THẾ GIỚI SÁCH VỞ VÀ TÔI

Ngày đăng: 14/09/2016 08:15:14 Chiều/ ý kiến phản hồi (13)

Thuở xưa còn bé, khi chưa biết đọc, những truyện cổ tích Việt Nam: Con Tấm, con Cám; Ăn quả khế, trả cục vàng; Sơn tinh, Thuỷ tinh… thường được mẹ tôi kể cho nghe. Tôi say mê theo lời mẹ và hoà mình vào thế giới ngập tràn luân lý, đạo đức, làm lành sẽ được thưởng, sẽ nhận được điều lành,  làm dữ sẽ gặp dữ và sẽ bị trời trừng phạt đích đáng. Những truyện cổ tích thần tiên của Tây Phương cũng cùng một mục đích này nhưng cho tôi bước vào một thế giới mộng mơ với lâu đài, với các bà tiên, với công chúa, với hoàng tử, với những nhân vật và phong cách khác hẳn với cổ tích Việt Nam. Nào là truyện “Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” mà mẹ vừa kể vừa đọc thơ “Ngày xưa có một bà Hoàng, người phúc hậu vẻ đoan trang tuyệt vời….“, truyện ” Công Chúa Ngủ Trong Rừng”: Chúc cho cô nương giấc nồng, hôm nay có chàng, qua thăm chốn này…“, hoặc truyện “Con Yêu Râu Xanh”: cô công chúa bị con yêu râu xanh bắt cóc để làm vợ và bị nhốt trong một lâu đài vắng vẻ cùng với một thị nữ, cô công chúa có người yêu là một hoàng tử và hàng ngày đều trông ngóng người yêu tới giải thoát cho mình: “Em ơi hãy vén bức rèm tơ, tìm thử chân mây khói toả mờ, có bóng tình quân ngàn dặm ruổi, ngựa hồng tung bụi cõi xa mơ….”.

Tính ra đã hơn nửa thế kỷ vậy mà những gì mẹ kể cũng như những câu thơ vẫn còn nằm trong trí của tôi, có thể đó cũng là nền tảng về mối đam mê với sách vở của tôi sau này.

0-sach-1     Hình 1/ Thư viện thành phố Oberhausen (Đức)

Tôi không nhớ tôi biết đọc từ lúc nào và ai là người đã dạy tôi học vỡ lòng nhưng tôi có thể đoan quyết đó chính là mẹ tôi, thuở ấy khi theo ba tôi về làm dâu ở Bái Đa, mẹ tôi đã khai tâm mở trí cho rất nhiều người trong họ nội là các em, các cháu của ba tôi lúc còn nhỏ. Năm 1997, mẹ tôi và tôi về thăm lại quê nội sau nửa thế kỷ, bà con bên nội còn lại đã đến gặp mẹ tôi, một chú cũng khá lớn tuổi cầm tay mẹ tôi và mếu máo: chị ơi, chị còn nhớ em không, ngày xưa chị dậy em học vỡ lòng cùng chung với các cháu Trúc, Đa, Tố, Hảo, em tên là Lễ. Dù chú không nói tên, mẹ tôi cũng đã nhận ra chú là ai…

Ở thị xã Thanh Hoá, tôi được đến trường nhưng ngoài sách học, làm gì có truyện để mà đọc, thuở ấy đang trong thời kỳ chiến tranh, căng thẳng. Ra Hà Nội tôi cũng chưa được làm quen với sách truyện vì còn phải lo học tiếng Pháp và toán để sửa soạn cho niên học tới, đầu óc còn bị hình ảnh chiến tranh ám ảnh, chưa đủ sáng sủa để cho chữ nghĩa vào nên thường bị Bác phạt. Để bù lại tôi được xem những phim hoạt hoạ của Walt Disney về những truyện thần tiên, truyện cổ tích Tây Phương mà tôi đã từng được nghe mẹ kể khi còn bé, bây giờ hiện trên màn ảnh với nét hoạt hoạ dễ thương, hình ảnh và màu sắc thật đẹp làm tôi say mê, xem mãi không chán.

Cuối năm 1954, chúng tôi di cư vào Nam và chặng đầu tiên là Phan Thiết, có thể nói khoảng thời gian hai năm ở Phan Thiết đã là giai đoạn mà tôi được phát triển tối đa về mọi mặt, cả xấu lẫn tốt. Cũng trong thời gian này thú đọc truyện của tôi bắt đầu nẩy mầm, như hạt giống gặp được đất tốt, màu mỡ. Thuở ấy gia đình chúng tôi bị chia đôi, mẹ tôi và chúng tôi ở cùng với bên nội tại Phan Thiết, ba tôi phải ở Saigon để làm việc, lâu lâu ba tôi về Phan Thiết thăm gia đình một lần, lần nào ba tôi cũng cho tôi một món tiền nhỏ để mua kẹo bánh. Tôi dùng số tiền này mua truyện để đọc, ở hiệu sách gần chợ có bán những quyển truyện bằng tranh như Phạm Công, Cúc Hoa; Thanh Xà, Bạch Xà; Lưu Bình Dương Lễ; Thạch Sanh, Lý Thông v..v.., tranh vẽ đen trắng rất đẹp và nội dung lành mạnh, dậy cho trẻ em những điều nhân, lễ, nghĩa, trí, tín nên ba mẹ tôi không phản đối. Truyện đọc thì nhanh mà tiền thì mau hết nên tôi luôn trông ngóng những lần ba tôi về Phan Thiết, vừa được gặp ba để thoả lòng mong nhớ, vừa lại được đọc những quyển truyện mới đang chờ đợi tôi ở nhà sách.

Sau hai năm ở Phan Thiết mẹ tôi đưa chúng tôi vào Saigon để sum họp với ba tôi, căn nhà đầu tiên mang số 237 đường Phạm Ngũ Lão, không xa chợ Bến Thành, nhìn sang bên kia đường là hông của nhà ga xe lửa ngày xưa. Phạm Ngũ Lão lúc ban đầu khi chúng tôi mới đến là một đường phố phần lớn là nhà để ở, thỉnh thoảng cũng có tiệm buôn bán, tiệm hớt tóc, tiệm ăn, lò làm bánh mì. Sau này với thời gian con đường này trở thành nơi quy tụ của các nhà in và nhà xuất bản. Căn nhà của chúng tôi coi như là ở khoảng giữa của đường Phạm Ngũ Lão. Cách nhà  vài căn là nhà in Yiễm Yiễm Thư Trang của nhà thơ Đông Hồ và nữ sỹ Mộng Tuyết. Con rể của ông bà là bạn của ba tôi trông coi nhà in này và cho in rất nhiều sách báo, đặc biệt là tuần báo Trinh Thám, chúng tôi thường nhận được sách báo tặng và trở thành độc giả trung thành của tuần báo Trinh Thám này.

Tôi say mê đọc sách, đọc truyện, truyện dành cho con nít, cho người lớn mà vào tay tôi là tôi đọc ngấu nghiến, không chừa một trang nào cả. Tôi còn nhớ, tôi thường đạp xe tới một nhà xuất bản sách dành cho thanh thiếu niên ở gần rạp chiếu bóng Thanh Bình để đợi mua sách mới xuất bản, những truyện dịch thật hay như Vô Gia Đình; Về Với Gia Đình; Robinson Crusoe; Những Kẻ Khốn Nạn, Đảo Châu Báu v..v… tôi đều để dành tiền mua để đọc. Ở Phan Thiết cũng như ở Saigon phần lớn tiền của tôi đều được dùng để mua sách, đôi khi không đủ tiền tôi lại xin ba mẹ thêm và ba mẹ tôi rất ít khi từ chối. Tôi thường trốn ba mẹ, leo lên gác xép ở dưới bếp và ở đó lục lọi các thùng sách cũ của ba mẹ và của các anh chị con cô, con bác cất, toàn truyện người lớn, đọc cả buổi dưới ánh sáng leo lét của một ngọn đèn điện vàng, quên cả khí trời nóng nực, mồ hôi ra ướt đẫm cả áo cũng không màng. Tôi thích nhất là bộ sách ” Nhà Văn Hiện Đại” của ông Vũ Ngọc Phan nói về các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn và các nhà văn đương thời. Bộ sách gồm nhiều quyển và biên khảo rất công phu, nhưng một cô bé mới mười một, mười hai mà đã đọc thích thú loại sách khô khan như vậy thì kể cũng lạ……

Lớn hơn một chút khi số vốn Anh Văn của tôi đã khá, tôi bắt đầu đọc sách tiếng Anh, tôi thích thú đọc những quyển Reader’s Digest với những bài viết ngắn thật hay về nhiều đề tài, câu văn giản dị nên với sự trợ giúp của cuốn Tự điển bỏ túi của bà Võ Lăng, tôi có thể đọc được dễ dàng, vừa thoả mãn nhu cầu thích đọc sách, vừa trau dồi thêm Anh ngữ, thật là “nhất cữ lưỡng tiện”. Mặc dù không biết nhiều tiếng Pháp nhưng tôi thường lật những tờ tuần báo Paris Match của ba tôi để xem hình, nhờ đó biết được thêm chút ít về nước ngoài. Tôi đã xem say mê loạt bài và những tấm ảnh thật đẹp về đám cưới của Hoàng tử Constantin nước Hy Lạp với Công chúa Anne-Marie nước Đan Mạch. Cặp uyên ương trẻ, đẹp và rất xứng đôi làm tôi ngưỡng mộ, tôi nghĩ là họ sẽ sống mãi mãi trong hạnh phúc và giàu sang, danh vọng, nào ngờ sau này họ phải lưu vong ở Luân Đôn vì dân Hy Lạp lật đổ chế độ quân chủ để trở thành một nước dân chủ. Mới biết dù là ông Hoàng, bà Chúa nhưng khi số trời đã định thì cũng không cưỡng lại được.

Ngay từ lúc tuổi nhỏ, sách, truyện đối với tôi là một nhu cầu cần thiết như ăn như thở. Tôi sung sướng khi cầm cuốn sách trên tay, mê đọc nhiều khi quên cả ăn uống, từ truyện của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam đến những cây bút hiện đại như Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca, Thuỵ Vũ, Tuý Hồng, Thế Uyên, Toàn Phong…..Tôi chờ hàng ngày để được đọc những truyện dịch của Hoàng Hải Thuỷ đăng trên báo, bước vào thế giới lạ lùng và hấp dẫn của chị em Bronte trong Kiều Giang, Đỉnh Gió Hú…

Cũng vì đọc nhiều, thấm nhuần cách viết của các nhà văn nên tôi luôn được điểm tốt khi làm luận hoặc bình giảng. Năm đệ ngũ, nhân dịp lễ Hai Bà Trưng, tôi được cô giáo Việt Văn cử đi thi giải “Văn Chương Nữ Sinh Toàn Quốc”, tiếc thay tôi không được nhận một giải thưởng nào cả vì sức còn kém so với các bạn cùng dự thi, nhưng đại diện một lớp để đi thi thì đối với tôi lúc đó cũng là một niềm hãnh diện đáng kể.

Càng lớn tầm kiến thức của tôi càng được mở rộng thêm với những tác phẩm của các nhà văn ngoại quốc, các nhà văn Anh, Mỹ mà khởi đầu là Pearl Buck, văn của bà dễ hiểu, nhẹ nhàng, phần lớn nói về Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ thứ XX. Cuốn sách đầu tiên của bà mà tôi được đọc là cuốn “Good Earth”, tiếp theo biết bao nhiêu cuốn truyện của bà mà tôi phải dành tiền mua để đọc. Tôi còn nhớ trong quyển truyện “East Wind, West Wind ” bà đã viết “east is east, west is west, east and west never meet”, ngày nay khi đã sống lâu ở ngoại quốc tôi nhận thấy sự khẳng định của bà không phải là đúng hẳn, bởi vì trong một số phương diện, Đông, Tây vẫn có thể gặp nhau nếu cả hai phía đều có thiện chí và cố gắng để hiểu văn hoá của nhau.

Bắt đầu từ đệ Tam, học ban C, văn chương sinh ngữ, tôi lại càng trau dồi tiếng Anh qua những cuốn truyện của John Steinbeck, của Salinger, của Faulkner v..v…thế giới văn chương nhờ đó mà càng ngày càng được mở rộng. Làm bạn với sách nhiều quá nên tôi càng sống về nội tâm hơn, sao nhãng việc kết bạn. Tôi chỉ có vài người bạn thân cùng lớp thỉnh thoảng đến nhà nhau nhưng ít khi cùng bạn dạo phố hoặc dự các party, tôi thích ở nhà, nằm trên giường và nghiền ngẫm các cuốn truyện của tôi, thả hồn vào thế giới của các nhân vật trong truyện. Nhiều lúc tôi tự nghĩ nếu không có truyện và sách báo để đọc chắc cuộc đời của tôi sẽ vô vị lắm.

0-sach-2Hình 2/ Một góc trong thư viện thành phố Oberhausen

Sau này khi sống ở Đức, thêm số vốn ngoại ngữ Anh Pháp, tôi đã đọc không biết bao nhiêu là sách báo, ở bên này tôi không cần phải bỏ tiền mua sách mà chỉ làm một cái thẻ thư viện, tốn mười mấy đồng một năm là tôi có thể đọc bao nhiêu cuốn sách tại chỗ hoặc mượn về nhà, đủ các tác giả, mọi đề tài cùng nhiều thứ tiếng. Tôi như cá gặp nước, cảm thấy thoải mái và sung sướng khi tới thư viện, xung quanh tôi chỉ toàn sách là sách, may mắn thay chỗ ở của tôi chỉ cách thư viện chừng năm phút đi bộ.

Nhớ lại ngày xưa khi mới đến Đức, tôi có ý định học nghành quản thủ thư viện, tôi thấy nghề này rất thích hợp với tôi, tôi thích sống cô đơn để làm bạn với sách vở nhưng tôi đã bỏ ý định vì muốn dành thì giờ tạo nên mái ấm gia đình, lo săn sóc chồng con.

Khoảng thời gian sau này tôi chỉ thích đọc sách về tâm lý  và hồi ký, biography hoặc autobiography. Càng lớn tuổi tôi càng thích những sách nói về những sự thật, những kinh nghiệm đã xảy ra trong cuộc đời của mọi người, của các tác giả nổi danh cũng như không nổi danh và từ đó tôi cũng đã học hỏi được nhiều điều rất hữu ích và thú vị. Bây giờ “Facts” đã lôi cuốn tôi nhiều hơn là “Fiction” bởi vì tôi không còn ở trong lứa tuổi mộng mơ nữa, mỗi lứa tuổi có một sở thích hướng về một đề tài đặc biệt, tuy vậy niềm yêu sách và thích đọc sách của tôi sẽ không bao giờ đổi thay.

Tôi mơ tưởng một ngày nào đó tôi sẽ từ giã cõi đời này một cách an bình khi đang cầm một quyển sách trong tay để đọc……

Lê-Thân Hồng-Khanh

Có 13 bình luận về THẾ GIỚI SÁCH VỞ VÀ TÔI

  1. Thưa Cô,

    Em cũng không biết cuộc đời em sẽ ra sao nếu không có sách. Lần đầu em biết mơ mộng là lần em cầm trong tay quyển… Atlas, quyển sách bản đồ. Em mơ được  đến những miền đất lạ có in trong sách dù không biết đọc tiếng Pháp, còn tên quốc gia thì chỉ biết loáng thoáng. Sách đã mang đến cho em niềm vui, giữ chân em trong nhà (lúc nhỏ) và cung cấp kiến thức. Có quyển sách, sau khi đọc, thậm chí đã làm em muốn đổi ngành học. Tiếc là lúc ấy đất nước đang có chiến tranh, thân bất do kỷ! Đó là vào khoảng năm 1974, anh rễ của em là giáo viên dạy Hóa mang về quyển sách Hóa học Molecules in Action đã cũ (hình như xuất bản năm 1970 ở Mỹ) do Asia Foundation tặng. Tác giả viết sách theo hướng gợi mở, đề ra hướng nghiên cứu, phát triển, cảnh báo những hiểm họa có thể xảy ra… Đọc xong em thấy thích, thấy mình có thể làm một cái gì đó nếu theo ngành Hóa học.

    Do nghề nghiệp của ba em là công chức, phải đổi nơi làm việc, rồi chiến tranh, mấy lần cháy nhà, rồi giải phóng… nhưng tài sản mất đi mà em tiếc nhất là sách. Do vậy, em chỉ còn hy vọng những quyển ấy đã đọc rồi, đã vào trong trí của mình rồi.

    Có việc này nhỏ thôi. Rạp hát mà Cô nói là rạp Thái Bình, gần khu chợ có cùng tên Thái Bình. Còn ở SG lúc trước, khu chợ Đũi, trên đường Lê văn Duyệt gần rạp hát Nam Quang là khu chuyên in sách loại rẻ tiền (sách ba xu). Chào Cô.

  2. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Đọc bài viết này mới thấy niềm đam mê đọc sách của Cô là vô bờ bến. Nó đã có từ thời thơ dại đến bây giờ. Chính vì thế mà kiến thức của Cô quá rộng. Em cũng mê đọc sách nhưng không có điều kiện được như Cô. Bây giờ thì Cô lại rất may mắn khi từ nhà đến thư viện chỉ mất khoảng năm phút đi bộ.

    Câu kết của bài thật dễ thương và cảm động đó Cô!

  3. Người nào thích đọc đều quý sách vở và giữ gìn những cuốn sách mà mình có. Tiếc thay vì thời cuộc mà nhiều cuốn sách đã bị thất thoát. Ngày xưa muốn đọc sách đều phải bỏ tiền ra mua nên học sinh và sinh viên yêu sách đều phải để dành tiền mua từng cuốn sách mà mình thích nên quý lắm.

    Gia đình của cô đã cư ngụ tại đường Phạm Ngũ Lão từ 1957-1963 nên khu vực này cũng như vùng chợ Thái Bình đối với cô là một phần kỷ niệm trong cuộc đời. Rạp chiếu bóng Thanh Bình ở sát chợ Thái Bình là nơi mà hầu như cuối tuần nào cũng được Ba Mẹ cho các chị em đi xem phim dành cho trẻ em nên cô không thể lầm tên của rạp này được. Cô có hỏi lại các em của cô và mọi người đều xác nhận đó là rạp Thanh Bình chứ không phải là Thái Bình.
    Cô gởi cho các em đường link để biết thêm về rạp Thanh Bình
    https://honngocviendong.vn/2012/05/17/cac-rap-chieu-bong-cua-sai-gon-xua/

  4. Hoành Châu nói:

    Sách luôn là bạn thâm giao    đối với hầu hết các học sinh  giỏi  văn  hoặc   những  ai  quen  và  đam  mê   đọc  sách,  trước  kia  em     thường  tới thư viện  để  đọc  sách và    nghiên  cứu    , nhưng  nay  chỉ   đến  đó  để  đổi  sách  rồi  về  ! Thấy  cô  phát họa  hình  ảnh    ,,,,” một  ngày  nào  đó tôi  sẽ  từ   giã   cõi   đời  này  một  cách   an   bình khi  đang  cầm  quyển  sách   trong  tay   để  đọc        ,,, ”   !Hình ảnh   ấy  tuyệt  đẹp  cô  ạ  !
    Cô ơi  , Cô  chọn  thơ   cho  tụi   em  phỏng  dịch    đi  cô   !
    Em chúc  cô  mãi  vui  ,       Em Hoành Châu   ( Gia đình  C  )

  5. VOTHILAI nói:

    Cô kính mến ! đọc bài viết của Cô chúng em thấy niềm đam mê sách của Cô từ lúc bé thơ cho đến bây giờ.Nhìn hai thư viện sách thấy mê cô hé !Cô  đam mê sách như thế nên Cô có rất nhiều kiến thức, giỏi văn thơ  ., bên nầy không có điều kiện để đọc sách như bên Cô. E m cầu chúc cho Cô đạt được mơ ước như Cô nói lúc tuổi về chiều .

  6. Kỷ niệm về tuổi thơ của bạn rất phong phú…Bây giờ là niềm đam mê sách vở….Đọc bài của Khanh, cũng gơị lại một mãnh đời tuổi thơ mê sách của mình…Có lẻ vì vậy bọn mình mới chọn ban Văn chương…

  7. Thu Cúc nói:

    Kính gởi cô Hồng Khanh !

    Thú nhận với cô , em cũng là người mê sách . , xem sách như một người bạn trung thành .Ngày xưa thích đọc truyện cổ tích , lớn thêm một chút thích truyện tuổi hoa . Trưởng thành thì thích sách học làm người , truyện dịch  .Giơ thích đọc hồi ký , tạp bút . Em rất thích đi nhà sách . Ở đó em có dịp găp bạn lớn , bạn nhỏ , bạn cùng lứa yêu sách . Thời hiện đại người ta đọc sách , đoc báo trên máy tinh . Nhưng em vẫn thích đọc sách giấy . Sách vẫn có hồn cô ạ . Cô kể chuyện cảm xúc quá .

  8. Gởi Trí,

    Cùng các em Hoàng Long, My Nguyen, Hoành Châu và Lài,

    Ở Đức có câu “Lesen ist Bilden” tạm dịch là ” Đọc tức là học hỏi”, mà đúng vậy, qua sách vở, chúng ta đã học hỏi được rất nhiều điều mà chúng ta không có cơ hội để học trong trường học cũng như trên trường đời để mở mang kiến thức.

    Ngày nay với phương tiện truyền thông, internet, chúng ta lại có thêm cơ hội để học hỏi thật nhanh và thật nhiều nếu chúng ta muốn. Tuy thế cái cảm giác cầm cuốn sách trên tay để đọc vẫn ấm cúng, thân thuộc hơn là đọc trên màn hình. Có thể trong tương lai “Thư viện” sẽ không còn hiện hữu nữa vì không cần thiết thì thật là đáng tiếc.

  9. Nguyễn Văn Lần nói:

    Vô cùng cảm ơn cô đã gởi đường link. Nhờ vậy, em biết được nhiều hình ảnh Sài Gòn xưa.

  10. NHA nói:

    Về sách:

    Lúc nhỏ tôi cũng mê sách báo, có tiền ai cho là mua sách về đọc ngấu nghiến ( Lục Vân Tiên, Ông Trượng Tiên Bữu, Thoại Khanh Châu Tuấn, …, Tiết Nhơn Quý  Chinh Đông, Chinh Tây, Tây Du Ký… ). Khi lên Đại Học tôi “mê” sách theo cách khác, khác cho nên tôi viết “mê” trong ngoặc kép; đó là tuần này cũng dạo phố Lê Lợi, vào tiệm sách thường là Khai Trí, hoặc sạp sách cũ mua một quyển cặp nách ( “mốt” thời thượng!), vềcó đọc, đọc phần đầu  rồi lướt phần giữa đoạn phần cuối là xong, đưa lên kệ. Có lẽ do thời gian dành cho học hành phần lớn. Sau 1975, tủ sách, nhạc  đồ sộ của tôi cho vào hai rương lớn, dấu bên trên trần nhà … Thời gian sau coi lại khi cần một quyển thì phát giác ra hai cái rương rổng ruột. Lý do: trần nhà của một dảy phố ở đường Nguyễn Huệ Vĩnh Long, các trần nhà của các căn phố liền nhau, người căn bên cần giấy bán ký lô.

    Nhân mói về sách tôi xin kể thêm chuyện này: Sau 75 có lúc các trường học thu sách báo “đồi trụy” đem đốt. Trường nơi tôi còn được “lưu dung” tạm thời cũng không ngoại lê. Do hoàn cảnh đặc biệt của tôi dạo đó, tôi thường thấy cán bộ “tiếp quản” trường trưa nào cũng ghì đầu vào hộc tủ của bàn viết… mê say rất lâu. Tò mò… một hôm tôi lén kéo học tủ thì ô hô đầy tiểu thuyết xuất bản trước 30/4/75 trong đó.

    -Về Ciné: Sẽ viết sau.

    N.H.A.

     

    • Thân gởi anh NHA,

      Vì cùng sở thích yêu sách và mê đọc sách nên không có gì lạ khi tất cả các anh chị em chúng ta cùng gặp gỡ được nhau trên trang nhà. Hy vọng anh sẽ có bài viết về ciné, với đề tài này chắc chắn sẽ có nhiều người phản hồi. Đi xem chiếu bóng ngày xưa cũng là một cái thú mà thuở trước chúng ta, ai cũng có.

      • NHA nói:

        Chị LêThân Hồng Khanh,

        Có bài  Xem Xi-nê Ngày Xưa của em Nguyễn Hoàng Long vừa post lên rất hay, như vậy chị vui lòng  cho tôi  thông qua đề tài này đi nhé .

        N.H.A.

  11. CÔ ƠI! HỌC TRÒ CŨNG THUỘC DẠNG CON MỌT SÁCH ĐÂY, HỒI CÒN NHỎ THÌ MÊ NHỮNG TRUYỆN TÀU NHƯ TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH, TUY ĐƯỜNG DIỄN NGHĨA, TAM QUỐC  CHÍ….. KHI LỚN LÊN SAY MÊ VÀO TRUYỆN CHƯỠNG CỦA KIM DUNG; NHỮNG CHUYỆN ĐÓ LÀM CHO TUỔI TRẺ ĐAM MÊ; NHỮNG NHỮNG CHUYỆN VỀ NHỮNG NHÀ KHOA HỌC NÓ MỚI CÓ MỘT ĐỘNG LỰC RẤT LỚN GIÚP EM CÓ ƯỚC MƠ CÓ NHỮNG HOÀI BẢO PHẢI CỐ GẮNG VƯƠNG LÊN. SÁCH LÀ NGUỒN KIẾN THỨC BẤT TẬN, SAU NẦY ĐỌC SÁCH THEO CHỦ ĐỀTHEO YÊU CẦU, THEO CÔNG VIỆC.

    ĐỌC BÀI CỦA CÔ LẠI NHỚ LẠI NHỮNG KỸ NIỆM CỦA MÌNH TRONG ĐÓ, CÓ MỘT LẦN CHỒI NGOÀI ĐỒNG, TRỜI THÌ MƯA NƯỚC THÌ LỚN, NGỒI ĐỌC NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ CỦA NHÀ VĂN VICTOR HUGO NƯỚC NGẶP CHÂN KHÔNG HAY.

    CHÚC CÔ LUÔN MẠNH KHỎE.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác