Vĩnh Long theo như tôi nhớ
NHÀ CỬA?
Lúc nhỏ tôi rất ngại khi phải ngủ đêm nhà bà con ở vùng nông thôn Vĩnh Long.
Nhà bà con của tôi cũng vào hàng khá giả: Ba gian, hai chái khang trang, nền lót gạch tàu đỏ chói, bàn thờ, tủ thờ, liễn, câu đối bằng gỗ quý cẩn xà cừ, ngạch cửa cao cả gang tay, ai vô ý đi vào nhà không nhấc chân cao là bị vấp, thế mà nhà lại không có… cánh cửa. Là khách quý nên tối đó tôi được chủ nhà ưu ái giăng mùng cho ngủ trên bộ ngựa gõ nhà trước. Thế là suốt đêm đó tôi không ngủ vì bận…trông nhà, trông (ra) cửa! Mà nhà kiểu như của người thân tôi vốn không hiếm ở vùng nông thôn Vĩnh Long. Như vậy là từ kép “nhà cửa” không được áp dụng ở nông thôn VL, vì có nhà nhưng không có (cánh) cửa.
KÊ TÁN:
Các bạn nữ có chiều cao khiêm tốn thường mang guốc, giày cao gót. Có trường hợp gót guốc, gót giày cao đến 10, 15cm. Người lớn tuổi thấy cảnh này sẽ nói:
“Con nhỏ này kê tán cao cả tấc!” Nói như vậy là khôi hài vì cơ bản tán là khối đá xanh có tiết diện đáy hình vuông, cạnh dài khoảng 30 – 40cm, cao 10 – 15cm dùng để kê cột nhà bên trên. Ở miền Nam do ít khi có gió mạnh hay bão và trong đất nhiều mối có thể ăn rỗng cột gỗ nên khi cất nhà người ta không trồng cột xuống đất mà kê cột trên tán. Theo tôi biết đây là kiểu cất nhà chỉ có ở miền Nam, các vùng miền khác không có. Có thể người dân miền Nam làm theo lời khuyên của ông bà: “Khôn cất trại, dại cất nhà.”, do chiến tranh nhà cửa chỉ nên cất tạm bợ, cột gỗ, vách tre, mái lá đơn sơ ( nhà đá, nhà đạp) hay kê trên tán để có chiến sự thì dễ dàng dỡ sườn nhà xuống dời đi, hay thậm chí bỏ đi lánh nạn mà không hối tiếc nhà (không có) cửa. Việc này, theo tôi đã có từ thời chúa Nguyễn bị vua Lê vào miền Nam truy sát cho đến nay. Cũng có lẽ vì thế bộ mặt nông thôn ở Vĩnh Long, cũng như phần lớn miền Nam, trước đây không được khang trang lắm. Theo tôi biết, trước đây để cất một căn nhà khang trang đúng mức, gia chủ phải chuẩn bị trước 5 năm là ít, nếu không tính về mặt tài chính. Đầu tiên phải đào một đoạn mương để ngâm gỗ, tre, sắt. Các vật liệu này phải vùi hẵn xuống bùn. Theo những người có kinh nghiệm sau mấy năm ngâm như vậy, gỗ vớt lên sau khi cưa, xẻ sẽ không bị nhót, vênh, còn sắt vùi xuống bùn ngâm trong điều kiện yếm khí chẳng những không hoen, rĩ mà càng cứng chắc, “khi cưa ra lõi sắt sẽ xanh rì”, sử dụng lâu bền. Gỗ phải mua từ các bè bên Kampuchia chuyền về, còn đá xanh phải chờ ghe thương hồ chở từ Biên Hòa xuống bán . Vì cất nhà công phu như thế nên dân Vĩnh Long vẫn khen giàu bằng câu: “Nhà nền đúc cao tới ngực.”
TIỆN TAY HÁI MỘT QUẢ CHANH:
Ở nông thôn, người dân thường làm hàng rào bằng những loại cây sống: xương rồng, chanh, đinh lăng… Chanh được trồng làm ranh nhiều nhất vì dễ nhân giống (chỉ cần cắt cành già cắm xuống đất là mọc cây), và có nhiều gai (đâm những ai vô tình vi phạm). Tôi còn nhớ khi làm “tiểu đồng” theo bà nội đi đám tiệc ở Bình Hòa Phước, trên đường về lúc đi men theo hàng chanh trồng làm rào, lúc nào thuận tay, hay trái to hấp dẫn, tôi mới hái thế mà khi đến bến phà Cổ Chiên túi quần của tôi đã đầy chanh.
CHỤC LÀ 12, 14, 16 HAY 18?
Đây là cách buôn bán của người dân Vĩnh Long, hay nói chung là của người dân miền đồng bằng sông Cửu Long. Thời xưa việc mua bán ít dùng đến cân mà thường là đếm chục, hay thiên, nhất là khi mua bán trái cây. Một chục sẽ có “đầu”, mà đã có “đầu” thì dứt khoác phải có “đuôi”, như vậy chục không phải là 10 mà tùy loại, tùy nơi, tùy hợp đồng “miệng”, sẽ là 12, 14, 16 hay 18. Càng vềphía Nam một chục càng nhiều. Tôi nghe nói miệt Long Xuyên, Châu Đốc có chục đến 20 hay 22! À, còn thiên ở đây lại có nghĩa là 10 chục, không phải 1.000. Có thể chữ bách (100) là tên của một ông vua hay ông lớn nào đó, và vì nó đồng âm với “đại thụ” này nên người dân sợ phạm húy, không dám dùng đơn vị đếm này! Mà cũng lạ, chữ thiên có nghĩa 10 chục lại được sử dụng rộng rãi, và cho đếnhiện nay vẫn còn dùng, thế mà người ta không sợ phạm húy “ông trên cả lớn” có tên (là chữ) đồng âm. Có lẽ ông trời rộng lượng, không chấp nhất những việc nhỏ nhặt hay cho là “không biết thì không có tội” nên người ta không sợ?
MÙA NHẬN DƯA MẮM:
Món ăn người Việt xa quê hương luôn nhớ đến là mắm. Ở chợ Vĩnh Long một thương hiệu mắm nổi tiếng mấy mươi năm nay là “mắm bà Méo”. Thật sự ngườidân dùng chữ “mắm bà Méo”là để nói cho gọn chứ không hàm ý giai thoại đi kèm như trường hợp nhãn hiệu rượu vang nổi tiếng của Pháp là rượu vang con mèo, rượu vang thủy thủ hay rượu vang ông già. Lò mắm bà Méo ở gần cầu Lầu. Tôi là người Việt rặc, chỉ quanh quẩn sống ở miền Nam, chưa bao giờ ra nước ngoài hay sống ở nước ngoài nhưng thú thật tôi lại không biết ăn mắm, trừ món dưa mắm có trộn thịt ba chỉ luột, sắc mỏng để ăn với cơm, và dưa mắm, trứng vịt muối để ăn cháo trắng, mà phải là dưa mắm mua của lò bà Méo mới ngon. Dưa mắm có thể làm từ đu đủ, dưa gang hay dưa leo. Nếu làm từ dưa gang hay dưa leo phải bổ dọc trái dưa, loại bỏ phần ruột và hột, chỉ sử dụng phần thịt. Thế là vào mùa nhận dưa mắm, nếu nước lớn, cả một đoạn sông chảy dọc theo đường Văn Thánh từ cầu Lầu đến chợ Cua trôi trắng ruột dưa. Sau mùa (nhận) dưa mắm là mùa dưa gang cầu Tân Hữu.
BÁNH XÈO NHÂN THỊT VỊT:
Có một lần tôi theo chú Năm qua Hòa Ninh, quê vợ của chú chơi. Chúng tôi ghé nhà cậu Tám, em vợ của chú. Thấy chú cháu chúng tôi đến cậu Tám niềm nở tiếp đón. Cậu Tám vui vẻ nói với mợ, “Bà làm cái gì đó ngon ngon đãi thằng cháu mới từ thành phố về.” Mợ trả lời, “Nhà sẵn có bột gạo, để tôi đổ bánh xèo ăn.” Sau đótôi nghe cậu Tám bảo 2 em con cậu bắt vịt. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không tiện hỏi vì ở nhà mẹ tôi thỉnh thoảng có tráng bánh xèo, và mỗi lần như thế đối với nhà tôi đó là một sự kiện, cả một lực lượng được huy động trợ giúp, rau, tép, thịt được ra chợ mua về nườm nượp. Còn ở đây không như thế, không chút động tĩnh, trừ tiếng chú vịt bị bắt kêu cạp, cạp. Chừng nửa giờ sau từ dưới bếp vang lên tiếng dao chặt trên thớt bôm bốp. Ngạc nhiên, tôi hỏi chú Năm, “Mợ Tám nói đổ bánh xèo mà sao cháu không thấy ai đi chợ mua thịt, mua tép?” Chú tôi điềm nhiên trả lời, “Thì đổ bánh xèo bằng thịt vịt, hồi nãy cháu thấy mấy em đi bắt vịt đó.” Ngạc nhiên, tôi đi xuống bếp thấy mợ đang dùng sống dao phay bổ thật mạnh mớ xương cổ, xương đùi, xương sườn được lọc riêng ra đang đặt trên thớt cho bể nát.
Sau đó mợ trở sang bề lưỡi để băm cho thật nhuyễn phần xương vừa được đập bể nát. Phần thịt đã được lóc để riêng khi trước, sau đó sẽ được băm nhuyễn để trộn chung với phần xương đã băm nhuyễn dùng làm nhân bánh xèo. Mợ cho biết,ngoài bộ đồ lòng và huyết đã để riêng để chiều xào cải ăn cơm, toàn bộ phần thân con vịt sẽ được bằm nhỏ làm nhân bánh; chỉ bỏ đầu và 2 bàn chân (vịt, gà đi trên các ngón chân, cách đi này gọi là chỉ hành). Xương vịt cứng như vậy mà dưới công sức của mợ Tám, tôi ăn bánh xèo không có chút cảm giác lợn cợn của xương trong nhân bánh. Không thể tưởng tượng nỗi công phu và sự kiên nhẫn của mợ khi làm bánh xèo buổi ấy. Xin bái phục các mẹ, các chị vùng nông thôn.
Sài Gòn tháng giêng 2017
Nguyễn Hoàng Long
H
Anh Hoàng Long à, đầu năm mới mến chúc anh vạn sự an khang.
Đọc bài nầy của anh, cảm thấy “ghét” người viết lắm lắm. Nó trổi dậy trong lòng người xa xứ nổi nhớ nhà khôn tả.
Nếu chị đã “ghét” thì đành ráng chịu vậy. Hãy đợi đấy. Còn nữa. Chào.
Từng đỏan văn , nhắc lại những nét đẹp của quê nhà, phải thú thật, tôi được học rất nhiều qua những nét quê mà bao năm sống xa quê hương, gần như …không có dịp nhớ lại, để hôm nay…Cám ơn em Hoàng Long đã gợi lại. ghi lại.
Chỉ là một “mảnh ghép quá khứ” mà em nhớ đó Cô. Cô gắn nhiều mảnh, em làm được đôi chút… Em nghĩ, em với Cô có nhiều điểm tương đồng: Cô dạy TPH 2 năm, em học TPH cũng 2 năm. Năm 1969 em rời TPH lên Sài Gòn học, cũng năm học đó Cô về VL dạy, và giờ Cô, trò tìm thấy ở trang nhà niềm vui và sự gắn kết. Nói nhỏ Cô nghe điều nầy: Gặp em, các bạn hỏi em học TPH khóa mấy. Em nói đại (!) khóa 72 “cho tiện việc sổ sách”. Hy vọng các bạn xí xóa, cho qua. Cùng là dân xứ Vãng mà. Chào Cô.
Mặc dù Vĩnh Long ngày nay đã thay đổi rất nhiều nhưng ký ức về quê nhà của Nguyễn Hoàng Long đã gợi lại bao nhiêu kỷ niệm trong lòng những người con đất Vãng, nhất là những người đang ở nơi xa ngàn dặm. Cám ơn tác giả đã đưa bạn đọc ” tìm lại giấc mơ xưa”
Thưa Cô,
Có người nói: “Khi một người bắt đầu bằng câu nói ‘Hồi xưa…’, điều nầy có nghĩa: Người ấy bắt đầu cảm thấy già.” Nhận xét nầy đúng tâm trạng của em, tâm trạng của người đã về hưu, sắp hay đã đứng bên lề xã hội. Người ở xa VL tất nhiên là cảm thấy xa, nhưng có những người đang ở rất gần cũng cảm thấy xa, lạ. Vậy thì viết về việc hơi xưa, việc theo như tôi nhớ… là quá đúng, cống hiến một vài mảnh ghép. Em hy vọng mọi người cùng thích và thưởng thức bản nhạc “Về Dưới Mái Nhà” với những lời:
Người ơi mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay, cười lên chan chứa tươi làn môi…
Cám ơn Cô đã chỉ đường cho em Về Dưới Mái Nhà Tống Phước Hiệp. Chào Cô.
Chuyện kể về quê nhà Vĩnh Long dưới ngòi bút của anh Hoàng Long thật thú vị , gợi nhớ hồn quê ….
Tôi thích món bánh xèo nhưn thịt vịt bằm lắm đó đa. Nghe anh diễn tả âm thanh ” băm , chặt” xương vit chợt thấy nôn nao lắm . Thương lắm các mẹ , các chị ở quê xưa : đảm đang và khéo léo .
Tôi cũng thích kiểu bán hàng tính chục , mà một chục tới 12, 14 , 16,18 ., có nơi còn tính một chục đến 20 cơ . Cách tính như vậy cũng thể hiện bản chất rông rãi , phóng khoáng. Có khi tính đủ chục rồi còn cho thêm …
Bây giờ bán hàng người ta tính kg chứ không tính chục như xưa .
Đọc bài viết chợt nhớ nhà , nhớ quê quá đi .
Anh Hoàng Long thân mến ơi ! Anh hay thật anh nhớ rất giỏi, mọi thứ anh kể đều hiển hiện trước mắt, nhà cừa ngày xưa là thế .Em còn nhớ ngày xưa nhà ông Cố em khi bị cháy vẩn còn trơ những tản đá to dầy.Cách buôn bán ,những loại thức ăn ngày nay cũng bị may một nhiều. Bài anh viết rất hay,người đọc không khỏi bâng khâng nhớ về những kỷ niệm ngày xưa.Nhất là những người con xa xứ sẽ nhớ nhiều về đất VĩnhLong thân yêu.
Hai bạn Cúc và Lài hãy chờ đấy. Tết này sẽ đưa hai bạn du xuân một vòng nhỏ Vĩnh Long. Hai bạn mang tên hai loài hoa, và vì thế, yêu cầu thường xuyên hiện diện, tô điểm cho trang nhà.