MÙI TUỔI THƠ
Cuôi thập niên 40 của thế kỷ trước, tôi là một đứa trẻ tập tễnh bước vào lớp Đồng Ấu. Hồi đó dân làng tôi oằn mình sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp
Ba tôi là một trí thức theoTây học nhưng nặng lòng yêu nước. Ông từ chối lời mời hợp tác với chính phủ đô hộ dù chỉ là nghề gõ đầu trẻ. Vì vậy ông bị kết tội thân Việt Minh..Từ đó ba tôi trở thành tội nhân chánh trị còn lẫn trốn trong những trận lùng sục bố ráp và dù nắng dù mưa ba tôi vẫn phải sống chui nhũi ngoài đồng ruộng, hoạ hoằn lắm mới được vài ngày ở cạnh chị em tôi
Một lần vì anh hàng xóm canh đường lơ đễnh nên ba tôi bị bắt. Bọn Phú Lang sa trói ngoặc hai tay ba tôi lại phía sau và lôi xềnh xệch xuống đình làng để xử bắn. Yêu cầu cuối cùng của ba tôi trước khi bị bắn là được găp mặt chị em tôi. Yêu cầu đó được chấp thuân và bà ngoại tôi đón chúng tôi từ lớp học để đưa ra đình làng
Bất kể nỗi khiếp sợ của những đứa trẻ con ốm yếu đáng thương, họ cứ lôi ba tôi đi rất nhiều vòng quanh đình, thỉnh thoảng dùng báng súng đập lên khắp người. Cứ mỗi lần như vậy là chị em tôi khóc thét lên đau đớn còn bà ngoại thì cố lôi chị em tôi lúp xúp chạy theo để cha con chúng tôi còn được nhìn thấy nhau trong giây phút cuối. Dù bị hành hạ dã man, ba tôi vẫn cố ngoãnh đầu lại, mắt dán chặt vào chị em tôi không rời. Hình ảnh đó bây giờ mỗi lần nhớ lại tôi không làm sao kìm được nước mắt
Họ vừa cố tình khủng bố tinh thần ba tôi vừa kéo dài thới gian chờ má tôi vay mượn tiền đem đến chuộc mang. Lúc đó gia đình tôi rất nghèo, mượn được số tiền theo họ yêu cầu là một hy vọng hết sức mong manh. Cuối cùng, nhờ vào sự chung sức của dân làng mà mạng sống của ba tôi được giữ lại
Tuy là một bé con nhưng tôi cũng biết canh đường cho ba tôi ăn cơm hoặc tắm rửa. Lần nọ má tôi đi vắng chỉ có ba tôi và tôi ở nhà. Hay tin lính Tây đi ruồng, ba tôi quăng chiếc chiếu manh xuống gầm bộ ván gỗ vừa chạy vừa dặn tôi
– Con chui xuống đó nằm sát vách đừng chui ra
Tôi lũi nhanh như một con sóc, nằm im. Rất may trong khi bọn họ còn bận lôi phụ nữ ra hãm hiếp và đuổi bắt heo gà của dân làng thì bà ngoại bơi xuồng đến nhà tôi trước
Qua thông dịch, họ hoạnh họe ngoại tôi đủ điều. Tôi đứng nép sát bên ngọai, tay bấu chặt lấy áo bà mà mắt thì lấm lét nhìn họ như nhìn bầy thú dữ. Đã có lần tôi thỏ thẻ nói với ba tôi rằng tôi rất sợ thằng Maroc đen như con chó mực. Ba tôi ứa nước mắt
Những ngày tháng tiếp theo, nỗi kinh hoàng đó xảy ra cho gia đinh tôi như cơm bữa. Ba tôi vẫn cố lẫn trốn và bọn họ cứ lùng sục kiếm tìm. Không thể nào tả được nỗi sợ hãi của tôi khi nhìn ba tôi đưa hai tay lên đầu mà vẫn cố hết sức chạy zigzag trên cánh đồng trống huơ vừa mới gặt xong để tránh tầm đạn của bọn lính Tây
Không giết được ba tôi họ quay ra quát nạt má tôi và bà cương quyết chối phăng đi rằng người chạy đó không phải là chồng của má. Đó là môt trong những lần ba tôi thoát chết trong gang tấc
Khiếp đảm nhất trong đời một đứa bé con như tôi là lần bà ngọai và tôi bắt buộc chứng kiến cảnh đầu người thanh niên làng tôi rơi xuống chỉ sau một câu ra lệnh ngắn ngủn mà đanh như thép “ coupez la tête “
Tôi nôn thốc nôn tháo, người lả nhũn ra còn bà ngoại tôi thì run bần bật mà cố gượng ôm chặt lấy tôi. Không phải lần nào gia đình tôi cũng gặp may. Chú tôi bị bọn họ bắt được đưa ra tỉnh kéo lên cầu Lộ chém đầu cũng chỉ sau một câu ra lệnh ngắn ngủn hết sức dã man rồi đẩy xác xuống sông
Sự tàn bạo dã man của họ làm thần kinh những đứa trẻ con nghèo đói như chị em tôi hoàn toàn suy sụp, hoảng loạn đến thảm hại trong khi thể xác thì èo uột vì vất vả, vì thiếu ăn. Họ vơ vét sạch sẽ từ bò heo, gà vịt đến nồi đồng, bộ lư, chén sứ, không từ bỏ thứ gì có chút gía trị rồi đốt nhà đẩy chúng tôi vào cảnh màn trời chiếu đất. Chúng tôi chỉ còn độc nhất bộ quần áo hôi hám bẩn thỉu dính da bằng vải thô đen đã trổ màu xám mốc
Sau gần mười năm bị đè bẹp dưới ách đô hộ dã man, gia đình tôi lần mò ra tỉnh khi chị em tôi bước vào ngưỡng cửa trung học
Nhờ hai bàn tay trắng của ba tôi mà cuộc sống của chúng tôi có phần yên ả, ấm no hơn nhưng ký ức tuổi thơ vẫn tồn tại mãi mãi, vẫn là vết sẹo đời đời kiếp kiếp không bao giờ lành
Về sau, môt người hàng xóm ngỏ ý muốn giúp đưa tôi vào làm việc trong phi trường Vĩnh Long. Tôi giựt mình nhìn người hàng xóm trừng trừng nhưng chưa kịp nói gì thì ba tôi vội từ chối. Việc học của tôi không thể dở dang vì tôi mới lên đệ nhị và ba tôi biết tôi rất sợ người da trắng mắt xanh lẫn người da đen mắt răng trắng ởn. Trong chiến tranh, những người đó đương nhiên bước ra từ kho đạn, lúc nào cũng thấm đẫm mùi thuốc súng, cái mùi ám ảnh tôi cả đời không làm sao quên
Cho tới bây giờ gần ba phần tư thế kỷ trôi qua, hình ảnh những đôi mắt xanh, cái mũi nhọn hoắt, những cánh tay lông lá với tiếng giày đinh rầm rập nện trên đường làng đối với tôi luôn là nỗi khiếp sợ hãi hùng. Nỗi ám ảnh kinh hoàng và mùi thuốc súng hăng hắc khét lẹt vĩnh viễn hằn sâu, rất sâu mà tôi cho đó là Mùi Tuổi Thơ tôị nghiệp của tôi.
Lưu Phương
Tháng 2 năm 2012
Đã đọc. Dể cảm nhận trọn vẹn bài viết vì đã từng sống trong thời thực dân. Cám ơn chị Lưu Phương.
NHA
Kính anh NHA,
Cám ơn anh đã đọc bài viết của tôi. Riêng cá nhân tôi, ở tuổi nầy tôi quên rất nhiều thứ, duy chỉ có những chuyện buồn đau thì gần như tôi không thể quên. Nếu quên được thì phúc quá. Kính chúc anh và chị Hồng Vân sức khoẻ
Cô ơi! Lâu quá mới đọc được bài văn của cô, sống động quá, hình dung như mọi chuyện xẩy ra trước mắt mình .
Chúc cô được dồi dào sức khoẻ .
Cô cám ơn Võ Châu Phương đã chúc sức khoẻ cô. Bây giờ cô mới thấy sức khoẻ thật sự là vàng
Chị Lưu Phương thân mến,
NT mới đọc xong bài ” Mùi Tuổi Thơ” cuả chị viết kể lại, làm em cũng sợ khiếp viá luôn, em thấy thương và tội nghiệp cho chị em cuả chị và bà ngoại quá và nhứt là tôi nghiệp ba cuả chị quá đi thôi. Ông thật là 1 người tốt và kiên cường , đáng kính phục. Bài viết cuả chị làm cho em hiểu được 1 góc đời rất gian nan và khổ sở từ vật chất đến tinh thần cuả dân tộc mình thời đó , trong đó có chị , những người bạn , người thân cuả mình… Không ngờ tới giờ này chị vẫn bình an bên con cháu và bạn hưũ , thật là 1 phước hạnh lớn phải hong chị ? Em chúc chị luôn vui thoả với cuộc sống hiện tại và mạnh khoẻ bên cạnh con cháu chị nhé… Thỉnh thoảng chị rảnh và thư thả gởi bài cả thơ và văn kể chuyện vô trang nhà SOS cho em và các bạn đón chờ xem nha chị. Mến nhiêu . NT SNOW.
Nguyễn Tuyết thương,
Lời phản hồi của em làm chị cảm động quá. Cám ơn em. Mong em lúc nào cũng tươi, khoẻ, trẻ, đẹp. Thương em
Câu cuối cùng trong bài viết này của tác giả LP là sự thật khổ đau không chỉ riêng ai vào thời gian ấy…Xin được chia sẻ nỗi kinh hoàng thời tuổi thơ của chị .Tin rằng những cảnh tượng ấy sẽ không bao giờ xãy ra trên quê hương ta nữa…
Kính anh Phú Thạnh,
Thưa, người cùng thời với nhau thì dễ cảm thông nhau.Cám ơn anh đã dành cho LP tình thân.
Tuổi thơ của tôi đã từng chứng kiến những cảnh tương tự như bài kể của tác giả Lưu Phương, tuy chưa tận mắt trước thảm cảnh rùng rợn mà chị đã trực diện. Dầu rằng trong gia tôc chúng tôi cũng từng có người chịu oan nghiệt gần như thế.Tôi cũng không đủ can đảm lặp lại lời chị trước nỗi kinh hoàng chị phải nhìn người thân bị hạ sát đầy chất man rợ dầu sống giữa thập niên 40 của thế kỷ 20. Sự tàn ác của chiến tranh xâm lược bao giờ cũng không đi cùng với nhân tính. May là một số ít người chỉ biết cầu vinh hưởng lộc, lấy máu xương đồng loại xây tổ ấm lâu đài và mang đầu óc hận thù truyền kiếp, thì dân tộc Việt Nam lại có lòng vị tha vô bờ… Và. biết quên để hướng về tương lai cho thế hệ sau. Cám ơn tác giả chị Lưu Phương đã nói lên điều mà lớp trẻ sau nầy tưởng như huyền thoại.
Kính anh Phong Tâm,
Cám ơn anh đã đọc Mùi Tuổi Thơ. Không giấu anh, khi viết bài nầy tôi chảy nước mắt mấy lần và nghe như có gì nghẹn ở cổ họng. Kính thâm anh
Ông Sãi ơi,
Chị đi chơi xa nhà nên mượn máy của Ngọc Sơn để trả lời phản hồi. Vì máy lạ, cách gõ chữ có dấu khác nên chị để sai chính tả. Ông Sãi đừng rầy chị nghe.
Cũng xin lỗi anh Phong Tâm, tôi viết lại cho đúng: Kính thăm anh
Đúng là tuổi thơ dữ dội. Em cũng có tuổi thơ gần như vậy ( vì nhà ở nông thôn sâu mà ! ), nhưng không phải thời Pháp thuộc, mà thời Mỹ thuộc, không bị lính Mỹ hăm dọa, chỉ bị lính Việt Nam thôi !
Cậu Cả ơi,
Vậy là chị em mình cùng có tuổi thơ dữ dội như nhau. Càng nhớ càng đau phải không em.
Cám ơn chị, cho biết một trong những thảm cảnh của một nước nhược tiểu, nhưng vì sức khỏe không tốt, em phải chia ra nhiều lần để đọc, tuy vậy cũng chờ đọc tuổi thơ “dữ dội” của anh Cả.
Chị cảm động khi biết mắt em không khoẻ mà vẫn cố đọc bài chị viết. Nhưng viết mà không có người đọc thì buồn lắm Hoàng Hưng ơi
Kính Chị Lưu Phương,
Xúc động khi đọc Mùi Tuổi Thơ của chị. Tựa bài rất hay và rất gợi. Những ai đã từng sống bên 2 cuộc chiến, ít nhiều cũng hiểu bộ mặt ghê tởm của chiến tranh. Giờ ngồi nhớ lại chuyện mình biết, mình thấy..vẫn không sao hiểu nỗi con người thời ..địa ngục! Nhà thơ Truy Phong đã tả những nỗi thống khổ của con người trong tác phẩm Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ với Anh Chém, Anh Đâm , Anh Dầm…Vâng, bây giờ nó giống như truyện giả tưởng! Xin chia sẻ với Chị.
TB. Có đọc bài viết của Hải Đường, tấm tắc khen trong bụng. Xin tiếp tục nhé. HB
Thân gửi Hồng Băng,
Hồi trước nước mình nghèo nên dân mình cơ cực quá. Trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, bây giờ quá tuổi 70 rồi, tôi chợt nghiệm ra rằng: Sức chịu đựng của con người cứ lớn dần theo nỗi khổ đau. Nếu không thì làm sao qua được ngày tháng. Nhớ lại hồi đó tôi nhỏ quá, chỉ mới năm, sáu tuổi mà vẫn phải đương đầu với tội ác. Thật kinh hoàng
Thân chúc Hồng Băng sức khoẻ và không quên hỏi thăm Nhã Thụy
Chị Lưu Phương, Bài viết của chị thực sự làm xúc động người đọc. Em không ngờ những tình cảnh mà em có dịp biết qua sách vỡ, báo chí, và các phương tiện truyền thông lại từng xảy ra với người chị gái của mình. Em vô vùng ngưỡng mộ và cảm phục sức chịu đựng của một cô bé mới 5-6 tuổi đầu. Câu chuyện của chị có ý nghĩa hơn tất cả những câu chuyện mà em được biết qua. Bài viết cũng đã phát họa cho chúng em thấy được tuổi thơ tội nghiệp trong thời chiến tranh, chỉ toàn mùi thuốc súng và giết chóc lẫn nhau. Em chúc tuổi già của chị luôn mạnh khỏe để vui vầy với con cháu bù lại tuổi thơ khắc nghiệt mà chị đã trải qua.
Kiều Oanh thương,
Thật cảm đông và cám ơn em đã xem chị là chị gái. Không biết có phải vì chuyện ngày xưa mà chị trở thành một người phụ nữ mỏng da, nhạy cảm và rất nhút nhát không. Nói thật với em là lần đầu hẹn với PhỉRom và Lương Minh chị e dè lo lắng lắm. Sau nầy PhiRom và chị gặp nhau như cơm bữa còn Lương Minh thì thưa thớt hơn nên quen. Hôm nào không gặp thì cũng điện thọại tìm. Hẹn gặp em một ngày gần đây. LP