NHỮNG VIỆC HƠI XƯA VỀ VĨNH LONG
Trước giải phóng tôi có mời anh bạn thân gốc người miền Bắc về quê chơi. Lần đầu đến Vĩnh Long anh bạn có vẻ ngạc nhiên khi nghe một số địa danh: xã Tân “Ngãi”, cầu “Thiềng” Đức, hay chợ Phú “Quới”… Tôi đã nói với bạn ấy: “Nếu không có Cách mạng Tháng 8/1945 thì bây giờ không còn chữ Vĩnh Long để gọi đâu! Người lớn tuổi như bà ngoại tôi (mất năm 1969, thọ 72 tuổi) đã gọi là ‘Giảng’ Long vì sợ kỵ huý ông vua có tên Vĩnh Thụy!”
Bến Xe Đi Vĩnh Long
Những năm thập niên 1960 ở Sài Gòn bến xe đi miền Tây gọi là bến xe Pétrus Ký, (bến xe này đã giải toả từ lâu, nay là đường Lê Hồng Phong), và xe đi Vĩnh Long đậu ngay trước nhà máy giày Bata. Từ Sài Gòn đi VL, khách có 2 hãng xe để chọn lựa, xe Nhan Nhựt và xe Hiệp Thành. Tôi thích đi xe Nhan Nhựt hơn vì tài xế hãng này lái xe nhanh và hãng thường hay trúng thầu chở thư cho bưu điện nên xe được ưu tiên qua bắc Mỹ Thuận. Giữa 2 hãng thường xảy ra cạnh tranh, có khi phải giải quyết bằng tay chân, nhưng có những cạnh tranh làm khách đi xe, như tôi, thấy vui vì xe đua nhau chạy, qua mặt nhau, hay những lúc xe phóng nhanh vượt qua dốc cầu bay trên không một đoạn. Lúc ấy người lớn sợ thót ruột (?) còn tôi nhảy cởn lên vì vui (lúc nhỏ đi xe đò tôi không bao giờ ngồi mà đứng suốt lộ trình). Một cách cạnh tranh khá hay khác là họ mướn những người có hoa tay dùng dụng cụ gì đó không phải cọ để vẽ chữ bằng vôi lên kính xe, những chữ ấy phải nói là rất đẹp, rồng bay, phượng múa. Nội dung những chữ được viết chỉ là thông tin về chuyến xe như: “Xe thơ, ưu tiên qua bắc”, “xe chạy suốt”, “tài 1, khởi hành lúc 4 giờ”… Sau này khi đã chuyển về Sài Gòn học, (tôi chỉ học tại trường Tống Phước Hiệp hai năm, đệ ngũ và đệ tứ) những khi có dịp, nếu là buổi sáng đầu tuần, tôi lại đạp xe chạy ngang bến đi Vĩnh Long quan sát những xe sắp chạy để… hy vọng được thấy mặt những giáo sư dạy ở trường mà tôi đã biết khi thầy, cô đón xe về Vĩnh Long dạy. Tôi chỉ gặp một vài thầy: thầy Di dạy hoá (tôi không học thầy Di, chỉ biết mặt do thường thấy thầy.dạy course tại một phòng học của trường Nguyễn Thông, gần chỗ tôi hay đến mướn truyện), và thầy Liêu, dạy hoá cho tôi năm đệ ngũ. (Xin chân thành cám ơn đồng môn viết bài “Áo Trắng Sân Trường” đã nhắc đến tên thầy và giúp tôi nhớ lại. Còn cô dạy Anh văn, thần tượng của học sinh đệ tứ chúng ta thời ấy, thì tôi đã biết nhà.) Ở Vĩnh Long, bến xe nằm ngay góc ngã ba Cần Thơ, giờ đã giải toả làm ngân hàng.
Bắc (Phà)
Trước khi cầu Mỹ Thuận được xây, muốn đến Vĩnh Long phải qua bắc Mỹ Thuận. Vì là phương tiện duy nhất giúp vượt qua sông Tiền nên bắc Mỹ Thuận phải vận chuyển một số lượng xe, người, hàng rất lớn mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu giao thông, vận chuyển hàng hoá của người dân ngày càng tăng, chính quyền thời ấy đã liên tục nâng cấp, mở rộng đường dẫn xuống bến bắc, làm pon-ton (cầu nổi) mới to, rộng, tiếp nhận được 2 – 3 bắc cùng lúc, cũng như đưa vào sử dụng những chiếc bắc có tải trọng cao. Từ những chiếc bắc 10 (tải trọng 10 tấn), bắc 20 (tải trọng 20 tấn) nhỏ bé ban đầu chỉ chở được một vài chiếc xe, chính quyền đã cho thay thế bằng những chiếc bắc 100, 200 tấn vững chãi, an toàn, bề thế hơn. Tuy nhiên việc qua sông trên bắc vẫn mất nhiều thời gian (trung bình mất hằng giờ) và cũng đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm. Sông Tiền đoạn này chiều rộng chưa đầy kí lô mét, nhưng những khi sóng gió mạnh, bắc to như bắc 200 còn bị gió thổi bạt đi, còn sóng nhồi đến nỗi không cập vào pon-ton để cho xe lên được. Để đảm bảo an toàn mỗi khi xe lên hay xuống bắc, hành khách phải xuống xe, đi bộ. Tuỳ lượng xe bị kẹt ở đầu bến phà nhiều hay ít, hành khách buộc phải đi bộ trên một quảng đường dài hay ngắn. Có nhiều việc đã xảy ra ở 2 đầu bến bắc như lên nhầm xe, không nhớ đã đi chiếc xe nào, lạc mất con… Đường dẫn vào bến bắc do xe nặng chạy quá nhiều nên chỉ sau một thời gian ngắn là bị sụt, lún. Nhân viên Công chánh phải trải đá, đổ nhựa lại những chỗ sụt, lún ấy. Thời đó thời trang của quý bà, quý cô là guốc (gỗ) cao với phần gót kim loại phía sau được bắt vít hay đóng đinh vào thân guốc. Chẳng may bước vào chỗ lún đã được phủ lớp nhựa đường dầy, chiếc guốc có thể kéo lên được nhưng phần gót kim loại sẽ nằm lại vĩnh viễn tại chỗ. Trong trường hợp ấy khổ chủ chỉ có nước lê guốc (không dám bỏ guốc đi chân không vì mặt đường nóng có thể làm phỏng) chân thấp, chân cao đến một cửa tiệm gần đó mua một đôi dép đi tạm, hay đến bên một chiếc xe đò, nhờ anh lơ mở thùng đồ nghề lấy cây kềm bẻ luôn gót của chiếc kia cho đều, dễ đi!
Từ Vĩnh Long muốn đi Chợ Lách, sang Bến Tre phải qua bắc Cổ Chiên (Hiện nay bắc này đổi tên thành bắc Đình Khao, tên Cổ Chiên dùng cho một bến bắc khác phía hạ lưu khoảng 5km nối liền Bến Tre và Trà Vinh. Tôi vẫn thắc mắc không lẽ quỹ tên thiếu đến nỗi không có tên để đặt cho một bến bắc mới mà phải lấy tên của một bến bắc đã tồn tại hơn 50 năm đặt? Mà rồi sử dụng chưa được chục năm thì trên thực tế bến bắc này phải bỏ vì đã xây cầu Măng Thít!). Bắc là một phần của tuyến đường liên tỉnh, ít xe lưu thông nên chính quyền bố trí ở đây, vào những năm thập niên 1960, những chiếc bắc cũ, rất nhỏ có lẽ là bắc 10. Theo tôi nhớ nó giống hệt chiếc bắc được quay trong phim L’Amant (Người Tình). Có một lần tôi theo chú sang Bình Hoà Phước ăn đám giỗ (gia đình bên vợ của chú). Lúc chú cháu chúng tôi qua bắc trở về chợ Vĩnh Long trời đã chiều. Bắc ra đến giữa dòng thì chết máy. Thế là chiếc bắc trôi tự do theo con nước đang ròng ra cửa biển. Trong khi tài công và thợ máy rối rít lo sửa, người biết chuyện và lo xa đang sợ xanh mặt không biết theo đà này bắc sẽ trôi đến đâu, tôi tay nắm chặt can rượu (can rượu của chú, tôi xách hộ, và dù tôi bơi khá giỏi nhưng giữa con sông rộng mênh mông thì có cái gì đó nổi để bám vẫn hơn) nên vẫn đủ bình tĩnh ngồi quan sát cảnh vật: Dòng sông mỗi lúc một rộng, cảnh vật hai bên bờ mỗi lúc một mờ do sương mù bắt đầu lên, gió thổi mạnh, và rồi trăng lên. Hôm ấy có lẽ ngày rầm, hay gần rầm, nên trăng tròn và rất to. Chiếc bắc giờ lắc lư nhiều do sóng mỗi lúc một cao hơn và vẫn trên đường trôi tự do về hướng biển; nỗi lo sợ của mọi người tăng theo chiều rộng của cửa biển … Sau hơn 15 phút trôi tự do, máy được sửa và hoạt động trở lại. Tài công lập tức cho chạy ngược trở về phía bến Vĩnh Long. Nếu kể cả phần sợ hãi tôi đã có một tour du lịch cửa Cổ Chiên buổi chiều tối cực kỳ hấp dẫn và ấn tượng.
Bến phà Đình Khao ngày nay hoạt động 24/7 và sử dụng toàn bắc 200. Ai có máu lãng tử có thể đi từ phà Đình Khao lên TP.HCM bằng 3 chặng xe buýt: Bắc Đình Khao – TP Bến Tre (Bến Tre) – TP.Mỹ Tho – tp.HCM. Tiền vé 3 chặng chỉ tốn 50.000đ (nhưng đi Honda ôm [vì đến TP.HCM trời đã tối, hết xe buýt] về đến nhà tôi ở quận 8 phải tốn 60.000đ!) Hơi mất thời gian đấy nhưng nếu đi vào tháng chạp sẽ được ngắm hoa, ngắm cảnh và ngắm người; rất đáng công.
Cầu
Tỉnh Vĩnh Long thuộc đồng bằng sông Cửu Long nên sông ngòi chằng chịt, số cầu được xây dựng lên là vô kể. Để biểu lộ khoảng cách giữa hai nơi một số người vẫn diễn tả bằng số cây cầu phải đi qua. Thí dụ như diễn tả đường đến nhà bà nội, tôi vẫn nói: “Nếu đi theo hẽm Lò Rèn từ phía cầu Khưu Văn Ba (cầu Phạm Thái Bường) qua thì phải qua 2 cây cầu đúc, khi qua khỏi thì hỏi phía bên phải nhà bà Bảy.” (Tiếc là căn nhà này nay không còn vì đã bị giải toả để… làm cầu Hưng Đạo Vương.) Anh bạn tôi đã kể trên cũng thắc mắc, “Sao có nhiều cầu tên gọi bắt đầu bằng chữ ‘Cái’ quá, cứ như trong truyện Cây Khế! Nào là Cái Côn, Cái Cam, Cái Cá.” (Cũng may cầu Cái Khế ở tận Cần Thơ, nhưng trên đường Lý Thái Tổ, đoạn giữa hẻm Huyện Cự và hẻm Quận Nghĩa có hẻm Cây Khế!) Anh bạn rất ấn tượng bởi Văn Thánh Miếu, (do anh có chút ít vốn chữ Nho), miếu Quốc công. Khi nghe nói đến ở Vĩnh Long có cầu Lầu anh lập tức muốn đi xem cho biết nó “cầu kỳ” ra sao. Sau khi dẫn đi xem tôi lại quên hỏi cảm tưởng của anh bạn về nơi mới được dẫn đến, nhưng cũng may tôi có chút hiểu biết lịch sử nên cũng tạm qua buổi. Rút kinh nghiệm vụ cầu Lầu, tôi thanh minh, thanh nga ngay, “Ở Vĩnh Long còn có cầu Vòng, có nghĩa cây cầu là một phần của đường vòng, đường vành đai. Không phải Cầu Vồng, arc en ciel gì cả! Còn Chợ Lách là một khu vực trù phú, đẹp, sản xuất nhiều trái cây nhưng không liên quan gì đến truyện Đêm Xóm Lách Mịt Mùng của nhà văn Thanh Tâm Tuyền. Cũng may, trên đường về nhà (sau khi đã ghé phố ẩm thực) khi gần đến dốc cầu Lộ tôi chợt nhớ nên chỉ cho anh bạn một con đường có tên nghe thật văn vẻ là đường Cổ Trì, rồi nói tiếp, “mày cứ tự nhiên vào đó khám phá ‘cái Cổ Trì’, tao lên cầu Lộ ngữi tí mùi ngọc lan về đêm.”
Từ nhỏ tôi vẫn thắc mắc không biết có phải do thiếu gỗ hay sao mà ván gỗ mặt cầu được lót rất thưa, hai thanh ván lót cách nhau hơn cả phân, trẻ em như tôi lúc ấy đi lên cầu chân cứ quéo lại vì sợ lọt, mắt nhìn đăm đăm qua kẽ hở xuống dòng nước chảy cuồn cuộn bên dưới để rồi cất bước không nỗi. Đã thế khi có xe chạy lại có tiếng “rầm, rầm”, rồi cây cầu lắc lư… Theo như tôi “thấy”, 2 câu thơ dưới đây diễn tả cực hay tâm trạng của tôi mỗi lần phải đi ngang cầu Thiềng Đức:
Qua cầu ngả nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu!
Tiêu biểu cho loại này là cầu Thiềng Đức, cầu Chợ Lách.
Cầu Thiềng Đức nay đã được xây lại khang trang, vững chãi. Cách đây 2 năm, lúc tôi đi ngang, cầu Chợ Lách vẫn còn lắc lư. Có người bạn nói nhà nước đã xây cầu Chợ Lách mới, vững chãi và cách đó không xa.
Cũng là cầu nhưng may mắn ngày nay không còn là “cầu tủm, hay còn gọi cầu cá”. Người mới đến rất ngại khi phải sử dụng phương tiện vệ sinh này, nhưng sử dụng quen lại thấy vui, và khi ngồi sử dụng nghe mát mát. Còn đám con nít thành phố về Vĩnh Long sau khi vượt qua nỗi sợ ban đầu chúng có thể ngồi ở đó cả giờ!
Những Âm Thanh Chừng Như Đã Mất
-Tiếng Rao Bánh Tét
“Tét, te. Tét, te te…” Tiếng rao bánh tét của chú người Hoa rất to, vang xa và ấn tượng. Người mới đến nghe tiếng rao ấy ai cũng thắc mắc không biết chú bán thứ gì, chỉ khi tận mắt chứng kiến thì mới biết. Mà cũng dễ thấy thôi. Có thể chú cũng biết giọng rao hàng “thương hiệu” của mình là rất khó hiểu (hay thậm chí không thể hiểu), mà chiếc xe đạp lại không thể gắn cây bẹo như ở ghe, xuồng, thế là chú treo bánh tét vào mọi nơi có thể được trên chiếc xe: tay lái, sườn xe… Và phải nói chú cực kỳ chịu khó, chạy xe bán khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm ở Vĩnh Long. Sau ngày giải phóng do tình trạng xăng dầu khó khăn xe đò, xe hàng rất ít chạy. Để góp phần giải quyết nhu cầu giao thông vận tải của người dân, nhà nước tổ chức cho 2 tàu gỗ chạy song hành và 1 tàu sắt là chiếc Minh Giang chạy hướng ngược lại ở tuyến Vĩnh Long – tp. Hồ Chí Minh. Tại TP.HCM các tàu này đậu ở bến Bạch Đằng, còn ở Vĩnh Long là cầu tàu, gần chợ cá. Sau khi những tàu này chạy đã vài tháng tôi mới hay tin. Thế là tôi lên kế hoạch du ngoạn đường sông theo chiếc Minh Giang cho biết, vì đường từ Vĩnh Long lên tp. HCM rất ngoằn ngoèo, phức tạp, và có đoạn tàu phải chạy ra (ven) biển. Chưa kịp đi tôi lại nghe tin tàu Minh Giang đã vượt biên. Cùng lúc ấy ở chợ Vĩnh Long người ta không còn nghe tiếng rao “tét, te” quen thuộc. Có người biết chuyện nói những người chủ mưu lợi dụng việc có đoạn tàu phải chạy ra biển nên canh cướp tàu, chạy thẳng luôn. Chú bán bánh tét hôm ấy tình cờ đi trên chiếc Minh Giang nên bị cưỡng bức vượt biên. Không biết chiếc tàu sắt nhỏ, cũ kỹ, có chở theo chú bán bánh tét, đi được đến đâu?
-Tiếng Còi Đò
Sau giải phóng, có một lần sau Tết khoảng nửa tháng tôi đáp xe đò về Vĩnh Long, rồi đi xe lôi về thẳng bắc Đình Khao (lúc đó còn gọi là bắc Cổ Chiên; gọi là bắc thật ra nó chỉ là một chiếc tàu gỗ chỉ chở được xe nhỏ như xe Lam 3 bánh và vài chục người) để đến nhà chú Năm ở bên kia bắc thuộc địa phận xã Bình Hoà Phước. Tôi đi chuyến xe sớm nên về đến nơi lúc mới hơn 9 giờ. Đường từ bến bắc đi Chợ Lách lúc ấy rất ít xe và người đi lại. Nhà chú tôi đây rồi. Cổng rào tre xộc xệch khép hờ. Trước sân, cội mai già trên cành còn đơm nụ, những cánh mai vàng rụng đầy trên mặt đất nổi rêu xanh, chen vào đó là những khóm ngò gai tạo thành những vòng tròn. Khuất phía sau là căn nhà lá đơn sơ trông có vẻ như sắp bị cây đào tiên, mọc bên hông nhà, và dây gấc leo bên trên đè bẹp. Con chó mực già lông còi cọc mệt mỏi sủa vài tiếng chiếu lệ khi nghe có tiếng động ở cửa rào. Nghe tiếng chó sủa, chú tôi bước ra hiên nhìn, mắt hấp him vì ánh nắng. Lúc ấy, tôi chỉ muốn thời gian và không gian ngừng lại để cảnh này giữ mãi, hay cho tôi được đắm mình, được tan vào khung cảnh thân thương.
Sau buổi cơm chiều có uống chút rượu tôi giăng mùng trên bộ ngựa đặt ở nhà trước ngủ sớm. Gần sáng tiếng còi đò “u, u…” làm tôi thức giấc. Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn trứng vịt, tôi thấy chú đang ngồi bên bàn nước đặt giữa nhà uống trà. Thấy mùng lay động chú hỏi:
_ Lạ chỗ, không ngủ được hả cháu?
_ Dạ không phải. Chắc do cháu ngủ đã nhiều rồi. À, tiếng còi đò nào vậy chú?
_ Đó là tiếng còi đò chợ (Vĩnh Long), vì bây giờ đã gần bốn giờ sáng rồi. Đò đi Đồng Phú và đò đi Hoà Khánh phải muộn hơn và tiếng còi cũng khác. Trầm và dài là tiếng còi đò…Tôi lại lơ mơ chìm vào giấc ngủ nhưng tai vẫn nghe văng vẳng tiếng còi đò.
Bán bao bụng
Đây là cách bán độc đáo của những vườn mận ở Phước Hậu và những rẫy dưa gang ở khỏi cầu Tân Hữu, đường đi Cần Thơ. Khi có khách đến, chủ vườn đếm số người và coi tướng người (ăn được nhiều hay ít) để ra giá tiền. Khi 2 bên đã thoả thuận về giá, chủ vườn mang cho khách một cây lồng để hái và một tô muối ớt. Khách tha hồ hái mận ăn, nhưng nếu muốn mang về phải được sự đồng ý của chủ, và muốn ở trong vườn chơi bao lâu tuỳ thích (dĩ nhiên là không cho qua đêm). Còn ở rẫy dưa gang, chủ rẫy đếm số người rồi nhân ra thành tiền, và thường họ chỉ cho khách vào rẫy ăn dưa sau khi đã thu hoạch đợt dưa chính. Để đối phó khách cũng quan sát kỹ rẫy dưa rồi mới chọn vào. Thoả thuận xong chủ rẫy đưa cho khách một tờ giấy to (thường là tờ báo) dùng để đặt dưa lên đó khi ăn và một gói giấy chứa số thẻ đường tương ứng với số người trả tiền. Chủ rẫy cũng tha thiết kêu gọi mọi người đi vào rẫy cho khéo, đừng đạp lên dây dưa và nhất là tránh phí phạm; chỉ hái trái dưa nào thật sự muốn ăn, và chỉ hái vừa đủ ăn, đừng bỏ phí! Mùa dưa gang chín khu này rất vui. Tấp nập nhất là vào buổi chiều: Ven lề đường người dân bày dưa thành đống để bán, xe đạp, xe gắn máy của khách dựng đầy ven đường, xe hàng lên, xuống dưa… Còn người ăn dưa tại chỗ chỉ đến khi mặt trời đã xế (để tránh nắng nóng) và thường đi theo nhóm hai người trở lên. Sau một hồi lội trong ruộng dưa, chọn được những trái dưa vừa ý, cả nhóm sẽ quây quần lại, tập trung những trái dưa trên tờ báo rồi bẻ dưa ra, mỗi người một tay cầm thẻ đường, tay kia cầm miếng dưa luân phiên đưa lên miệng… cắn. Ai không tìm được trái dưa vừa ý cũng không sao (vì bao bụng mà), người ấy có thể ra lề đường đến đống dưa của chủ rẫy đang bày bán chọn một vài trái mang vào ăn. Cùng với tiếng trả giá, tiếng cười đùa, tiếng reo mừng khi phát hiện một trái dưa to, đẹp, hay vừa ý… là cảnh người người đi đi lại lại, người lui cui vạch lá tìm… dưa, chỗ này nhóm đông đang ngồi ăn cười nói ồn ào, góc khuất nọ một cặp ăn dưa trong yên tĩnh vì còn đang bận trao cho nhau những cái nhìn đầy ý nghĩa… Dù chủ rẫy đã rất cẩn thận hướng dẫn, thậm chí năn nỉ khách, nhưng chỉ sau một vài hôm là rẫy dưa tan hoang. Khách đến những ngày sau chỉ có nước nhận tờ báo và gói đường rồi bưng một vài trái dưa ra một góc nào đó ngồi ăn… cho đến no; theo đúng tinh thần bán bao bụng! Lúc đó những ai ham vui, những đôi muốn có sự yên tĩnh phải chịu khó lội vào những rẫy dưa sâu bên trong.
Cách bán bao bụng, theo tôi nghĩ, giống như cách bán ở nhà hàng buffet. Phần chi tiết có thể khác nhưng cốt lõi vẫn thế.
Nguyễn Hoàng Long ([email protected])
Rất thú vị về những quan sát ” tinh tế ” của Nguyễn Hoàng Long, những nguòi con xứ “Vãng”, hoặc xứ “Giảng” (như lời giải thích của tác giả ) ở ngoại quốc chắc sẽ ngậm ngùi, những người còn ở lại quê hương sẽ mỉm cười khi Hoàng Long nhắc nhớ đến những việc ” hơi xưa”, những gì mà ai đã từng gắn bó với quê hương xứ sở không bao giờ quên được.
Cám ơn Cô. Nói trại chữ Vĩnh Long thành chữ Vãng Long thì hợp lý hơn.
Nhờ tác giả nhắc, tôi củng cố và khẳng định lại 1 số địa điểm, địa danh, nơi chốn, … mà tôi nhớ mơ hồ, không tin lắm vào trí nhớ của mình như bến xe từ Sài Gòn về lục tỉnh (sao hồi nhỏ thấy bến này rộng lớn lắm mà), bắc Cổ Chiên, về mấy loại bắc qua sông, mấy hãng xe đò chỉ còn trong trí nhớ…
Trang nhà là sân chơi của chúng ta mà chị. Ai còn nhớ gì ghi lại phần ấy, thế thôi. Cũng như trong bài tôi đã cám ơn tác giả bài “Áo Trắng Sân Trường” vì nhắc đên những thầy cô mà tôi không nhớ (rõ) tên. Nếu ngăn kéo này không có, chị hãy mở ngăn khác chắc chắn sẽ có cái gì đó để chia sẻ cho chúng tôi. Chào chị.
Bài viết hay và tư liệu chính xác như một người cốt trụ ở Vĩnh Long vậy ! Khen tác giả có óc quan sát thật tinh tế , xác thực chen lẫn giọng điệu dí dỏm , khôi hài của một người biết chuyện ,,Bài viết trở nên duyên dáng hấp dẫn người đọc .
Hoành Châu (Gia đình C )
Tại sao chị lại “xù”, không nhận Long là cốt trụ ở Vĩnh Long? Chị phải biết sở dĩ tôi có tên Long cũng là nhờ sinh đẻ tại xã Long Châu, Vĩnh Long, và còn là cựu học sinh Tống Phước Hiệp nữa đó.
Đùa chị chút chơi. Vì nếu đúng như chị nhận xét Long lại rất thích. Do Long thích văn và truyện của Earnest Hemingway, người vẫn chủ trương: Man of everywhere, man from n0where. Cám ơn lời khen của chị. Long.
Hiện đại hại người … tuổi không còn nhỏ. Vẫn tự hào thích văn, truyện của Ernest Hemingway, xem tư tưởng sống của ông là chí lý thế mà bên trên Long lại viết sai tên thần tượng của mình thành Earnest! Lý do? Tuổi già, thiếu tự tin vào trí nhớ của bản thân, và cái phần mềm chính tả mắc dịch, mắc toi nó không chịu chữ Ernest, mà chỉ chịu cái chữ sai. Xin các bạn sửa lại giùm. Cáo lỗi.
Cái gì chứ đọc chuyên Xưa tôi thích lắm . Cám ơn anh Hoàng Long đã cho tôi một chuyến du lịch ” Trở về tuổi thơ” rất thú vị . Anh có trí nhớ thật tuyệt vời . Bài viết có nhiều chi tiết và hình ảnh tư liệu quí . Rất ngưỡng mộ !
Ảnh mà không có người là ảnh vô hồn, chị đồng ý không?
Còn những ảnh trong bài hình như là của anh quản trang. Được chị khen tôi sẽ để dành tiền tậu máy ảnh, học nghề phó nhòm. Chào chị.
Theo em thì trước ngày 30/4/75 , quận Chợ Lách cũng là một trong các quận khác của tỉnh Vĩnh Long mà…
Vĩnh Long về Lách không xa
Muốn đi thăm bậu sợ qua chiếc đò.
Chúng ta, mỗi người một cách nhớ đến quê hương. Tôi thì bằng những vật cụ thể: chiếc xe, cây cầu, còn chị nhớ về quê hương qua thi ca. Trang nhà có văn, có thơ sẽ càng thêm vui, thêm phong phú. Chào chị.
Anh Hoàng Long ơi! Hoài Thương là một nhà thơ nam trẻ, trẻ hơn chúng ta nhiều. Nói để anh tiện việc xưng hô sau này. Hi hi hi…
Một cái “hố” quá mạng! Em cứ nghĩ tên đó là của một nữ nhân, ai dè. Cám ơn chị My Nguyên. Đúng là bất ngờ, nhưng bất ngờ là niềm vui của cuộc sống mà, phải không chị My Nguyên và em Hoài Thương? (Giờ mạnh dạn kêu em rồi.) Chào.
Hoàng Long ơi, một sự trùng hợp, lúc mới biết Hoài Thương, chị cũng nghĩ Hoài Thương là nữ nên gọi là muội, tới giờ biết rồi vẫn gọi muội cho vui….!
Ừ, 2 chị em mình cứ gọi thế đi chị. Cho đáng đời đã làm cho người ta hố. Chào chị.
Thật thú vị khi đọc bài của Hoàng Long, tất cả những kỉ niệm xưa ùa về, những địa danh thân quen, những nội dung trong câu chuyện hình như tôi đã trãi qua gần hết, phà Cổ Chiên chết máy ,cầu Thiềng Đức ván thưa mỗi khi đi bộ qua sợ gần chết, nhưng cầu Chợ Lách bận lên đi bật ngửa, bận xuống chúi nhủi không thấy Hoàng Long kể ở đây…..Cảm ơn tác giả đã khơi gợi lại những địa danh của tỉnh mình để nhắc nhớ và ôn lại kỉ niệm xưa hầu như đã đi dần vào quên lãng
Chào chị Hoa Đăng,
Thời chị và em còn là học sinh, ở Vĩnh Long đâu có nhiều nơi giải trí. Cả tỉnh chỉ có mỗi rạp xinê Lê Thanh (sau này mới có thêm rạp Vũ Đông), rồi thì đi vườn mận, rẫy dưa, nếu là dân chợ, còn dân vườn thì bó tay, không biết đi đâu! Nếu nói chí lớn (ý là ham vui) nên gặp nhau thì cũng đúng. Phải công nhận cầu chợ Lách cao thật; bận đi lên (mố cầu) thì bò, đi xuống thì chạy. Nghĩ lại thấy vui. Chào chị.
Bằng sự nhận xét tinh tế, trí nhớ tuyệt vời và lối viết mạch lạc, có duyên…Anh Hoàng Long đã đưa chúng ta về “Những việc hơi xưa” của Vĩnh Long mà có khi người VL cố cựu còn chưa nhớ hết. Từ những bến xe, bến phà khi chưa có cầu Mỹ Thuận đến những âm thanh tưởng chừng như đã mất…được anh Hoàng Long nhắc lại nghe rất đổi thân thương. Thật tình, nếu không được nhắc có khi nó cũng sẽ dần đi vào quên lãng…
Cảm ơn anh Hoàng Long về một bài viết rất hay và bổ ích này.
Chào chị My Nguyen,
Long đã suy nghĩ rất lâu mới dùng cụm từ “Những Việc Hơi Xưa…” cho tựa vì muốn bài viết của mình là một thứ đồ cổ, không phải đồ “cũ”, hy vọng được đánh giá cao, và được nhớ lâu.
Chào chị.
Ôi chị My Nguyen, nghe chị nói em là “nhà thơ trẻ” làm em quá mừng luôn, bởi chỉ còn một gang tay nữa là em sẽ đụng U60 rồi hi, hi. Cảm ơn chị thiệt nhiều, và kg quên cảm ơn anh Hoang Long đã gợi lại những chuyện hơi xưa hay thật là hay.
Bạn Nguyễn Hoàng Long, bài viết của bạn rất công phu. Tôi phải đọc nhiều lần mới nhớ lại những gì bạn đã tả lại. Cảnh cũ bây giờ chắc khác xưa nhiều lắm. Cám ơn bạn đã viết một bài như thế. Chúng ta cùng học chung trường , chung một số thày cô và việc họp mặt trên trang nhà đã nói lên tình thân đó. Mong được đọc thêm nhiều bài của bạn.( Thiên Diệu Hương)
Chào tác giả Áo Trắng Sân Trường. Nếu tôi không lầm chúng ta cùng tốt nghiệp lớp 12 năm 1972, nghĩa là lúc học TPH chúng ta cùng cấp lớp? Cũng như bạn, 7 năm trung học tôi học 3 trường nhưng gắn bó với TPH dù chỉ học ở đây 2 năm. Không muốn khách sáo khen qua khen lại, nhưng tôi vẫn phải khen bài của bạn và ghen vì bạn còn giữ được nhiều hình về trường quá. Còn “báu vật” gì nhớ chia sẻ. Chào bạn.
Nguyễn Hoàng Long
Bài viết anh Hoàng Long hay quá, anh dẫn dắt tụi em tham quan nhiều thứ quá,Bến xe,Bắc Phà,Cầu đường,tieng rao hàng, tiếng còi đò,bán bao bụng , v…v.Em nhớ ngày xưa,lúc mới vào học TPH,em thấy một ông chạy xe đạp có một cần xé phia sau và nghe tiếng rao ” tẹt,tet, tẹt, hay chạy phía sau trường.Em thắc mắc không biết là bán giống gì ,có một lần em đi ngang và em nhón gót lên nhìn vào thì ra là bánh Tét.
Thật là bất ngờ. Bài viết bị anh quản trang gỡ cất đã lâu nên không nhận ra có phản hồi của cô hàng xóm VOTHILAI. Anh lập tức phản hồi. Thông cảm, dù muộn nhưng có còn hơn không? Được khen anh sẽ cố nhưng chỉ sợ “té hen”, sợ làm thất vọng bạn bè thôi. Nhưng không sao, trang nhà là nơi chúng ta vui với nhau mà. Anh vừa có bài Xem Xi-Nê Hồi Xưa cô Lai xem chưa? Chào.
ĐÍNH CHÍNH
Theo góp ý của một số thân hữu là cư dân Chợ Lách, những người thường xuyên đi phà Đình Khao trong thời gian rất dài, thì tên phà Đình Khao đã được sử dụng chính thức từ rất lâu, và tên này được in trên vé phà, còn tên Cổ Chiên chỉ là tên thường dùng của người dân. Xin đính chính cùng bạn đọc.