Thư của chị Vân Hà gởi anh Một Lúa

Ngày đăng: 28/06/2016 11:37:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Xin chào anh Một Lúa!

Đọc bài ” CON NƯỚC LỚN RÒNG ” của huynh viết rất hay, rất hấp dẫn, nhất là làm cho muội nhớ lại kỷ niệm xưa rất thú vị, mà muội không thể nào quên.
Hồi muội học đệ thất, đệ lục ( lớp 6&7 ), muội ở Thành nội, học trường Đồng Khánh, nên mỗi buổi đi về đều qua sông Hương bằng đò Thừa Phủ. Đò ở Huế giống xuồng ba lá miền Nam, nhưng lớn hơn nhiều. Hai mái chèo rất dài và to buộc chặt đằng sau đuôi nhỏng cao lên khỏi mặt nước, dành cho người cầm lái có thể ngồi chèo bằng hai chân. Một cái khác cũng to và dài không kém, buộc thấp hơn, gần phía dưới lòng đò. Muội thường cầm mái chèo nầy để chèo phụ, và rất tự hào là : ” Ta đây cũng biết chèo đò! ”
Tới khi đi dạy ở Hà Tiên, muội cùng các giáo viên trẻ, độc thân, mới ra trường, tình nguyện đi vùng sâu, vùng xa, dựng trường ( bằng cột tràm với lá dừa nước ), mở lớp ( bình dân học vụ, bổ túc văn hoá ” xoá mù ” cho cán bộ lẫn người lớn ) ở Vĩnh Điều, sát kênh Vĩnh Tế, mà chỉ cần qua kênh, đi vài chục bước, chun giữa hai sợi kẽm gai, sang bên tê, là khoe ỏm tỏi với bạn bè : ” Đã đi nước ngoài! Đã sang nước bạn! ” ( nước Campuchia ).
Trường có 10 giáo viên ( 5 nam ), nên phải chia cặp để sinh hoạt : Đi mót củi tràm ( rất xa, vác rất nặng nên đẩy cho nam ), Còn nữ chia nhau đi đến nhà dân đặt trúm mua lươn, cá. Qua sông hái lá giang, về nấu cơm. Muội không biết lá giang, không biết nấu cơm, cầm dao, cầm lươn, cầm cá…gì ráo, nhưng muội cũng vỗ ngực: ” Tuôi đây biết chèo đò! ”
Thế là muội cùng một cô giáo đi mượn xuồng qua sông. Cô nớ ngồi sau cầm lái. Muội ngồi giữa xuồng cầm giầm đưa cao mạnh mẽ, đều đặn, dẻo dai khua nước trước những con mắt thán phục của mọi người đứng trên bờ, làm mũi muội hểnh lên, to hơn quả cà chua.
Đến bờ bên kia, cô nớ lên hái lá giang, muội ngồi dưới xuồng khoát nước vớt, hái bông lục bình, đến khi nghe kêu, nhìn lại mới hay xuồng đã trôi ra giữa giòng hồi nào không hay. Muội lật đật chụp lấy giầm khua xuống nước loạn xạ, tai thì cứ nghe văng vẳng tiếng cô kêu: ” Cạy! Cạy! ” Hay ” Nạy! Nạy! Bát! Bát ” gì đó, muội không biết? Còn chiếc xuồng thì cứ quay vòng vòng, cái giầm muội liên tục thọc xuống nước làm nước văng tung toé, chơ không tới lui gì hết.
Một lát, muội bình tâm lại, muội để ý: hễ đưa giầm ra phía trước, khoác nước ra sau, giầm lướt song song xuôi theo lòng xuồng, thì xuồng tiến lên phía trước. Còn đưa giầm ra phía trước ngoài xa, khoác nước vào xuồng thì mũi xuồng quay qua bên tê. Ép giầm sát xuồng mà khoác nước hất ra phía sau xa xuồng thì mũi xuồng tiến lên quay hướng ngược lại. Muội đã phát hiện ra nguyên tắc chèo xuồng, nên muội đã đưa được xuồng vô đón bạn rồi chèo xuồng quay về nhà trước mấy tràng vỗ tay của mọi người trên bờ, ai cũng tưởng muội làm xiếc, chơ không ai biết được muội đã hoảng hồn như thế nào đến muốn luôn.
Mặc dù từ đó muội đã biết chèo xuồng, muội còn chỉ cho học trò tỉnh Kiên Giang của muội: chèo tay này xong đổi sang tay kia, Hoặc hai tay cùng một lúc, xuồng sẽ thẳng tiến, còn chèo một tay thì xuồng quay một hướng. Dĩ nhiên học trò muội cũng chèo được xuồng, nhưng cũng như muội, vẫn mù tịt, không biết ” cạy cạy! nạy nạy! bát bát ! là gì? Lẽ ra ở VĐ muội đã hỏi rồi, nhưng vì mọi người vỗ tay hoan hô muội quá sá như rứa làm muội không thể hỏi.
May quá! Hy vọng huynh nói nhỏ cho muội nghe: ” nạy! nạy”! ” cạy! cạy “! “bát! bát! ” nghĩa là chi rứa? Muội rất cám ơn huynh. Chúc huynh luôn vui, khoẻ, và sớm cho muội cũng như mọi người được đọc phần tiếp theo.

Hóc Môn 28062016
THÂN THỊ VÂN HÀ

0 doH

Có 8 bình luận về Thư của chị Vân Hà gởi anh Một Lúa

  1. Trung Nguyên nói:

    Thưa chị Thân Thị Vân Hà, theo tôi được biết thì “nạy “là dùng dầm xeo nạy cho xuồng theo ý mình, còn” bát” là hướng cho mũi xuồng sang phải, trái với” cạy” là sang trái. Không biết ở địa phương khác có nghĩa gì khác không xin mọi người góp thêm ý cho phong phú.

    • Ui! Cám ơn bạn Trung Nguyên giải toả giúp nỗi ấm ức trong lòng đã bốn mươi năm qua! Vâng! Bốn mươi năm đúng đó bạn ạ! Từ năm 1976 đến nay không biết hỏi ai. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn luôn vui, khoẻ.

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Chị Vân Hà ơi ! Cả Lần cũng là dân đồng nước ở miền tây, nhưng những từ chị thắc mắc với Một Lúa cũng là những từ mà cả Lần đang thắc mắc, anh Trung Nguyên giải thích, nghe cũng có lý, nhưng tôi thì muốn nghe chính tác giả giải thích.

    • Ui! Rất cám ơn anh Cả đã ủng hộ, cũng như rất hiểu ý của VH. Đúng là anh Trung Nguyên rất thông thái, trả lời rất hay, nhưng VH cũng rất muốn được nghe câu trả lời của tác giả ” CON NƯỚC LỚN RÒNG ” như anh.

  3. Phong Tâm nói:

    Phương ngữ đi xuồng, ghe của (dân miền Tây):

    Cạy (nạy) – Bát (quát) là điều khiển cho mũi xuồng về trái, hoặc sang phải. Muốn mũi xuồng hướng về phía trái thì đưa cây dầm tới móc nhẹ rồi kè dầm dọc theo be xuồng nạy ra, mũi xuồng sẽ quay về trái. Muốn mũi xuồng quay sang phải thì đưa dầm tới bơi vòng về phía lái, mũi xuồng sẽ quay sang phải. Đó là cầm mái dầm phía tay trái, nếu cầm mái dầm phía tay phải thì ngược lại.

    Chèo cũng tương tự như bơi vậy, nếu chèo 1 cây, thường cột chèo, ngoai chèo ở phía bên trái.

    Nếu chèo ngoe (chèo 2 cây), muốn quẹo mũi xuồng bên nào thì thả mái chèo bên đó, còn tay chèo kia thì đẩy. Bản thân tôi chỉ biết chút chút cách bơi, chèo khi đi xuồng, còn thành thạo hơn phải hỏi những người chuyên sống với nghề sông nước họ có nhiều kinh nghiệm.

  4. Một Lúa nói:

    Chào huynh Phong Tâm, Trung Nguyên và chị Vân Hà,

    Lúc mới tập chèo xuồng, Lúa  cũng chèo quay mòng mòng. Cũng bị bà con trên bờ cười vui  sơ sơ, sau đó thì qua năm tháng bươn chảy, nghề dạy nghề tạm thành thạo việc  bơi chèo  thôi.

    Thiệt sự là Lúa không biết những từ ngữ chuyên môn mà chị Vân Hà nêu ra. Nhưng Lúa xem phim nên có nghe qua từ kỷ thuật hải hành:  Starboard là bên phải, Port là bên trái của mỗi tàu thuyền. Nếu thuỷ thủ tàu mình hay tàu bạn mà hô Starboard! Thì cả hai tàu đối diện cùng lách về  phải của họ chứ họ không thể nói “ép phải”, tránh sự hiểu lầm là phải của anh hay phải của tui, dễ gây tai nạn đụng nhau trong tíc tắc.

    Cảm ơn chị Vân Hà nêu ra một vấn đề lý thú và sự trả lời rất chuyên nghiệp của các đại huynh Trung Nguyên và Phong Tâm . Chỉ rất tiếc là cốt truyện sắp sửa lên bờ. hihihi

    • Ui! Thật là tuyệt vời! Rất chân thành cảm ơn anh Một Lúa đã cung cấp thêm kiến thức mới về luật hàng hải quốc tế, mà nếu ai không sâu sắc như anh thì dù có xem phim cũng không thể nhận ra. Thật là một niềm vui vô cùng lớn khi được quen biết với các huynh đầy kiến thức sâu, rộng của Trang Nhà, nên muội cũng cám ơn Trang Nhà vô cùng. Chúc tất cả tác giả cũng như độc giả bắt đầu một ngày mới tốt lành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác