NGHE NHÀ VĂN ĐẶNG NGUYỄN ĐÔNG VY NÓI CHUYỆN

Ngày đăng: 26/05/2024 07:27:50 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi là bạn với Phạm Công Luận, nghe tiếng Đông Vy – bạn đời của Luận, nhưng chưa có lần được trò chuyện với cô. Sách của Đông Vy ra một số cuốn nhưng tôi chưa có dịp đọc bởi tôi thuộc lứa tuổi cổ lai hy còn cô thì viết cho thanh thiếu niên. Có điều, tuy không biết rõ Đông Vy nhưng cũng nghe và chú ý đến những tác phẩm của cô, cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” xuất bản năm 2012 đã tái bản trên 30 lần trong vòng mười năm.

Nhà văn Đông Vy (phải)

Chiều hôm kia, nghe thông tin từ Nhà sách Phương Nam nhân sự kiện ra mắt nhà sách trên đường Hoàng Việt (quận Tân Bình) có tổ chức buổi nói chuyện giữa Đông Vy và độc giả, sáng hôm sau thứ bảy 25/5 tôi quyết định đi ngay để được nghe nhà văn Đông Vy chia sẻ với các em về vấn đề đọc sách, đọc để khám phá thế giới, để thu thập kiến thức để sau này nếu thích và có điều kiện thì có thể viết.

Khi trao đổi với các em, được hỏi cuốn sách nào và tác giả nào hay để đọc? Đông Vy trả lời: hãy cho tôi biết em thích đọc mảng nội dung nào, vì mỗi mảng nội dung có muôn trùng là sách, chưa kể sách ngoại văn. Là người đọc, tôi cũng chỉ biết hỏi như điều em đó nói, chắc nhà văn không nỡ trách tôi! Có em hỏi về công việc sáng tác của nhà văn, cô trả lời bản thân rất lười viết, sở dĩ có lúc viết được là nhờ lúc đó có niềm vui và muốn viết để giải bày tâm sự của mình. Viết là thói quen của cô, từ hồi nhỏ mỗi khi nhận thấy cảm xúc là bắt tay vào viết. Cô không viết sách bằng trí tưởng tượng. Mỗi chặng đường đi qua là một đề tài, những suy nghĩ lúc đó để viết. Tuy viết theo cảm xúc của mình nhưng cần viết sao cho người đọc hiểu đúng điều mình muốn nói.

Trong buổi giao lưu cũng có vài phụ huynh tham gia. Họ quan tâm đến con cái nên đặt ra câu hỏi có liên quan đến việc đọc sách cho trẻ. Bằng kinh nghiệm từ cuộc sống gia đình riêng, Đông Vy cho rằng hãy cho con tiếp xúc với sách ở tuổi nhỏ, ưu tiên cho trẻ chọn sách theo sở thích. Cô cho biết mỗi khi gia đình cô đi du lịch nơi xa, đến địa phương nào đó là các con đòi đi nhà sách, dù biết rằng sách ở đó không khác ở thành phố nhưng việc đến nhà sách trở thành thói quen và niềm vui của trẻ mỗi khi du lịch.

Một tình huống xảy ra ngoài kịch bản của chương trình khi MC điều khiển chương trình mời nhà báo Phạm Công Luận, phu quân của Đông Vy lên chia sẻ, nghĩ gì về người bạn viết văn ở chung nhà. Phạm Công Luận cho biết cuốn “Hãy tìm tôi giữa cánh đồng” do Đông Vy viết từ hồi là sinh viên và cộng tác với báo nơi anh làm việc. Khi đọc một số bài, anh thật bất ngờ và rất thích những bài tản văn rất hay của cô vì trong đó có chất hồn nhiên, trong trẻo và sân sắc đậm chất con gái miền Trung. Khi cô viết các bài viết để sau này in trong cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”  ký tên là Phạm Lữ Ân là tên chung của hai vợ chồng để đăng trên tuần san 2! của báo Hoa Học Trò thì số lượng báo đã tăng đột biến và độc giả rất quan tâm. Nguyên nhân thành công là các bài viết của Đông Vy đậm tình thương với đối tượng độc giả trẻ, trao đổi với các em như một người bạn hoặc một người chị, không nói như người bề trên muốn dạy dỗ. Có điều tiếc là Đông Vy khá bận công việc ở chỗ làm nên không có nhiều thời gian để viết. Phần nào là do tính cầu toàn, luôn yêu cầu sự chỉn chu trong mỗi bài viết của mình.

Nhà báo Phạm Công Luận

Với hơn 30 khách mời trẻ và trung niên trở nên trong buổi giao lưu cho đến kết thúc, không biết mức độ hài lòng của khách tới mức nào chứ đối với tôi quả là buổi sáng thú vị khi được nghe chuyện bếp núc của một nhà văn, thói quen sáng tác vào thời điểm nào trong ngày, chuyện giáo dục con cái bổ sung cho việc học ở nhà trường… Chỉ tiếc một điều là giá như đơn vị tổ chức chọn địa điểm trong nhà mát mẻ hơn có lẽ hiệu quả buổi trao đổi thú vị này còn cao hơn nữa.

Minh Lương

Chup hình kỷ niệm với dộc giả và NS Phương Nam

Phạm Công Luận & Lương Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác