CÂY TÁO TẦU

Ngày đăng: 4/03/2015 09:26:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Chị Huyền đi Việt Nam về, đọc trên quảng cáo nào đó đâm ra mê mẩn cây táo Tầu. Lúc nghe ý định của chị muốn trồng cây, ai cũng cười lăn ra :

–  Ôi dào!  Mua một kí có mấy đồng bạc thôi, ăn  cũng ngập cả mũi. Chừ mới trồng thì biết khi mô được ăn?

Mặc cho ai nói. Một sáng sớm đi Cabramatta chụp hình, lúc quay về nhìn dáo dác hai bên đường tìm số nhà. Đây rồi! Vườn ươm cây đăng trên báo. Có tất cả mười cây táo con, giá 88 đồng một cây. Nhờ chủ vườn chọn giùm một cây, ông ta chọn cây ngoài cùng chỉ năm sáu cành gì đó, có hoa, nhưng cành ngắn nhất. Ông ta giải thích:

–  Táo ghép trên cây táo dại, nên cành ngắn là cành mạnh. Khả năng đậu trái bói cao, ít nhất cũng được một hai trái.

Chị Huyền hăm:

–  Hễ không có trái là tui đem trả.

–  Ấy! Đất có đất sét không? Nếu có đất sét thì phải thả xuống trước đất chống đất sét.

–  Không biết có đất sét không nữa.

–  Nếu trồng trong chậu thì không, chứ xuống đất vườn vùng này hoàn toàn có đất sét.

Thế là phải mua đất chống đất sét, khỏi cần bàn cãi. Trồng xuống vườn: phải đào hố rồi mua đất lấp hố…cỡ bốn bao đất. Ấy! Phân bón nữa chi? Bao mười ký thì mắc, bao hai mươi lăm ký rẻ rề : nửa bán, nửa cho… Rồi mua bao thuốc treo đuổi ruồi, chống sâu…ăn trái, chỉ trăm đồng thôi. Tổng cộng 188 đồng người mua với câu hăm doạ:

–  Hễ không có trái thì đem đến trả.

Chậu cây táo và sáu bao vừa đất, vừa phân được người ta dùng xe đẩy, nhẹ nhàng đẩy ra xe, nhưng khi về đến nhà, từ xe mang ra vườn cũng lè lưỡi.

Về đến nhà trời nắng quá, đành để vào góc vườn nghỉ mệt.

Sáng hôm sau, tôi  đào hố sâu bốn gang, đường kính một thước, mồ hôi mẹ, mồ hôi con tuôn ầm ầm như suối chảy. Chị Huyền nói :

–  Hai ngày sau mới hạ thổ.

–  Hố có rồi không đặt cây xuống luôn đi, việc chi phải chờ hai ngày nữa?

–  Ấy! Hai ngày nữa mới là ngày tốt. Không thấy lịch nói à? Ngày chủ nhật nên trồng cây.

Vừa nói vừa đưa tờ lịch ra cười hớn hở. Ôi trời! Bà chị ở Sydney cũng bày đặt dị đoan, xem bói, coi ngày tốt xấu để trồng cây. Đành phải đợi thôi, dù sao cũng phải đổ đất chống đất sét xuống trước.

Đến sáng sớm chủ nhật, chị Huyền lo lễ mễ vác các bao đất, bao phân (nhẹ thì mười kí, nặng chỉ hăm lăm kí thôi!) , để bên miệng hố, bưng cây táo con cao chừng một thước, xé bầu rồi đặt xuống hố, phủ đất cùng phân lên. Hết mấy bao đất vẫn chưa đầy hố, đành lấy đất cũ đổ thêm ba thùng mới ngang miệng bằng phẳng, chị Huyền tưới nước. Thế là xong. Hoa táo vẫn đầy cành, trông chờ đậu trái. Mỗi ngày tưới hai lần sáng chiều là kể như chắc ăn.

Hôm sau tưới táo sáng sớm xong, cây tươi xanh mơn mởn đầy hoa nhìn cũng thích mắt. Đến trưa, trời đang nắng đẹp đột nhiên chuyển qua mưa đá. Từng hạt trắng đục to bằng ngón chân rơi lộp độp xuống mái nhà một lúc mới tan, làm chị Huyền xót thương cây táo, phải vùng dậy đội mưa, ra kê một bên là cái ghế, một bên cái xô đựng nước cho cao lên, để úp cái thùng rác che mưa mà khỏi đụng vào cành lá táo.

Úp xong thì trời hết mưa đá, chuyển qua mưa thường, đành phải giở thùng rác ra cho cây táo tắm mưa. Dĩ nhiên chị Huyền tắm hai thứ mưa vào nhà hắt xì lia chia, vẹo cổ, phải để Hoàng cạo gió bầm đỏ đầy người.

Thời tiết Xích ny thiệt là đột ngột. Vừa mới mưa đá lạnh buốt, mặc đến mấy áo lạnh dày cui vẫn run, chỉ một đêm thôi, trời chuyển qua nóng bốn mươi độ. Lá non cây táo vừa ra ở trên đầu lập tức khô rìa, giòn tan, vỡ vụn trong tay chị Huyền. Tội nghiệp lá non của cây táo quá! Phải che nắng cho cây mới được!

Lên kế hoạch: Cắm bốn cây cọc cao hơn ngọn cây, rồi lấy bao nylon đen ( túi đựng rác) phủ lên bốn cọc, sau đó phủ báo thấm nước cho mát cây.( Chưa loại trừ khả năng gió thổi bay mất báo lẫn bọc nylon) . Nhưng trước tiên phải kiếm cho ra bốn cây cọc đã. May mắn là cuối vườn có cây “Đùng Đình”. Thân to cao như cây dừa, lá như tàu cau, trái nhỏ buông xuống từng chùm giống chuỗi hạt.

Chỉ việc lấy kéo cắt sắt ở trong kho dụng cụ làm vườn ra, xén bỏ mo, cắt ngắn tàu, tuốt bỏ lá là có được cọc để cắm ngay. Chị Huyền kiếm ra được ba cán cây lau nhà cũ để làm cọc cũng đỡ. Chỉ thêm một cành đùng đình vạc sạch lá nữa là được rồi. Nếu cắm cọc rộng ra thì đào đất cũng bở hơi tai, chi bằng cắm xuống trong hố tuy hẹp, nhưng dễ nhất, có điều hố mới đổ đất xốp, mềm, nên cắm cọc khó cứng, phải kiếm, gạch chèn chân cho cọc khỏi xiêu.

Bốn cọc chống trời, phủ bọc ny lông, nếu mưa bất ngờ, không giở bọc ra kịp, nước mưa đọng nặng oằn xuống sẽ gãy đọt. Chị Huyền đành mở tủ tìm ra được cái khăn trải bàn màu trắng, ngày xưa mở nhà hàng còn sót lại, chưa vất bỏ đi, liền đem ra để đậy nắng cho cây.

Ngày hôm sau đậy lên chỉ một tiếng đồng hồ là gió thổi bay mất khăn, chưa kể bốn đầu cọc chụm lại. Phải lấy kéo ra xén thêm mấy cành đùng đình, bỏ mo, tuốt bỏ lá, cắt sáu khúc ngắn, bốn khúc buộc khung vô bốn cây cọc, và hai khúc gác lên làm giàn. Cắt lá chuối làm dây để buộc giàn. May mà góc vườn có rất nhiều cây chuối, lá chuối khô đẫm sương nên rất dai và rất chắc. Phủ khăn bàn lên, lấy dây thun buộc khăn vô bốn góc giàn. Thế là xong.

Chín , mười giờ sáng kéo khăn ra phủ lên. Năm giờ chiều, nắng nhạt, cuốn khăn lại.

Mỗi sáng, mỗi chiều ra ngắm cây táo tầu , đếm tới, đếm lui được hai trái bé tí bằng hạt đậu xanh. Ngắm thôi! Đừng có chỉ mà nó rụng mất đấy!

Vái trời hai trái táo ngoan đừng rụng, mấy tháng sau đến mùa thu hoạch, chị Huyền sẽ Face time mời mọi người hái ăn nha! Nên nhớ chưa tính công đào, công lấp, nước tưới, vốn bỏ ra mua đã hết một trăm tám mươi tám đồng đô Úc rồi đấy! Đừng có rụng nhé hỡi hai trái táo ngoan!

 

Sydney 24 Nov 2014

THÂN THỊ VÂN HÀ

h1                      H1 Đừng rụng nhé hỡi hai trái táo ngoan!
IMG_1492    H3 Phải tấn gạch dưới chân cột chống trời để làm giàn cho cây táo
IMG_1494 H4 Một cành cây Đùng Đình và ba cây cán lau nhà cũng đủ để chống Trời!
IMG_1606H5   Giàn che mưa đá và nắng Sydney ( trên 40 độ C cho cây táo tàu )

IMG_1609  Dây chuối buộc giàn vừa mềm, vừa dai, vừa chắc vô cùng.

IMG_1610 Cây đùng đình cao to hơn cây dừa, cành lá giống y hệt tàu cau, mo cau, nhưng trái nhỏ bám thành dây buông thõng xuống đong đưa như chuỗi ngọc.

 

Có 14 bình luận về CÂY TÁO TẦU

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Phục sát đất.Ở đây, tui cũng có đất, nhưng hỏi kỷ sư trồng trọt, nó nói : đất anh chỉ trồng cây trụ đá là ngon nhất.

  2. Nguyen Tuyet nói:

    Nhin cây táo  của bạn, NT lại nhớ lại chuyện trồng táo của mình để NT kể cho nghe nhé.

    https://tongphuochiep-vinhlong.com/2015/03/noi-voi-chi-van-ha-ve-chuyen-cay-tao/

  3. nguyenthikieutrinh nói:

    Ôi, Chị Huyền, Chị Vân Anh. Chỉ việc trồng một cây táo thôi đủ thấy hai Chị giỏi giang quá chừng chừng. Mong sao cây táo tàu động lòng thương cảm sự đùm bọc yêu thương của hai chị mà cho ra thật nhiều trái ngon ngọt để đền đáp công lao.

  4. Hoành Châu nói:

    Cây táo này có phước quá , bao nhiêu kỹ sư nông nghiệp  , xây dựng chèo chống , che nắng gió ,,, chắc sẽ thành táo ” tượng ” ,,, các chị ơi !,,,Hoành Châu (Gia đình C )

  5. vothilai nói:

    Hai chị cưng cây  táo như là trứng mỏng,đổ rất nhiều công phu.Hy vọng cây sẽ cho trái trĩu cành.

  6. nguyễn thị đức tính nói:

    Đọc truyện chị Vân Hà kể về việc trồng táo, em thật cảm động và ngưỡng mộ tình yêu cây cỏ của hai chị, vì đó không chỉ là hai chị thích …ăn táo, với só. tiền đó sẽ mua được rất nhiều táo. Em cũng từng nuôi trồng nhiều cây như thế nên vô cùng đồng cảm hai chị ạ, nhưng có lẽ em không thể kiên nhẫn, chịu khó như thế đuọc. hihi. Em mong cây táo sẽ lớn nhanh, khoẻ mạnh, nhiều hoa sai quả. để không phụ lòng người trồng cây.

  7. Một Lúa nói:

    Chào chị Vân Hà,

    Chuyện trồng cây là trúng khía Một Lúa. Bà xã Lụa của Lúa khi mua cây ghép, thường chọn chậu cây nào có bông hoặc có trái sẵn, mà ít chú ý  thân nhánh cây phát triển mập mạnh.  Lúa có nhiệm vụ đào lổ đất vô phân phướng cần thiết để xuống cây. Cứ vài bữa là Lúa cố ý bẻ bông và hái bớt trái trên cây mới, dàn cảnh như tự nhiên bị rụng dần dần trụi lũi. Mục đích sự phá hoại thân thương nầy để tránh cây nuôi trái mất sức trong năm đầu hoặc năm thứ 2. New York đang lạnh khủng khiếp, trong khi Sydney nóng cháy da, lạ thiệt hả chị Vân Hà.

  8. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc bài của chị Vân Hà viết, lúc thì mình cười tủm tỉm, lúc lại cười ha hả một mình! Chị viết có duyên quá, sinh động, hấp dẫn người đọc quá!

    Mong rằng cây táo của 2 chị trồng , kỳ công chăm sóc, sẽ không phụ công người làm vườn!

  9. Như Thuỳ nói:

    Công phu của người trồng như vậy ,  câu ” Ăn táo nhớ kẻ trồng cây ” càng phải khắc ghi  …!  ( Hi!hi! )

  10. Rất cảm động và vui khi được các bạn đã đọc bài mình viết, còn viết cho mình. Cám ơn các bạn nhiều lắm hí! Rất mong sớm gặp được các bạn.

    Vân Hà

  11. PhươngNga nói:

    Công phu thế nầy, em xin phép “xếp hạng” hai chị ngang tầm cở với anh Một Lúa.

    Thán phục!

    Ngoài cây táo, em rất thích thú khi được biết về cây đủng đỉnh. Thật lâu rồi, em chưa “gặp” lại cây nầy.

     

  12. Hoàng Hưng nói:

    Trong một buổi picnic Ngô thị Thanh khóa 11 SPVL kể lại,  cô ở Sa Đéc xuống Vĩnh Long thi Tú Tài 2, vừa làm bài xong, nghe bên ngoài trường có tiếng rao Tẹt! Tẹt! Tẹt!    Cô không biết đó là tiếng rao bán bánh gì. Chị Tiến con thầy Ninh Hiệu Trưởng bán công trả lời, đó là tiếng rao bán bánh tét của ông Chệt. Ánh Tuyết (nk72) góp ý, chúng ta đừng gọi Tàu, Chệt, mà nên gọi là người Hoa. Hỏng biết Ánh Tuyết (nk72) đọc tựa bài này, có đề nghị sửa lại là cây táo Hoa không.

  13. Xin cám ơn bạn Hoàng Hưng đã đặt tên cho bài viết của mình:” CÂY TÁO HOA ” nghe rất dễ thương và rất hay, nhưng e rằng sẽ có người hiểu nhầm là cây táo chỉ ra hoa chứ không có trái, trong khi cây táo của mình dù hiếm hoi, cũng có trái đàng hoàng. Tiếc rằng lúc táo chín, chị H đã mời vợ chồng cô em đến dự lễ xẻ táo thành bốn phần cho bốn người ( không có bỏ vô nồi nước đun sôi để chia như tích xưa mô hí! ), chị H đã nín thinh, không tường thuật tiếp vì quá thất vọng về vị lạt nhách của táo! Mọi người đồng ý để táo chết khô rồi trồng cây khác, lúc đó mình sẽ nhớ đến bạn Hoàng Hưng mà viết bài khác, lấy tên ” CÂY TÁO TRUNG QUỐC ” Bạn xem có oách không nào?

    Tiện thể mình cũng xin cám ơn anh MỘT LUÁ về kinh nghiệm trồng cây, và sẽ nhắc bà chị xén bỏ bớt hoa lẫn cành giống anh.

    Không thể không cám ơn bạn NT về kinh nghiệm chọn cây có lá nhọn rủ xuống như cây của bạn, để lần khác mua, không gặp được cây có sẵn trái mà ăn thử , thì ít ra cũng biết đổi lại câu hăm doạ: ” hễ ăn mà không ngọt thì tui đem đến trả!”

  14. le nguyen nói:

    Đi lạc vào đây được một trận cười đã đời luôn. Cám ơn chị nha. Cho em hỏi thăm cây táo ra sao rồi chị, update đi. Chúc mưa thuận, gió hoà để chị không phải khổ sở như vậy. Mưa dầm dề gần 2 tuần rồi, hy vọng “trúng tao” trồng trên đất cao, không bị hề hấn gì. ;D

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác