PHONG TÂM VÀ BÀI THƠ “NHƯ HUYỀN THOẠI MƠ” • CÓ MỘT CHỮ THIỆT HAY.

Ngày đăng: 18/03/2024 09:25:46 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Lão huynh thi sĩ Phong Tâm tên ngoài đời là Nguyễn Vân Long, sanh ngày 4/3/1938, tại làng Cái Mơn xã Vĩnh Thành huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre..Tính đến 1975, anh 37 tuổi. Nhưng trước đó không rõ từ lúc nào, anh đã là bạn văn thơ của Kiên Giang, Sơn Nam…những tên tuổi lớn của văn chương miền Nam.

Anh còn thành lập được ở một nơi xa xôi Sài Gòn, thi văn đoàn Mai Vàng với hơn bốn mươi thành viên, thường xuyên góp mặt trên các diễn đàn văn nghệ.

Cái duyên văn nghệ đó tưởng đã mai một rồi khi đất nước chìm vào khó khăn những năm sau 1975, nhưng vui sao, những tay tổ lúc trước như Sơn Nam, những anh em sau nầy như Lương Minh, như Hàn Vĩnh Nguyên, như Phạm Thị Cúc Vàng…không quên anh. Họ thường thăm viếng hỏi han và tình cảm đó thôi thúc anh viết lại.

Và viết rất đều tay.

Không gấp rút, không lơi là, anh viết như hàng ngày phải thở và chỉ tính riêng từ 1975 đến nay, anh đã có cho riêng mình 5 tập thơ đầy đặn: Lá Nắng 1996, Bến 2010, Buộc Thả 2012, Đơn Giản Như Dòng Sông Trôi 2020 và Quanh Quẩn 2023…

Đầu năm 2024, anh gởi tặng tôi 2 tập “Đơn Giản Như Dòng Sông Trôi” và “Quanh Quẩn”.

Xin thưa thiệt 2 điều:

  • đối với anh Phong Tâm, tôi chỉ là một em nhỏ. Đúng nghĩa tuổi đời và cũng đúng nghĩa trong chuyện viết lách, mới chập chững ê a ngọng nghịu.
  • đã có rất nhiều người viết về anh Phong Tâm. Và viết rất hay như những bài của Minh Luong, của Nguyễn Ngọc Hạnh… tôi viết thêm không khéo lại thừa.

Và điều quan trọng nhất là tuy đọc thơ anh Phong Tâm nhiều nhưng tôi chỉ đọc rãi rác đó đây. Không đầy đủ nên không thể hiểu chân xác.

Lương Minh và Dũng Tiến ở Châu Đốc

Nhưng cái tình của anh đối với thằng em nhỏ thân thiết quá. Nó tự thấy phải đọc thơ anh nghiêm cẩn rồi bộc bạch cảm xúc của mình.

Nhưng đọc thơ đâu phải đọc tin thời sự. Đọc thơ phải đọc buổi trưa, treo võng nơi có hiu hiu gió mát, có ly cà phê, vài điếu thuốc…lâu lâu vọng lại từ vườn xa một hai tiếng chim gù nữa thì tuyệt.

Vậy mà nhiều lúc gặp câu thơ hay, tâm hồn bay bổng, quơ tay tìm điếu thuốc để viết vài hàng. Thuốc hết! Xìu…

Tôi chán tôi quá trời.

Thành ra nhận quà của anh hơn tháng rồi mà không có chữ nào.

Rút kinh nghiệm sâu sắc (giống tuyên giáo hén?), lần nầy gặp bài thơ hay, lại gặp một chữ quá lạ, quá tuyệt, đầy mị lực, tâm hồn điên đảo, vội biên ra đây ít hàng, giới thiệu với các bạn một chữ thôi của anh Phong Tâm.

Một chữ thôi trong hàng trăm, hàng vạn chữ hay của anh Phong Tâm lại được viết ra trong lúc thảng thốt, thì các bạn biết nó thiếu sót cỡ nào. Mong được lượng thứ.

Đó là bài thơ “Như Huyền Thoại Mưa”, trang 74, thi phẩm Quanh Quẩn, nxb Hội Nhà Văn 2023,

  • Như huyền thoại mưa

Mưa mịt mùng mưa, mây ủ mây

Trời trong đi vắng – nhốt trăng gầy

“Cô em hàng xóm, cô hàng xóm”

Rũ tóc chiều buông, nhạt cánh môi!

Cứ mỗi mùa thu, ướt lá thu

Cô ngồi hiên lạnh hứng mưa ngâu

Vờ quên giọt thắm đường tơ mảnh

Cánh áo không che được nổng sầu

Ơi cô hàng xóm từ trong mộng

Tôi hiểu em rồi, Chức Nữ ơi!

Cứ mỗi mùa thu cô lại đến

Mưa buồn không dứt…gợi mưa chơi?

Bao nhiêu nước mắt trời thu đổ

Đùa cợt nhân gian phải bạc đầu?

Tiếng độc huyền ngân thôi não nuột

Tìm sông duyên cũ…Bến chiêm bao!…

  • Đêm 09.10.2020

Bài thơ 16 câu, 4 đoạn, tràn ngập cổ phong và mỹ từ.

Đoạn đầu mây mưa mịt mù, một chiều trăng thượng tuần không thấy, cô hàng xóm, xác nhận là cô hàng xóm, không xa lạ, chiều ngồi xoả tóc, môi nàng nhạt màu không biết vì lạnh hay vì không trang điểm.

Đoạn hai nói rõ hơn, không riêng chiều thu nầy, chiều thu nào cũng vậy, hễ có mưa thu ướt lá là nàng ra hiên lạnh hứng mưa chơi. Hứng mưa nên nước trên bàn tay tung toé, nhưng cô làm bộ không để ý, vờ quên nước thắm đường tơ mảnh. Tơ mảnh ở đây thường dễ hiểu là tóc nàng. Cái chết người nằm ở câu thơ kế đó. “Cánh áo không che được nổng sầu”. Tôi sẽ trở lại hai câu thơ nầy ở phần sau.

Đoạn ba, a! Tôi biết ra rồi cô là cô Chức Nữ trong chuyện tình Ngưu Lang, hai người yêu nhau nhưng bị trời phạt quanh năm xa cách, chỉ được gặp một lần khi mưa ngâu tháng bảy.

Đoạn bốn, chuyện tình của hai người buồn quá. Không biết bao nhiêu nước mắt mùa thu đã đổ? Chiều nay lại có tiếng đờn độc huyền của ai đó, sao mà não nuột.

Gặp cô đây giống như đang chiêm bao, đang mộng mị.

Tứ thơ đã tuyệt mà từ ngữ được dùng hết sức chọn lọc. Khiến bài thơ lung linh sắc màu như một viên ngọc quý.

Bây giờ chúng ta trở lại hai câu thơ cuối của đoạn hai:

Vờ quên giọt thắm đường tơ mảnh

Cánh áo không che được nổng sầu.

Cái chữ mà tôi hết sức bất ngờ, hết sức thối động chính là chữ NỔNG.

Không hiểu nó nhưng có cảm giác nó đầy ma lực. Nó giống như trong trường hợp Tản Đà sau khi đã công bố bài thơ Tống Biệt với câu chót là “nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi” đã quyết định thay chữ soi bằng chữ chơi. Và nâng câu thơ lên một tầm vóc mới. Chữ chơi của Tản Đà trong trường hợp nầy được nhiều người xem là chữ của thần thánh nhập, không phải của người thường.

Tôi có cảm giác chữ nổng trong câu thơ đang bàn của anh Phong Tâm cũng tài hoa như thế.

Và tôi quyết đi tìm nghĩa chữ nổng nầy.

Sau nhiều lần hỏi thăm các thầy tự điển, không thầy nào chịu trả lời cho tôi. Cuối cùng có thầy Vietgle cho biết nổng có nghĩa là cái gò.

Như vậy, tôi hiểu thôi nhe, còn ý của anh Phong Tâm ra sao thì tôi không biết,

Cánh áo không che được nổng sầu

Có nghĩa là:

Cánh áo không che được “gò” sầu.

Cái gò mà lâu ngày không được chăm sóc dĩ nhiên phải sầu rồi.

Và câu trên, vờ quên giọt thắm đường tơ mảnh, là không để ý, làm bộ quên, mưa đang văng lên làm ướt chiếc áo mỏng của nàng.

Em út bái phục lão huynh luôn.

Tháng 3/2024

Đào Dũng Tiến

P/c: Anh Ngô Nguyên Nghiễm trong phần giới thiệu anh Phong Tâm, có ghi anh Phong Tâm sanh năm 1938 chú thích thêm là năm Mậu Thân. Xin nói thêm năm 1938 không phải Mậu Thân mà là Mậu Dần, anh Phong Tâm đúng là một lão hổ của làng thơ vậy.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác