Tên bạn do ai đặt ?
Khi đọc câu này có bạn sẽ nói:”Dễ ợt, thế mà cũng hỏi! Tên do cha mẹ đặt. Sinh ra, thấy mặt đặt tên.” Bản thân tôi rất đồng ý với vế sau: “thấy mặt đặt tên”
Nhà việc Long Châu (cũ) nay là trụ sở UBND TP Vĩnh Long, ảnh minh họa nguồn Internet
Tôi ra đời vào tháng 6 năm 1954, thời kỳ chiến tranh ác liệt. Lúc này, cả hai bên đã chịu ngồi vào bàn đàm phán ở Geneve (Thụy Sĩ) nhưng đang trông đợi vào một chiến thắng quân sự, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán, ảnh hưởng đến hiệp định được ký kết sau này (tháng 7/1954).
Lúc ấy ba tôi là lính đóng tiền đồn. Lần về thăm nhà gần nhất ông dặn mẹ tôi: “Nếu là con trai, đặt tên Nguyễn Văn Hoàng, là…”. Mẹ tôi ghi nhớ, con trai tên Nguyễn Văn Hoàng…”
Khi chuyển dạ, mẹ đến nhà thương lớn gần chợ VL để sinh tôi (Nhà thương lớn bây giờ là siêu thị). Ngặc nỗi khu hộ sinh nằm ngay ngã tư, nếu bạn từ cầu Lộ đi xuống chợ, bạn sẽ gặp khu hộ sinh trước, và ngay sau khu hộ sinh là quân y viện. Mẹ nghe tiếng còi xe tãi thương hụ sợ đến nỗi… không sinh được! Tôi ra đời muộn khoảng một tuần, nên tóc dài và trên người có lớp lông.
Thời ấy chưa có bút dầu khó phai để ghi, cũng chưa có vòng đeo tay cho mẹ và cho trẻ, mà trẻ cũng chưa có tên để gọi, để tiện việc chăm sóc các cô y tá phải áp dụng cách: thấy mặt, mũi, tay, chân mà đặt biệt danh. Các cô sẽ gọi: “Con bé mặt tròn”, “thằng bé tóc quăn”, có lẽ tôi mang biệt danh “thằng bé lông”.
Mẹ nhớ, sau khi tôi lọt lòng, mẹ có dặn cô y tá: “Cô ghi tên cho cháu là Nguyễn Văn Hoàng.” Cô y tá đáp: “Rồi. Con trai chị tên Nguyễn Văn Hoàng.”
Mấy hôm sau, khi nhân viên hộ tịch đến bệnh viện lập khai sinh cho chúng tôi, có lẽ lúc đó cô y tá phụ trách chăm sóc tôi đang bận việc.
Nhân viên hộ tịch: Thế hai đứa nằm góc này tên gì?
Cô y tá: Hai đứa nằm góc đó hả? Con bé mặt tròn tên Trần Thị X, còn Nguyễn Văn Hoàng là thằng bé lông.
Nhân viên hộ tịch: Con bé tên Trần Thị X, thằng bé tên Nguyễn Văn Hoàng Long. Con trai gì tên 4 chữ nghe yếu quá. Thôi, bỏ chữ “Văn” đi. Tôi ghi tên cho nó là Nguyễn Hoàng Long nhé.
Cô y tá: Ừ
Nhờ cô y tá và nhân viên hộ tịch mà tôi có cái tên đẹp ngoài dự định của gia đình!
Qua tìm hiểu tôi mới biết dòng họ tôi cũng có nhiều người mang tên không do cha mẹ đặt.
Khi bà nội sinh cô Tư, lúc đã cứng cáp bà bế cô lên nhà làng Long Châu lập khai sinh. Bà nói, tôi đặt tên cho con bé là Nguyễn Thị Tươi. Nó là con gái, tôi mong cuộc đời nó được tươi đẹp.” (Mà cô Tư tôi đẹp thật, về già vẫn đẹp… lão). Nhân viên hộ tịch: Không đặt tên theo họ Nguyễn, cha nó được. Hai ông bà không có hôn thú. Quy định mới “không có hôn thú phải đặt tên con theo họ mẹ.” Nó phải khai theo họ của bà là họ Lê. Như vậy tên nó là Lê Thị Tươi.
Bà nội: Tên Lê Thị Tươi. Cám ơn ông.
Mấy năm sau bà sinh chú Năm. Bà lại bồng chú lên nhà lập khai sinh. (Thời đó làng Long Châu có ít người. Nhân viên trong làng thậm chí có thể biết nhà ai có mấy người, vợ chồng có mấy con, mấy trai, mấy gái…)
Bà nội: Các ông ghi tên cho cháu là Lê Văn Tốt. Chị nó là Tươi, nó là Tốt. Hai chị em nó đời được tươi tốt. Nhân viên hộ tịch: Cái gì mà tươi với tốt? Sổ ghi rành rành nè. Chị nó con tư, tên Lê Thị Tư.
Bà nội: Ủa? Tôi nhớ lần trước khai tên chị nó Nguyễn Thị Tươi, mấy ông không chịu, bắt phải khai Lê Thị Tươi. Anh em nó mỗi người mang một họ, giờ sao lại là Lê Thị Tư?
Trước lời nhắc chính xác của bà nội, người nhân viên hộ tịch đã nhận ra cái sai của mình. Để chữa thẹn, ông ta bước đến mơn trớn chú Năm rồi nói: “Nó đây hả? Cái đầu méo xẹo mà tốt nỗi gì! Chị nó thứ tư, tên Lê Thị Tư. Nó thứ năm, tên Lê Văn Năm. Đi về!” Mấy chữ cuối ông ta nói như quát.
Bao nhiêu ước vọng ông bà nội tôi đặt vào cô và chú đã bị tước đoạt sạch.
Chưa hết.
Chồng cô Tư quê Bến Tre. Trong nhà, dượng thứ sáu nên được đặt tên Phan Văn Sáu, nhưng trình độ văn hóa nhân viên hộ tịch Bến Tre không kém gì trình độ văn hóa nhân viên hộ tịch làng Long Châu, kết quả: dượng có tên Phan Văn Sáo. Khi làm việc cho Nhà máy điện Chợ Quán, bị anh em làm chung trêu chọc, sẵn dịp làm thẻ kiểm tra, dượng bỏ dấu sắc, thành ra tên Phan Văn Sao, đọc cứ nghe như “trăng sao”. Khá thơ mộng? Xin chân thành cám ơn nhân viên hộ tịch.
Thế còn bạn. Tên bạn do ai đặt?
Nguyễn Hoàng Long
Nhắc tới trình độ của mấy “ông” hộ tịch thời bấy giờ. Tui chợt nhớ có anh bạn học chung năm lớp Nhứt E ở Tam Bình, mang tên họ : Buồi Văn Hành.
Dân ấp 5 hay nói dìa thay cho về (phát âm ‘quề’ như Trường Giang trên trường quây, hihi), quì quậy bị Phi-Rôm cho cái tên Một Lúa tới bây giờ. Từ rày, không dám chọc cô ấy. Cổ cho tên Hai Lúa thì lúa nhóc luôn. hihihi
Xin phép cho mượn chỗ dài ngày nhé!
Trước 1975 tôi có đọc truyện ngắn hay của nhà văn Trọng Tấu nhan đề «Cô Thụt » cô gái quê đẹp yểu điệu thụt nữ bị ông Hộ tịch thụt một cái sau lớn lên gặp trăm chuyện rắc rối trên đường đời
Tôi có 2 em tên KS theo thứ Lý do ông Hộ tịch đưa ra.Vậy cho nó dễ lỡ trùng tên không ai phiền!!?
Câu chuyện của anh Hoàng Long thật hay và thực tế. Nhưng vậy là anh hên rồi, được hộ tịch đặt cho cái tên đẹp. Không như bạn của tôi, có người tên Kim Tuyến thành Kiêm Tiếng; Kim Liên thành Kim Liêng; Lan thành Lang…Cả đời dạy học mang tên đó đến về hưu. Bây giờ thì tốt hơn rồi và lỡ có sai thì chỉnh được. Vì vậy, mấy đứa cháu tôi khi làm khai sinh, đích thân tôi xem lại từng chữ, có gì còn điều chỉnh kịp.
Đúng vậy, phải cám ơn cuộc đời và mọi người quanh ta nên ta mới… được như ngày này. Bạn có gì hay, vui nhớ chia sẻ.
Việc đặt tên cho đứa con nít mới sanh ngày chữ quốc ngữ còn yếu với quý quan chức làng xã.
Bà nội tôi ông cố đặt tên là Truyền, vì ông anh của bà tên Phổ, làng đặt tên là Tuyền, có lúc sau lại ghi Tiền, cự cãi mới được tên bị sửa sai đầu tiên là Tuyền.
Phần tôi tên lót không phải là Văn mà khi được khai sanh có chử Văn, nội cằn nhằn ba tôi cả tháng.
Khi tôi ở Hà Tiên, có ông bạn sinh tại nơi này với tên khai sinh Trần Phình Chu, cha mẹ đặt tên Trần Bình Chu, qua tay ông thơ ký thành Phình đến mãi mãi.
Cháu ngoại tôi khi đặt tên tôi vẫn nhắc chừng cháu tên CáC, vậy mà có lúc bị cự khi có việc – Không biết viết thì nhờ người viết chữ các phải là cát chữ T chứ ai đâu mà chữ C. hì..hì..