NHỚ TẾT XƯA.
Tôi nhớ những ngày tết cổ truyền ở thế kỷ trước . Người ta thường nói “vui như Tết vì một năm chỉ có 3 ngày tết, mọi người không phải làm việc, được nghỉ ngơi để ăn tết .
Mùa Xuân đến, tiết trời ấm áp, muôn hoa đua nở, cây lá xanh tươi . Nghe trong làn gió nhè nhẹ báo hiệu mùa Xuân về, mọi người cùng chào đón mùa Xuân.
Người già mong Tết để sum họp với con cháu ; tuổi trung niên chờ đến tết để được nghỉ ngơi về thăm quê cùng đi đây, đi đó; trẻ con mong tết để được nghỉ học, có tiền lì xì, tha hồ chơi đùa. Nhưng vui nhất là những ngày chuẩn bị Tết đến.
Ở quê tôi từ đầu tháng 12 Âm lịch người ta đã chuẩn bị những món ăn cho ngày tết . Đầu tiên là tráng bánh tráng, nhất là việc quết bánh phồng.Thường trong xóm cùng nhau làm chung một cái lò để tráng bánh, nhà này tráng bánh mấy nhà khác phụ giúp công. Người ta xẻ những tàu lá dừa theo chiều dọc rồi đan 2 tàu dừa lại với nhau để làm vĩ phơi bánh. Chúng tôi thích nhất ngồi chờ những cái bánh bị méo hay bị rách mà người lớn bỏ ra, đem cuốn với nhưn dừa và đậu xanh, vừa đưa ra là đám trẻ con ” xử” liền. Bánh tráng có loại bánh tráng nước cốt dừa, đậu phộng, mè; bánh mặn nhưn tôm khô và bánh tráng ngọt để xé ra ăn sống ( không phải nướng ). Hồi còn đi học, chúng tôi thường mang theo chia cho các bạn cùng ” nhâm nhi “.
Kế tiếp là làm các loại mứt, ngày xưa nhà nào cũng làm mứt ăn tết chứ không mua ở chợ như bây giờ. Ngoài các món bánh mứt còn phải làm các món dưa, dưa kiệu, dưa gừng, dưa cải, dưa hành … Người ta quan niệm khi tết đến nhà nhà phải lau chùi, sơn phết, dọn dẹp cho mới, cho sạch sẽ để đón rước ông bà .. Cây mai trước sân được chăm sóc, lảy lá và tưới nước để cho bông nở đẹp đúng ngày tết.
Nhắc đến tết tôi chợt nhớ quê, nhớ người thân, nhớ những người bạn hàng xóm thời tuổi nhỏ, ôi những ngày tết xưa vui ơi là vui ! Nhà tôi ở cạnh sông Long Hồ, ngày đó chưa có cầu Chợ Cua nên mọi người đi qua lại bằng ghe xuồng, đò ngang, đò dọc. Những ngày cận tết người trong làng đi làm ăn xa nhà lần lượt về quê, đoàn tụ với gia đình. Ai đi đò về ngang qua, anh Hai tôi cũng mời ghé lại dùng chung rượu, hỏi thăm công việc làm ăn, chúc sức khoẻ, hẹn qua “mùng” gặp gỡ bên chén trà, chung rượu … Nhớ tết, nhớ tình quê hương làng xóm. Nhà nào có trồng cây cũng để dành những trái cây to, ngon nhất để cúng tết, biếu tết. Nhớ tết, nhớ những chuyến đò ngang, đò dọc chở người đi xa về, chở người đi chợ mua sắm, ghe thuyền dập dìu trên sông chở hoa kiểng, rau quả về chợ. Ngồi cạnh bờ sông nhìn ghe thuyền qua lại, nghe tiếng rao hàng lòng người cũng nôn nao.
Những ngày tết xưa, trẻ con mừng lắm vì được mặc quần áo mới, được nhận tiền lì xì nên rất vui, mong chờ tết đến . Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, mong đến tết để đi “mừng tuổi” ông Chín ( ông Mai Phùng Võ ) để được ông lì xì. Sáng mùng một đi chúc tết ông bà, đi bộ bốn năm cây số, nhận đươc một đồng tiền gói trong giấy đỏ mà lòng mừng rơn, tí tởn. Ngày xưa, trẻ con chờ tết, mong mỏi đếm từng ngày. Khi qua mùng một thì sợ hết tết vì lại phải đợi 365 ngày mới có Tết. Cúng mùng ba xong, nghe ai nhắc, hôm nay hết tết rồi nhe, trong khi trẻ con thích tết đến mùng mười mới sướng.
Nhớ đêm 30, nhà nào cũng gói bánh tét rồi thức canh nồi bánh để đón giao thừa. Ngồi quanh bếp lò, nhìn ánh lửa hồng, nghe âm thanh tí tách của than củi khô, lòng tôi cảm thấy vui và ấm áp. Ngồi nướng bánh tráng, bánh phồng trên lửa than, vừa ăn vừa kể chuyện vô tư. Tình quê, tình thân chan chứa, ôi chao là nhớ !
Trong mấy anh chị em chỉ có tôi là phải sống xa quê. Mỗi lần đến tết, tôi là người được các anh chị trông đợi và nhớ thương nhiều nhất. Về đến quê nhà, anh chị nào cũng dành cho em Út những món ăn ưa thích .. Được sinh ra và lớn lên ở quê, tuổi ấu thơ của tôi có nhiều kỷ niệm với tết xưa. Quà biếu tết ngày xưa thường là sản vật “cây nhà lá vườn ” như con gà, cặp bưởi, chục cam, chục xoài …mà cái tình rất quí. Nhắc tết xưa, tôi lại nhớ đến bác Tư ( hàng xóm ), năm nào về quê ăn tết tôi cũng ghé thăm bác. Bác Tư có mười người con, tết đến bác thường ngồi trông đợi các con ở xa về. Mỗi lần gặp tôi bác đều nói, “Út ơi, mầy ở xa mà năm nào mầy cũng về sớm nhất, còn thằng Ba của tao ở Bạc Liêu mà 7 cái tết rồi nó không về thăm tao; nhà nó nghèo , con đông !” Tôi nhớ hồi còn nhỏ, chú út tôi đi lính hải quân và lâu lắm không về thăm nhà nên ba tôi cũng thường trông ngóng chú út… Chị em tôi, đứa mặc quân phục, mang giày của chú đi lộp cộp từ ngoài vào, đứa hô to, “A chú út về “, làm ba tôi mừng rỡ chạy ra đón. Khi chỉ thấy chúng tôi đóng kịch, ba tôi mắng, “Cha tụi bây ! Làm tao mừng hụt”. Tôi nhớ đến bác Hai ( ba mẹ chị Kiều Trinh ), mỗi lần đến tết khi tôi vào nhà thăm hai bác, hai bác đều nói “Mầy ở Sài Gòn về hả Út ? Mầy có gặp con Bảy của tao không ? Nó có khỏe không ? Sao tết nó không về ?”…Tôi rất hiểu hoàn cảnh của chị Kiều Trinh và cũng thương những người già như bác Hai , lúc nào cũng nhớ con, nhớ cháu khi tết đến.
Anh Hai tôi đến lúc hơn 50 tuổi mà vẫn còn mê Tết như con nít .Tết năm nào ông cũng may áo mới để mặc trong ba ngày tết . . Tiền của con gái, con rể cho , ông để dành, cho vào bao đỏ, để sẵn trong túi và lì xì cho trẻ con. Phải chăng đó là niềm vui của người già.
Những năm làm trong ngành du lịch, tôi bận phải trực tết nên thường cho các con về quê ngoại ăn tết để hưởng hương vị của tết quê.Thời gian gần đây, những người ở thành phố gần như đơn giản hóa tết Việt. Phương tiện đi lại có sẵn, đời sống vật chất dư thừa nhưng cũng lười về thăm quê. Những người già từ từ đã đi xa, lớp trung niên còn một số người lưu giữ phong tục ngày tết cổ truyền nhưng tết nay sao không còn không khí, màu sắc, ý nghĩa, hương vị của tết xưa, hay là suy nghĩ của tôi cũng đã xưa rồi ? Hôm nọ tôi có đọc trong một bài báo, có một cụ bà 60 …..Ôi chao , tôi cũng là một U60, tôi cũng là một cụ bà rồi sao ? Chấp nhận thôi ! Nói như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc : Già ơi , chào bạn !
Món ăn tinh thần ngày tết là ” Báo Xuân”, nhớ lại thời trung học mỗi khi có đoàn trường khác đến bán báo Xuân, chúng tôi thường nói các anh chị “câu giờ ” ở lại thêm để khỏi phải học. Năm nào tôi cũng mua mấy tờ báo Xuân để tết ” nhâm nhi “. Ngày nay trong thời đại công nghiệp, dần dần người ta quên tết cổ truyền. Những món ăn ngày tết làm sẵn bày bán ở chợ, ở siêu thị nhưng sao tôi vẫn nhớ màu sắc của lá chuối, hình ảnh mẹ già ngồi nấu bánh đêm Xuân, nhớ bếp lửa hồng, tình quê thân thiết.
Phong tục tết xưa dần mai một, “nếp cũ” dần nhạt phai …”Phong tục” sao người không gìn giữ, riêng tôi vẫn mãi ” nhớ tết xưa” !
Thu Cúc
H1 H1 H2
H3
H4
H5
Xuân về, Tết đến để rồi bao nhiêu kỷ niệm của ngày xưa lại tràn đầy trong trí. Làm sao quên được những gì sảy ra khi còn nhỏ dại, lúc mới lớn trong vòng tay của cha của mẹ và của anh chị em trong nhà. Lớn lên, phải xa nhà vì việc học, vì công việc nhưng những ngày Tết là dịp để đại gia đình sum họp, quây quần.
Hình ảnh người mẹ già ngồi trông ngóng đàn con về thăm dù biết là con mình không có điều kiện để về trong mấy ngày tết sao mà não lòng, muốn khóc…
Nhớ quê hương , nhớ người thân là tâm trạng chung của người xa xứ khi Xuân về . Sum họp là niềm vui cô nhỉ !
Vui xuân bây giờ lại nhớ những ngày Tết xưa hả Thu Cúc…Những gì đã qua , không bao giờ trở lại đều mang vẻ đẹp long lanh…Thôi …chỉ là chút hoài niệm để bước vào mùa xuân mới nghe em. Chúc em vạn sử bình an.
Nhắc lại chuyện cũ cũng cảm thấy vui vui . Vui như Tết ! Hoài niệm về một thời tuổi thơ đáng nhớ . Em về Vĩnh Long có ghé thăm thầy Dũng và cô Đào . Cô Đào nhắc về cô nhiều .
Bài viết của em làm chị nhớ nhiều về những ngày xuân tuổi nhỏ,,, mong mau Tết để mặc áo mới , mong trời mau sáng để được xem múa lân , được nghe đốt pháo và nhận tiền lì xì mới toanh của ông ! Bài viết cảm động quá , Cúc ơi ! Chị Hòanh .Châu (Gia đình C )
Tết hồi đó sao vui quá há chị Châu . .? Em và chị cũng có nhiều kỷ niệm về Tết ngi?
Tết xưa đó làm sao tìm lại được
Nhớ tiếng quết bánh phồng làm ấm cả xóm làng …
Những hình ảnh , âm thanh của tết xưa chỉ còn lại trong ký ức thôi chị Hạnh ơi .
Xin tiếp lời bạn Cúc.
Đầu tiên là chia thịt heo. Không biết hợp đồng như thế nào mà đến 28 hay 29 tết là con heo được giết thịt để chia. Đám con nít, có tui, bu lại xem. Đập đầu con heo cái bốp, tới đây tui nhắm mắt lại nên không biết sự việc tiếp theo như thế nào, nhưng tui nhớ có ôm một cái rổ thật to thịt, lòng… về. Tráng bánh? Tui là người đi móc đất sét về để đắp lò, rồi chặt ngạnh cây bọc đất sét để làm cục tạ kéo căng mảnh vải tráng bánh. Chặt tàu lá dừa để đan vĩ phơi bánh? Cũng tui. Bánh tráng không đều (hư)? Tui có mặt. Thu gom khá đủ bánh hư, một trái dừa khô kêu cái “bốp” sau đó là một chảo nước dừa bồng con có thêm hành và đường để phi tan sự vụng về của người mới ngồi lò tráng bánh. Nhưng tui ngán nhất là ngồi xăm vật liệu làm mứt. Trời ơi cả một thau bí (đao), hay gừng, hay khoai lang mà trong tay tôi chỉ có cây xăm diện tích 1 cm2 với 9 hay 16 gai. Một Cinderella thời đại! Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!
Cám ơn anh Nguyễn Hoàng Long kể thêm nhiều chi tiết về Tết Xưa rất vui & thú vị . Ở xóm có nhà làm heo là sáng nào cũng ăn cháo mệt nghỉ ….