Chuyển cũ ở Vĩnh Long
Nguyễn Gương gần đây thường viết về những chuyện cũ ở Vĩnh Long mà ngày xưa anh chứng kiến. Chuyện không thuộc về lịch sử văn hóa tỉnh nhà, mà là những chuyện lạ, hấp dẫn người đọc, có ý nghĩa cho những người đời sau suy gẩm (LM)
Nguyễn Bá Can người học sinh chuyên cần
Năm tôi lên trọ học, chú Nguyễn Bá Cang, con ông chủ nhà hơn tôi 3 tuổi cũng vừa mới lên học lớp Đệ tứ cùng trường. Người mà suốt đời có lẽ tôi phải nhớ và rất kính phục sự học tập, rèn luyện rất chuyên cần ở những năm cuối bậc trung học. Đưa tôi lên học, thấy có chú Cang, ba tôi rất an tâm, biết con mình sẽ được dẫn dắt học tập đàng hoàng bởi chú không có có điều tiếng gì để lo lắng, nghe nói học tập khá đàng hoàng, trong gia đình đã tỏ ra là người con dễ dạy hiếu thuận.
Những ngày đầu tôi đã cảm nhận được sự thân thiện dễ gần ở chú ba, một học sinh trường làng học khá, dễ coi, sạch sẽ và biết tí ti văn thơ hội họa, tôi đã được chú yêu mến và tin cậy.
Hàng ngày, phần lớn thời gian tôi đã sinh hoạt học tập trên căn gác gỗ thông thoáng của nhà chú. Căn gác khá lý tưởng cho người chịu nhốt mình để học tập. Bên hông căn gác có cửa sổ nhìn qua khu vườn tạp kề bên lúc nào cũng nghe tiếng lá cây xào xạc tiếng chim hót và mùi hoa trái thoảng đưa hương.
Năm học Đệ thất đi qua, cuối năm tôi được lãnh thưởng hạng nhì kèm phần thưởng hạnh kiểm đã làm chú Cang càng tin cậy tôi hơn và tự bản thân chú cũng thấy phải làm điều gì đó bức phá trong học tập. Với hạng 7 cuối năm, chú Cang đã bắt đầu nổ lực học tập ngay trong hè. Đầu năm lớp Đệ tam ( lớp 10 ) chú bắt đầu tăng tốc học ngày, học đêm. Cũng thời điểm nầy chú được lớp bầu làm lớp trưởng và đề cử vào chức tổng thư ký Ban đại diện học sinh, chú lại đắc cử luôn vào chức vụ nầy. Vì vậy, dù tôi chỉ là học sinh lớp bảy, không có dính dấp gì với ban đại diện, nhưng lúc nào chú Ba cũng kéo tôi luôn có mặt với chú trong hầu hết sinh hoạt của trường. (Từ kinh nghiệm ở thời gian nầy, những năm sau tôi cũng đắc cử làm TTK ban chấp hành học sinh ba nhiệm kỳ liên tục từ 1972 – 1975 – ngôi nhà nhỏ, căn gác nhỏ, đã có 2 Tổng thư ký Đại diện học sinh trường trước và sau.) Cuối năm lớp Bảy tôi cũng lại lãnh thưởng như năm học trước.
Tôi đâu biết anh chàng lớp trưởng của tôi qua 2 năm học nầy rất láu lĩnh, đã tự cho điểm cao vào các cột điểm ở sổ lớn và các sổ điểm cá nhân, nếu anh ta thấy thuận tiện. Anh ta làm việc nầy khi được giám thị gọi lên phụ làm sổ cuối học kỳ (bán niên ). Lần đó tôi phát hiện khi anh gạ gẫm tôi để cùng nhau cho điểm khống vào sổ điểm cá nhân môn toán mà tôi đang được nhờ cộng giúp.
Từ đây tôi mới rõ ra, hai năm qua anh hạng nhất trên tôi là do mánh khóe nầy, trong lớp tôi học đâu có thua anh !?
Với sự nổ lực làm việc, nổ lực học tập, chú Cang đã đạt thành tích tốt ở cuối năm. Phần thưởng hay nhất để về tay chú. Lãnh thưởng xong chú bắt đầu nghỉ hè, đi thăm thú nhiều nơi cho khuây khỏa sau đó bắt đầu học và nghiên cứu chương trình lớp 11.
Những ngày đầu tôi vào học lớp Tám là lúc chú tất bật lo cho năm học quyết định. Không khí học, thái độ học của chú rất căng thẳng “ Rớt tú tài anh đi trung sĩ” câu hát chế như lúc nào cũng văng vẵng bên tai. Phải đậu tú tài thôi, mới còn cửa mà đi, mới còn dịp lên học lớp 12 để thi phần II.
Sáng chú đến trưởng, trưa về ăn cơm nghỉ thêm chừng 15 phút lại bắt đầu vào học, học nhiều môn cùng buổi cho đỡ ngán. Cứ thế mặc tôi muốn làm gì cũng được, chú như đắm mình vào sách vở.
Rời tập sách giáo khoa chú liền chuyển qua làm các bài tập trên bảng đen. Làm quá nhiều bài sinh mệt mõi chú lại ngồi vào bàn học, làm tiếp các bài tập bằng bút chì trên giấy nháp. Cứ liên tiếp, chú sử dụng hết thời gian buổi chiều. Tắm rửa cơm nước xong chú nghỉ một chút rồi tiếp tục mang tập sách ra sân ngồi học đến đỏ đèn. Bảy giờ kém 15 chú lại vội vã đạp xe đến trung tâm học luyện thi của các thầy Lương Văn Kiệt, Võ Thanh Bai, Nguyễn Đức Thân, Nguyễn Đức Hùng…
Ở nhà tôi ngồi học một mình, gần 9 giờ là đã híp mắt, đi ngủ. Hồi còn trẻ, ngủ rất ngon, rất say, chú Cang về lúc đã hơn 9 giờ, lúc nầy tôi không hay biết. Sau nghỉ ngơi, chú lại tiếp tục học đến tận 12 giờ đêm mới chịu vào ngủ. Ngủ chẳng bao nhiêu, cở 4 giờ sáng chú lại mò ra khỏi mùng, vặn đèn nhỏ lên tiếp tục học cho đến sáng. Cả gần năm trời học thi, ôn thi tôi cứ tưởng như chú không có ngủ đêm bao giờ. Tôi ngủ trước rồi thức sau chú , nên không lúc nào thấy chú đi ngủ và thức dậy cả.
Có đêm đi học thêm về, như chưa vừa lòng với các bài tập đã làm, chú tiếp tục làm các bài tập khác đến đâu cở 2 – 3 giờ sáng. Những lần nầy tôi giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng phấn cốp cốp vào bảng đen trên vách nhà.
Những năm đó tôi cũng ít đi đâu nhiều, nên chỉ nghe nói lại những người học thi gian khổ khác, có người thức trắng cả đêm để học, có người phờ phạc sau một tuần uống cà phê đen để thức học đêm, bao nhiêu “ nghe nói” khác đều đánh giá cao sự cố gắng của người hiếu học.
Trước mắt tôi, chú Cang học hành đã thuyết phục tôi rất cao, tôi xem chú là mẫu mực cho vấn đề tự học tự rèn. Học tập ở chú tôi đã có phấn đấu chịu khó để học nhưng chẳng bao giờ làm được như chú. Sau nầy chú học sư phạm, ra trường, đi nhiều nơi, kinh qua nhiều trách nhiệm quản lý ngành giáo dục, thì tôi cũng đi sau và kinh qua những năm tháng như chú đã từng. Tuy không là những người thành đạt viên mãn nhưng trong những ngày nghỉ hưu tôi thấy không có gì để tiếc cho ngày tháng đã đi qua từng rèn luyện và học tập với chú.
Quán hủ tiếu nổi tiếng xóm kho dầu cũ.
Khi tôi mới đến xóm trọ học thì quán hủ tiếu bà tổng Bình chỉ là cái quán nhỏ hẹp không nhiều người biết, chủ yếu quán bán buổi sáng phục vụ hàng xóm xung quanh. Nhưng tới năm tôi học lớp Chín, quán tự nhiên đông người hẳn lên. Buổi sáng và buổi tối , xe đủ loại đậu đầy phía trước, có hôm phải đưa sang đậu nhờ trong nhà xe trống của nhà xe Vĩnh Hạnh ngang đường ( nhà của ông xã trưởng Long Hồ).
Một lần rủ bạn xuống đây chơi, tôi đã phát hiện quán bán hủ tiếu rất ngon. Từ hôm ấy tôi hay xuống quán khi cần thay món ăn sáng. Sau nhiều tuần có mặt, tôi lân la hỏi han bà chủ quán mới biết đây là quán của ông Tổng Bình, người hồi tôi còn nhỏ hay thường xuyên đến uống trà với ông nội tôi hàng đêm ở Xuân Hiệp. Hồi ấy ông làm cai tổng, cai quản cả mấy xã ở khu vực chung quanh Xuân Hiệp ngày nay. Sau lần nhìn ra thân quen ấy, ông bà có dành nhiều ưu ái cho riêng tôi khi đến ăn. ( Ở quán nầy tôi cũng đã có lần ngồi ăn với thầy Huỳnh Hữu Trí mà tôi đã kể bên loạt bài “ những buồn vui ở lớp học” )
Quán ngày càng đông khách, bà Bảy và chị phụ việc tất bật nhanh nhẹn đứng bán chỉ tranh thủ nghỉ được buổi trưa.
Đến ăn thường, tôi cũng thắc mắc chẳng biết do đâu bà Bảy chế biến hủ tiếu ngon. Thật ra cũng chẳng có gì đặc biệt. Nguyên vật liệu cũng bình thường, chỉ đáng chú ý là thao tác chế biến, gia vị đặc biệt và nồi nước súp của bà.
Tô hủ tiếu của bà chỉ duy nhất có thịt nạc thái mỏng chứ không thêm tim gan phèo phổi gì cả. Sau khi bà trụn hủ tiếu trong cái vợt lưới bằng thau, bà bỏ chút đường vào ngay trong vợt, xịt nước tương đầu bếp vào rồi dùng đủa trộn đều hủ tiếu lên úp vào tô. Kế tiếp bà để rau giá hành hẹ vào, thịt nạc được bà trụn chín trong vợt úp lên sau cùng. Sau khi cho nước súp vào bà đưa thêm vào một hoặc hai thìa canh hành chấy mỡ, tôi nghĩ tô hủ tiếu của bà đặc biệt là ở chỗ nầy, ngon và hấp dẫn là ở chỗ nầy.
Nếu ai dùng hủ tiếu khô, cũng với động tác trên và nguyên liệu y như vậy, bà bày hủ tiếu ra dĩa rộng kèm theo tô nước súp có đủ xương, khô mực và tôm khô. Hủ tiếu khô đắt hơn một chút nhưng ngon miệng vô cùng. Hai phần ba người vào quán đều chọn hủ tiếu khô. Đặc biệt quán bà không có mì hoặc hủ tiếu mì.
Hương vị tô hủ tiếu ở quán bà Tổng Bình khác hơn ở chỗ khác có lẽ do chỉ toàn thịt nạc và tép củ hành chấy mỡ. Những tuần đến quán đầu tiên, tôi hơi ngạc nhiên nhìn hai em gái phụ việc chừng 12 – 13 tuổi. Khi chúng xuất hiện ra trước chỗ bán thì mắt lúc nào cũng đỏ hoe, có khi nước mắt chảy dài. Tôi nghỉ bụng, chẳng lẽ bà Bảy nầy khó khăn quá, lúc nào hai em bé cũng bị mắng khi phụ việc ? Sau đó ít lâu tôi mới vở lẽ, hai đứa ở nhà sau, chuyên làm cái việc lột và bóc võ củ hành tím thái mõng đem phơi cho héo.
Ở quán bà Bảy tôi cũng có nhiều kỷ niệm ở đây. Có thời gian bà chủ nhà trọ bệnh nặng, con cái lo chuyện chăm sóc chạy chữa, ông thì không có nhà, tôi phải ăn cơm bình dân ở chợ để chiều xuống đây ăn hủ tiếu thay cơm. Có những ngày cuối tuần, quen với “ cơm canh bao cấp” tôi quên luôn phải chừa tiền đi ăn. Đành xuống quán ăn thiếu. Khi nghe tôi nói điều ngại ngùng, bà Bảy cười ngất: – Ăn thoải mái đi con, chừng nào có tiền thì đưa, không tiền tao nói ông Bảy xuống dọn tiệm hàng xén của ông nội mầy.
Biết là thế, nhưng có bao giờ tôi dám thiếu lâu, chiều chủ nhật hoặc sáng thứ hai tôi từ nhà lên liền đi ăn rồi tính sổ. Tô súp hôm này bà vui vẽ tặng thêm hai khúc xương ngồi cạp cả buổi vô cùng thú vị.
Sau 1975, tôi về quê rồi đi nhiều nơi, ăn hủ tiếu nhiều chỗ, nhưng nhiều năm qua, tôi không tìm lại được hương vị hủ tiếu của bà như những ngày tôi ở xóm kho dầu cũ ngày xưa.
* Người đàn bà thăm mộ chiều chủ nhật.
Trong đời chúng ta, có lẽ ai cũng có người thân qua đời. Sự tưởng tiếc sẽ được biểu hiện qua nhiều việc làm và thái độ khác nhau tùy hoàn cảnh, tập tục của gia đình, tùy theo tín ngưỡng văn hóa mà từng người có sẳn. Nói chung, sự tưởng tiếc nào cũng được trân quí, sự tưởng nhớ nào cũng được mọi người hoan nghênh khi chúng ta sống với nếp sống Á Đông ảnh hưởng đã lâu đời.
Những người năm nay tuổi trên 60 chắc ít nhiều cũng còn nhớ chiến sự Tết Mậu Thân 1968. Tiếng súng nổ rền vào lúc giao thừa cứ làm cho mọi người tưởng là pháo Tết, không ai ngờ đó là những phát súng và hàng loạt đạn tấn công. Trong lửa đạn, nhiều dân thường không kịp tìm phương tránh né đã phải bỏ mình trong nhà, ngoài đường ngay giờ phút giao thừa.
Khi mới lên xóm kho dầu cũ trọ học, những ngày đầu tôi thường ra nghĩa địa phía sau nhà chơi nỗi trưa nóng bức. Ở đây có ngôi mộ xi măng sơn vôi xanh còn mới, nằm bên ngoài cùng, không theo hàng lối so với các ngôi mộ cũ. Thấy lạ, tôi đọc tên trên mộ bia, biết đây là nơi an nghỉ của chú Nguyễn Văn Lai mất vào giao thừa năm Mậu Thân ( đêm 31/01/1968 dương lịch) Qua lời thuật lại của người chung quanh, vì tình hình chiến sự ác liệt nên chỗ nằm của chú Lai phải chọn sát bên ngoài đường đi, mọi người lúc ấy sợ máy bay đã bắt đầu phản công thấy đám đông khả nghi là bắn ngay, sợ súng đạn của bên kia ruộng hẹp, căn cứ Tiểu đoàn 43 Biệt động quân bắn sang. Mộ chú được xây đàng hoàng sau khi chiến sự kết thúc. ( Gia đình chú sau nầy tôi thấy ở tại góc đường Nguyễn Huệ, ngang chợ Long Châu, Phường 2 .
Nghe bà con ở hẻm kể lại, sau khi chôn cất chú xong, cứ mỗi chiều chủ nhật vợ chú và các con đều đem nhang đèn hoa quả đi xe lôi vào viếng mộ. Có hôm người chung quanh lại nghe tiếng khóc, lời kể của gia đình dành cho chú rất thê lương. Và cứ thế, tuần nào cũng như tuần nào, gia đình đúng giờ là vô thăm mộ. Vào những ngày mưa gió, người nhà đi thăm có ít hơn nhưng cũng phải có 2 – 3 người. Những năm đó, chiều quá 4 giờ, như thói quen chờ đợi, người trên đường vào nghĩa địa lại nhắc nhau:- Sao chiều nay vợ chú Lai chưa thấy tới vậy cà ?!. Chút sau, mọi người nghe tiếng xe lôi quen thuộc chạy vào, trên xe có thím Lai và người thân, lòng mọi người như nhẹ ra…
Suốt 7 năm tôi trọ học ở xóm nầy, ròng rả chừng ấy năm chưa chiều chủ nhật nào thím Lại không vô thăm mộ chồng ở nghĩa địa. Việc làm của thím đã gây ấn tượng mạnh mẽ và tốt đẹp trong tôi, cậu học trò lớp sáu rất nhạy cảm với chuyện nhân nghĩa chung quanh.
Năm 1975, tôi rời xóm trọ về quê, đi học, đi làm, không còn dịp trở lại xóm xưa, không biết chuyện thím Lai mỗi chiều chủ nhật thăm chồng còn tiếp tục đến lúc nào. Thím năm nay còn hay mất ? ( Vì đã cao tuổi lắm rồi ). Tôi nghĩ với chừng ấy năm thôi, việc làm của thím đã gây được thiện cảm và ấn tượng đẹp cho biết bao người. Thím sẽ nhẹ lòng biết bao để sống vào lúc cuối đời. Chắc với lòng thương yêu tưởng nhớ chồng của thím, chú cũng thanh thản ngậm cười ở chốn suối vàng.
Cầu Mới 12/03/2017
Nguyễn Gương
Câu chuyện rất đời thường của Nguyễn Gương lại tác động mạnh vào người đọc, kích thích lòng say mê hiếu học, phát họa được nét thủy chung và ấn tượng về đạo lý người Việt của một gia đình, cũng như tính phóng khoáng, nhẹ tênh của người dân miền đồng bằng.
Về tô hủ tiếu với nước súp (nước lèo) ngon, ngoài gia vị bạn NG kể trong đó có tôm khô, mực nướng, theo tôi chắc chắn có thêm cải bắc thảo mới có mùi vị đặc trưng như vậy. Thường khi các tiệm hủ tiếu xưa, người ta nấu nồi nước lèo bằng xương heo (xương ống), củ cải trắng, củ hành tím, khô mực nướng, tôm khô, cải bắc thảo, nấu suốt cả đêm để lấy nước ngọt, thời đó chưa có dùng bột nêm, bột ngọt như bay giờ. Hiện nay khó tìm một nơi nào có được. Tôi chỉ biết các gia vị xưa như vậy, còn cách nấu, muốn chắc ăn phải hỏi “Bếp Ấm” do cô Lê Thân Hồng Khanh phụ trách sẽ được chỉ dẫn rõ ràng hơn.
Chú Phong Tâm cho cháu ké với.
Cháu chỉ biết ăn, không biết nấu ăn nên chỉ nói ra đây điều cháu thấy. Chuyện cũng lâu rồi. Ở SG có lần cháu vào một quán hủ tiếu khá nổi tiếng vì ngon và nước lèo rất ngọt. Cháu đến ăn sớm vì còn phải đi gác thi. Cháu thấy người bán vớt trong nồi nước lèo ra một gói vải lược. Khi nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của cháu (vì trời sáng sớm lạnh cháu chọn chỗ ngồi sát bếp cho ấm) người bán phân bua, giải thích, “Phải cho thêm mắm ruốc thì nước mới ngọt và gói mắm trong vải lược để giữ nước lèo được trong.” Có thể đấy là lý do khiến có người ngộ nhận nói nấu nước lèo hủ tiếu bằng trùng chỉ?
Ồ, hoá ra là bọc đựng mắm ruốc.
Vậy mà tưởng nhờ bỏ…đôi vớ bảy ngày không giặt!
Đã có quá nhiều công thức nấu nước lèo rồi. Xin bạn đừng đưa thêm “recipe” mới!
Thưa anh Phong Tâm, các anh chị em chúng tôi rất thích ăn mì nước do người Hoa nấu và cũng cố công để nấu được một nồi nước lèo có mùi vị giống như mùi vị đã được ăn. Cũng dùng xương heo; hành, mực, tôm khô, củ cải trắng (được nướng trước khi nấu) và cả con sá sùng khô nữa nhưng tiếc thay vẫn không sao có vị giống như nước lèo mà người Hoa nấu.
Mới đây Hương Cau đã cho chúng tôi thêm bí quyết là khi nấu nước lèo, ngoài những thứ cần thiết kể trên còn phải bỏ thêm cải “tần xài” thì mới ra vị nước lèo của người Hoa. Lần đầu tiên tôi được nghe cái tên này và tôi nghĩ ngay đến ” cải bắc thảo”. Khi đọc phản hồi của anh tôi tin chắc là cải tần xài chính là cải bắc thảo. Xin cám ơn anh, tôi sẽ tìm mua cải bắc thảo và có thể tuần tới chúng tôi sẽ có một nồi nước lèo mà chúng tôi đã ra công tìm kiếm mấy chục năm nay.
Đúng rồi cô Hồng Khanh ơi, cải “Tần xài” có lẽ do người Hoa phát âm, ta nghe trại ra, trong đó có giọng (Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu), người Tiều (Triều) tôi thường nghe họ nói là cải “Tùa xại”, có lẽ giọng Quảng là “Tần xài”? Cải tùa xại là cải xanh bẹ lớn, ta thường làm dưa chua trong dịp tết. ngôn ngữ người Hoa ở VN ít phân biệt như Trâu và Bò, họ gọi chung là “Ngầu”, để phân biệt trâu, bò thì thêm tiếng đầu: bò “hoòn ngầu”, trâu: “hắc ngầu”, tần xài-tần xại có lẽ do đây mà ra? Cải tùa xại có thể họ gọi chung cải xanh bẹ lớn và cải bắp? Cải bắp có nơi gọi “cải nồi”.
Cải Bắc thảo trong hũ người Hoa bán, có mùi thơm đặc trưng trong nước lèo hủ tiếu của họ mà tôi thấy là cải bắp xắt nhỏ, không biết họ ướp với phụ gia gì mà rất thơm ngon.
Cám ơn cô Hồng Khanh đã phản hồi.
Cám ơn anh Phong Tâm đã giải thích cải tần xại một cách thật rõ ràng. Thật là một sự tình cờ mà nhờ đó tôi đã thu thêm được nhiều điều mới lạ rất hữu ích qua sự chỉ dẫn của anh. Ở Kiến Hoà chắc chắn cũng có nhiều món ăn đặc trưng, nếu có thể xin anh viết cho ít bài về món ngon vật là ở quê nhà, hoặc tốt hơn nữa các em, con gái của anh có thể đóng góp cho Bếp Ấm một vài công thức món dân dã miền Nam thì thật là tuyệt.
Xóm Kho Dầu nơi anh Nguyễn Gương ở trọ em biết,vì sau năm Mậu Thân em cũng có ở trọ hẻm thầy Ba trứng ngỗng gần chợ Cầu Lầu. Bài anh viết với những câu chuyện đời thường nhưng đọc rất hấp dẫn .Những gì em muốn nói anh Phong Tâm đã nói hết rồi ,em cũng nhớ ngày xưa nước súp hủ tiếu là phải có cải Bắc Thảo mới đậm đà không có dùng phụ gia như bây giờ .Qua bài viết của anh giúp chúng ta nhớ lại rất nhiều chuyện của thuở xa xưa từ trong học đường đến ngoài xã hội. Rất cám ơn anh Nguyễn Gương .
Kính gửi bạn Nguyễn Gương,
Bài viết của bạn thật hay. Theo mình, bài viết làm người đọc trang nhà nhớ lại những ngày xa xưa ấy: thuở còn học Tống Phước Hiệp, thuở còn ở Vĩnh Long, và thuở gì gì đó có gắn với xứ Vãng nữa. Những chuyện đời thường được bạn khắc họa rõ nét nhờ trí nhớ cực tốt (40 – 50 năm chứ ít gì?) nên rất thực, rất linh động và rất thấm.
Cho mình hỏi, hình trong bài là của bạn hay do quản trang gắn? Mình vốn không thích ăn nội tạng nên thấy ảnh tim, gan, phèo… treo trên mấy cái móc mà kinh quá! Chào bạn.
Những kỷ niệm ngày xưa mà Nguyễn Gương kể lại, tưởng là mộc mạc, bình dị nhưng lại rất lôi cuốn người đọc, nhất là những người đã từng biết đến những nhân vật và những nơi mà Nguyễn Gương đề cập tới. Cám ơn tác giả đã gợi nhớ đến một thời mà giá trị đạo đức cũng như tình người vẫn còn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh tình đời lọc lừa xảo trá trong thời buổ i nhiễu nhương của thế thái nhân tình , ta vẫn còn thấy được những hình ảnh đẹp nhân hậu , thủy chung . Bài viết hay của Nguyễn Gương đã làm ấm lòng người đọc , nêu lên được nét đẹp muôn thuở về tình đời , tình người . Cảm ơn Nguyễn Gương nhé . Luôn chờ đợi bài viết mới của bạn đấy !
Hoành Châu (Gia đỉnh C )
Chân thành cảm ơn đại huynh Phong Tâm đã đọc , nhận xét và cho ý kiến quý báu
– Với Anh Hoàng Long , hẹn anh một ngày ở xóm Cầu Lầu -Văn Thánh xưa để ta đi môt vòng thăm lại chốn xưa ( Ảnh minh họa do bộ phận KT đưa vào -Tại mình không dám ăn chứ lòng heo bán đắt lắm ở nhiều nơi )
– Xin cảm ơn chị Lài ” người Cầu Lầu xưa ” đã theo dõi bài viết nhiều kỳ và cùng chia sẻ nhiều kỷ niệm
– Chân thành cảm ơn cô Hồng Khanh với sự góp ý, góp lời rất qúi của cô . Em tin giá trị đạo đức con người theo thời gian sẽ được củng cố và sống mãi ,
Vẫn với lối viết chân thực, gần gũi, anh Nguyễn Gương đã ghi lại những kỷ niệm đời thường nhưng thật đậm đà, sâu sắc. Nghe như phảng phất đâu đây mùi vị đặc biệt của tô hủ tiếu thơm ngon…và hình ảnh người đàn bà thủy chung viếng mộ chồng mỗi chiều chủ nhật.
Về anh Nguyễn Bá Cang thì MN biết khá nhiều, bởi đã cùng công tác nhiều năm ở huyện Long Hồ. Trước khi về hưu, anh là Hiệu trưởng một trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc Gia, có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục huyện nhà…
Cảm ơn anh Nguyễn Gương về một bài viết thật hay.
– Chị Hoành Châu
Khi đặt bút viết lại những chuyện đạo đức đã từng chứng kiến mình luôn nghĩ đến cái tâm, cái thiện lúc nào cũng có trong lòng một người. Cái thiện, tâm đó đến lúc, có dịp nó sẽ biểu hiện tốt đẹp ra mà thôi.
Thế nên cuộc đời mãi mãi là đẹp, là nơi ta đáng sống.
Chân thành cảm ơn những chia sẽ đồng cảm của chị.
– Chị My Nguyễn
Xin cảm ơn những chân tình đánh giá tốt về bài viết.
Theo yêu cầu của anh LM ( tựa bài đợt nầy đã sửa lại ) mình sẽ viết tiếp những chuyện vui lạ ở Vĩnh Long ( vượt ra phạm vi xóm Kho Dầu cũ ) Đầu tiên viết về khu Chiều Tím và vườn dưa gan được không ? ” Thổ địa xưa” cung cấp thêm dữ liệu nhé. Cảm ơn trước