Thầy cô của tôi (kỳ 2)

Ngày đăng: 20/03/2016 11:13:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Học sinh trường tôi ngày ấy vẫn đồn cô Thiên H. dạy Địa Lý là “hắc” nhất trường. Tôi chưa học cô H. Phụ trách Địa Lý năm đệ tam của tôi là cô Lâm Thị Dung. Cô đã lớn tuổi, rất nghiêm, đi dạy luôn mặc áo dài màu trắng, và đến trường bằng cyclo (do một người phu nhất định chạy, thỉnh thoảng cô cũng đi bằng xe Honda 90 do một thanh niên to con, chắc là con cô, chở).

Quy luật học tập của trường tôi rất nghiêm. Thí dụ như trong giờ học, khi chuông báo giờ học bắt đầu là học sinh phải ngồi vào chỗ, vở (môn học ấy) phải được gấp lại, để ngay trên bàn. Học sinh khi được gọi tên hỏi bài mới cầm vở đi theo đường thẳng về hướng bàn giáo viên, lúc bước lên bục giáo viên mới được mở vở ra (ngay phần đang học), đặt ngay ngắn trước mặt giáo viên, xong bước xuống nền, quay người hướng xuống cuối lớp.

Hôm ấy tôi có linh tính hôm sau sẽ được hỏi bài Địa Lý nên học bài rất kỹ, nhưng vẫn chưa yên tâm tôi mới bẻ góc trang vở làm dấu để xem lại một lần nữa trước khi đi ngủ.

Kế tiếp tôi làm toán. Nhưng gặp bài toán quá khó, tôi loay hoay giải mãi mới xong. Lúc tôi làm xong toán đã quá khuya, quá mệt, thế là tôi lấy sách, vở môn Toán nhập chung chồng sách, vở đã đặt sẵn trên bàn, rồi dồn tất cả vào cặp. Ngủ muộn, dậy muộn, đi học muộn. Tôi chưa đến lớp chuông báo giờ học đã reo, thế là tôi đi nhanh vào lớp, móc vở Địa Lý đặt ngay lên bàn rồi ngồi xuống. Cô đến lớp. Sau những thủ tục thường lệ là phần hỏi bài. Tôi là người đầu tiên được gọi tên. Tôi cầm vở đi đến bàn cô, khi bước lên bục mở vở ra mới phát hiện phần trang bị gấp. Tôi lập tức bẻ quyển vở ngược lại, một mặt dùng ngón tay miết trên nếp gấp trang, nhưng vô ích. Sau hơn một đêm bị nhét cứng trong cặp, chỗ gấp đã thành nếp! Sau một lúc chờ mà không thấy tôi đặt vở xuống bàn, cô quay mặt sang. Thế là tôi phải đặt vở xuống bàn, chân bước lui xuống nền, quay người hướng về cuối lớp nhưng vẫn kịp nhìn thấy góc trang vở đang… bay phất phơ trong gió từ cây quạt trần thổi xuống. Cả lớp đều biết có chuyện không hay sắp xảy ra. “Réééét”.

Quyển vở của tôi bay, rồi trượt trên nền nhà và sau cùng nằm trong góc. Một lệnh thật đanh vang lên: “Về chỗ! Tuần sau quay lại đây.” (Tôi học ban Toán, môn Địa Lý học 1 giờ/tuần) Tôi quay sang chào cô, đến góc lớp nhặt quyển vở rồi về chỗ ngồi.

Về nhà, tôi phải mất cả buổi để khắc phục “sự cố”. Tôi phải lấy một quyển vở mới tháo kim để thay cho trang bìa bị rách cùng một số trang khác bị nhăn, bị dơ (do trượt trên nền nhà), cũng như chép lại bài trên những trang đó. Từ đó tôi có thói quen tốt là không bao giờ bẻ góc tập, góc sách làm dấu. Thay vào đó tôi sẽ dùng thước dẹp, hay que dẹp để làm dấu. Sau này tôi sưu tầm những tấm hình nhỏ vui, ngộ để làm dấu. Tôi cũng phát hiện điều: Khi đóng những quyển sách quý, người thợ đóng sách bao giờ cũng gắn vào đó một đoạn dây dài khoảng 7, 8cm với màu sặc sở để đọc giả đánh dấu trang.

Năm 1972 người dân râm ran truyện những người Khmer quá khích phát động phong trào  Cáp Duỗn (Chặt Đầu Người Việt) sát hại Việt kiều tại Kampuchia. Đỉnh điểm là khi người dân ở Tân Châu, Hồng Ngự vớt được xác một số người mất đầu mà qua cách ăn mặc có thể đoán đó là người Việt. Dân chúng phản ứng mạnh, đòi chính quyền thời bấy giờ phải có những biện pháp quyết liệt với chính quyền Kampuchia để chấm dứt nạn diệt chủng. Trường chúng tôi bãi khóa, biểu tình hưởng ứng.

Biểu ngữ được trương lên vài phút là Cảnh sát đến (trường của tôi và Tổng nha Cảnh sát đối diện nhau  trên cùng con đường). Mấy chú cảnh sát cũng đồng tình với việc chúng tôi biểu tình chống Cáp Duỗn, nhưng vì nhiệm  vụ phải dẹp biểu tình. Mấy chú khuyên,”Chúng tôi còn nhỏ, nhiệm vụ chính là học hành, đừng đi biểu tình mà bị người ta lợi dụng. Chúng tôi nên sớm rời trường ra về, trước khi mấy chú áp dụng biện pháp mạnh.”

Chúng tôi không đồng ý, tiếp tục biểu tình, hô vang khẩu hiệu. Lựu đạn cay được ném vào tới tấp. Các bạn nhặt đá ném lại, miệng vẫn hô vang những câu khẩu hiệu. Thêm nhiều phi tiễn chứa khói cay được bắn vào. Trong trường khói cay bay mù mịt. Trong đám khói đó tôi nhận ra cô Dung. Tôi đến bên cô hỏi: “Cô cũng biểu tình hả cô?” (Theo luật, công chức không được biểu tình.) Cô trả lời: “Phải biểu tình mạnh đi chứ. Ở bên ấy,chúng nó giết người Việt mình quá trời!” Chúng tôi hoan hô cô. Giờ bên cạnh quan hệ thầy trò còn có thêm tình cảm giữa những người chia sẻ cùng ý nghĩ.

Khoảng nửa giờ sau chúng tôi yếu thế (không còn đá ném), Cảnh sát đã vào được trường.Trong đám khói mù mịt chúng tôi có thể thấy những người mang “mặt nạ đầu heo” chống khí độc, tay vung dùi cui tiến vào các phòng học truy đuổi học sinh chúng tôi. Dù đã liên tục dùng khăn ướt lau mặt, che mũi cũng bằng khăn ướt nhưng bây giờ không khí đã quá ngạt, bụng chúng tôi cồn cào, miệng chỉ chực nôn (do khí nôn), ngực tức. Ở lại lâu sẽ có người bị ngất, mà chạy ra cổng sẽ bị đánh và thậm chí  có thể bị bắt. Thế là chúng tôi quyết định leo rào. Tôi biết hàng rào phía đường Nguyễn Hoàng hơi thấp, chỉ cần leo qua rào là chúng tôi vào được khu dân cư ven trường, rồi từ đó men theo những con hẽm nhỏ thoát ra về. Leo rào đối với chúng tôi là chuyện dễ, còn đối với cô Dung là điều không thể. Thế là chúng tôi khiêng bàn đặt áp sát hàng rào, thả thêm ghế bên kia hàng rào cho dễ bước qua, tìm một chiếc cặp rồi dùng nắp cặp bọc phía trên hàng rào để kẻm gai không móc vào áo dài, quần rộng của cô. Chúng tôi hộ tống cô qua rào không một vết sước.

Dù là học sinh lớp tú tài (đệ nhị) nhưng tôi không biết chăm sóc tóc tai, mặt mũi. Thấy tóc tôi dài, ba, má nói “Tóc con dài” là tôi sắp xếp thời gian đi đến tiệm hớt tóc quen, chờ để ngồi vào ghế của ông thợ quen và để ông ta tự do trổ tài. Bao giờ ông ta hô “xong rồi” là tôi bước xuống, trả tiền, về.

Hôm ấy là sáng Thứ hai, đầu tuần sẽ có chào cờ và sinh hoạt dưới cờ. Học sinh phải nhanh chóng đến lớp, cất sách, vở rồi tập trung theo lớp dưới sân để chào cờ. Giữa đám đông các bạn, tôi đẩy nhanh xe qua cổng. Bổng nhiên có bàn tay từ phía sau giật lấy tóc mai của tôi. Tưởng bị bạn giởn, tôi dùng tay hất nhanh bàn tay ấy ra (vì bị đau, và cũng vì tôi không muốn đứng lại để  bị xe của bạn đi sau đụng). Có tiếng người nói, “Vô lễ quá.

Dám hất tay thầy Tổng Giám thị.” Thầy giám thị đứng trong sân trường cũng bước nhanh đến, vẹt mấy chiếc xe phía trước và nắm xe tôi lại. Tôi nhìn lại mới biết người vừa bị tôi hất tay là thầy Tổng giám thị Tăng Văn Chương. Tôi chưa bao giờ tiếp xúc thầy Chương, chỉ nhìn thấy thầy, một người đứng tuổi, thấp, mập, đeo kiếng đen, khoanh tay trước ngực đi đi, lại lại trong sân trường. Thế là tôi bị tách riêng ra, cho lên đứng chờ trước phòng kỷ luật (lúc đó mọi người còn tập trung ở sân để chào cờ và sinh hoạt). Tôi vừa sợ vừa tức. Tôi hất tay là phản ứng tự nhiên khi bị nắm tóc bất ngờ, và cũng do tôi nghĩ là bạn giởn. Đúng ra đây chỉ là tai nạn, mà nguyên nhân không phải do tôi. Nhưng hành động hất tay thầy Tổng Giám thị đã quá rõ, bao nhiêu người thấy. Ra hội đồng kỷ luật biết nói sao? Đúng lúc ấy thầy Nguyễn Ngọc Nam đi ngang. Thầy đang dạy tôi môn Sinh Vật. Thấy tôi thầy hỏi, “Sao cậu không xuống sân chào cờ mà lại đứng đây?” Tôi trình bày tự sự. Thầy nghe xong liền lui ra sau một bước, mắt nheo nheo ngắm tôi từ đầu xuống chân rồi cười khè khè nói, “Cậu mà đi nhanh thì cỡ thầy Chương phải chạy theo mới níu được tóc cậu. Thôi được rồi, để tôi xin cho. Mà nè, cậu lớn rồi, làm việc gì cũng phải biết nhìn trước, ngó sau. Đâu cứ hở hở là vung tay, quơ chân!”

Từ đó, sáng sáng tôi biết soi mặt mình trong gương, biết sử dụng dao cạo, biết chăm chút tóc tai, mặt mũi, quần áo.[Có dạo tôi nhầm thầy Nam với nhà văn Sơn Nam. Ngoài việc trùng tên, hai người đều viết văn (thầy Nam viết sách Sinh Vật nhưng không được học sinh chuộng. Học sinh ban Toán thích sách của thầy Đỗ Danh Tẩm), đều là người miền Nam, nhỏ người, luôn mặc áo sơ mi tay dài bỏ vào quần, sau lưng có mấy nếp nhăn, và nhất là “tướng đi Charlot”.]

Nguyễn Hoàng Long ([email protected])

0 co giaoH

Có 4 bình luận về Thầy cô của tôi (kỳ 2)

  1. Ghi chú:

    Cô Lâm Thị Dung còn được học sinh chúng tôi đặt biệt danh là “Bà Ngoại”.

  2. My Nguyen nói:

    Bài viết thật hay với những tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn. Những kỷ niệm thật sâu sắc với Thầy Cô, từ đó đã hình thành những thói quen tốt trong đời học sinh. Hèn nào mấy mươi năm anh Hoàng Long vẫn nhớ…

  3. Nếu cô không lầm thì em đang kể chuyện thầy , cô của em ở trường Petrus Ký tại SG ngày xưa. Bên Đức, hội ái hữu cựu học sinh Petrus Ký  hoạt động mạnh, mỗi năm đều có tổ chức họp mặt ít ngày cho các hội viên, không những cho hội viên ở Đức mà cho tất cả các cựu học sinh và thân hữu tại Âu Châu, số người tham dự nhiều khi lên đến cả trăm. Các cựu học sinh này cũng có nhắc đến cô Thiên Hương, tiếc là em không được học với cô Thiên Hương, nếu không chắc em cũng sẽ có rất nhiều kỷ niệm để kể lại về cô như các bạn cựu học sinh ở bên này.

  4. Truong Minh Khach nói:

    Doc xong bai viet cua anh Long lam nho lai nhung nam thang hoc truong Petrus Truong Vinh Ky! Nho Thay Nam, Thay Ta Ky, Thay Nguyen Xuan Hoang …va cac Thay khac! Nho khong khi nhung ngay bai khoa chong don quan bat linh va rut xang tu bai xe de lam bom xang chong tra canh sat da chien bao quanh truong! Oi the ma da hon 40 nam roi!

    Cam on anh Long goi nho lai nhung ngay thang khong the nao quen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác