Tô Canh Mồng Tơi

Ngày đăng: 11/11/2017 10:50:16 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Giữa tháng 9 năm 2017, chúng tôi đi Paris, nước Pháp, để thăm gia đình và bạn bè, đã 10 năm chưa có dịp gặp lại. Thi và tôi đã để ra 3 ngày đi thăm vợ chồng  người bạn của Thi khi còn học ở trường Trung học Gia Long – Saigon, vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Chị Hồng và anh Ngọc đang ở tại thành phố Oberhausen. Đây là thành phố nằm trong vùng kỹ nghệ sông Ruhr thuộc tiểu bang Nordrhein- Westfalen, phía Tây-Bắc nước Đức. Chúng tôi đã mua vé xe lửa Thalys khứ hồi: Paris-Gare du Nord đến DuisburgHbf và ngược lại. Sáng Chúa Nhật 01 Oct. 2017, Phú, em rể tôi, đã đưa chúng tôi đến tận ga xe lửa lớn Paris-Nord. Phú đã chờ cho chúng tôi lên xe lửa, khi xe lửa chuyển bánh lúc 11:55 sáng  thì em mới ra về. Xe Thalys phải đến nhà ga chính Duisburg rồi mới tới nhà ga cuối cùng của chuyến đi tại Essen, một tỉnh lân cận.

 

Nhà ga xe lửa Duisburg Hauptbahnhof ở trong thành phố Duisburg của miền Tây nước Đức là ga xe lửa lớn có nhiều ngã đường sắt từ nội địa và xuyên lục địa Liên hiệp Âu châu gặp nhau tại đây. Nhà ga xe lửa Duisburg Haupbahnhof (Hbf) ở trước ga lớn cuối cùng Essen Haupbahnhof, trên đường đi về phía Đông nước Đức.

4:30  chiều xe lửa Thalys đã tới ga Duisburg Hbf; chúng tôi xuống xe thì gặp ngay chị Hồng và anh Ngọc đã đứng đón chúng tôi. Thi rất vui mừng gặp lại chị Hồng sau 48 năm xa cách. Tôi gặp anh Ngọc và chị Hồng lần đầu tiên. Anh Chị niềm nở chào đón chúng tôi. Anh Chị hướng dẫn chúng tôi chuyển qua chuyến xe lửa khác có tuyến đường đi đến thành phố Oberhausen, khoảng cách từ Duisburg Hbf đến Oberhausen Hbf là 7 km.

Nhà Anh Chị Ngọc- Hồng cách ga xe lửa Oberhausen Hbf khoảng 10 phút đi bộ. Anh Chị đã đặt và trả tiền phòng ngủ trước cho chúng tôi ở “Hotel NH Oberhausen“, một trong những khách sạn sang trọng trong thành phố này, cách nhà anh chị khoảng 5 phút đi bộ. Anh chị còn mua sẳn vé xe công cộng cho chúng tôi di chuyển trong thời gian chúng tôi ở lại đây. Thật là quá chu đáo và rất hiếu khách.

Tất cả chúng tôi đi về thẳng nhà anh Ngọc và chị Hồng. Anh Ngọc đãi tôi nem chua do chính tay chị Hồng làm, chúng tôi uống la-ve Đức, và hàn huyên. Thi được chị Hồng khoản đãi bánh ngọt do chính tay chị làm, nước trà nóng, rồi họ hàn huyên kể chuyện hồi còn học ở trường Trung học Gia Long, Saigon, và lúc đi dạy chung trường Trung học Tống Phước Hiệp -Vĩnh Long vào cuối thập niên 1960.

Khoảng 7:30 tối anh chị đãi chúng tôi bữa ăntối với những món ăn đầy hương vị quê hương. Thời gian qua nhanh, khoảng 10 giờ tối  Anh Chị đưa chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi vì chúng tôi cũng khá mệt sau cuộc hành trình dài.

Hôm sau, thứ Hai 02 Oct 2017, lúc 8:00 giờ sáng, anh Ngọc đến khách sạn rước chúng tôi về nhà anh chị ăn điểm tâm. Ăn xong anh Ngọc đề nghị hướng dẫn tôi đi một vòng thành phố bằng xe chuyên chở công cộng. Hôm nay là ngày lễ Quốc Khánh của nước Đức nên các cơ sở của chính phủ đều đóng cửa. Chúng tôi chỉ đi qua các Viện Bảo Tàng và triển lãm nhưng chỉ nhìn phía ngoài mà thôi như Ludwig-galerie ở Schloss Oberhausen, Industrie Museum … Thi thì ở nhà để chị Hồng dạy làm bánh, làm nem chua và tiếp tục tâm sự, nhắc lại kỷ niệm thời niên thiếu.

Sau bữa ăn trưa với món ăn đặc biệt của Đức, tất cả chúng tôi đi đế CentrO Oberhausen, đây là một Shopping mall khai trương vào tháng 9 năm 1996, lúc đó lớn nhất vùng sông Ruhr. Đến chiều tối tất cả chúng tôi trở về nhà anh chị Ngọc, Hồng, anh chị lại đãi chúng tôi một bữa ăn tối thịnh soạn với hương vị quê hương. Anh Ngọc rủ tôi đi chơi để thưởng thức “Oberhausen by night“,nhưng rất tiếc tôi hơi mệt nên xin phép được ngồi ở nhà để tiếp tục hàn huyên mãi đến gần 11 giờđêm mà vẫn chưa dứt.

Sáng hôm sau, thứ Ba 03 Oct 2017, sau khi trả phòng, chúng tôi đi đến nhà anh chịNgọc, Hồng. Chị Hồng lại đãi bửa điểm tâm cuối với các món ăn rất hợp khẩu vị của chúng tôi: mỗi người một tô mì nước, thêm vào đó là một cái bánh bao nhân thịt nho nhỏ.

Chị còn làm thêm hai ổ bánh mì Sandwich và rất nhiều thức ăn, 2 chai nước uống để chúng tôi đem theo trên đường đi về Paris. Ăn sáng xong anh Ngọc đi ra khu vườn trên ban-công anh hái lá mồng tơi tươi tốt bỏ đầy một bao nylon lớn, anh nói số lượng lá này có thể đủ để nấu được hai nồi canh. Anh còn đưa thêm nhiều củmồng tơi để ươm trồng cây mới, tôi không thể đem về Canada vì Quan thuế không cho phép đem hạt giống cây vào, nhưng tôi sẽ đem củ mồng tơi về Paris tặng cho em tôi trồng.

 

Hình 2/ Cây mồng tơi ở nhà anh Ngọc

Anh Ngọc giải thích đây là loại rau mồng tơi Nhật Bản, có lá dày, màu xanh lục, lá lớn hơn bàn tay, có dây leo. Cây mồng tơi này có củ trổ trên thân cây ở những kẻ lá, củ này có thể mọc ra cây non, nên khi củ rụng xuống đất thì sẽ đâm chồi mọc thành cây mới. Do đó rau mồng tơi này còn có tên là mồng tơi củ, người Đại Hàn cũng thường trồng và ăn rau mồng tơi này, nên nó còn được gọi là mồng tơi Đại Hàn. Thật ra thì mồng tơi củ không xuất phát từ Nhật Bản và Đại Hàn, nhưng đãxuất phát từ Nam Mỹ, Úc Châu.

Hình 3

Ở Việt Nam có hai loại mồng tơi thường được trồng là:
– mồng tơi trắng có phiến lá nhỏ, thân và lá có màu xanh nhạt.
– mồng tơi tím có phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ.

Cả hai đều có các cụm hoa mọc ở kẻ lá, có màu trắng hay tím nhạt.

Hình 4

Hoa sanh ra quả mọng, nhỏ, hình cầu, màu xanh; khi chín chuyển ra màu tím đen.Nhiều người vắt quả mồng tơi tím để làm mực tím khi dùng ngòi viết lá tre.

Hiện tại ở Việt Nam, mồng tơi Nhật Bản cũng được trồng và tiêu thụ nhiều.

Lá và đọt non của rau mồng tơi thường dùng để nấu canh, lá cũng có thể được ăn sống như lá cải. Ở các siêu thị Nhật Bản, thấy có bày bán các gói nylon có nhiều lámồng tơi Nhật Bản, giá rất cao. Các siêu thị Á châu đều có bày bán rau mồng tơi trắng.

Phú đón chúng tôi ở ga xe lửa Paris- Gare du Nord ngay khi chúng tôi vừa mới tới lúc 4:30 chiều. Chúng tôi về đến nhà em tôi ở vùng Lognes, ngoại ô Paris, vào khoảng 6:00 chiều. So với 30 năm trước, Lognes đã phát triển rất nhiều: nhà cửa,cao ốc, nhà hàng, tiệm buôn mọc lên như nấm, việc đi lại rất tiện lợi nhờ có tuyến đường xe điện A (1) nối liền Paris với các vùng ngoại ô đi ngang qua vùng Lognes, vì vậy mà có  ” nhà ga xe điện ”  ở Lognes, và hệ thống xe buýt địa phương được mở thêm. Vùng Lognes có nhiều người Á châu về sinh sống ở đây như Việt Nam, Tàu, Miên, Lào. Có hai siêu thị Á châu lớn là Tang Frères và Paris Store, có nhiều siêu thị lớn của người Âu châu như:  Pháp: Carrefour, Anh: Leader Price, và Đức: LIDL.

Tôi trao cho Kim, em gái tôi, bao nylon lá mồng tơi Nhật Bản, và các củ mồng tơi.Em tôi rất thích vì đã từng trồng mồng tơi Nhật Bản. Mùa Đông năm trước quá lạnh, chậu cây mồng tơi em tôi để ngoài vườn bị đóng băng, không sống được nữa!

Nay có được củ mồng tơi nên em tôi định trồng các củ đó vào một chậu bằng mủ và đem vô nhà để tránh lạnh mùa Đông. Với nhiệt độ ấm áp trong nhà, cây mồng tơi con sẽ lên nhanh, khi mùa xuân tới sẽ mang ra ngoài sân để trồng thẳng xuống đất bên vườn rau.

Em tôi chuẩn bị nấu nồi canh mồng tơi chay gồm có: lá mồng tơi, mướp khía, tàu hủ non xắc vuông nhỏ, hột bắp được xay nhỏ. Nhớ lại ngày xưa má tôi nấu nồi canh mồng tơi mặn có thêm vô tôm khô để tăng vị ngọt.

Tùy theo khẩu vị và cách nấu, người đầu bếp có thể nấu canh lá mồng tơi với: khoai lang, hoặc nấm rơm, hoặc nắm Đông-cô, hoặc nghêu, hoặc tôm tươi, hoặc cua đồng, hoặc thịt bò hay thịt heo bầm v… v…, và bỏ thêm gia vị thích hợp.

***

Rau mồng tơi có dược tính với tác dụng để chữa bệnh như: giảm Cholesterol, làm mau lành vết phỏng, tốt cho khớp xương, giúp gia tăng sinh lý cho phái Nam, nhuận trường/chữa bệnh táo bón.

Tuy nhiên nếu ăn rau mồng tơi nhiều quá thì cũng có những tác hại như: gây sỏi thận, khó chịu trong dạ dày.

***

Từ món canh mồng tơi Nhật Bản của anh Ngọc tôi nhớ đến cây mồng tơi ở quêmình. Cây mồng tơi rất dễ trồng. Người ta có thể trồng để làm hàng rào, hoặc để nấu canh khi cần. nên cây rau mồng tơi đã gần gũi với nhiều người, và cây mồng tơi đã gợi hứng cho nhiều bài thơ, văn và nhạc:

Nguyễn Bính là bút hiệu của Nguyễn Trọng Bính (Nam Định 1918 – Nam Định 1966), ông là một nhà thơ lãng mạn thời tiền chiến. Trong số 221 bài thơ của ông, bài “Cô Hàng Xóm” được nhiều người yêu thích nhất, sáng tác vào năm 1940. Bài thơ này đã được Anh Bằng phổ nhạc và đổi tựa là “Bướm Trắng“.

Hình 5

 

“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu* mồng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mồng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

[…]

Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Ðêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.”

Nguyễn Bính, 1940

——-

Chú thích:
giậu hàng cây nhỏ và rậm để ngăn hai sân vườn.
giậu mồng tơi xanh rờn= hàng rào ngăn hai sân vườn bằng các cây mồng tơi,
dây leo bò rậm rạp, các cây mồng tơi tốt tươi, lá mồng tơi xanh bóng/ xanh rờn.

** Trong bài “Cái Giậu Mồng Tơi của Nguyễn Bính”  viết bởi Chữ Văn Long, đăng trên Website dangxuanxuyen.blogspot.com ngày 12 tháng 2, 2016, tác giả kểlại câu chuyện giữa ông Nguyễn Phiên, Hà Nội, đã gặp nhà thơ Nguyễn Bính ở nhàông Thịnh, chợ Mỹ Tho, Thành Phố Nam Định trước năm 1966. Ông Phiên đã hỏi Nguyễn Bính rằng hình ảnh trong câu thơ ” Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhaucái giậu mồng tơi xanh rờn …” của bài thơ “Cô Hàng Xóm” là những hình ảnh hư-cấu hay là những hình ảnh có thật?

Nguyễn Bính đã giải thích:”Có thể nói, gần như tất cả những hình ảnh để viết nên bài thơ là có thực. Có thật hai ngôi nhà cạnh nhau, cách nhau một bờ giậu. Có thật chàng trai bên này mê cô nàng bên kia hàng ngày ươm tơ kéo kén. Mỗi khi hửng nắng cô thường đem tơ ướt ra hong trên cái dây phơi trước sân… Chỉ có khác, để giấu đi hình ảnh quá nghèo của cả hai người mê nhau mà không dámbước qua cái bờ rào thấp để sang với nhau. Ai đã từng yêu say đắm, lại ở trong hoàn cảnh quá túng nghèo thì sẽ hiểu. Thương em, yêu em nhưng chẳng giúp gì được cho em cùng cảnh ngộ, nên không thể giáp mặt, tay cầm tay… Mình đã thay hình ảnh cái “giậu mùng tơi” vào chỗ những cành rào tre nhỏ rấp tạm để làm bờ ngăn cách giữa hai nhà, vừa để “thơ hơn” khi nói về cái nghèo có thật. “Nghèo rớt mùng tơi” như cách nói dân dã từ xưa. Nên chữ “xanh rờn” trong đó không phải để chỉ giậu mùng tơi xanh tốt, mà như để vẽ lên trước mắt ta cái lá mùng tơi xanh bóng, mỏng tang, bên này có thể soi thấu mặt lá bên kia, như phơi bày ra hết cái nghèo không chút gì giấu giếm… Mượn con bướm trắng trong chiêm bao bay sang để chắp nối nỗi lòng thương nhớ không nguôi. Cũng để nói cái bờ giậu kiakhông hề ngăn cách được tình yêu đôi lứa. Một cái bờ giậu thấp thì làm sao ngăn được những cánh bướm bay qua bay lại. Và những con bướm ở những vườn quê thì nơi nào chẳng có. Chọn con “bướm trắng” trong mộng hợp hơn với bướm màu. Và màu trắng còn gợi liên tưởng nỗi buồn sau này, gợi nỗi rủi ro cho mối tình chỉ được gặp nhau trong mộng thì làm sao mà bền chặt cho được. Tất cả hình ảnh bài thơ, nhằm vẽ lên một mối tình câm không ai dám thốt ra lời, dồn nén đến tận cùng, để rồi dẫn đến giờ khắc bàng hoàng…

Nàng đã chết rồi!”, chàng trai phải tự thú “Rằng tôi yêu nàng”. Đó cũng là nghệ thuật kết thúc bài thơ… ”  

*Bài nhạc: “Mực Tím Mồng Tơi” của Vinh Sử & Hàn Châu, bài này còn được sửa lại thành bài tân cổ giao duyên với nhiều chỗ thêm bớt:

“Chuyện mình ngày thơ ấu
Hái chung mồng tơi về chơi trò sách vở
Tháng năm lớn dần
Mình chung lớp lưu luyến rồi yêu nhau.
Kể từ đó em hái mực mồng tơi
Mực mồng tơi màu tím
Viết thư tình cho anh
Thương thương màu tím buồn, hẹn nhau quán bên đường.

[…]

Dòng đời tưởng êm xuôi
Có ai ngờ đâu tình nay đã lỡ rồi
Bóng đêm chớ buồn
Về giăng mắt tím ngắt từng trang thơ.

Ngày xưa đó, em thích mực mồng tơi
Mực mồng tơi màu tím
Viết thư tình cho anh
Hôm nay tình lỡ rồi,
Mồng tơi tím trong lòng…”

* Có nhiều bài văn đã lấy kỷ niệm từ “cây mồng tơi” như:
-“Màu Tím Mồng Tơi” của Hồ Trường An.
-“Màu Tím Mồng Tơi” của Ngô Lâm Viên.
-“Thèm bát canh Mồng Tơi của Mẹ” của Phạm Văn Hoanh.
-“Mát rượi Mồng Tơi” của ẩn danh.

v…v…

*Ca dao:

Gần nhà mà chẳng sang chơi,
Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.”

*Nhân đây, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ: “Nghèo rớt mồng tơi”. Chữ “mồng tơi” ở trong câu tục ngữ chỉ đồng âm với chữ “(rau) mồng tơi”,chứ ý nghĩa thì hoàn toàn khác xa. Áo tơi là loại áo dùng để che nắng và che mưa, được làm bằng lá cây cọ /hay lá nón/ kẹp vào thanh tre vót nhỏ bện ghép với nhau để tạo nên áo tơi, hoặc may bằng các sợi chỉ gai hay nylon để ghép các lá cây cọ với nhau mà làm thành áo tơi. Mồng tơi là cái cổ áo của áo tơi, là phần trên của áo tơi, rất bền, lâu bị hư. “Nghèo rớt mồng tơi” là cái nghèo quá xá, sử dụng áo tơi đến cũ mà không có tiền mua áo mới, bởi thế nên cái “mồng tơi“/ cổ áo của áo tơi/ là vật  rất ít bị hư nhưng xài lâu quá nên nó bị sờn, rách rớt rời ra khỏi áo. Như vậy dùng áo tơi đến “rớt mồng tơi” thì chỉ có người rất nghèo mà thôi.

Hình 6

***
Nồi canh mồng tơi đã chín, em tôi dọn bữa cơm tối cho cả nhà ăn. Hôm nay ngoài trời ở vùng ngoại ô Paris lạnh. Cả nhà quay quần chung quanh bàn ăn, món khai vị là “Tô Canh Mồng Tơi” gồm có: mồng tơi, tàu hủ non, mướp, hột bắp xay nhỏ. Tô canh mồng tơi bốc khói thơm phức, ai cũng thích thưởng thức chén canh mồng tơi khai vị trước khi ăn món chính là chạo tôm, riêng em gái tôi thì có dĩa rau xào chay với tàu hủ chiên, nấm Đông-cô.

Tôi chẳng những thưởng thức hương vị thơm ngon ngọt ngào của canh mồng tơi mà tôi còn cảm thấy một tình bạn thâm thiết của anh Ngọc và chị Hồng được gói ghém trong “tô canh mồng tơi” này.

Toronto, tháng Mười 2017

   Nguyên Thương

_________

Cước chú:

(1)***RER là chữ viết tắt của các chữ Réseau Express Régional . RER là một hệ thống vận chuyển nhanh ở Pháp nhằm phục vụ sự di chuyển của cư dân và du khách ở Thủ đô Paris và vùng ngoại ô. RER là các tuyến đường xe lửa điện liên kết với các tuyến đường xe lửa có sẵn ở thành phố Paris (Paris Métro). RER khi vào Paris thì đi qua các đường hầm nằm sâu dưới lòng đất, RER đi lên trên mặt đất khi đến các vùng đồng quê ở ngoại ô. Hiện tại, RER có 5 tuyến đường: RER A, RER B, RER C, RER D và RER E. RER E đang được nối dài thêm về hướng Tây, dự kiến sẽ hoàn thành  đoạn nối dài này vào năm 2020.

– Paris Métro là tuyến đường sắt ở trong thành phố Paris ( Chemin de FerMétropolitan) , có nhiều trạm dừng và khoảng cách giữa các trạm dừng thì ngắn. Trong khi RER có ít trạm dừng hơn, có khoảng cách giữa các trạm dừng thì xa hơn, nên RER chạy nhanh hơn Paris Métro.

 

Có 10 bình luận về Tô Canh Mồng Tơi

  1. Neang Phi Rom nói:

    Thầy kính! Đọc bài của thầy em rất thích, món canh mồng tơi là món em thích nhất, vừa rẻ tiền vừa mát, bổ, ăn vào trong người thấy thật sản khoái, khỏe ra..hihi….hồi nhỏ thời học cấp 1, em sống cùng bà ngoại, ngoại em hay trồng mồng tơi, rau thuốc vòi…rất dễ trồng, ra lá cùng đọt rất nhanh, ăn không hết, thường những ngày nghỉ học, ngoại hay hái lá để trong rổ tre cho em bưng ra chợ ngồi bán, được vài đồng cho em ăn quà đi học…ngoài ra em còn rất thích canh tàu hủ hẹ nấu với thịt bầm ngon lắm…lúc trước những ngày đầu năm, em nào dám ăn canh mồng tơi, vì nghèo rồi nên rất sợ cả năm bị nghèo rớt mồng tơi…hihi..còn bây giờ thì em ăn tuốt luốt. Rất cám ơn thầy, em được thưởng thức  một bài viết rất hay. Kính chúc thầy cùng gia đình dồi dào sức khỏe, vạn an. Thân kính.

  2. Hoành Châu nói:

    Từ tô canh mồng tơi thanh đạm  . tác giả đã  đưa người đọc đến những vần thơ tuyệt tác không kém phần lãng mạn ,,,,, vương kỷ niệm lá mồng tơi của nhiều  thi , văn nhân…. đặc biệt là nhà thơ Nam Định Nguyễn Bính  . Nhờ vậy bài viết trở nên phong phú , hấp dẫn lạ thường  khiến ai cũng  đọc một mạch  cho   đến hết mà không hay  !. Cảm ơn Thầy  Nguyên Thương  đã dầy công sưu tầm dữ liệu  để  bài viết trở thành niềm yêu thích của mọi người ! Chúc tác giả luôn  an nhiên ,  đầy nguồn  cảm hứng  !.
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Ui chao, thầy Thượng tường thuật hay, hư cấu khéo, liên hệ từ hiện thực đến thơ văn tuyệt quá, làm nổi bật hình ảnh tô canh mồng tơi nghĩa tình – đơn sơ – quý giá.

  4. Đọc xong bài thầy, bỗng dưng thấy cây mồng tơi dường như đẹp hơn, quyến rũ hơn, em rê con chuột máy tính, kéo tới, kéo lui để ngắm cho kỹ lá, cây, trái mồng tơi (thật ra cây mồng tơi rất thân thuộc với em, ở Vĩnh Long rất phong phú, dễ tìm), và nhìn tô mồng tơi một cách thèm thuồng! Nhất định ngày mai em sẽ nấu món này để thưởng thức! Với lối kể chuyện tỉ mỉ và hấp dẫn của thầy, em thấy được một tình bạn đẹp thật đáng trân quý!
    Chúc thầy, cô luôn vui, khỏe và hạnh phúc!

  5. VÕ THI LÀI nói:

    Kính thưa Thầy ! Thầy đã cho chúng em thưởng thức một bài viết thật hay ,một tô canh mồng tơi thôi mà bao hàm nhiều ý nghĩa , từ một loại rau lại có liên quan đến nhiều khía cạnh , gợi ý tưởng cho nhà văn nhà thơ và cả trong âm nhạc. Đọc bài viết của Thầy hôm nay em mới hiểu đúng nghĩa của câu ” nghèo rớt mồng tơi ” Em cám ơn Thầy rất nhiều kính chúc Thầy Cô luôn dồi dào sức khỏe .

  6. Yên Dạ Thảo nói:

    Mùa hè nay em trổng mổng tơi tím và xanh, ra khá nhiều lá. Bước sang mùa thu thì em đếm từng lá để xem có đủ nẩu một nồi canh hay không! Thuần túy mồng tơi nấu với mướp và tôm khô nhưng gẩn đây em nấu với đậu hủ non, nêm vào canh nước mắm và tí xíu bột ngọt! Thánh  phẩm khá thơm ngon.

     

  7. Nhờ đọc bài “Tô canh mồng tơi” mới hiểu rõ tại sao ông bà chúng ta lại gọi là “nghèo rớt mồng tơi” vì xưa nay vẫn nghĩ mồng tơi của cái nghèo dính lứu với cây mồng tơi dùng để nấu canh. Đọc bài viết của thày Thượng chúng ta vừa được giải trí, vừa có dịp mở mang thêm sự hiểu biết.

    Cám ơn anh Thượng, mỗi lần nấu canh mồng tơi chúng tôi sẽ nhớ tới anh và Trí. Gởi lời thăm và chúc an vui.

     

  8. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    KÍnh thầy, đọc bài viết của thầy thật sự lôi cuốn người đọc từ món ăn bình dân của người nghèo” tô canh mồng tơi” rất ngon và bổ dưỡng,  từ đó thầy trích dẩn từ ngữ trong thơ, nhạc dẩn giải ý nghĩa” nghèo rớt mồng tơi” . Khi nói đến mồng tơi là nghỉ ngay tới cái nghèo. Chúc thầy cô luôn vui khỏe.

  9. Một Lúa nói:

    Kính chào thầy Thượng và cô Trí,

    Em thấy tô canh mướp trong bài của thầy mà thèm tô canh trái su su.

    Năm nay vườn em có mấy chỗ mùng tơi xanh rờn

    Bởi lười không tính thiệt hơn

    Không biết  thời tiết trở cơn gió… bấc

    Chết lạnh cả giậu rồi  hờn trời cao!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác