Thư cô Phạm Thị Trí gởi cô Hồng Khanh về việc “đạo thơ”

Ngày đăng: 24/08/2016 08:08:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Dưới đây là lá thư của cô Phạm Thị Trí gởi cho cô Hồng Khanh,  để đăng trên trang nhà. Hy vọng với thư này của cô Trí, vấn đề đạo thơ sẽ được sáng tỏ nhiều phần và coi như trang nhà được xếp lại đề tài này.(H.K)

Hồng Khanh  thương! Tình cờ vào trang Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long, đọc được bài “ Hai bà Chúa thơ Nôm đạo thơ” Lòng có chút “ bất nhẫn ”..Nhưng tính mình vốn không thích vướng vào những chuyện “thị phi” nên tự suy nghĩ lại xem 50 năm trước lúc còn học Văn Khoa và ĐHSP các thầy Lê hữu Mục, Thanh Lãng, Phạm Văn Diêu..nói gì về tài văn chương của hai bà, khen ? chê ? nói những gì trong những bài giảng  ?  phone hỏi một vài tiền bối , nhất là anh Lê văn Bảy – thủ khoa- lớp mình ban Việt Hán ĐHSP.Sàigòn 1966-1969..anh chỉ trả lời vắn tắt

– Hồi học ở DHVK Huế hay DHVK SG không có GS nào nêu lên trường hợp này. Tôi sẽ phân tích kỹ hơn khi đã xem lại các tài liệu cần thiết.

Nhưng chờ hoài các sư huynh tôi “ Biệt vô âm tín” Tự nghĩ..- Chắc  mấy vị sư huynh nói “ Chuyện nhỏ, không có gì mà ầm ỷ” chăng ? hay các sư huynh tôi chủ trương “ Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”…

Thương bạn, tôi xin có đôi lời thị phi nhưng không phải tranh luận.

1- H.H Đức biên soạn – Phần thu thập tài liệu , tài liệu quá đầy đủ nhưng phần lập luận , phân tích để thuyết phục người đọc về “ Đạo thơ”  lại quá sơ sài …Tôi đã đọc chỉ như thế nầy :

“Một vấn đề thật thú vị. Thuở còn đi học, tôi chưa bao giờ được thầy cô nói về vấn đề nầy. Có phải do chương trình của Bộ thiếu sót khi đưa những bài thơ này vào chương trình dạy, hay tại những nhà biên soạn sách giáo khoa không ghi chú rõ ràng, trong khi những tài liệu đều có sẵn?

Nếu đứng trên quan điểm ngày nay, đây là hành động Đạo Thơ của Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan. Còn thời trước, tôi thật sự không biết,  có lẽ do lúc đó không có tác quyền.

Nhưng thú thật, tôi rất thích thú với những bài thơ chỉnh sửa qua thi tài của hai bà Chúa Thơ Nôm này”

Chỉ ngần ấy dòng , có thể nói đây là công trình biên soạn cho chủ đề ông muốn nêu lên…như ông đã nói ?  Đây là công trình biên soạn chỉ ra việc Đạo thơ của Hồ X.Hương và bà Huyện Thanh Quan?…và cuối cùng ông kết luận với vẽ mỉa mai ..” Nhưng thú thật, tôi rất thích thú với những bài thơ chỉnh sửa qua thi tài của hai bà Chúa Thơ Nôm này”

2-  Xin hỏi , ông Đức khi ông thích thú với những bài thơ ông cho là chỉnh sửa qua thi tài của hai bà,( đạo thơ) ông có đọc kỹ các bài thơ  của Vua Lê Thánh Tông Cây đánh đu , hay Chợ trời ( trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập) với các bài Đánh đu, Chợ trời của bà Hồ X.Hương ? Bài Đèo Ngang và Vịnh Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Có nghiên cứu cách xướng họa thơ Đường ? Theo tôi, đây thật là  là những bài thơ xướng hoạ , một thú vui tao nhã của người xưa , chứ không Đạo Văn như ông Đức có vẻ thích thú khi kết luận .

3-    Gửi Khanh xem thêm cách xướng họa thơ Đường.

Họa vần:
Năm vần tức là 5 tiếng (chữ) cuối của các câu 1 – 2 – 4 – 6 – 8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi.

Chỉ cần sai 1 trong vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị lỗi (Fail).
2. Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.
3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.
Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).
Tóm lại 3 yếu tố 1 – 2 – 3 là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc.

 HỌA PHÓNG VẬN

Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).

Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.

a. Họa Nguyên Vận:

Là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.

  1. Họa Đảo Vận:Là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.c. Họa Hoán Vận:

    Là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.

    d. Họa Tá Vận:

    Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm.

Trong thư không thể nói hết  cách xướng họa trong thể thơ Đường luật , nhưng để bạn biết, những bài trên hai bà Chúa thơ Nôm không Đạo thơ mà họa thơ của người đi trước. “ Văn tức là người” Khanh có thấy thơ họa của bà Huyện Thanh Quan chỉnh hơn thơ bà Hồ  X. Hương ?

4-    Nếu tìm hiểu về dòng văn chương chữ Nôm , khởi nguồn từ những tác phẩm bình dân Trê cóc, chuyện Trinh thử, Nhị thập tứ hiếu, Bích câu kỳ ngộ….  đến thơ Nôm Hồng Đức –Tao Đàn nhị thập bát tú- ..thơ bà HXH , bà Huyện T.Q.  và về sau nầy với những tác phẩm Cung oán ngâm khúc , Chinh phụ ngâm và đỉnh cao là Truyện Kiều thơ Nôm …Ta thấy dòng thơ Nôm phát triển và hoàn chỉnh nhờ vào những văn tài như hai bà ( nói riêng ) và bao thế hệ tiếp nối( nói chung ) như vậy cần chi phải Đạo văn ..Khi đi Đạo một áng văn chương , ngôn từ còn rất  rất thô sơ ? Hai bà họa lại với lời văn trau chuốt linh động hơn thôi.

“Không nghi ngờ gì nữa, chủng loại thơ nôm tiếu lâm này là tiền thân của thơ nôm Hồ Xuân Hương sẽ nở rộ và đạt tới đỉnh cao vào 300 năm sau. Chúng tôi tin chắc rằng sau thời Hồng Đức, chủng loại thơ này vẫn luôn được tiếp tục trong nền thơ dân tộc nhưng vì lí do nào đó đã bị thất truyền. Thơ nôm Hồ Xuân Hương ở thế kỉ XVIII –XIX cũng chỉ là một sự kế tục và là trường hợp nổi bật” (   Trích-  Thơ Nôm cuả Lê Thánh Tông và HộiTao Đàn- Kiều Văn )5-  Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ? ( Độc tiểu thanh ký ) Nguyễn Du.

Ba trăm năm nữa còn đâu nhớ
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

Người xưa tự hỏi… hậu thế.. ai đọc văn chương mình , ai người đồng cảm với mình ? Từ đó, tôi tự hỏi… Không biết bà Huyện Thanh Quan khi biết hậu nhân cho mình Đạo thơ, bà sẽ phản ứng ra sao nhỉ ?… Tôi  đóan với cung cách đài các đoan trang, lịch sự quí phái bà chỉ thở dài.. Nhưng với tính cách của bà Hồ X. Hương có lẽ bà sẽ phán cho một câu “ Hậu sinh khả ố..”

Thư dài, trao đổi với Khanh vế vấn đề nầy, chắc là chưa đủ…Nhưng thôi…Tạm gác đi bạn nhé.

                 Phạm Thị Trí

Cựu GS Việt văn tại TPH ( 1969-1971 )

0 hxh 2H

Có 11 bình luận về Thư cô Phạm Thị Trí gởi cô Hồng Khanh về việc “đạo thơ”

  1. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Thưa Cô Phạm Thị Trí,
    Rất thích khi đọc bài viết của Cô.
    Xin copy một câu của Cô:“…Phần thu thập tài liệu , tài liệu quá đầy đủ nhưng phần lập luận , phân tích để thuyết phục người đọc về “ Đạo thơ”  lại quá sơ sài …
    Đúng vậy, bài viết chỉ tôi chỉ tóm lược toàn bộ những suy nghĩ những cảm nhận, vì đây không phải là một luận án, mà chỉ là đoản văn nghị luận mà thôi.
    Đồng ý với Cô là nơi đây không thể nói rõ ràng về nguyên tắc hoạ thơ. Cô là một Giáo Sư Văn thì không hề xa lạ gì về nguyên tắc này. Nhưng tôi cũng xin góp thêm một ý kiên trong hoạ thơ:
    Bài xướng theo thể thơ gì thì bài hoạ phải theo thể thơ đó.
     
    Mời Cô nhìn lại bài thơ Đánh Đu trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập và bài của Hồ Xuân Hương có cùng một thể thơ không?  Nếu phải thì đúng như quan điểm của Cô là Hoạ Thơ. Còn nếu không thì có thể là đạo thơ theo quan điểm của tôi.
    Mỗi người đều có nhận xét riêng, không ai có thể áp đặt ý muốn của mình với người khác,  không thể cả vú lấp miệng em, phải thuyết phục bằng lý lẽ. Với những bài viết có tính cách phản biện, điều quan trọng nhất là sau khi đọc, chúng ta phải cần phải khách quan. Có như thế người viết sẽ không phải bị nén đa, hay nhận những câu nói thô lỗ.
     
     Có người nói tại sao tôi lại nói hai Nữ Sĩ Đạo Thơ, như thế là thiếu tôn trọng… Tôi tự nghĩ chuyện tôn trọng Tiền Nhân và chuyện nhận xét đôi ba bài thơ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. 
    Bảo thủ cố chấp là bức tường cản trở sự tiến bộ. Đi tìm lẽ đúng sai đâu phải là cái tội, do đó tôi không hề ngần ngại suy tầm tài liệu để viết những gì mình nghĩ rằng đúng.
     
    Kính Chào Cô
    H.H.Đức
     

    • PhươngNga nói:

      Anh Hữu Đức lại mang tính “chụp mủ” vào đây nữa rồi…

      Cô Trí chỉ vạch ra cái nhìn khác nhau giữa hoạ thơ và đạo thơ. Không phải “cả vú lấp miệng em”!

      Nếu anh Đức nghĩ & tin là “Đạo”, anh cứ tha hồ.

    • PhươngNga nói:

      Nhân đây xin chia sẻ với  cácBài Đánh đu có nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra nó chỉ là phiên bản của bài thơ cùng tên trong Hồng Đức quốc âm thi tập, thậm chí có người còn căn cứ vào đó để phủ nhận tác quyền của Hồ Xuân Hương với bài thơ đó. Nhưng nếu nhìn nó bằng cái nhìn Hậu hiện đại thì ở đây Xuân Hương đã sử dụng thủ pháp diễu nhại, trào tiếu, theo kiểu liên văn bản.

       

      Đây là bài thơ Cây đánh đucủa Hồng Đức:

       

      Bốn cột lang nha cắm để chồng,

      Ả thì đánh cái ả còn ngong.

      Tế hậu thổ khom khom cật,

      Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.

      Tám bức quần hồng bay phới phới,

      Hai hàng chân ngọc đứng song song.

      Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,

      Nhổ cọc đem về để lỗ không.

       

      Đây là bài thơ Đánh đu của Xuân Hương:

       

      Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,

      Người thì lên đánh kẻ ngồi trông.

      Trai du gối hạc khom khom cật,

      Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

      Bốn mảnh hồng quần bay phấp phới,

      Hai hàng chân ngọc duỗi song song.

      Chơi xuân đã biết xuân chăng tá,

      Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.

       

      Quan sát hai bài thơ người ta thấy: bài thơ trong tập Hồng Đức thể hiện một cảm quan cổ xưa, già cả: tìm cái đẹp trong những hình ảnh nghi lễ (tế hậu thổ, vái hoàng thiên). Còn bài thơ của Xuân Hương thì thể hiện một cảm quan mới mẻ, trẻ trung: tìm thấy cái đẹp trong dáng vẻ khỏe mạnh, đa tình của tuổi trẻ (trai du gối hạc, gái uốn lưng ong). Bài thơ trong tập Hồng Đức nghiêm túc, đúng là tả cảnh đánh đu thật, còn thơ Xuân Hương thì tinh quái, đâu phải chỉ mỗi nghĩa đánh đu. Bài thơ của Xuân Hương làm ra chính là để diễu nhại cái cao nhã mà khô khan của thơ Hồng Đức! bằng hữu một bài nhận định mà tôi nghĩ có tính cách khách quan, trên quan điểm nhân sinh, và trên cá tính của nữ sĩ Hồ Xuân Hương về bài “Đánh Đu”

       

  2. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn  Cô Phạm Thị Trí  ~  Cựu Giáo Sư  VIỆT VĂN  tại TPH  ( 1969~ 1971 ). Phải nhìn nhận  bài viết  của cô   rất  có  chiều  sâu  nhân  bản   bằng những  nhận  định  khách quan  sâu  sắc    nhưng thật  chuyên môn nên mang  tính  thuyết  phục  cao ,,, Chúng em  thật sự  ngưỡng  mộ  ,  vui  sướng  trong  lòng   khi  được  đọc từng  lời  từng  chữ  thật  chân  tình  , phân tích thật  cặn  kẽ,  chính xác  nét tính  cách  tâm lý  khác  biệt    của  hai  bà  phản  ứng thế  nào  khi  biết  hậu nhân  cho mình  là  đạo  thơ  !!  . TUYỆT   nhất  là ở  đoạn cuối  .,,,,,  Chúng  ta   hãy  nghe  cô Phạm thị  Trí  nói  nhé    ,,,,” Tôi  đoán  với  cung  cách   đài  các  đoan  trang, lịch  sự  quý  phái , Bà  Huyện Thanh  Quan   chỉ  thở  dài   ,,,nhưng  với  tính  cách  của  Bà  Hồ  Xuân  Hương   có  lẽ  Bà  sẽ  phán  cho  một  câu ” Hậu  sinh  khả  ố  “.
    **                                            Hoành Châu  (Gia đình C  )

  3. Thật vui và bất ngờ khi nhận được lá thơ của Trí. Thơ này đã giúp cho mình, một người không có những hiểu biết  sâu về văn học được mở mang thêm kiến thức và cũng giúp cho các em cựu học sinh TPH được an tâm hơn trước những lập luận vững vàng và có sức thuyết phục cao của cô Phạm thị Trí, cô giáo Việt văn ngày xưa của các em.

    Trang nhà sẽ rất hân hạnh nếu từ đây có sự đóng góp và quan tâm của Trí và thật sự là mình sẽ vui và đỡ cô đơn hơn vì có ” bạn đồng hành “.

  4. Neang Phi Rom nói:

    Cô Trí kính! em đọc đi đọc lại bài của cô, thật thú vị, thật tâm lý, tuyệt quá cô ơi, em rất mong được đọc nhiều bài của cô nữa. Cám ơn cô thật nhiều. Kính chúc cô nhiều sức khỏe. Phi Rom

  5. Thu Cúc nói:

    Cô Trí kính mến !

    Rất mừng găp cô trên trang nhà Tống Phước Hiệp .Thật ấm áp làm sao ! Ngôi trường TPH đã thay hình đổi dạng .Tên TPH cũng đổi sang tên khác mà thầy trò TPH vẫn còn hội ngộ rât  thân thương , đầm ấm trên trang nhà . Em và cô đã có kêt bạn trên face book ,nay mới được đọc bài viết của cô ., em rất thích . Mong đọc nhiều bài mới khác của cô ..Em rất yêu môn Văn và quí thầy cô dạy Việt văn .

    CUC ĐỖ(TPH nk 77)

  6. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thưa Cô Phạm Thị Trí,

    Các bài viết của quý cô, anh chị em : Cô Trí, anh Phong Tâm, anh Trọng Thuỷ, em Thành Công, … cùng những phản hồi của các bạn trang nhà … theo em nghĩ và em cũng đã viết phản hồi, đều nhằm bàn bạc, mở rộng thêm kiến thức, gợi ra hướng suy nghĩ tiếp về vấn đề mà anh Hữu Đức đã đặt ra.

    Em nghĩ, cái mấu chốt khiến đa số bạn đọc không đồng thuận với anh Hữu Đức là anh dùng từ ” đạo thơ “!

    Em nghe lời Cô Hồng Khanh, khép lại vấn đề này trên trang nhà sau bài viết chuyên sâu của Cô.

    Và nhân dịp Cô đã xuất hiện trên trang nhà, chúng em- những cựu học sinh TPH ngày nào – thiết tha mong Cô tiếp tục xuất chiêu.

    ( Em Hạnh, học trò của Cô Dương Vương thị Tùng. Em mong Cô Tùng góp tiếng nhưng Cô chưa đồng ý, Cô  Trí ơi! )

    Thân kính.

  7. Nguyễn Thành Công nói:

    Kính thưa cô Trí,em trân trọng cảm ơn cô đã giúp cho em thêm kiến thức về văn học. Từ đó củng cố thêm niềm tin vào tiền nhân những người có công lớn với nền văn học nước nhà. Em cũng thấm đậm thêm việc sống có thủy chung,biết kính trọng công lao của người đi trước . Kính Chúc cô an khang và hạnh phúc.

     

  8. My Nguyen nói:

    Cô Trí kính! Đọc bức thư của Cô gởi cho Cô Hồng Khanh, em sáng ra nhiều vấn đề. Những kiến thức  được học ở nhà trường từ lâu mai một, được Cô nhắc lại một cách rõ ràng. Từ sự kế thừa, phát triển của dòng thơ Nôm đến vấn đề xướng hoạ thơ Đường luật…Thật là những điều bổ ích. Và một điều khiến em rất nhẹ lòng là Hai Bà Chúa của chúng ta không bao giờ đạo thơ. Em xin cảm ơn Cô. Kính chúc Cô luôn khỏe.

  9. Huỳnh Hữu Đức nói:

     – Chào Phương Nga, Phương Nga nói tôi chụp mũ cô Trí thì thật là Oan ơi Ông Địa. Câu viết mà P.Nga nêu ra chính là câu nói trải lòng của người viết bài văn phản biện. Sao P.Nga không nhìn lại câu cô Trí viết về tôi: 
    “…và cuối cùng ông kết luận với vẽ mỉa mai ..” Nhưng thú thật, tôi rất thích thú với những bài thơ chỉnh sửa qua thi tài của hai bà Chúa Thơ Nôm này…
    P.Nga nghĩ thế nào về câu này? có vẻ gì không? Nhưng khi viết Comment về bài của cô Trí, tôi không hề quan tâm.
    Phương Nga đã đăng lại hai bài thơ Đánh Đu, Ở đây tôi cũng xin hỏi cô Trí cũng như nhiều người khẳng định đây là hai bài xướng hoạ.

    Thứ nhất, thể thơ không giống nhau, một bài chỉ có 54 Từ, còn một bài 56 Từ . Thứ hai, các Vần gieo ở cuối các câu 1;2;4;6;8 cũng chỉ giống có 3 trong 5 Vần thôi. 
    Như thế này gọi là hoạ được chăng? Thật ngạc nhiên, khi sự thật rõ ràng trước mắt thế sao vẫn cứ khăng khăng cho là Hoạ Thơ? Có phải nhận xét theo cảm tính bất chấp nguyên tắc Hoạ thơ không?
     
    Còn Từ giống nhau thì rất nhiều. Điều này không phải là đạo thơ thì gọi là gì?
    Trong năn 2015, Hội Nhà Văn Hà Nội đã phải thu hồi giải thưởng của Nữ sĩ Phan Huyền Như vì:
    “Đầu tiên là về bài “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” bị nghi đạo câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của nhà thơ hải ngoại Du Tử Lê. Tiếp đến là bài thơ “Bạch lộ” bị coi là đạo hoàn toàn theo bài “Buổi sáng” in trong tập Đếm cát (2003) của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (PNTĐ).” (Trích báo Tiền Phong ngày 24-10-2015)
     
    Khi đọc bất cứ bài viết nào, tôi không hề theo kiểu cỡi ngưa xem hoa. có như thế mình mới rút ra diều nào đáng suy gẫm.
    Kính trọng bậc Tiền nhân là chuyện đương nhiên, Tuy nhiên Tiền nhân không phải là hoàn mỹ chẳng có khuyết điểm. Khi viết một bài khảo luận, tôi luôn cố gắng khách quan, vô tư trong phân tích đúng và sai của vấn dề mình quan tâm.
    Thân chào
    H.H.Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác