Nữ tiên trần thế (Phần 3)
Vài phút trước, Lộc còn mong cho đoàn xe nầy chạy mãi trên con đường bất tận. Dù tiếng những vòng bánh sắt nghiến trên đường rầy suốt mấy ngày nay kết hợp với nỗi buồn đang châm chít tim anh. Anh rất nhớ thương và mong ngày gặp lại cha mẹ anh chị sau bao năm xa cách, nhưng cũng buồn tủi cho hoàn cảnh tang thương của mình.
Ngày nào, anh đã vui lòng san sẻ phân nửa số lương cho cha mẹ. Cho dù có tiếng cười chế nhạo sau lưng của tụi bạn bè, anh cũng có chút tự hào. Chẳng lẻ bây giờ, một thanh niên gần ba mươi, hằng ngày ngữa tay xin mẹ già mua từng viên thuốc giảm đau cho những lóng xương đang chấp vá, thiếu hụt, tật nguyền đâu đó trên cơ thể của anh. Và một tương lai mù mịt mà anh nghĩ rằng ba má khó bề gánh vác. Lộc nhắm mắt lại, cố quên những ý tưởng mặc cảm bằng giấc ngủ gượng ép chập chờn.
Lộc suýt bật khóc khi gặp lại cha mẹ mình, anh vừa biết rằng ông bà cũng chia sẻ gian lao, đùm đậu lẫn nhau, bảo bọc gia đình, giữ gìn hơi thở để chờ thằng con tù tội. Anh muốn tát mình thật mạnh cho những ý nghĩ bất hiếu lúc ngồi trên chuyến xe lửa xuôi Nam. Trong hối hận anh tự hứa, sẽ làm bất cứ điều gì cho gia đình, bù lại bao năm thiếu sót.
Má anh đươc ông bà ngoại dạy dỗ nữ công và nho học trước khi gả cho ba Lộc. Sống qua hai cuộc chiến tranh khủng khiếp vùng nông thôn. Gia đình di chuyển nhiều nơi nhưng vẫn còn giữ nguyên vẹn được cái cối đá xay bột, cối vả quết nem quết thịt. Các dụng cụ trong bếp và cái khuôn bánh kẹp mà ông ngoại cò măng bên Tây, tặng má hồi còn con gái. Những vật dụng đơn giản nhưng cần thiết để phục vụ những bửa cơm gia đình. Tuy chúng vô tri, nhưng thắm sâu tình người phụ nữ lặn lội tảo tần, vắt kiệt tấm thân, hết lòng hết dạ lo cho chồng con no ấm.
Đêm đó, thực sự là bửa cơm đoàn viên, mọi người vui vẻ hân hoan, không khí mà suốt bao năm nay chưa từng thấy tại nhà cha mẹ Lộc. Sau bửa cơm, cả nhà quây quần ấm áp bên những ly cà phê. Câu chuyện trăm năm góp lại tưởng không bao giờ dứt. Có một điều mà ai cũng tránh né, không nhắc đến H người bạn gái đầu tiên và duy nhất của Lộc. Nhưng họ không ngờ, ngay trong tù, Lộc vô tình biết được tin gia đình cô ấy ra nước ngoài rất sớm.
Khoảng năm năm trước, gia đình Lộc mua mảnh vườn gần hai ngàn mét vuông, phía trước là lộ xe, bên cạnh có dòng sông nhỏ. Cảnh trí vừa hữu tình vừa thuận lợi, Lộc thầm khen ba má mình khéo tính. Anh đo đạc, cắm cọc căng dây cho chương trình xẻ mương lên liếp. Rồi lao vào công việc như chưa bao giờ được làm. Lộc thực sự quên mình là ai, quên luôn những thú vui thời thanh niên son trẻ, dù anh chưa bao giờ hoặc chỉ là hưởng rất ít. Sau mấy tháng có tay quản lý kiêm nhiệm nhân công, khu vườn cây tạp của gia đình được chỉnh hình dần dần khởi sắc.
Tuy quá lứa mà mặt mày coi tạm được, có thời gian dài sống nơi thành thị. Nhất là ở quê, người ta nể trọng các gia đình hiền lương và có chút chữ nghĩa. Vì vậy có rất nhiều gia đình có con gái ngỏ ý giao hảo chuyện thông gia. Ba má biết Lộc còn mang vết thương lòng sâu kín. Không thúc hối anh, nhưng cứ than một câu, già rồi mà không có cháu ẳm bồng, nhà lạnh tanh không nghe tiếng trẻ.
Thật ra cha mẹ Lộc có cháu nội ngoại đầy đủ. Chị gái đã gả đi, còn anh trai kế, có vợ là cô giáo dạy trường gần nhà của chị. Anh ấy đi đi về về, xem như nửa phần là ở rể. Lộc cũng hiểu sự quạnh hiu của ba má và của mình. Nhưng con sâu tình cảm, nhiều năm đục khoét tâm can, không chừng nó đã chết theo con tim của Lộc.
Lần đầu tiên sau chín tháng trở về mái ấm gia đình, Lộc thay ba má đi dự tiệc đám giỗ nhà bà con. Lộc chưa từng đi và cũng không muốn đi tiệc tùng như vậy. Ba má anh khuyên, sau nầy con thay ba má viếng thăm quyến thuộc, bây giờ con đi tới lui cho quen biết là vừa.
Đường về, lội bộ gần cây số qua ruộng đồng, qua những vườn cây xanh tươi trĩu quả. Lần đầu tiên thưởng thức thế giới bên ngoài, Lộc vui vẻ nhìn đó đây như đứa trẻ vừa rời mắt mẹ. Nhờ vậy anh thấy được miếng gỗ nhỏ treo lũng lẳng bên ngoài một hàng rào, chữ viết bằng phấn trắng <có bán vừa giống>. Lộc hiểu tấm bảng nói gì, cũng muốn cười cho vui, nhưng kịp dừng vì có người đi ra cổng.
– Cô ơi, làm ơn cho hỏi thăm.
Cái bóng mặc áo màu vàng vừa ra khỏi cổng, thắng đứng người lại.
– Nhà có bán dừa giống phải không cô?
Cô gái có khuông mặt trái soan, mái tóc đen tuyền dầy đặc buông từng sợi thẳng, bung xòe che kín bờ vai đến nửa lưng. Cô chỉ vào bên trong:
– Anh vô xem dừa, tôi đi ra đây một chút rồi trở lại.
Nhìn một lần nửa mái tóc bồng bềnh khi cô ấy mới quay lưng. Lộc thầm khen, một bông hoa đồng nội xinh xắn.
Anh không bước vào cổng vì trong sân vắng lặng, Lộc thơ thẩn bên ngoài chập lâu rồi đến làm quen với tấm bảng vui vui. Anh dùng ngón tay quẹt lấy phấn mấy chữ kia, thêm cái cán vào chữ “v” cho nó biến thành “d” của chữ dừa.
– Hôm qua em nhờ thằng cháu viết, quên xem lại.
Lộc hơi ngạc nhiên vì giọng nói có nhiều tình cảm hơn lúc nảy, nhất là tiếng xưng em trong đó.
– Anh là anh Lộc, con của bác Tư ? Còn em tên Hiền.
Như tiếng trời gầm trong đêm đen đặc, Lộc ngây người trong vài giây. Anh vừa nghe đến tên người bạn gái năm nào mà anh đã cố quên. Lộc đuổi luồng tư tưởng của mình qua hướng khác.
– Sao cô biết tôi?
– Em là thợ may, tiệm may ở khoảng giữa nhà anh và chợ. Có mấy người lối xóm của anh ra tiệm may đồ, ngồi chơi rảnh rổi, họ hay nói về anh, em nghe mãi cũng thấy cảm tình. Thấy Lộc vẫn lặng thinh, cô hơi thẹn thùng, hơi ngữa đầu ra sau, bàn tay có những ngón đều đặn thuôn dài vén những sợi tóc lòa xòa dính những giọt mồ hôi trên mặt. Cô chuyển qua chuyện mua bán.
– Anh cần bao nhiêu dừa giống, mang về trồng đi, vườn anh gần mé sông trồng dừa tốt lắm đó.
Đến bây giờ Lộc mới nhớ ra mình cần nhưng chưa định mua vì không mang theo tiền.
– Tôi cần dừa giống, hôm nay định xem thôi vì không mang tiền.
– Không sao, anh cần bao nhiêu cứ lấy, bửa nào anh đem tiền vô, hoặc sáng mai em ghé nhà anh.
Vừa nói xong nàng kêu mấy đứa cháu mang dao ra. Lẹ làng dùng mủi dao tách từ vỏ khô một sợi nhỏ
bằng chiếc đũa, tước sợi dây dài ra nhưng một đầu vẫn còn dính vào thân trái. Hai trái cột lại một chùm, hai đầu dây nối lại công dụng như một cái quay, xách lên dễ dàng mà cảm thấy nhẹ hơn. Cô Hiền lựa những trái tròn trịa, có những tược cây non mạnh mẻ nhú khỏi vỏ quả dừa khô chừng gang tay, chuẩn bị những chiếc lá đầu đời. Vừa làm, cô vừa giải thích tỉ mỉ, xem Lộc như một người quen, hay là chú học trò dễ dạy.
Trên đường về nhà, Lộc mừng vui vô hạn. Hai tay xách bốn cặp dừa, lòng lâng lâng, đôi bàn chân hình như bốc cao hơn mặt bờ đê. Từ lâu anh tìm loại dừa dày cơm sai trái, hôm nay chẳng tìm mà gặp, Lộc mĩm cười cho câu hữu duyên thiên lý…
Một Lúa
Hây da! Cái nầy độc nha. Nhìn bên ngoài mà biết bên trong dày cơm sai trái phải là tay kiến văn quảng bác, kinh nghiệm dữ dằn mới có. Ông Một Lúa ơi, truyền dạy cho anh em một vài trang đi. Hi hi, Q Đ.
Chào Quách Đào,
Độc như thịt dịt không.
Mắt Lộc làm sao nhìn thấu vỏ và gáo dừa. Anh ta tin tưởng những tính chất tốt của trái dừa giống được cô Hiền giới thiệu thôi. Thời đó người ta còn tin nhau những việc mà có thể đến 5-10-20 năm sau mới kiểm chứng kết quả.
Cám ơn Quách Đào không nhân vụ nầy mà phong cho một lúa là kỹ sư nạo dừa. hehe
Nói đến cây dừa giống, lúa nhớ câu đối lưu truyền trong dân gian, bạn Quách Đào rảnh rổi xem thử:
“Ông mượn cháu đi Giồng Dứa, mua dừa giống về ương mộng”
Đọc “Nữ tiên trần thế” của anh, M không đi sâu vào tình tiết cốt chuyện đầy ắp những sự kiện, những kỷ niệm về chuyện đời mang tính hiện thực. Ở đây, PĐM chỉ có vài ý nhỏ: không biết anh Một Lúa “tẩm bổ gì” mà viết lên tay quá dữ – 3 kỳ liên tiếp với tổng 5.908 từ (Phần 1 = 2.603 từ, P.2 = 1.806 từ, P.3 = 1.499 từ); anh viết 1 lèo hay mất bao lâu?. Thêm nữa, lối dẫn, kể chuyện ít chi phối bởi hư cấu. Cách hành văn của anh dùng ngôn ngữ mượt mà và chọn câu, từ rất chuyên nghiệp. PĐM bái phục và thật lòng chúc mừng anh. Chúc anh tiếp tục “Tới luôn bác tài” thêm nhiều tác phẩm hay đến ACE trang nhà như mong đợi.
Chào Phạm Đức Mạnh,
Bạn Đức Mạnh định lấy job của Bác Đạt hay sao, mà cân đo đong đếm kỹ thế.
Nói ngoài lề chơi, khả năng và tư duy tiêu biểu thế nầy: cục pin và tờ giấy trắng. Viên pin nào cũng có tích điện hạn chế, kéo nặng xài lâu thì hết xí quách. Còn tờ giấy trắng thì mặc sức vẻ voi. Gặp tờ giấy xài 40-50 năm nay thì còn chỗ đâu mà vẻ một hạt é.
Hồi nào đến giờ Lúa không viết chữ, nhờ vậy mà óc còn gin. Haha
Cám ơn bạn Đức Mạnh đọc và viết bình luận. Lúa mong nhận đươc PH của bạn cho phần kết.
Chúc mừng Đức Mạnh ra lò tập thơ mới. Những lời tựa thắm đượm nhân bản một nhà thơ ca ngợi tình người, tình yêu, tình gia đình, tình quê hương.
Chân thành cảm phục.
Một Lúa
Không thấy Đức Mạnh khuyên Một Lúa in sách tặng anh chị em trang nhà.
3 người cùng nói một chiệng giống nhau thì tạm tin là thiệt. hehe
Anh Một Luá ơi , ” Lộc mỉm cười cho câu hưủ duyên thiên lý “… hihi ! câu chuyện đến tình tiết rất là có hậu , NT nóng lòng hỏi vì thắc mắc , cô nàng thợ may , cũng là cô nàng bán dưà giống cho Lộc … sau này có đi đến kết quả như ý hong anh !!??? Mong anh viết tiếp . kể chuyện hấp dẫn tiếp đi nha. Hihi .
Ui trời ! Văn Sĩ Một Lúa này hay thiệt nha .Xây dựng những tình tiết hấp dẫn được người đọc .Thôi đi xem luôn phần kết thôi nào!
Úy trời! Mới tuần lễ mà Lúa lên 3 chức. Ấp vịt cũng phải chờ 21 ngày chớ. Hehe
Nhưng dù sao cũng cám ơn trước đã, vì má tui dặn hoài:
“Ngon không thì cũng của cho, dù ăn không được phải lo đáp đền”
Huống chi cái nầy ngon hơn trứng vịt lộn. Lúa phải đáp đền nhiều hơn. hihi