SÁCH – HƠI THỞ
Thùng sách “Hơi thở trong bàn tay” mà tôi mới nhận có lẽ thuộc vào những đơn hàng cuối cùng trong đợt phát hành thứ hai của tác giả Thái Hạo. Đơn hàng này chậm, rất chậm. Nhưng tôi không bực bội, mà ngược lại, còn thấy vui. Vui, vì sau vài tháng, 5.000 bản của cuốn sách giản dị, gọn ghẽ này đã được bạn đọc đón nhận. Một cuốn sách thành công sẽ kéo theo nhiều ích lợi đối với xã hội: vun bồi trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn người đọc; tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác (in ấn, đóng gói, vận chuyển…); tăng thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp, v.v.. Và, hơn hết thảy, là nó lan toả một cảm hứng tốt, hình thành hoặc thúc đẩy một sở thích, thói quen tốt cho mọi người.
Thái Hạo gọi cuốn sách Hơi thở là “Ghi”. Ghi – giản dị, nhẹ nhàng, lại khiến cho người đọc có cảm giác rằng viết văn không khó. Viết chỉ là ghi – ghi lại cảm nhận, cảm xúc, kỷ niệm, niềm vui, nỗi buồn, suy ngẫm, ước ao. Trong các thể loại của văn học, không có cái gọi là thể ghi, chỉ có các thể tuỳ bút, truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, v.v.. Ghi cũng là một loại tản văn/tuỳ bút. Nhưng khi Thái Hạo gọi là ghi, anh ấy đã đơn giản hoá, bình dị hoá một công việc mà trước nay người ta cứ mặc định là công việc chuyên biệt, thậm chí là sứ mệnh của một nhóm người. Đọc chữ Ghi ở trang bìa, đọc những gì Thái Hạo ghi ở trong trang sách, mới thấy ai cũng có thể ghi (tôi không nói đến chất lượng của cái được ghi). Mà ghi là một cách bật lên “lời” của mình – là nói bằng con chữ. Nói – bằng bất cứ hình thức nào, cũng đều rất cần thiết để xác lập tính cá thể, bản thể, nhất là với người trẻ; bởi vì, “Khởi thuỷ là lời”. Vì thế, bằng cách gọi cuốn sách là Ghi, Thái Hạo còn kích thích khả năng sáng tạo của người đọc. Những phản hồi của độc giả về cuốn sách, mà gần nhất là bài viết của cô bé học sinh lớp 7 có tên Coca đăng trên báo Nông nghiệp là minh chứng về điều này (https://nongnghiep.vn/bao-nay-d400558.html).
Từ việc nhận thùng sách này, tôi thấy hạnh phúc vì một hành động đẹp. Đó là các nhà hảo tâm đã đặt mua sách để tặng cho trường học, cho những trẻ em khó khăn. Tôi vô cùng biết ơn họ. Tặng sách, vừa thể hiện tấm lòng muốn sẻ chia giá trị tri thức và nghệ thuật theo kiểu “bánh ngọt bẻ đôi, sách hay chung đọc”, vừa thể hiện sự trân trọng đối với lao động bút mực của nhà văn. Sự trân trọng này, nó nhắc nhở các nhà văn chú trọng nhân phẩm như/hơn tác phẩm, văn tâm hơn văn tài và có trách nhiệm hơn với đứa con tinh thần của mình ở thời “hậu sản”. Sách không chỉ là đứa con tinh thần (theo sáo ngữ) mang khí huyết nhau rốn của nhà văn, mà còn là tiền bạc vốn liếng của nhà văn đổ vào đó. “Mực của nhà văn còn quý hơn máu của kẻ tử đạo”, người Ả Rập nói như thế, không loại trừ rằng trong “mực” đã có chứa “phẩm”, “tâm” và cả tiền bạc của nhà văn.
Số sách này, tôi sẽ gửi đến thư viện của các trường ở vùng khó khăn, như tâm nguyện của người nhờ tặng. Để “máu của kẻ tử đạo” không lãng phí, để tấm lòng của nhà hảo tâm không bị phụ bạc; để công lao in ấn – đóng gói – vận chuyển của bao người và những hao tổn vô hình khác không bị uổng phí; để bao cây cối ngã xuống vì cung cấp giấy cho những cuốn sách ra đời không vô ích, tôi mong sách đến được tận tay học sinh và các em phải được đọc nó. Bởi vì, nói như một người thầy ở Huế: “Sách không có người đọc là sách chết!”.
Sách cần được sống – Sách cần HƠI THỞ !
NGUYỄN THỊ TỊNH THY