LAO ĐAO CỒN

Ngày đăng: 17/12/2023 07:18:32 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Mười ngày sau chuyến đi đầu tiên, tôi trở lại cửa biển Ba Lạt của sông Hồng. Lần này thuê thuyền đi thăm Cồn Lu và Cồn Lặc thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.

Ra khỏi cửa sông chừng 15 phút là gặp vành đai giao thoa giữa nước sông sậm đục phù sa với màu xanh dịu của nước biển. Dòng sông dài 1.149 km mất dấu từ đây.

Chừng nửa tiếng là tới hai cồn. Thi thoảng gặp chòi canh bãi nghêu và thuyền cá đi về. Đều nhỏ nhoi và đơn độc. Cồn Lu phủ xanh bởi sú vẹt, nghe đâu chỉ duy nhất có trạm biên phòng. Cồn Lặc là dải đất bằng phẳng, dài hơn 15 km, chỉ cao hơn mặt nước chưa tới nửa mét, không cây cỏ, không người trú ngụ.

Thuyền cập bờ Cồn Lặc. Phù sa phủ mịn màng như vải lụa. Hoang vu và trống trải. Ngỡ đổ bộ xuống… mặt trăng. Một chút trống vắng cho thêm yêu quí tình người.

Gặp những người dân ven cửa Ba Lạt, tôi hay hỏi họ về tên gọi của hai cồn đất. Tất cả đều hồn nhiên, không hề mảy may hay biết kiểu nói lái của dân trời Nam về tên gọi hai cồn. Anh chủ thuyền cho biết, người dân nơi đây vốn gọi Cồn Lặc là Cồn Mờ. Lu và Mờ là bởi hai cồn thấp thoáng ẩn hiện trong sóng nước, mây trời. Anh đọc cho tôi bốn câu thơ “ấn tượng nhất” về tên gọi mấy cồn nơi cửa sông này, mà người dân còn lưu truyền. Rằng: “Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Mờ/ Trong ba cồn ấy anh mơ cồn nào/ Cồn nào anh cũng ước ao/ Cả ba cồn ấy anh lao đao phần… ồn”.

Bữa trưa với ngư dân, mâm đầy cua, cá, tôm, mực. Nơi cửa sông Hồng, ngất ngây cảnh vật và tình người.

BÀI VÀ ẢNH TRẦN VỌNG ĐỨC

 H2

h3

h4

h5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác