Chuyện Gà Năm Cũ (8)

Ngày đăng: 11/02/2017 06:02:24 Sáng/ ý kiến phản hồi (13)

Từ lùm cây sát mé bờ con rạch Bằng Tăng, ông Chín Hựu rời chỗ ẩn đi trở về nhà.  Ông vừa biết được điều mà ông muốn biết, thì lòng càng thất vọng và vô cùng buồn bã. Ông cũng mong người câu cá bống tại vườn ông mới nảy không phải là thằng Tư Chiếc.  Mà cũng mong đó là thằng Tư Chiếc để vấn đề được giải quyết một lần. Ông không mang tội lớn đáng phải xử, mà anh em họ quyết không tha thì để võ công định đoạt số phận. Nhưng sư phụ ông nhiều lần răn dạy, chỉ nên trừ khử những người vô cớ hay cớ không đủ lớn mà viện ra để tự tung tự tác.  Đệ tử chân truyền môn phái nầy  không được ỷ vỏ công mà lạm sát, hà hiếp kẻ yếu hơn mình. Phải nhớ rằng, con gà con vịt còn có ngày chết với các lý do chính đáng. Trong vụ Tư Chiếc hôm trước, ông thừa nhận hơi quá tay do cuộc sống cô độc nhớ thương gia đình bị chết thảm dưới bàn tay bọn gian ác, ông giỡn chơi để cho nó tỡn mà chừa bỏ nghề ăn trộm. Rồi càng lúc nảy sanh hoạ lớn, ông hết biết làm sao cho phải đạo.

Ông Chín Hựu không biết nhiều bí mật của môn phái sư phụ vì ông được thu nạp không chính thức. Sư phụ cho ông biết vài điều như ông không có tên trong giáo phả, do đó ông không qua những thử thách giáo quy và cũng không thể được giới thiệu dự thi những kỳ thăng tuyển hàng giáo phẩm. Ông Chín cũng chưa từng biết về lịch sử cây đèn, vật vô cùng quan trọng và vinh dự cho cả hàng giáo phẩm cao cấp, vật trấn sơn của một môn phái lẫy lừng mà ông cầm trong tay bởi cơ duyên. Ông cũng chưa nghe ai nói có vị giáo phẩm làm thất lạc cây đèn giống vầy mà giáo chúng phải quyên đủ trăm cây vàng chuộc lại. Ông cũng không ngờ nơi địa phương nhỏ nầy có hai gia đình thù oán người cùng môn phái với sư phụ ông và nhất là họ rất thèm thuồng cây đèn bánh ú đến mờ cả thiên lương. Sư phụ chỉ dặn ông trước khi ông ấy lâm chung, ông phải thề gìn giữ và trân quý cây đèn như sinh mạng của mình. Chỉ nên đốt sáng để thu phục kẻ thù, khi kẻ thù thấy được ánh sáng đèn thì chúng sẽ giảm bớt thù hận, hạn chế máu đổ đầu rơi. Thiêng liêng khiến chúng trở ngại hoặc thất bại khi manh tâm thủ ác. Hoặc chỉ đốt lên trong những dịp trọng đại.

Cả buổi chiều đó, ông Chín suy nghĩ lung lắm. ông ăn cơm xong và ra vườn chọn được thân cây chuối hột thật to mà ông đốn buồng cũng hơi lâu. Ông không quên nồi xông mà buổi trưa ông đi vòng vườn nhà và qua vườn láng giềng hái lá. Ông tắm rửa xong, giặt đồ đem phơi  hong gió trên cây sào bên dưới mái thảo bạc. Ông vào nhà châm dầu cây đèn bánh ú và khấn váy lâm râm hồn thiêng sư phụ giúp ông giáo hoá anh em Tư Chiếc. Ông để cây đèn đang cháy sáng trên chiếc bàn trên chiếc bàn nơi góc bếp. Còn hình nộm, ông Chín chỉ muốn nói với chúng là ông đã rõ âm mưu để chúng nghĩ lại mà dừng tay. Ông nhủ lòng, những ngày tới ông sẽ nhờ người trung gian dàn xếp cho ông chính thức xin lỗi. Ông không ngờ việc ông làm càng tồi tệ. Buổi sáng ông trên đường lánh nạn về nhà, chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp, ông biết sự việc giữa ông và anh em Tư Chiếc vô phương cứu vãn.

Ông Chín lập tức đến nhà láng giềng mượn xuồng bơi ra nhà ông cố Sáu nhờ một lời khuyên. Lúc bơi ngang chiếc xuồng của Tư Chiếc còn cột dây ở đám cây bần với đồ đạc của họ còn nguyên trên đó. Ông Chín mở dây kéo  xa khỏi vườn ông, bởi khi nước ròng thấp xuống, nó sẽ bị gài cứng giữa các gốc bần. Và mục đích thứ hai là dấu  tung tích, tránh chuyện làng xã có thể hay tin mà kéo tới rồi sẽ phăng chủ nó ra khi lòng ông vẫn chưa muốn tố cáo.  Ông nghĩ là sự việc đã nổ lớn đến mức ông phải cần sự giúp đỡ của những nguời ở địa phương lâu năm và uy tín như ông Sáu.

Trong đời làm sư kê, ông Chín gặp hàng trăm chủ cả giàu có,  cơ ngơi gấp hàng ngàn lần hơn ông Sáu. Những người kia có thể đãi ông những thượng phẩm của hàng vương tôn hay các bậc phú gia địch quốc. Nhưng khi ông gặp ông Sáu đấy là lần thứ ba, với bộ khai trà chứa đựng thức uống hương vị thông dụng bình dân  ông Chín cảm thấy ông Sáu có một sức rất thu hút rất khác thường. Lần thứ nhất do tình cờ mà ghe của ông Sáu ghé bến nhà ông, nhờ vậy mà ông Chín được chở qua Trà Ôn cho bác sĩ Tây mổ ruột thừa mà thông ngôn nói chậm trể có thể nguy cho tính mạng. Lần thứ hai ông ghé nhà ông Sáu tặng cặp gà nòi mà ông mang về từ kinh xáng Vịnh Tre. Ông sáu tuy không chơi thú gà nòi nhưng biết quy luật dân chơi gà mà cho gà mái nòi là quý trọng mình lắm. Kinh nghiệm của dân nuôi gà nòi là gà con giống cha ở hình dạng sắc lông và nết đá, nhưng ảnh hưởng mẹ ở tánh gan lì chịu đựng. Hai tính chất tuy đơn giản nhưng một sư kê như ông Chín Hựu cũng ít khi tuyển được cô mái nòi như ý.  Lần gặp thứ hai đều không hài lòng cho cả hai người, vì ông Sáu có việc phải đi gấp nên cáo lỗi không tiếp ông Chín. Ông hẹn ông Chín có rảnh thì cứ ghé chơi. Nếu được thì ngủ lại đêm để nhiều thì giờ đàm luận. Còn lần ghé thăm  nầy nghe xong mục đích, ông Sáu hỏi ông: Ông Chín có muốn thưa anh em tụi nó thì phải giữ hiện trường và về nhà xem lại chiếc xuồng rồi ông cùng đi tới Nhà Việc. Còn để yên thương lượng thì ai bảo đảm cho ông việc thường tình xưa nay: “Minh thương dễ tránh, ám tiến khó phòng” suốt năm dài tháng rộng nơi khu vườn vắng vẻ của ông. Còn một cách khác là, nếu ông Chín đồng ý, ông Sáu sẽ cho người làm đi tắt đồng chừng 2 tiếng là đến nhà tụi nó dò hỏi tình hình đêm qua hoặc đề nghị thương lượng bồi thường an ủi. Bất cứ lý do gì tụi nó còn ngoài vòng luật pháp, ông Chín phải bỏ xứ nầy. Ông Chín Hựu ở chơi nhà ông cố Sáu tới xế chiều, người làm của ông cố trở về cho biết hai gia đình Ba Chát, Tư Chiếc bỏ nhà trốn mất.

Ông “cố Sáu” Phan Văn Sung rất mê đá gà và thừa hưởng một ít kinh nghiệm về gà chọi từ người cha truyền lại. Nhưng ông Cố không có máu lạm dụng việc đá gà là môn cờ bạc sát phạt như những người giàu có đương thời. Những thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, vùng Long Xuyên có những trường gà rất lớn. Trên thì lộ xe tấp nập, dưới bến là san sát thuyền rồng, ghe hầu, mỗi chiếc ghe có từ bốn đến cả chục tay chèo. Có chỗ ăn ở xài tiền như nhà hàng khách sạn, qui tụ khách giàu sang và vương tôn công tử khắp ba miền, hoàng thân quốc thích Cam-Bốt và Lào hội  hẹn về sát phạt. Nơi đủ thế lực hợp pháp để chấp lý những độ gà hàng ngàn đến hàng chục ngàn giạ lúa hoặc chuyển nhượng hàng trăm mẫu đất.

Ông cố Sáu như bắt được vàng, dang tay chào đón sư kê Chín Hựu ngỏ lời hợp tác. Giữa ruộng, ông cố dựng một trại nuôi gà nòi,  mở đầu truyền thuyết  về dòng gà “Đá Lửa”, nơi cho ra lò những chú gà nòi có chút danh tiếng cho đến năm 1930. Thế kỷ trôi qua, người đã thiên cổ, tích cũ phôi phai, các địa phương như Đìa Thùng, Đá Lửa, Hóc Bà Tùng vẫn còn đó, chắc chắn phải có lịch sử riêng của chúng.

Một Lúa

0 ga noiH1

 

Có 13 bình luận về Chuyện Gà Năm Cũ (8)

  1. Phan Lương nói:

    Cuối cùng rồi cũng yên ắng .Hai gia đình Ba Chát và Tư Chiết bỏ đi biệt xứ . Không biết rồi có tu tâm , dưỡng tánh bỏ lòng tham không ?

    Ông Chín Hựu và ông Cố Sáu đã hợp tác xây dựng trại nuôi gà và an hưởng thành quả đến cuối đời cũng mỹ mãn

    Không biết cây đèn bánh ú giá trị liên thành đó đã truyền lại cho ai rùi nhỉ ?

    Em nghĩ chắc là anh Lúa phải viết thêm những câu chuyện ly kì về cây đèn bánh ú đó ở đời con cháu á

    Hi hi

    • Một Lúa nói:

      Bạn trẻ Phan Lương!

      Đêm mà ông Chín đoán được thảm hoạ, ông rời nhà và để lại chiếc đèn bánh ú đang cháy với hy vọng nhờ ánh đèn thiêng liêng soi sáng lương tâm anh em Ba Chát. Sáng hôm sau ông về thấy nhà cửa tang hoang mà chiếc đèn vẫn nằm y chỗ cũ.

      Trận sau nầy, ông 9 và ông 6 oánh với họ bằng gà nòi ban ngày, vì vậy mà chiếc đèn vẫn là chiếc đèn bánh ú. hihihi

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Đọc xong chuyện gà năm cũ, thấy chấm hết..Muốn nhắn với Một Lúa…Còn chuyện nào kể tiếp cho mọi người nghe. Rất mong !

    • Một Lúa nói:

      Dà thưa Cô,

      Những bài sau câu chuyện nầy chỉ là giải thích lại một vài vụ trong phần đầu và nguyên nhân của một cuộc trả thù nhỏ nhen của anh em Ba Chát và sau nầy lôi kéo theo một “đại gia” ở Tổng Hưng, Bình Phú (1 Bình của Tam Bình thời mở đất). Cũng vì “ghét nhau tiếng gáy” mà hợp sức hạ gục liên danh ông Chín Hựu + ông  cố Sáu. Phần đó họ có dùng gà đá độ lớn và trâu lậu trong mục đích rửa hận  rất hoàn hảo và nạn nhân vô tình đặt một chân vào bẫy.  Nhưng em thấy phần nầy có tính gia đình, nên ngại không mở rộng thêm sự chằng chịt liên hoàn của nó.  Cảm ơn cô quan tâm và khích lệ.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Hết chuyện ly kỳ hấp dẫn về Chín Hựu, tác giả Một Lúa nghỉ xả hơi phải không?

    Vốn một bụng chữ, một bồ kiến thức, tài năng dẫn dắt câu chuyện như một phù thủy, chắc chắn sau khi tung 8 chiêu, Một Lúa nghỉ mệt rồi sẽ … biết tay nữa.

    • Một Lúa nói:

      Chị Hạnh ơi,

      Dao lụt phải mài, pin cạn phải sạt, người mệt phải nghỉ. Chứ phù thuỷ thì oánh tới một lèo, haha.

      Cảm ơn chị nhé!

       

  4. Hết rồi, tiếc quá.

    Giữa khung cảnh thôn dã xuất hiện một người võ nghệ tuyệt luân, mưu trí không thua Khổng Minh,Gia Cát, nhờ cơ duyên có cây đèn bánh ú thần đã thế thiên, hành đạo trừng trị những kẻ bất lương, độc ác. Hồi một: Cái thiện tạm thắng, cái ác tạm thua về nhà nghỉ dưỡng thương chờ thời cơ phục hận, phải không anh Một Lúa? Chính – tà sẽ xung đột ra sao, xin xem hồi hai sẽ rõ, hé anh?

  5. HOA ĐĂNG nói:

    Tưởng như đang xem dạo đầu của truyện võ lâm kiếm hiệp và sẽ được đọc tiếp truyện dài, nào ngờ hết rồi, tiếc quá Lúa đệ ơi, lâu lâu xuất chiêu, nhiều món lạ, độc Viết tiếp, hay, hay, hay.

    • Một Lúa nói:

      Chào chị Hoa,

      Đệ đang tìm cách liên lạc với thân thuộc ở vùng Cái Sơn Lớn, Mỹ Thạnh Trung để  hỏi thăm một số thông  tin về ông cố Sáu. Cảm ơn chị quá khen, riêng đệ thì lúc nào cũng cảm thấy thiếu và sai sót.

  6. Võ Thị Lài nói:

    Đoc hết phần 8 thấy nhẹ lòng ,hai gia đình thù hận rồi cũng ổn thỏa anh em Ba Chát  bỏ đi .Ông  Cố Sáu và ông Chín rồi cũng  vui vẻ cùng nuôi gà nòi chắc là thù vị lắm lắm .Cám ơn Anh  Một Lúa năm Gà cho xem chuyện về Gà  chúng em rất thích . Kính chào anh .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác