Ngôi trường tuổi thơ (Phần đầu)
Tôi học lớp Năm và lớp Tư ở trường tiểu học Phước Bình B, thuộc xã Sơn Giang, tỉnh Phước Long. Lúc đó tỉnh mới thành lập nên nói núi Bà Rá được nhiều người biết hơn.
Trường gồm 3 dãy phòng xây tách rời tạo hình chữ U quanh sân trường, mỗi dãy có 3 phòng, nhưng tôi nhớ như chỉ sử dụng có 2 dãy phòng vì khi chơi ‘trốn tìm’ thỉnh thoảng tôi vẫn chạy vào đó trốn. Trường xây đơn sơ, mái lợp fibro cement, vách gỗ dưới thấp, bên trên (phía cửa >1,5m, phía sau >2m) thì đóng nẹp gỗ bắt chéo (đóng mắt cáo) cho phòng học được thoáng và sáng vì trường không có đèn. Vách ngăn giữa các phòng cũng bằng gỗ nên phần sát đất bị mục, rất dễ gảy. Các lớp học được bố trí nối đuôi nhau (đầu phòng này là cuối phòng kia) để các thầy, cô không phải “tranh tiếng”. Việc này cũng tạo cho học trò nhỏ chúng tôi một số niềm vui. Có hôm, lớp đang học bình thường đột ngột anh bạn cuối lớp mang tập để lên bàn cô. Cô và chúng tôi trố mắt ngạc nhiên. Thì ra anh bạn lo nói chuyện nên khi nghe cô (lớp kế bên) gọi tên hỏi bài anh bạn trùng tên (cũng của lớp kế bên) thì giật mình bèn… ôm tập chạy! Vách ngăn mục còn tạo điều kiện cho mấy bạn ngồi cuối lớp phá lớp kế bên. Thừa lúc cô không chú ý là anh ta ngồi thụp xuống gầm bàn, đưa mặt gần chỗ gỗ gãy làm trò hề cho lớp bên kia cười. Táo tợn là lần anh bạn lớp bên đưa hẵn tay sang lớp tôi (phía sau chỗ cô ngồi-trường cũng không có bục) đánh nhịp theo nhịp đọc và gõ bảng của một bạn lớp tôi. Anh ta đánh nhịp thật khớp với anh bạn lớp tôi, nên chúng tôi dần chuyển sự chú ý sang tay đánh nhịp của anh ta. Đột ngột anh ta ngưng đánh nhịp. Chúng tôi cũng ngưng đọc theo. Lớp im bặt. Cô bật đứng dậy, tay với cây thước đập bàn, mắt dáo dác tìm nguyên nhân. Anh bạn vội rút tay về. Chúng tôi phải cắn răng để không bật cười. Trò này sau đó chấm dứt vì bị thầy, cô phát hiện. Anh bạn bị phát hiện chắc chắn sẽ lãnh mấy roi vào mông vì đang nằm dài trên đất. Mùa mưa chúng tôi cũng có niềm vui vì trời mưa to một phần lớp bị tạt. Nên mỗi khi trời mưa, bất chấp lớn, nhỏ, mấy anh bạn dãy trước bảng lại lục tục ôm tập, vở sang dãy bàn trước mặt cô ngồi “để khỏi bị ướt” (lớp có 2 dãy bàn cho học sinh). Chúng tôi có dịp xô đẩy giởn. Cũng có những hôm mưa to, nước tạt vào chải linh láng trong lớp, thế là chúng tôi ngồi rút chân lên ghế.
Trường nằm trên trục lộ chính nối liền huyện lỵ Phước Bình và tỉnh lỵ Phước Long lúc đó đang xây dựng. Ven đường trước trường là hàng cây to mấy người ôm với rễ nổi trên đất cuồn cuộn của những cây điệp tai bèo, phượng. Trong trường tôi cũng có nhiều cây to. Nghe nói khu này xưa là trại tù (Trại tù Bà Rá), nên cây là do tù nhân trồng. Sau lớp tôi có một cây mít. Mùa mít chín trái mít bung da tỏa mùi thơm ngát. Cây mít già lắm nên trái mít mọc tít trên cao, đám học trò nhỏ chúng tôi chỉ có thể nhìn. Nhưng bạn học tôi còn có những anh lớn. Thường các anh là con em gia đình di dân, vào sống trong các khu dinh điền chung quanh như Tư Hiền, Sơn Long, Tùng Thiện… nên đi học muộn, và các anh rất khỏe, trèo cây rất hay. Trái mít được hái xuống, cắt thành khoanh để tiện nhét vào học bàn cuối lớp. Ai biết thì xuống lấy ăn. Khoanh mít sau khi chặt bị dính dất ,và vài hôm sau nổi mốc xanh, mốc vàng, trông rất dơ nhưng ai biết thì dúi ngón tay vào đám sơ, sẽ móc ra được múi mít vàng chóe, thơm phức. Giờ ra chơi, sau khi chạy mệt tôi lại chạy xuống cuối lớp, lôi khoanh mít, móc ra vài múi giải khát. Còn nếu chơi ‘trốn tìm’ buổi tiệc mít sẽ kéo dài, các bạn tôi tha hồ mà tìm tôi. Trường không có hàng rào nên thú nuôi của người dân chung quanh thỉnh thoảng lại … vào thăm trường. Có lần con bò thật to nằm ngay cửa vào lớp tôi. Chúng tôi đùn đẩy không vào, mấy anh lớn cũng đồng tình làm bộ sợ không vào. Cô cũng sợ nhưng không biết làm gì, mà trường không có văn phòng làm gì có bảo vệ? Không biết buổi học hôm đó bắt đầu lúc nào? Tôi thích nhất là chơi với mấy chú dê con vì chúng hiền và thích đùa. Dê cũng “hảo ngọt” các bạn ạ! Rượt chúng không kịp nhưng chúng tôi dụ chúng bằng kẹo (hiếm lắm vì không có mà ăn!), mía và sơ mít. Đến mùa thì chúng tôi có đầy.
Vì trường không có văn phòng nên giờ vào học, giờ ra chơi và giờ về tùy… hỉ. Thầy, cô xem đồng hồ tay thấy đến giờ thì ra đầu hồi dãy giữa mà đánh kẻng. Ở đó có treo một thanh sắt to và một thanh bu lông, cũng bắng sắt, nhét vào vách gần đó dùng đánh kẻng. Thầy, cô cũng có thể nhờ 1 học sinh lớn đánh (học sinh nhỏ đánh không tới). Thầy đánh kẻng thì chỉ đánh vài tiếng, còn học sinh đánh thì liên hồi. Được đánh kẻng là cả một vinh dự. Một hôm sau khi chúng tôi chép bài xong cô cho ngồi nghỉ mệt. Lúc này trời khá trưa. Một anh lớn ngồi cuối đột ngột đứng lên chạy ra khỏi lớp. Cô và chúng tôi trố mắt ngạc nhiên. Một hồi dài kẻng vang lên, cô nhìn xuống cổ tay. Vẫn còn quá sớm để ra về. Cô đứng dậy, mắt sáng lên. Đúng lúc này học sinh các phòng lân cận túa ra sân. Trong đó có cả đồng nghiệp của cô. Cô dịu mặt lại, vẫy tay, “Các em thu dọn tập, vở ra về.” Anh bạn lúc này mới thở hào hểnh chạy vào lớp, có lẽ là sau khi đã chạy một vòng trường.
Nguyễn Hoàng Long
Không hiểu quản trang đăng lộn hay là Nguyễn Hoàng Long cố ý mà phần cuối lại được đăng trước phần đầu của bài viết ” Ngôi trường tuổi thơ “. Tuy vậy những kỷ niệm của Hoàng Long tại ngôi trường tiểu học thật là đặc biệt và thú vị vì những trò tinh nghịch của các em học sinh nhỏ, vừa ngây thơ, vừa rắn mắt, trong một khung cảnh gần gũi với thiên nhiên, cây trái, súc vật, mưa gió, ướt át. Tuy trường sở nhỏ bé, lớp học đơn sơ nhưng tác giả vẫn còn giữ lại bao nhiêu là kỷ niệm khó quên cho đến ngày nay.
Vì lý do kỹ thuật, 2 phần được gửi đến gần như cùng lúc nhưng quản trang không tìm được hình minh họa nên phần đầu được lên trang sau. Mong “đọc giả” sau khi đọc phần đầu sẽ xem lại phần cuối!