CHÂU ĐỐC TÂN LỘ KIỀU LƯƠNG
Ngày nay, khi tham quan di tích miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, du khách có thể thoải mái ngồi trên xe đi thẳng một mạch từ thị xã Châu Đốc đến chân núi. Ít ai nghĩ rằng cách nay gần 200 năm muốn đến núi Sam, người dân phải chịu khó chèo xuồng vượt qua lau sậy mới đến được nơi đây. Vào giữa mùa nước nổi, cánh đồng dưới chân núi là cả một biển nước mênh mông với biết bao hiểm nguy rình rập, đe dọa cư dân vùng lũ.
Cảm thông được nổi khổ tâm của người dân, sau khi đắp thành Châu Đốc(1816) và đào kinh Vĩnh Tế (1819-1824), con lộ từ Châu Đốc đến chân núi Sam được Thoại Ngọc Hầu khẩn trương khởi công vào năm 1826 và hoàn tất vào năm 1827. Con lộ này có chiều dài gần 5km bề ngang hơn 5m chạy từ ngã ba sông Châu Đốc nơi có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (đình Châu Phú) đến chân núi Sam tên là “Châu Đốc Tân lộ Kiều lương”. Sau khi con lộ được hoàn thành, Ông đã cho dựng tại chân núi Sam bia Châu Đốc Tân lộ Kiều Lương để ghi kỷ niệm ngày con lộ mới ra đời. Tiếc thay tấm bia đã bị vỡ, người ta chỉ tìm được một mảnh dầu bia còn được bốn chữ “ Châu Dốc tân lộ…..” gần lăng Thoại Ngọc Hầu. Đây là một áng văn chương trau chuốt mô tả lại việc đắp con lộ Châu Đốc và sự cực khổ của người dân trong vùng. Nhờ con lộ này làng Vĩnh Tế ( nay là phường Núi Sam) được thành lập giúp người dân có thể đi lại, giao thương dễ dàng. Vào mùa lũ, ghe xuồng đậu hai bên đường để tránh những cơn gió lớn có thể gây nguy hiểm cho người trên xuồng. Sau khi ông mất (1829), nhân dân làng Vĩnh Tế lập đền thờ dưới chân núi Sam và tôn ông làm thành hoàng tại làng này. Con lộ này được hình thành hoàn toàn do tiền lương của quan dân tại thành Châu Đốc đóng góp chứ không hề sử dụng tiền công quỷ.
Tên gọi Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương bởi vì trên đường từ đình Châu Phú đến chân núi Sam có 4 cây cầu lót bằng ván để xe ngựa có thể qua lại dễ dàng. Tại những cây cầu này, người dân thu hoạch lúa từ cánh đồng Vĩnh Tế và khu Tứ Giác Long Xuyên có thể cập xuồng vào để vận chuyển lương thực. Từ đây lúa được chuyên chở bằng xe ngựa hay xe bò đến nhà máy xay xát của ông Lê Công Thoàn nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay gần miếu Hàn Lâm. Xóm gần nhà máy xay xát này được người dân gọi là “ Xóm Hàng Xáo”. Người dân địa phương sau khi xay lúa xong sẽ vận chuyển gạo xuống xuồng tại bến đò qua Cồn Tiên để đưa đến các nơi. Ông Lê Công Thoàn là người đã khai phá vùng đất tại làng Châu Phú ( nội ô TP Châu Đốc hiện nay) và được phong làm tiền hiền của làng Châu Phú. Phủ thờ của tộc họ Lê Công được vua Tự Đức ban cho đặc ân là được giữ sắc phong của Nguyễn Hữu Cảnh tại đình Châu Phú. Giữa dòng họ Lê Công do bà Huỳnh thị Phú là vợ ông Lê Công Thoàn quản lý và Thoại Ngọc Hầu có một mối quan hệ thân tình nên lúc cư dân khai phá ruộng đất ở hai bờ kinh Vĩnh Tế trong mấy năm đầu bị thất bát, bà Huỳnh thị Phú đã đứng ra mượn hai hộc quân lương nơi thành Châu Đốc để cứu tế cho nông dân và cam kết sẽ đem tài sản của gia đình làm thế chấp. Sau đó triều đình Huế chấp thuận việc này và khen thưởng cho bà Huỳnh thị Phú. Tuy nhiên việc làm “ Tiền trảm hậu tấu này” khiến cho những người ghét ông thông qua Võ Du tố cáo ông tự quyền quyết định đem quân lương cho mượn khiến ông bị kết tội lạm quyền. Đúng là miệng thế gian muốn nói sao cũng được. Từ một việc làm mang tính chất nhân văn biến thành một tội trạng chỉ trong gang tấc mà thôi.
Trong thời Pháp thuộc ( vào khoảng năm 1923 đến 1926) người Pháp cho đào con Kinh Đào từ chợ Giồng đến rừng tràm Trà Sư đồng thời xẻ hai con kinh để xả nước từ cánh đồng núi Sam đến kinh Đào để ra sông Châu Đốc. Nơi băng qua con lộ này, người Pháp cho xây dựng hai cầu bằng sắt mà người dân địa phương gọi là cầu Số 2 và cầu số 4. Hai cầu sắt này về sau được thay thế bằng cầu bê tông. Ngoài ra còn 2 cây cầu hiện nay đã mất dấu là cây cầu tại ngã ba đường Cử Trị và cây cầu tại ngã tư Trường Đua.
Sau ngày 30/4/75 với kinh phí của Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam cộng với sự đóng góp của chính quyền và nhân dân thị xã Châu Đốc, đường từ Châu Đốc đến núi Sam được mở rộng thêm. Đoạn từ nội ô thị xã đến vành đai quốc lộ 91 được nâng cấp và mở rộng thêm hơn 10m. Đoạn còn lại được làm thành đường hai chiều, mỗi bên khoảng hơn 10m , giữa trồng cây xanh để cho khách tham quan có thể đi lại dễ dàng nhất là vào mùa lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Hiện nay con lộ này đã được nâng cấp có chiều ngang khoảng hơn 60m với 6 làn xe, mỗi chiều gồm 2 làn cho xe ô tô và một làn dành riêng cho xe gắn máy từ đoạn ngã tư trường đua đến chân núi Sam và đặt tên là Tân lộ Kiều Lương. Hai cầu bằng bê tông cũng đã được san lấp để tiện việc đi lại. Hai bên đường hình thành những khu dân cư và các cơ sở phục vụ cho người dân như trường Dân Tộc nội trú và khu Liên Hợp Thể Thao của thành phố Châu Đốc.
Đồng thời với huyện Thoại Sơn, hằng năm làng Vĩnh Tế ( nay là phường núi Sam) tiến hành lễ giỗ của Thoại Ngọc Hầu vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch. Vào ngày lễ giỗ này, ngoài nghi thức cúng tế được tiến hành vào sáng sớm tại đền thờ Thoại Ngọc Hầu phía sau lăng, người dân còn mang đến trước mộ ông những sản vật địa phương như cá lóc nướng trui, ốc bưu luộc… để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong việc đào kinh Vĩnh tế và khai phá vùng núi Sam này. Riêng thành phố Châu Đốc, năm 2017 sẽ tiến hành lễ kỷ niệm 260 năm ngày thành lập Châu Đốc Tân Cương và 190 năm ngày hoàn thành con đường Châu Đốc Tân lộ Kiều lương này. Đoạn đường từ đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ( đình Châu Phú) tại ngả ba sông Châu Đốc thẳng đến Ngã Tư Trường Đua được mang tên Nguyễn văn Thoại để ghi nhớ công lao của vị danh tướng đã dành trọn cuộc đời mình trong việc khai phá vùng đất mới và hạnh phúc của nhân dân.
LÂM THANH QUANG
Những bài viết có tính chất tham khảo như bài ” Châu Đốc tân lộ Kiều Lương” của Lâm Thanh Quang đã giúp cho chúng ta có thêm kiến thức cũng như mở rộng tầm nhìn những vùng miền của quê hương. Theo ý tôi, không cần phải đi du lịch ở nơi xa, nếu có thì giờ, chúng ta cứ làm những chuyến du lịch ngắn, thăm cảnh đẹp quê hương để tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hoá của đất nước lại có phần thú vị hơn. Cám ơn tác giả Lâm Thanh Quang.