TÌNH TỰ QUÊ HƯƠNG

Ngày đăng: 15/04/2015 09:21:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Tôi được sinh ra và trải qua sáu năm đầu đời nơi quê nội. Quê hương của ông bà nội là Nguyệt Viên, một làng quê nhỏ bé nằm trên bờ sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhỏ bé nhưng quê nội tôi  rất trù phú và nổi tiếng vì có nhiều khoa bảng. Đất đai màu mở, phì nhiêu nên ruộng vườn xanh ngát, giòng sông Mã đem lại cho dân làng biết bao nhiêu của ngon, thuỷ sản lạ. Đời sống sung túc nhưng dân làng Nguyệt Viên rất hiếu học, ngày xưa đã có biết bao nhiêu ông nghè, ông tiến sỹ, mũ áo sênh sang về làng, ngày nay các hậu duệ vẫn tiếp tục theo vết chân của người xưa, đem lại vẻ vang cho làng nước.

Mới đây đọc trên báo thấy có đề cập tới Nguyệt Viên, nơi xuất phát rất nhiều giáo sư và phó giáo sư đại học……

Cho đến bây giờ  những câu thơ ca tụng quê nhà vẫn còn ghi mãi trong tôi.

 

Nguyệt Viên lắm của nhiều tiền,

Có cả sông liền, tắm mát nghỉ ngơi,

Chiều chiều hai dẫy cá tươi,

Không ăn cũng thiệt, không chơi cũng hoài.

( Thơ ca dân gian )
Ngày xưa, ai đến Nguyệt Viên mà không quên thưởng thức món ” bánh khoái Nguyệt Viên”, món ngon đặc biệt biến chế từ đặc sản của làng. Bột gạo pha với nước chè đen ( nước trà ) và một chút nước mắm ngon, được đổ trên chảo rang làm bằng đất sét nung, thành một lớp bánh mỏng hình tròn, đường kính chừng 10-15cm, khi bột se mình bắt đầu chín thì một lớp nhân làm bằng thịt con le le ( một loại vịt trời, nếu tôi không lầm ) băm nhuyễn cùng với cá rô, thật nhiều hành hoa ( hành lá ), rau mùi ( ngò rí ), trộn thêm gia vị, tiêu, muối, nước mắm, trứng, được phết lên đầy mặt bánh. Đậy vung lại, khi nhân chín, hương thơm ngào ngạt,  mở vung ra, chờ cho bột bánh vàng và dòn là có thể thưởng thức khi còn nóng hổi với nước mắm chanh ớt ăn kèm với rau cần nước.

Dân làng Nguyệt Viên khi xa xứ vẫn tìm cách làm món bánh khoái để nhớ đến quê hương, bánh được biến chế vì làm sao tìm được con le le hoặc những con cá rô còn tươi, ngát mùi quê hương, thay vào đó là tôm và thịt heo say nhuyễn. Chảo rang bằng đất sét nung được thay thế bằng chảo non-stick cho hợp với không gian và thời gian sinh sống. Tạm hài lòng để hưởng lại chút hương vị quê hương khi xa xứ.

Ông bà nội tôi không lập nghiệp luôn ở Nguyệt Viên mà lại dời tới Bái Đa thuộc huyện Nông Cống. Nông Cống là một địa danh rất quen thuộc mà hầu như ai đã học lịch sử đều biết, đó là nơi mà vua Lê Lợi dựng binh, phất cờ khởi nghĩa. Theo lời kể của mẹ tôi, ông nội tôi ” làm hoành”, danh từ đặc biệt của xứ Thanh để chỉ những người chuyên khai thác và cung cấp các loại gỗ, chuyển về Bái Đa để tiện cho công việc của ông. Nông Cống ở gần  Châu Như Xuân, nơi có nhiều rừng và nhiều gỗ quý, nhất là gỗ ” lim “, một loại gỗ không hề bị mối mọt và cứng như sắt thép. Cũng vì đặc tính này mà gỗ lim đã từng được dùng để làm đường rầy xe lửa thay sắt. Các phú hộ thì dùng gỗ lim để làm cột nhà. Gỗ được khai thác trên rừng sẽ được di chuyển trực tiếp và dễ dàng theo đường thuỷ để đến bến sông ngay cạnh nhà.

Ông bà làm ăn, thành công nơi thương trường, tạo dựng được cơ ngơi đồ sộ, tậu được ruộng vườn mênh mông. Ba tôi cũng như các chú, các bác đều được ông bà gởi ra học ở Huế, sau đó  lại được theo học tại Hà Nội, sau khi lập gia đình thì tất cả con cái đều quy tụ tại Bái Đa, cũng vì lý do đó mà cả bốn chị em chúng tôi đều được sinh ra tại Nông Cống, Thanh Hoá. Với tôi, khi nhắc đến quê nội là hình ảnh Bái Đa lại hiện ra trong tôi, tôi nhớ lại từng chi tiết ngôi nhà của ông bà, nơi mà tôi đã được sinh ra và trải qua thời thơ ấu, đó là “thiên đường ” thuở nhỏ của tôi. Những ấn tượng đầu đời đã ghi sâu vào tâm trí, tôi yêu thích và thấy lòng mình chùng xuống khi nhìn hình ảnh đồng ruộng, nhà tranh, vách đất, cảm thấy thân thương, quen thuộc trong khung cảnh tĩnh mịch, yên bình của miền quê…
Bái Đa ơi, vùng trời thời thơ dại,
Kỷ niệm nào, miền quê nội vấn vương,
Trở về đây tìm lại chút dư hương,
Ngày xưa ấy, bao yêu thương trìu mến.
( Thiên đường đã mất, LTHK 2013 )
Các anh chị con Cô, con Bác hơn tôi năm sáu tuổi khi nói chuyện về quê nhà, vẫn thường khen ngợi trí nhớ của tôi về quê nội, làm sao một cô bé năm sáu tuổi mà có thể nhớ nhiều về những kỷ niệm xa xưa như thế được, có phải chăng ” cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hầu dễ đã ai quên ” cũng có thể áp dụng trong trường hợp của tôi.

Mùa thu Thanh Hoá với tôi là những quả hồng trứng đỏ au, ngọt lịm, thơm ngát , những quả mơ vàng óng, mọng nước, những quả nhót màu cam, phủ một lớp phấn trắng, chua muốn tê cả lưỡi, những trái mồng quân mầu tím thẩm ngọt ngào. Làm sao quên được miếng ” hồng ngâm” vừa dòn, vừa ngọt nhận từ tay của bà nội. Món quà quý và hiếm nên ít khi được thưởng thức.

Hồng ngâm là một loại hồng đặc biệt được hái lúc còn xanh, không tròn trỉnh như trái hồng trứng mà lại có góc cạnh, để làm mất vị chát và để trái hồng trở nên có vị ngọt và dòn, quả hồng phải qua một quá trình công phu, nào là phải cắm những cái tăm tre ở phần tai của trái hồng, phải ngâm nước vôi trong một thời gian v..v…, vì còn nhỏ quá nên tôi chỉ nhớ mang máng, những người mà tôi có thể hỏi để biết rõ hơn thì nay đã quá vãng, không hiểu ngày nay ở Thanh Hoá hay ở miền Bắc nói chung có còn loại hồng ngâm thuở nhỏ của tôi nữa hay không, hay là đã biến mất như ngôi nhà của ông bà cũng như vùng trời thơ dại của tôi. Từ khi ở nước ngoài tôi đã được nếm biết bao nhiêu trái hồng giòn, trái nào trái ấy to gần bằng cái chén ăn cơm, cũng ngon, cũng ngọt, nhưng lạ thay, tôi chưa bao giờ tìm lại được hương vị của miếng hồng ngâm nhỏ xíu nhận từ tay của Bà Nội. Miếng hồng đầu đời chứa chan tình quê hương yêu mến !

Năm 1997 tôi trở về Việt Nam sau hơn hai mươi năm xa xứ, tôi cùng với mẹ tôi về thăm quê nội, nơi mà chúng tôi đã phải lìa xa từ hơn nửa thế kỷ, tiếc là ba tôi không còn để cùng về nhìn lại cố hương. Đứng trước ngôi nhà của ông bà mà nay chỉ còn cái nền đất chơ vơ tôi không sao cầm được nước mắt, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu lại hiện về…..

Sau chuyến đi đó tôi thầm mong ước là trong tương lai sẽ lại có dịp cùng với mẹ tôi và các anh chị em ruột lẫn các anh chị em con cô, con bác, những người đã từng chia sẻ với tôi kỷ niệm của thời thơ ấu, về thăm lại quê nội. Có thể nói đây là một ước mơ nên khó mà thực hiện được. Với cuộc sống vội vã ở nước ngoài, dù có ở chung cùng một thành phố cũng không dễ gì để có dịp họp mặt đông đủ mọi người, huống hồ anh chị em chia ra, rải rác ba lục địa, Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu….

Có thể tấm lòng thiết tha, hoài vọng quê hương đã được ơn trên chứng giám nên giấc mơ ấp ủ sau 16 năm đã thành sự thật. Năm 2013, chúng tôi gồm 12 người cùng với mẹ tôi, lúc đó đã trên 90, thực hiện được chuyến đi tìm về kỷ niệm, một chuyến đi đầy cảm xúc mà chắc chắn mọi người đã khắc sâu trong tâm khảm và không thể nào quên được.

………………………………………………

………………………………………………

Ôi Thanh Hoá, quê hương yêu dấu,

Lòng bồi hồi ghi lại ảnh hình xưa,

Nguyệt Viên, Bái Đa Nông Cống,

Cả một thời thơ dại hiện trong mơ,

Bến nước ngày xưa, vui đùa, bơi lội

Hàng cau đình làng tắm nắng giữa trưa,

Quê hương, ôi quê hương yêu dấu,

Vẫn êm đềm với kỷ niệm xa xưa.

( Vọng cố hương LTHK 2013 )
Bài và ảnh Lê-Thân Hồng-Khanh

banh khoai                 Bánh khoái Nguyệt Viên đổ trên chảo non- stick.

H3Bánh khoái Nguyệt Viên  làm xong và chập hai bánh lên nhau.

bái đa                     Bái -Đa, con đường dẫn đến cổng nhà ông bà nội.

Nguyet vien                          Nguyệt Viên, trước cổng nhà thờ họ LÊ VIẾT.

 

 

 

 

Có 7 bình luận về TÌNH TỰ QUÊ HƯƠNG

  1. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô thân yêu, em vô cùng xúc động khi đọc bài viết của cô về nỗi niềm nhơ thương quê nội. Cô của em thật có trí nhớ tuyệt vời, nhớ được những kỷ niệm thời nhỏ xiu. Nghe cô tả, em thấy thèm hương vị bánh khoái quá. Mong có dịp được thưởng thức.  Cô ơi, loại hồng ngâm cô kể vẫn còn ở phía Bắc, mấy lần ra HN vào mùa Hồng em có dịp nếm thử, cũng rất ngon nhưng chắc không thể bằng mấy trái hồng thời thơ ấu của cô. Em chào cô, chúc cô luôn vui khoẻ, bình an.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài viết là nỗi niềm thương nhớ về đất tổ quê cha của người con xa xứ, là hoài niệm ngọt ngào về một thời tuổi nhỏ trâm anh không thể nào quên!

    Bài viết của Cô mình còn thể hiện rõ nét tài thơ – văn kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo.

    Em còn đợi bài về quê mẹ nữa, Cô ơi!

  3. Bạch Lộ nói:

    Cô Lê Thân  Hồng Khanh quý kính! Qua bài Tình Tự  Quê Hương, em thấy hiện lên bức tranh đầy bản sắc  của một miền quê hương mà Cô luôn ắp ủ những kí ức  mỗi lúc đi xa  cảm thấy nhớ, thấy thương… mãi thôi thúc muốn tìm về… Bạch Lộ kính chúc Cô cùng gia đình luôn vui khỏe để  chúng em được nghe những lời “tình tự quê hương” ngọt ngào ấy!                                                                                                                                                                                                                     Kính: Bạch Lộ.

  4. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh kính mến , bài viết  của cô thật hay  và thật cảm động bùi ngùi đói với một người xa xứ ,  những nỗi niềm ưu tư  nhỏ nhặt của một con bé chưa đấy 6 tuổi   nhưng là đầu mối của bao sự nhớ nhung , ,,,Quê hương Thanh Hóa  với Nguyệt Viên rồi Bái Đa Nông Cống ,,Hình ảnh của chiếc Bánh Khoái dân già nhưng rất đặc sàn  khó quên nơi quê cha đất tổ,, chưa kể đến mùa thu ở Thanh Hóa,, biết  bao trái cây vườn mượt mà  dồn dập nào Hồng , mơ , nhót , hồng  quân ,,  cho đến hồng ngậm lài ùa về trong trí nhớ   tuổi thơ ,, bài viết của ,cô mình với lòng hoại vọng cố hương  như bài thơ năm nào cô đã viết
    cộng thêm  bao dư hương ngọt ngào , niềm  tiếc rẻ thất vọng  trong thiên đường đã mất ,,, ÔI , cô ơi  đến nay cô mình cũng chưa có niềm vui trọn vẹn,,,  Thương và nhớ cô nhiều lắm ,Cô giữ gìn sức khỏe , em kính lời thăm Bà khỏe mạnh , vui tươi ,,,Hoành Châu (Gia đình C )

     

     

     

     

  5. hoàng Hưng nói:

    Thưa cô, bên Đức có cần nước ăn kèm với bánh khoái Nguyệt Viên không cô.

  6. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! bài cô viết về quê hương Thanh Hóa thật là cảm động ,không phải là quê hương mình nhưng nghe cô kể em cũng cảm thấy bùi ngùi .Cô còn nhỏ mà cô nhớ rất nhiều những kỷ niệm thời thơ ấu.Biết danh từ TH, không ngờ ở TH  có nhiều đặc sản quí hiếm như thế, món bánh khoái nó cũng hơi giống giống bánh xèo ở miền Nam,nhưng bánh khoái làm từ những nguyên liệu đặc trưng của Nguyệt Viên phải không cô ?Đọc bài cô thấy hình cô lại nhớ cô, và biết cô vẩn mạnh khỏe chúng em rất vui, mong được đọc tiếp bài cô viết .Kính chúc cô khỏe gặp nhiều may mắn . Học trò cô .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác