Ai cõng cô gái
Tôi lớn lên ở xóm Chùa. Trước cửa nhà ba má tôi nhìn xéo qua con lộ đá là thấy hai ngôi chùa lớn uy nghi kề nhau một dãy. Chùa Quan Đế là nơi thờ phượng ông Quan Vân Trường, môt vị tướng vang danh quân tử anh hùng, phục vụ dưới trướng Lưu Bị thời tam quốc. Ngôi chùa thờ danh tướng người Trung Hoa nầy được xây dựng lúc nào tôi không rõ. Riêng ngôi chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni thì xây dựng cùng năm tui thi đậu vào đệ thất, nên có móc dễ nhớ. Tên tự hai ngôi chùa nầy dài thòn trên bảng đúc, nhưng bà con chòm xóm và thiện nam tín nữ gọi ngắn hơn, chùa Ông và chùa Phật.
Sau 1963, Phật giáo như được hồi sinh. Rằm nguơn lễ vía được tổ chức linh đình tại các chùa chiềng miếu mạo. Thập phương bá tánh tập trung lễ Phật đông hơn, vì vậy Giáo hội Phật giáo thường xuyên tổ chức những đêm thuyết giảng Phật pháp nhân những ngày rằm lớn. Vì những cái ống-tà-la, hay có người còn gọi là ô-pẹt-lưa có công suất lớn chĩa thẳng hướng, nên những lời thuyết giảng của các vị Đại đức chúng tui ở nhà mà vẫn nghe rõ mồn một. Những đêm như vậy, cho dù tụi tui buồn ngủ cách mấy, má tui cũng bắt buộc anh chị em chúng tôi ngồi yên nghe hết thời thuyết pháp. Nhưng vì tôi không có duyên, cũng có thể kém giác, hay là còn nhỏ tuổi, mà những triết lý cao xa dù lọt vô lỗ tai, cũng dội ngữa ra bay mất. Có một chuyện nghe được từ vị cao tăng truyền giảng mà tôi còn nhớ đại ý đến bây giờ, dù không dám bảo đảm thuật lại y như chân truyền, nhưng không đến nỗi tam sao thất bổn:
Tại ngôi chùa trên vùng núi, vị sư trụ trì nhờ hai đệ tử đi mang một số kinh kệ qua một chùa ở địa phương khác, khoảng đường chừng nửa ngày đi bộ. Sau thời kinh công phu khuya, hai vị sãi trẻ sửa soạn hành trang để trời vừa hừng sáng là khăn gói lên đường. Người sãi lớn tuổi đi trước, hai người cách nhau khoàng 2 mét, họ nhìn xuống mặt đường, lặng im bước tới. Trận mưa đêm qua chắc là lớn lắm, mặt đường đất như được rửa trôi thật sạch lớp bụi mịn nát bên trên, thỉnh thoảng có những ổ gà chứa đầy nước nằm rãi rác trên con lộ trãi đất nung rõ ra màu đỏ gạch. Đi đến khoảng thế đất trũng xuống, hai vị sãi nhận ra con đường bị những dòng nước nhỏ rỉ ra từ đất cát trên các triền cao gom về tạo thành một con suối rộng chừng 10 mét chảy tràn cắt ngang mặt lộ. Con đường nầy họ thường đi nhưng chưa từng gặp cảnh ngộ ngập sâu và rộng như sáng nay. Người sãi lớn tuổi nhìn xa hai bên định tìm đường đi vòng nên nhận ra tuyệt lộ, Vị nầy quan sát những bụi cây mọc ven lề để ước lượng mực nước ngập chỗ sâu nhất chừng ngang gối. Ngộ biến tùng quyền, vả lại chỗ nầy vắng vẻ, hai vị sãi cột ngược vạt áo cà sa lên cao và xăng ống quần dợm bước xuống nước. Bỗng nghe tiếng kêu lớn sau lưng:
– Khoan đi hai thầy ơi.
Liền sau đó là một cô gái trẻ, hốt hoảng bước nhanh đến:.
– Con phải cần đi gấp qua làng bên, hốt thuốc cho má con đang trở cơn bệnh. Hai thầy có cách nào giúp con qua dòng nước nầy. Mấy năm trước con có đứa em bà con bị lũ cuốn trôi cũng ở gần đây. Ám ảnh chuyện đó mà tới bây giờ con không dám đặt chân xuống nước. Nếu chờ nước rút cạn phải mất vài tiếng nữa, thì e rằng bệnh má con nặng thêm.
Vị sãi lớn tuổi không nói không rằng, trao cái tay nãi chứa kinh sách cho vị sãi nhỏ, rồi đến bên cô gái và khom người xoay lưng lại.
– Thí chủ ôm cổ, thầy cõng thí chủ qua đoạn suối nầy.
Vị sãi nhỏ chưa hiểu chuyện gì, hoảng hốt ú ớ:
– Sư huynh làm vậy là phạm giới cấm, tối nay đệ sẽ trình cho sư phụ.
Qua đến mé đường bên kia, 2 vị sãi mở áo, xổ ống quần nghiêm chỉnh tiếp tục lên đường. Nhưng lâu lâu, vị sãi nhỏ cứ càm ràm việc người sãi lớn cõng cô gái vừa rồi.
– Ta đã bỏ cô gái kia xuống lâu rồi. Còn ngươi mới là người đang cõng cô gái ấy.
– Dưới sự chứng giám của đức Phật từ bi, mà huynh còn dám vọng ngữ nói em cõng cô gái.
– Huynh không vu oan cho đệ như vậy. Huynh nhắc cho đệ hai chữ sắc không. Ta có cõng cô gái nhưng lòng ta không. Còn đệ không cõng cô gái, mà lòng đệ có.
Một Lúa
H
Đang chờ đơi lâu quá , không biết lóng rày Một Lúa đi đâu vắng nhà ? Chắc là tầm sư học đạo? hay quay về dĩ vãng tìm chuyện xưa tích cũ? …À!” hắn” đây rồi! ( mới đọc vài câu đầu là tui đã biết hắn ngay!). Tuyệt chiêu ! Vụ này chắc phải rủ anh Trư…ơng Phú xuống Trà Vinh tìm “sư” Hồng Băng mới được..!
Cám ơn Đại sư huynh Phú Thạnh.
Lóng rày em bận chút việc.
Nhìn ảnh chùa Quan Đế, tui nhớ lúc trước, chiều chiều hay xuống ăn cháo của Út Mười bán ( kèm theo vài xị ), không dám ngồi trước cổng chùa, mà vào bên góc khuất của chùa, có mấy băng đá và cái bàn bằng xi măng rất lý tưởng. Nhưng trước khi vào ngồi ở ghế đá, không quên thắp nhang xin phép ông. Khi nào Một Lúa về Tam Bình, sẽ ôn lại kỷ niệm nầy !
Anh Cả ui,
Anh nhắc đến cháo dịt, làm tui nhớ những đêm cắm sào chờ con nước bên bờ kênh Ngã Bảy. Đôi khi tui nghe tiếng một người đẹp nào đó rao lảnh lót : “Ai ăn cháo giá hôn”
Cho tới bây giờ tui vẫn không hiểu, cháo cũng lạt, giá cũng lạt, mà sao có kẻ bán người mua.
Hehe
Lúa đệ thật đa năng, đa diện, đa đoan, đa đa… chuyện gì cũng viết được, qua câu chuyện của đệ, tỷ chợt nhớ bài thơ của bạn mình mới nhắc cách đây 2 ngày, cũng là có, không sẵn đây tặng đệ làm hành trang thuyết pháp
Cuộc đời có, có lại không không
Được mất có không, chớ bận lòng
Giàu sang vinh hiển cho rằng có
Nghèo hèn mạt vận, bảo rằng không
Khí tịnh tâm bình, không mà có
Đua chen danh lợi, có hóa không
Duyên nghiêp hợp tan, không rồi có
Chân lý vô thường, có như không.
Hai ông sãi đệ kể ai có ai không chỉ có hai ông ấy biết….
Người kể chuyện và người phản hồi đều HAY ! Number ONE.
Chào chị Hạnh,
Lúa xin được ăn chia lời khen của chị theo công thức 6-4 như thợ “neo” ở Mỹ. Em thợ, lấy 6. Chị HĐ chủ, lấy 4. Hehe
Chào sư tỷ,
Thấy chị ban cho đệ một loạt đa đa. Đệ nhớ hồi xưa nghe người lớn hay nói: đa sầu, đa cảm, đa-rê-năng. Thấy em thắc mắc, có anh giải thích: Mấy người đa sầu đa cảm thường sợ nước, người họ dễ sanh ghẻ nhọt hay mụn ngoài da. Do đó cũng cần thêm thêm thuốc Đa-rê-năng uống và cà bột pha dầu dừa xức mụn nhọt. hehe
Hihi, lại một câu chuyện quá “độc “,
Chào Hoành Châu.
Độc như thịt dịt không? Hehe
Hoành Châu ui,
Bài viết không độc chiêu bằng ông thầy chùa Thiếu lâm tự trong hình minh họa. hehe
Anh Một Lúa ơi, vị sư huynh trong truyện qua con suối nhỏ là thả là quên , còn anh qua biển lớn đã lâu mà sao chuyện năm nảo năm nao ở quê nhà vẫn buộc hoài không thả vậy ? ( Hì!hì! )
Như Thùy ơi,
Thả nhiều lắm rùi, buộc hoài lôi không nổi. hihi
Chuyện hai vị sãi mà Một Lúa tôi được biết là một trong những “chuyện thiền” của Ông Doãn Quốc Sĩ, nhà văn/nhà giáo, viết ra từ lâu (không rõ là sáng tác của chính ông hay ông kể lại từ chuyện của ai đó).
Chào anh Nha,
Chuyện nầy em nghe các vị cao tăng thuyết giảng khoảng 50 năm và đôi khi được các vị Đại đức thời sau lập lại, chắc chắn có rất nhiều người từng nghe. Em nghĩ đây là chuyện kể của Phật giáo (em đã chú thích trong bài viết). Cám ơn anh cho thông tin là chuyện nầy có nằm trong sách của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
Một Lúa
Đúng là Một Lúa! Ở quê nhà Hai Lúa chịu bó tay!
Tại sao chị Bảy Kiều Trinh phải bó tay.
Lúa còn 3 năm mới đủ 65 để nghĩ hiu, nên cũng giống mọi người là phải đi kiếm gạo. Về đến nhà phụ việc gia đình, nhiều khi phải vô kẹt bồ lúa đọc truyện hay viết bài. Bữa nào trời thương thì còn đở, dạng nhuộm ngoài da (không có cốt khí, hehe) như mình cũng vất vả việc oánh với chữ nghĩa lắm.
Thực hiện những việc ngoài khả năng chuyên môn là một nổ lực rất lớn.
Những lời tâm sự chân thành nầy mong Bảy chấp nhận như của một người bạn lối xóm. hihi
Một Lúa
Cách đây mấy chục năm Lê Liên có đọc câu chuyện THIỀN tương tự như vậy ( Tập GÓP NHẶT CÁT ĐÁ này đã bị một người bạn của Liên Mượn và KHÔNG NHỚ TRẢ LẠI cho Lê Liên , cho nên bây giờ Lê Liên không nhớ được Tác Giả là ai để giới thiệu với cả nhà! LL Xin lỗi cả nhà vậy! Tập này có nhiều câu truyện THIỆN rất có ý nghĩa)
Nhờ đọc những câu chuyện THIỀN Ngắn , Gọn đó mà Lê Liên đã giải thoát mình và giúp nhiều Người thoát ra khỏi phiền lụy!
Hôm nay đọc truyện này của anh Một lúa, thấy cũng vui vui!
Mong được đọc nhiều truyện khác của anh.
Chúc anh Thân Tâm An Lạc.
Thân ái,
Lê Liên
Cám ơn bình luận của Lê Liên,
Đọc PH của Lê Liên nói chuyện thu lượm tri thức văn chương, Lúa chợt nhớ những năm 80 mình cất nhà trong vườn ở quê. Lúc đó lượm được cục gạch cục đá vỏ sò là mừng húm, mang về cẩn đường đi vô nhà hay chung quanh lu chứa nước. Hai việc góp nhặt cát đá khác xa nhau.
Anh Phú Thạnh, anh Trương Mẫn thân,
Dạo này lu bu nên trả lồi anh trễ. Nếu các anh xuống Travinh sớm thì đt cho hay, chỉ sợ lúc các anh xuống, tôi lại vắng nhà thì chết!Còn như không thì có lẽ tháng 11 tôi có dịp đi VLong dự ngày họp mặt anh em Sư Phạm, tụi mình sẽ gặp nhau. Đọc bài Một Lúa, tôi thấy cách hành văn hay hơn chuyện tôi đã đọc hồi xưa, trong 1 quyển ronéo của Hòa Thượng T. Th. Từ, tập hợp những giai thọai thiền. Hôm nào rảnh, tôi lục tìm xem còn hay không. Chúc an vui. HB
Tôi tìm được bài viết của thầy Doãn Quốc Sỹ về những giai thoại thiền (khá dài) trong đó có chuyện về hai thiền sinh tương tự như chuyện của Một Lúa, tôi có chép lại để dành, nếu quý anh chị em muốn đọc thì xin vào link sau đây:
http://anhtuvaban.blogspot.com/2014/10/khong-tam-trong-thien-hoc-doan-quoc-sy.html
Thưa anh NHA,
Xin anh và cô bác cho Lúa bàn chút việc để lấy kinh nghiệm về sau.
Tiêu đề thiền luận của nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã nói lên mục đích. Có thể nhà văn đặt nặng về ý, không quan trọng ở hình.
Cái hình của ông là một khúc lộ nào đó bị ngập nước. Thử hỏi cô gái sợ dơ quần áo có cần gấp sang vĩa hè bên kia không. Đoạn đường mà có vĩa hè và giữa ban ngày, thì không lẽ không có một anh hùng dân sự hay một xe jeep, xe xích lô nào để cứu mỹ nhân. Em nói chơi thôi, em muốn nhắc mức độ cần thiết.
Chuyện phóng tác của em không bàn về thiền, nên em chú trọng về cảnh. Cảnh của Lúa là một trường hợp chẳng đặng đừng. Một kiểu thời thế cần thiết đã tạo ra tác động bất thường.
Mong nhận thêm những ý kiến.
Một Lúa
Một Lúa thân,
Rất thích bài này, một về Tam Bình/ hai về ý thiền. Riêng về câu chuyện hai vị sãi anh không quan tâm về ‘hình’ kể cả bài của thầy DQS. Sở dỉ nhắc lại bài của thầy chẳng qua muốn góp phần nhấn mạnh ý thiền quá tuyệt mà ý này được trân trọng tử lâu. Quan trọng là cái ý. Với lại Thầy DQS cũng chỉ ghi là giai thoại chứ không là sáng tác của ông , vậy chuyện này bất cứ ai cũng có thể kể lại nên những vị sư Phật giáo dùng để rao giảng là không lạ.
Mến.