THƯỞNG THỨC BÁNH KHỌT- BÁNH XÈO MIỀN TÂY
Chiều hôm qua (15.1.2024), mấy chị em chúng tôi có một buổi tối thật ấm áp, thật vui vì hân hạnh được làm khách quý của nữ văn sĩ Dạ Ngân tại tư gia. Chúng tôi gồm: Võ Thị Như Mai, chị Hoàng Kim Oanh, và hai bạn người nước ngoài trong đó có một nhà văn Mỹ, nhà báo Mỹ hiện đã và đang làm việc tại VN đã được tám năm. Vừa được thưởng thức món ngon bên câu chuyện chân tình ấm áp. Chuyện vãn Đông Tây Kim Cổ đến tâm sự về đời về nghề, đó là những chia sẻ quý báu, là kinh nghiệm của bâc đàn chị trong giới cầm bút cho đàn em, tất cả được chiết ra từ một tâm hồn phong phú đôn hậu, một kiến văn dồi dào có chiều sâu trí tuệ, một sức viết đáng ngưỡng mộ.
Nhà văn Dạ Ngân
Nhà văn Dạ Ngân chị là một nhà văn nữ đã thành danh, có tên tuổi trên văn đàn Việt Nam và hải ngoại, chị đã xuất bản hơn 20 tác phẩm, nhiều tác phẩm được giải thưởng và đã được dịch ra tiếng Anh, phát hành trong nước và hải ngoại. Những tác phẩm của chị để lại những dấu ấn đậm nét trong nền văn học đương đại. Vì vậy chị cũng rất quan tâm đến văn học dịch. Chị có lời chúc mừng tác phẩm mới Nhịp Điệu Việt của hơn 300 tác giả do Võ Thị Như Mai chủ biên.
Nữ văn sĩ Dạ Ngân nếu không ai nói tuổi ra, bạn cũng khó lòng đoán được. Vì chị trẻ hơn nhiều so với tuổi, chị chia sẽ việc giữ gìn sức khỏe căn bản do chị tập yoga đều đặn và kiên trì. Dĩ nhiên chúng tôi nghĩ là tình yêu văn chương, đam mê sáng tác, người cầm bút sẽ yêu đời hơn, sống vui, sống khỏe hơn! Giọng nói chị ấm áp,trong trẻo, khuôn mặt phúc hậu thông minh và có nét sắc sảo của người điều khiển con chữ gần cả đời người. Với công việc làm báo và viết văn. Chị cũng đi đó đi đây nhiều vì công việc, nên được trải nghiệm cuộc sống nhiều vùng miền từ Nam chí Bắc nhưng vẫn giữ chất duyên dáng chân chất, đậm chất miền Tây. Và hôm nay nhìn chị thao tác trên căn bếp với các món ăn đặc trưng của miền Tây thì mới thấy hết tháo vát đảm đang khéo léo của chị và tôi thầm nghĩ, chị không những là người của công chúng mà chị còn là người phụ nữ của gia đình.
Chị kể: anh yêu chị và anh chị sống hạnh phúc bên nhau cũng vì anh chị hợp nhau, dành tình yêu cho nhau và cho đam mê văn chương đã đành mà cũng vì tài nội trợ, tiếp khách khứa đăc biệt những khách văn chương mà anh chị quý mến.
Tôi nhìn chị đổ bánh xèo, nhanh, động tác khéo léo, chính xác đến chi tiết, tôi không khỏi trầm trồ:
-Chị giỏi quá đi! Viết văn đã cừ khôi rồi mà làm bếp thì quá nể phục.
-Chị bảo:
-Viết văn xuôi được thì làm gì cũng được, bởi vì sự tổ chức, cơ cấu sắp xếp cho một tiểu thuyết cũng cần có đầu óc khoa học mới làm nổi thì không việc gì xảy ra xung quanh cuộc sống chúng ta mà không làm được.
Để chuẩn bị cho tiệc bánh tối nay chị đã chuẩn bị hai ngày: Vật liệu để làm bánh khọt, bánh xèo được chị chọn kỹ lưỡng
Chị hẹn 6 h tối nhưng do kẹt xe nên mấy chị em kéo nhau tới nhà chị lúc 6h30. Chị đón chúng tôi từ ngoài cửa với nụ cười và cái ôm ấm áp.
Trên bàn trong căn bếp chị đã hào soạn sẵn các dĩa dưa chua ngọt ăn kèm bánh xèo, hai đĩa rau cải xanh tươi ngon, nước chấm pha sẵn trong các bình sứ chuyên dụng, khay thức uống gồm: Bia Tiger, nước ngọt, vắt nước cam tươi, nước suối ,…chị chuẩn bị nhiều loại thức uống cho 6 người hôm nay, rồi ân cần hỏi sở thích từng người để tùy nghi sử dụng.
Chị đã làm sẵn 2 bánh khọt trước để ăn khai vị. Tôi từng có nghe nói bánh khọt nhưng đây là lần đầu tiên tôi được ăn bánh khọt. Từng chiếc bánh tròn nhỏ xinh từ trong các khuôn chị nhẹ nhàng lấy ra và bày lên dĩa thật đẹp. Tôi liên tưởng đến khuôn khổ kích thước như chiếc bánh bèo của Huế nhưng bánh bèo của Huế có làm bằng bột gạo và nhụy tôm còn bánh khọt lại có màu sắc và hương vị khác. Chị bảo đây là “bánh miền Tây”. Tôi thấy bánh khọt giống như bánh pizza thu nhỏ, xinh xắn có cảm giác ăn ngon mà không ngán như bánh pizza bự chảng của nước ngoài
Chúng tôi mỗi chị em chỉ mỗi việc bưng dọn bày lên bàn còn đạo diễn chính vẫn là chị, nhanh nhẹn thao tác bày dọn, chúng tôi quan sát chị làm mà cảm thấy bên chị mình còn vụng về quá, cần phải học hỏi nhiều.
Bánh Khọt đã bày dọn trên bàn ăn, 6 chị em quây quần,vui vẻ, dùng thức uống tự chọn và nâng ly chúc mừng hội ngộ và sức khỏe, mọi người uống nước cam vắt và thưởng thức bánh khọt thơm ngon.
Có người hỏi: -Bánh Khọt dịch sang tiếng là gì?
-Vẫn bánh Khọt thôi ( tên gọi riêng mà lại)
Nếu mà gọi nó là Moulded Rice Cake (bánh gạo đúc) cũng chưa đầy đủ bởi vì bánh gạo đúc ở Việt Nam thì nhiều. Có người gọi bánh khọt là mini savory pancake ((bánh pancake mặn nhỏ) cũng chưa ổn. Nên thôi cứ để nguyên tên gọi bánh Khọt vậy là hay nhất.
Nhìn chị đặt chảo lên bếp, phết nhẹ lớp dầu ăn rồi dùng vá múc bột bánh đổ vào, rồi nghiêng chảo tráng đều lớp bột, nhẹ nhàng, điệu nghệ như múa một điệu múa vậy.
Sau khi bánh đã chín, chị cho tôm thịt, sắn (củ đậu) xào vào giữa bánh. Đậy nắp và đợi khoảng vài phút, để nhỏ lửa, bột chín vàng giòn rụm. Rồi chị kiểm tra, thấy mặt dưới của bánh ráo, chín vàng giòn, chị nhanh tay gắp đôi bánh lại rồi cho ra đĩa. Thưởng thức xong bánh khọt thơm ngon thì chị đã tráng xong bánh xèo (ở trong cùng một lúc hai cái chảo) cho từng người bưng lên nóng hổi. Bánh xèo giòn tan, vàng thơm, hấp dẫn khó cưỡng. Gắp bánh ra đĩa, trình bày món bánh xèo với rau cải xanh, rau thơm, chấm kèm nước mắm chua ngọt, thưởng thức ngay khi còn nóng. Tiếp theo, chị hướng dẫn cách cắt bánh. Chị làm mẫu cái đầu, cái sau chúng tôi cứ thế làm theo.
Ăn bánh xèo miền Tây cũng cho tôi liên tưởng đến bánh khoái của Huế. Nhưng dù tương tự nhưng mỗi loại bánh, mỗi tên gọi của vùng miền nó cũng có những nét riêng. Tên gọi bánh xèo có lẽ do khi đổ bột vào chảo nóng âm thanh “xèo… xèo”.
Bánh xèo miền Tây to, mỗi cái bánh đủ cho khẩu phần một người ăn. Có người ăn ít thì không thể hết một cái.Vỏ bánh được tráng mỏng, giòn tan, có màu vàng ươm đẹp mắt của tinh bột nghệ, nhân bên trong thơm mềm, kết hợp các nguyên liệu thịt heo, đậu xanh, tôm và sắn (sắn: miền Trung gọi là củ đậu) … quyện cùng hương vị béo ngậy của nước cốt dừa, tạo nên một món ăn thật hấp dẫn. Nước chấm bánh xèo được chị pha theo tỉ lệ hợp lý với vị ngọt của đường, nước mắm, nước cốt chanh, tỏi, ớt cay nhẹ và thơm.
Ă kèm bánh xèo giòn còn có đồ chua làm từ củ cải trắng và cà rốt trộn đường dấm bắt miệng. Kèm rau cải xanh và các loại rau thơm. Gắp một miếng bánh xèo nóng hổi, đặt vào ngọn cải xanh gói lại chấm nước mắm chua ngọt cay cay, tất cả hòa quyện, giòn tan trong miệng, tạo nên hương vị ngon khó quên.
Thưởng thức xong các loại bánh, chị mời các em qua bàn nước uống trà, ăn trái cây. Trái cây chị chọn mít Thái loại đỏ hiếm, lúc có lúc không, chị phải canh me mua cho được về cho vào tủ lạnh để dành, xoài chị cũng chọn loại chin vàng ngọt lịm, trình bày rất thẫm mỹ và hấp dẫn mời gọi thực khách.
Nấu ăn cũng là một nghệ thuật. Khéo không chỉ khâu nấu nướng mà nhìn nguyên liệu cũng được chị chọn lựa kỹ càng từ sơ chế, pha bột là vỏ bánh xèo, xào nhân với liều lượng gia vị sao vừa ăn, thấm tháp ngon miệng mà 6 thực khách hôm nay (nước trong lẫn nước ngoài) đều khoái he .he..!
Câu chuyện chưa dứt nhưng thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã 9 h tối, chúng tôi chia tay chị để chị còn nghỉ ngơi, hai bạn ngoại quốc về nghỉ để mai còn đi làm.
Ra về chúng tôi thầm cảm ơn chị trong mỗi chăm chút cho bữa tối hôm nay với các vị bánh ngon, thanh lịch và không kém phần sang chảnh mà càng tự hào về thức ăn Việt của chúng ta phong phú, ngon bổ và không kém phầm sang trọng. Được nghe chị chia sẻ chuyện đời, chuyện văn. Chúng tôi có một buổi tối thật thú vị.
Lần nữa, chúng em xin chân thành cảm ơn bậc đàn chị đáng kính về nhiều lĩnh vực! Chúc chị luôn an lành, sức khỏe, và không ngừng sáng tác, những trang viết để lại cho đời đi cùng năm tháng, bất chấp cả thời gian!
Sài Gòn ngày 16.01.2024
Hoàng Thị Bich Hà