quẹo, từ xa không giử bên phải, không làm phiền những người khác.

          Cách đây khá lâu hoàng Hưng về Việt Nam, ở quận 5 mấy ngày, lúc đó không biết Phi Rom có ở quận 5 chưa. Buổi sáng hoàng Hưng ra ngoài, đoán hướng về đường Đồng Khánh. Đi một tí gặp đường Đồng Khánh, muốn băng qua đường Đồng Khánh, không có cách nào băng qua được. Thôi đành đứng nhìn xe chạy. Nhìn thấy ở Việt Nam chạy xe theo luật, không có luật nào hết, chạy sao cũng được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác