VĨNH LONG, QUÊ HƯƠNG  TA.

Ngày đăng: 20/06/2016 10:58:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (19)

Với 14 đập thủy điện chắn ngang sông Cửu Long, Vĩnh Long và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 này đã không còn bị nước lũ tràn về, hay theo cách nói thân thương: không còn “Con nước tháng 10 (âm lịch)”. Theo sự suy nghĩ của tôi: với ảnh hưởng của thời tiết cực đoan và sự ích kỷ của một số quốc gia đầu nguồn, việc này sẽ còn vĩnh viễn.

Được sinh ra trên đất Vĩnh Long, tôi đã có may mắn biết, và thấy được một số điều mà những thế hệ sau, theo ý kiến chủ quan của tôi, khó có cơ may đó. Thiển nghĩ: Tại sao các bạn và tôi, những người đã sống qua hai thiên niên kỷ, đã có những trải nghiệm về miền quê hương thân yêu của chúng ta không ghi lại những sự việc ấy để cùng biết (nếu chưa biết), để chia sẻ (nếu đã biết), và để cùng hoài niệm (nếu sự việc, hiện tượng ấy không còn)? Rất mong được biết thêm về Vĩnh Long quê hương ta.

Con Nước Tháng 10

Một sáng thức dậy mở cửa nhìn ra tôi thấy khoảnh sân trước nhà một số nơi đã bị ngập nước. Mùa nước lũ lại về. Được sự chỉ đạo của bà ngoại, tôi góp nhặt gạch, ván thừa trong nhà chuẩn bị kê, lót làm lối đi. Chỉ hôm sau nguyên khoảnh sân đã chìm dưới nước. Người trong nhà đi tới lui trên ván kê tạm.H1

Sau khi bị ngập nước mấy hôm, lá một số cây bắt đầu vàng. Thế là tôi bỏ dép, lò dò đi xem cây trồng quanh nhà. Thật bất ngờ. Gần bụi bông trang một con cá lóc to cỡ cổ tay tôi đang quẫy mình cố lóc đi. (Ở nước ta, tùy theo vùng cá lóc có tên gọi riêng, nhưng theo tôi cách gọi “cá lóc” là hay nhất vì nó tượng hình, nói lên được nét độc đáo của con vật. Những năm 70 thế kỷ trước, một phóng viên ảnh của tạp chí National Geographic sang Hawaii tình cờ gặp 1 con cá lóc đang lóc trên đất. Thế là ông ta chụp ảnh con cá với vây bụng và vây ngực chè bè đang “đi”, viết bài và giật tít: “Con cá biết đi”. Bài báo đã làm sốt giới khoa học thời đó vì nó tô đậm giả thuyết sự sống xuất hiện ở dưới nước trước.) Mừng quá, tôi chộp con cá mang vào nhà khoe thành tích tay không bắt được cá (đúng ra phải nói là lượm được con cá!)

Rồi thì cá linh theo dòng nước từ biển Hồ tràn về. Phải nói là cá linh lúc nhúc dưới nước. Mà cũng lạ. Con cá lúc còn dưới nước thấy bé xíu, nhưng khi lên khỏi mặt nước con nào con nấy dài cả mấy centimet. Người câu cá dở như tôi mà một giờ cũng giật được cả chục con. Thế là nhà tôi ăn cá linh nấu canh chua khế, cá linh kho tiêu, cá linh chiên…

Một loại thủy sản khác cũng xuất hiện rất nhiều vào mùa nước nổi là tép mòng, tép trứng. Không biết chúng sinh sống ở đâu mà lúc ấy xuất hiện rất nhiều, giá bán rất rẻ. Tôi nhớ mãi món hủ tiếu xào với tép lúc ấy với lượng tép và hủ tiếu tương đương. Dĩa hủ tiếu đỏ rực tép, chan với nước mắm cũng đỏ rực (ớt).

2 Khạp nước ven đường

Năm trước, lúc xem chương trình truyền hình về SEA GAMES Myanmar tôi thấy có chiếu và nói đến những hũ nước cho khách bộ hành uống được đặt ven đường ở vùng nông thôn Myanmar. Ở Vĩnh Long, việc này đã có từ xưa. Tôi còn nhớ lúc nhỏ (mới đây thôi, khi học TPH) có thể đi chơi cả ngày mà không phải kè kè mang theo chai nước, mà cũng không phải tốn tiền vào quán vì ven đường đã có những lu nước để uống. Ở nhà tôi cũng thế. Bà Ngoại cho đặt ven đường trước nhà một khạp nước nhỏ (khoảng 20 lít). Nước trong khạp là nước mưa, đã được lọc kỹ qua mấy lớp vải mùng, cạnh đó là cây cọc móc cái gáo (dừa) có cán dùng để múc nước uống. Tôi là người chịu trách nhiệm chăm nước vào lu, nếu thấy vơi.

h21

Sau này ít người uống vì họ cho là thiếu vệ sinh, nước chưa đun sôi tiệt trùng, và bao nhiêu người uống chung một cái gáo. Rồi một ngày nắp khạp bị bể, có thể là do có người ngồi lên. Tôi tìm được viên gạch tàu lục giác làm nắp tạm, nhưng chỉ một tuần sau là phải dẹp vì lần này hũ bị bể (viên gạch phẳng, ngồi còn thoải mái hơn!) Hiện nay ở tp HCM nhiều nơi ven đường tôi thấy có những bình nước uống miễn phí. Rất hay.

3 Quá Giang

Khi xin đi xe nhờ, người ta sẽ nói là “xin quá giang”. Có người còn nói trại ra là “xin có giang.” Thật ra từ “quá giang” có nghĩa là đi nhờ xuồng ghe sang bên kia sông vì nơi đó không có cầu. Vĩnh Long, cũng như những tỉnh khác của vùng đồng bằng Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt khó có thể xây cầu qua hết mọi con sông nên việc cho “quá giang” là một việc cần thiết, là sự tương trợ giữa con người với nhau khi sống giữa vùng sông nước mênh mông, dù việc làm ấy mất rất nhiều công sức và thời gian. Tôi thật sự hiểu được ý nghĩa của từ quá giang khi đi thăm nhà người cậu sống ở vùng Vườn Cò, Măng Thít. Lúc ấy, đến nhà cậu của tôi chưa có đường chính thức, phải băng đồng mà đi, hoặc đi bằng đò, đậu ở bờ sông chợ ngã 4 Long Hồ, và mỗi ngày chỉ chạy 1 chuyến. Trể đò, tôi và đứa em con của cậu (hướng dẫn viên cho tôi) phải đi bộ. Chúng tôi mấy lần xin quá giang nhưng chưa lần nào bị từ chối. Khi đi đường gặp con sông chắn ngang, nhưng không có cầu để đi qua, rồi được một người tốt bụng cho quá giang thì sung sướng nào bằng? Việc quá giang đã  mang đến cho tôi những kỷ niệm khó quên. Muốn xin quá giang, bạn phải đứng sát bờ sông ở nơi dễ thấy nhất. Khi thấy có xuồng, ghe đến, bất kỳ theo hướng nào, bạn phải la thật to để người chèo xuồng thấy bạn ở khoảng cách càng xa, càng tốt, vì xuồng chạy trên nước, khó chạy lui và không thể quẹo vào bờ theo góc 90 độ như xe chạy trên đường, cạnh đó còn có yếu tố dòng chảy. Khi người lái xuồng thấy bạn và chịu cho bạn quá giang họ sẽ chỉ cho bạn chỗ xuồng họ sẽ cập vào, và cũng là nơi bạn phải chạy đến, và đứng chờ. Và bờ sông không phải chỗ nào cũng quang đảng. Có trường hợp quá giang rồi bạn lại thấy mình đang đứng trước một con kênh khác, lại phải tìm và chờ xin quá giang. Tôi cũng từng bị như thế. Bờ sông chỗ ấy cây cối um tùm, che khuất con kênh. Qua sông không bị ướt, giờ không lẽ chịu ướt vì phải lội qua con kênh rộng có 5 – 6 mét? Thế là tôi bấm bụng vạch cây lá đi bộ men theo con kênh. May quá. Đó chỉ là một cái xẻo cựa gà dài tổng cộng chừng 30 mét. Cũng đỡ.

h4Khoảng thời gian “quá giang” chỉ vài phút, trao đổi được dăm câu, thường là chào hỏi về bà con, hàng xóm, gia cảnh. Dân thành phố (SG) về sẽ được đặc biệt ưu ái. Còn gì vui bằng khi anh trai là dân chợ, còn người cho quá giang là một cô gái mặc áo bà ba, mái tóc dài, đội nón lá có 2 đầu quai bay phất phơ trong gió. Trong trường hợp ấy hãy chiêm ngưỡng “cô gái cho qua giang” theo cách thật khéo, kẻo cô gái ngượng mà lũi xuồng vào bụi ô rô đầy gai để sau khi lên bờ bạn sẽ có kỷ  niệm nhớ đời.

Nguyễn Hoàng Long

 

Có 19 bình luận về VĨNH LONG, QUÊ HƯƠNG  TA.

  1. Luong Minh nói:

    Đây là một đề tài hay, thiết nghĩ các bậc lớn tuổi nên tham gia. Riêng tôi sẽ viết một vài mục như anh Long.

    Nước tháng 10

    Tháng 10 nước lớn hai đợt, đầu tháng và giữa tháng, cao điểm là ngày 17. Dân gian có câu Mười bảy nước nhảy khỏi bờ. Ở Sài gòn nước cũng lên ở nhiều khu vực mà báo chí thường gọi là triều cường. Dân quê không sợ nước ngập vì họ biết quy luật. Gần đến ngày ngập nước thì kiếm ván kê hủ gạo lên, tủ bàn nếu được cũng đưa lên cao, nếu không sau cơn nước thì tủ thờ, đi văng bị mốc thít. Mấy đứa nhỏ rất khoái nuớc vô đến giường, gần sáng đi tiểu khỏi cần bước xuống đất, đứng thẳng người từ giường mà tè xuống thôi vì chung quanh toàn nước với nước.

     

     Lu nước bên đường. Hiện nay ở Sài Gòn có vài nhà cũng để bình inox chứa trà đá dành cho khách đi đường uống miễn phí. Ngay vòi nước có treo cái ca uống nước nhưng có cột sợi dây , sợ ai đó uống xong cầm đi luôn. Đi đường xa khát nước vào quán tốn  5-10 ngàn đồng. Có nơi giải khát như vầy cũng đở khổ 

  2. Bài viết của bạn Nguyễn Hoàng Long thật đúng thực tế dân miền tây nam bộ, nhất là vùng quê sông rạch chằng chịch. Phương tiện giao thông rất thiếu thốn…nên việc xin quá giang (qua sông) là chuyện bình thường…Đôi khi còn có những mối tình lãng mạn xuất hiện trong các cơ hội này.

  3. Trong truyện mình viết không kỹ nên anh Lương Minh hiểu nhầm. Kê gạch, lót ván là để đi ngoài sân, còn nhà mình NỀN ĐÚC CAO TỚI NGỰC. Đố các bạn cụm từ “nhà nền đúc cao tới ngực” đã được nhà văn gốc Vĩnh Long nào viết, và trong tác phẩm nào? Khó đấy.

  4. Viết phản hồi cho Hoàng Long, bấm nút ” Phản hồi ” thì phản hồi biến đâu mất. Đây là lần đầu tiên bị trục trặc như vậy nên lại viết thêm lần nữa, hy vọng lần này phản hồi sẽ không bị mất.

    Vì không là dân miền Nam nên những gì Hoàng Long đưa ra trong bài viết đã làm giàu thêm kiến thức của tôi về quê nhà. Tiếc là những điều, những việc quen thuộc, thân thương trong cuộc sống hàng ngày thời xưa nay từ từ biến mất…… Hoàng Long có những nhận xét rất tinh tế dù trong những sự kiện tưởng như là không quan trọng. Đó cũng là ưu điểm của tác giả, nhờ đó đã lôi cuốn được người đọc.

  5. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài viết rất ấn tượng, bạn Hoàng Long.

    Đằng sau sự quan sát, ghi chép tinh tế, là cả tấm lòng yêu thương

    con người, quê hương, đất nước.

  6. Nguyễn Văn Lần nói:

    Anh Phú Thạnh cho người nữ quá giang qua sông. Nhưng xuồng bị chìm, nên mới có chuyện lãng mạn ông LM ui !

  7. Gửi bạn Anh Tú: gần đúng rồi. Tác giả đúng là Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhưng tác phẩm thì lệch chút xíu. Cố lên. Đoán đúng mình xin đãi 1 chầu cà phê ngay (nếu ở SG), còn ở VL thì xin khất đến khi có dịp. Nhớ cho địa chỉ e-mail để mình liên lạc nếu được làm khổ chủ.

    • Hoàng Long ơi,

      Anh Nha ( Anh Tú ) đã đưa ra bằng chứng rõ ràng, như vậy là em đã thua cuộc rồi đấy, chầu cà phê thì chắc phải đợi khi nào anh Nha có dịp từ Hoa Kỳ về thăm quê nhà. Anh Nha là bạn thân của anh Phú Thạnh, ở lứa tuổi đàn anh của cô và là cộng sự viên lâu năm của trang nhà, thơ của anh rất nhiều và rất hay. Từ từ đến với trang nhà, em sẽ làm quen và biết thêm về các thành viên để rồi sẽ cảm thấy như mình cùng trong một đại gia đình. Ngày 10/7 này là ngày mừng 4 năm thành lập trang nhà, được tổ chức họp mặt tất cả các anh chị em tại Vĩnh Long. Nếu em có rảnh mời em tham dự cho vui, mọi chi tiết em liên lạc với Lương Minh. Cô đã nhận được mail của Quốc và cũng đã có mail trả lời.

      Cô Hồng-Khanh

      • Thưa Cô em đã được anh Lương Minh mời, em rất vui nên ngày 10/7 tới này em sẽ thu xếp để về (không phải là đi, quê hương của em mà) VL. Cách đây mấy ngày em đã chịu thua, và đã có người nhận phần thưởng chiến thắng rồi, người ấy là anh Minh, nhận thế anh Nha, sẽ chung cà phê tại SG.

        Trong quyển KHUNG RÊU của Nguyễn T. Thụy Vũ có đoạn nhân vật xưng tôi nói với cô bạn việc phải đi chằm lá kiếm thêm tiền sống. Cô bạn tỏ vẻ ngạc nhiên, không tin nói:”… nhà mầy nền đúc cao tới ngực…” Cũng theo đoạn văn này em đoán nhà của nhà văn Thụy Vũ ở xóm cầu Dài, xóm nổi tiếng VL với nghề chằm lá (bên kia sông chợ cá VL). Các bạn thổ công VL nghĩ sao?

        • Luong Minh nói:

          Cầu Dài là xóm của anh Trương Phú, nếu đúng như vậy thì là đề tài tốt cho anh Phú đi viết bài: Hồi xưa, Thụy Vũ sống ở đây như thế nào? Không biết trong xóm này có ai còn biết nhà văn không ?

        • Trương phú nói:

          Nguyễn thị thụy Vũ, nơi sinh ở Cầu Lầu , chứ không phải cầu dài thuộc khóm 1 phường 5 , Vĩnh Long

      • Anh Tú nói:

        Chị Lê Thân Hồng Khanh thân mến,

        -Chỉ là trao đổi chuyện văn nghệ nên không có vấn đề  thua cuộc chị ạ,

        -Cám ơn chị đã giới thiệu tôi với Hoàng Long bằng mỹ từ và hảo ý chứ tôi nghĩ đơn giản rằng Hoàng Long, tôi, Phú Thạnh là anh em của một nhóm cựu học sinh Nguyễn Thông/Tống Phước Hiệp và hơn hết là “dân Vĩnh Long”.

        -Nếu thuận tiện sẽ về thăm quê hương lần nữa, dịp đó sẽ hôi ngộ bạn bè đã biết và mới biết sau này.

        Cám ơn chị

        Nguyễn Hồng Ẩn (NHA)

  8. Anh Tú nói:

    Nguyễn Hoàng Long thân mến,

    Tác phẩm của nhà văn Nguyễn thị Thụy Vũ có rất nhiều, không thể đọc hết. nếu  đọc hết mà nhớ đưọc mấy chữ NỀN ĐÚC CAO TỚI NGỰC ở đâu mà bạn hỏi bất chợt chắc là KHÓ (như bạn nói).

    Thấy câu hỏi cũng thú vị nên tôi cố tìm hiểu, theo cách riêng của tôi, thì được biết trong chuyện ngắn nổi tiếng LÒNG TRẦN, nói về một đào hát được một ông nhà giàu mê tìm cách chinh phục bà về làm vợ, bà xiêu lòng nên bỏ nghề về nhà của ông phú hộ (nền đúc cao tới ngực), sau bà đi tu (ăn chay) đến lúc sắp lìa đời bà lại muốn nếm một MUỖNG NƯỚC MẮM do đó mà truyện ngắn LÒNG TRẦN  có nhiều người đọc nhắc đến bằng  tên MUỖNG NƯỚC MẮM.

    Sau đây là một đoạn trích trong truyện:

    “Bà ngồi âm thầm giữa chánh điện hai bàn tay gầy lần tràng chuỗi hạt hổ phách, ni cô tụng hết tuần kinh lui vào trai phòng bên tách trà nhạt còn bốc khói. Bà ôn lại ngày bà còn là một cô đào chánh đã làm say mê biết bao nhiêu vương tôn công tử. Ông phú hộ Thọ đã chia gần nửa số gia sản của ông để đổi cô. Rồi cô bỏ sân khấu về sống trong một ngôi nhà nền đúc cao tới ngực có hàng chục người hầu hạ. Mỗi lần cô giam mình sốt mẩy, thầy lang được rước về tận nhà và ở lại đó cho đến khi cô khỏi hẳn.”

    Nếu có truyện nào xữ dụng NỀN ĐÚC CAO TỚI NGỰC nữa hay không thì tại hạ chịu thua.

    Tìm giải đáp cho vui chuyện văn chương  thôi chứ không phải ý tìm được giải thưởng. Nếu tình cờ chúng ta gập nhau và được biết là dân cựu học sinh TỐNG PHƯỚC HIỆP hay đã biết nhau trên trang nhà thì cà phê là chuyện bình thường. Dầu sao cũng xin cảm ơn Nguyễn Hoàng Long có nhã ý đãi cà phê nêu tôi cố lên, mà cố lên phải đúng mới được phải không? Chỉ tới đây thôi không cố lên được nữa. Hi hi.

    Tình thân,

    Anh Tú hay NHA

     

    • Anh Tú mến, em người VL nên có cái gì hay về VL thì rất thích. Mà chắc anh cũng thế: Ít ra VL mình cũng có 1 nhà văn lớn chứ!

      “Nhà nền đúc cao tới ngực”, hay “nhà hột xoàn cả tô” là những câu nói bình thường người dân quê ta dùng để diễn tả sự giàu sang. Chất liệu VL trong văn của Thụy Vũ rất rõ. Chắc chắn nhà văn sẽ sử dụng cụm từ này trong những tác phẩm của cô. Ở đây là em “liều mạng đố” cho vui. Nhưng phải nói thêm là đã hơn 40 năm kể từ ngày em xem quyển Khung Rêu, sở dĩ em còn nhớ vì lúc ấy em phải mất hơn 400 đồng để mua quyển truyện trong khi học bổng/tháng của giáo sinh sư phạm chỉ có 2.000 đ. Chúc anh khỏe, sáng tác hăng. Chào anh.

       

      • Anh Tú nói:

        Anh đồng ý với Hoàng Long tất!

        400 đồng để mua quyển truyện trong khi học bổng/tháng của giáo sinh sư phạm chỉ có 2.000 đ. ” làm anh nhớ vào năm 1954(vào học Đệ thất), 1955,… “lương” của anh 20đ/tuần hay có khi cho 2 tuần ( từ người bác nuôi cho đi học) anh đã xài hết 6đmua tuần báo Phổ Thông của Phú Đức để đọc chuyện Mình Ơi và Châu Về Hiệp Phố (tiểu thuyết có Hoàng Ngọc Ẩn và Lệ Thủy).

        Hy vọng có dịp gặp nhau.

        NHA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác