HIỆN TƯỢNG THẦY THÍCH PHÁP HÒA.

Ngày đăng: 24/03/2024 09:21:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như cách đây không lâu, trên trang Fb tôi “lọt” vào clip video thầy Thích Pháp Hòa (dưới đây mạn phép được gọi là “thầy”) đang thuyết pháp. Điều tôi ngạc nhiên không phải là những gì thầy nói, mà ở chỗ sao thời buổi này lại có một thầy “mặt hoa, da phấn”, diện mạo, cách ăn nói lại không khác thầy Đường Tăng khi xưa bên Tàu thời Đường trong phim “Tây Du ký” là mấy. Trông thầy mới giống là “thầy”, là sư chứ không giống một số thầy sư ở các chùa kinh doanh gì mà tôi được thấy, được nghe suốt ngày ra rả trên các trang mạng xã hội, nào là cúng dường, cúng chiếu,…nhìn trên khuôn mặt họ chỉ thấy một chữ “tiền” tròn vành vạnh, chứ không có nét nào mang hơi hướng của Phật của Bồ Tát cả. Đặc biệt, số lượng phật tử theo dõi thầy trên mạng xã hội cả triệu. Lạ thay!

Thế là với bản tính tò mò về “con người và thời thế” tôi liền “tua” lại các clip về thầy trong các lần pháp thoại, rồi nhìn, rồi nghe, rồi tự ngẫm ra mấy điều để giải thích: tại sao thầy lại có sức thu hút và có được sự trân quí của các phật tử cũng như những người “ngoại đạo” đến vậy? Và có thể nói không quá, thầy đang là “một hiện tượng” trên mạng xã hội với số lượng “views” đang kinh ngạc đối với một thầy sư thuyết pháp. Có phải là vì mấy điều tôi trộm nghĩ sau đây chăng(?).

  1. Khuôn mặt đặc trưng Phật.

Đôi mắt thầy to, sáng, trong trẻo và tỏa ra một ánh sáng trí tuệ, ấm áp lạ thường. Đôi tai thầy to, dài, khuôn mặt thầy đầy đặn, phúc hậu, luôn giữ một vẻ mặt bình thản và gần gũi. Chỉ nhìn khuôn mặt thầy đã thấy sự tin tưởng, an nhiên và hướng thiện.

  1. Giọng nói: đặc trưng của người Nam Bộ, tuy chậm rãi nhưng không ề à, khi nói thầy nhấn nhá từng câu, rõ ràng từng chữ nên phật tử từ Nam chí Bắc đều dễ dàng nghe được từng lời, hiều được hết từng ý của thầy.
  2. Thầy có thái độ và tác phong chân thành, tử tế, tôn trọng đối với phật tử cũng như mọi người khác. Khi thầy giao tiếp nhẹ nhàng, hòa nhã, kiên nhẫn và thông cảm với những người xung quanh.
  3. Dí dỏm, hài hước. Khi thuyết pháp, thầy luôn liên hệ với cuộc đời của cá nhân mình một cách bộc bạch, thân tình qua các bài thơ, bài vè hay bài chòi, bài cải lương đậm tình quê hương, tạo nên một không gian mở tuy trang nghiêm nhưng lại mang nét gia đình: hết sức gần gũi và thân thiện. Hơn nữa, các bài thuyết pháp của thầy luôn xen lẫn những câu nói dí dỏm, tiếng cười của thầy hết sức hồn nhiên, trong trẻo, làm buổi thuyết pháp sinh động, hấp dẫn và cuốn hút bội phần.
  4. Hướng thiện – tâm sáng. Trong từng bài thuyết giảng của thầy luôn được lồng ghép với nhiều chủ đề khác nhau, liên quan tới tình yêu, mối quan hệ gia đình, lòng tư bi, sự thù hận,…thầy luôn cập nhật cuộc sống hiện tại và liên hệ chúng tới các bài thuyết pháp của mình. Nhờ đó, giúp Phật tử không những thấm nhuần về Phật pháp mà còn có nhiều góc nhìn mới mẻ về cuộc sống đa chiều. Đặc biệt, tất cả những bài giảng của thầy đều trên một nền tảng lấy tâm làm gốc, lấy tình yêu thương giữa con người với con người, con người với chúng sinh khác…làm cội nguồn của mọi hành vi, lấy chánh niệm làm căn bản để tu tập làm người thiện.
  5. Trong sạch, vô tư. Đây là điều thầy khác hẳn với một số các sư thầy trong nước hiện nay. Ngày xưa, các doanh nhân, nhân viên trong các công ty phải qua khóa học marketing ở các trường đại học, các học viện để có kiến thức mà về quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngày nay, họ chỉ cần đến một số “chùa kinh doanh” nghe các thầy, các sư có văn bằng tiến sĩ phật học hội thảo cách kiếm tiền, cách quảng cáo, phương thức chuyển và thu tiền cúng dường, là đủ kiến thức để hành nghề, tác nghiệp rồi. Với kiến thức kinh doanh siêu đẳng của mình, họ (các thầy, sư), ở các chùa đó, có thể nghĩ ra được hàng “triệu cách kiếm tiền” khác nhau, đôi khi, chỉ cần một cây cỏ dại bên suối, họ lấy về “phù phép” thành “xá lợi tóc Phật” mà kiếm được cả chục nghìn tỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng.

Riêng thầy chưa bao giờ “thuyết” cho đại chúng các hình thức kiếm tiền qua cúng dường hay quảng cáo các phương pháp trị ma ám, cúng sao, giải hạn, cắt duyên hoặc những pháp thoại sặc mùi mê tín và tiền như trên.

Tóm lại, trong thời kỳ mạt pháp, lòng người hoang mang, tâm thức mơ màng giữa chính đạo và tà đạo, giữa thiện và ác thì thầy Thích Pháp Hòa, với sự hài hòa giữa trí tuệ với diện mạo và tâm tính của mình, đã nổi lên như một đóa hoa sen giữa đám bùn lầy tham sân si, mà tỏa ngát hương nhân ái, nồng nàn tình người, lòng vị tha khiến hàng triệu phật tử cũng như những người “ngoại đạo” hướng theo mà tin tưởng hơn vào đời, vào đạo vào chính mình và biết yêu thương chúng sinh hơn bao giờ hết.

Lấy từ FB Lê Diệu

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác