ĐỌC “HOA CÚC VÀ TÔI” THƠ HUỲNH TÚY HOA

Ngày đăng: 28/11/2023 07:46:18 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Trời vừa hanh nắng. Tỷ phú thời gian không biết làm gì, nằm tìm thơ mà đọc. Tìm được nhiều bài thơ rất hay, nhưng chỉ ứng khẩu vài câu để viết comment dưới bài thơ, chớ không có bài nào làm cho con ma viết bắt ngồi dậy. Bỗng bài thơ “Hoa Cúc Và Tôi” của Huỳnh Túy Hoa như một bức tranh đẹp hiển hiện, thấy một thiếu phụ ngồi trong vườn hoa cúc, bên một mé biển nước xanh ngun ngút đến chân trời. Nguy rồi, con ma bắt ngồi dậy viết ngay!

 

HOA CÚC VÀ TÔI

Đóa hoa trắng lung linh cười với nắng

Cành lá xanh thấm đẫm hạt sương mai

Góc vườn đó một khoảng xanh hy vọng

Gió Không về ru giấc mộng trùng lai.

Trùng dương xanh ngút ngàn chân trời biếc

Sóng xô bờ ru giấc mộng Nam Kha.

Đóa hoa trắng áo em màu tuyết trắng

Thuở học trò vời vợi giấc mơ hoa.

Đưa tay níu khung trời xưa viễn mộng

Buổi tàn đông trắng cả lối đi xưa

Vén sợi tóc nhủ lòng trăng đã xế

Còn lại đây hoa cúc cuối mùa mưa.

27/11/2023

Huỳnh Túy Hoa

Rõ ràng, khổ thơ đầu tiên vẽ một bức tranh lung linh với hoa, với nắng, với sương mai, với một khoảng trời xanh hy vọng, nhưng lại thổ lộ một điều thất vọng: Bình minh đẹp như thế, đáng ra phải đem đến tâm hồn những phút giây lạc quan lắm, nhưng nhà thơ lại buông xuống một câu thơ tưởng như không hợp lý: “Gió không về ru giấc mộng trùng lai”.

Đúng vậy, câu thơ phải không hợp lý, vì nó hợp lý thì không phải là thơ hay và không kích thích tôi ngồi dậy. Chỉ một chữ “không” nhưng nó xoay chuyển tâm hồn của người ngồi đó, cho ta biết đó là một con người rất nhạy cảm, dễ rung động trong đường tơ và tâm tư cảm ứng sâu xa với biến động bên ngoài.

Gió ở đây không về ngoài trời, nhưng trong nội tâm chắc chắn gió đã về, khiến nỗi sầu không còn hy vọng trùng lai trong lòng nhà thơ trầm xuông. Sự vô vọng làm cho mắt thì thấy cảnh đẹp mà lòng thì thương nhớ vô biên. Nếu nhà thơ viết “Gió bay về ru giấc mộng trùng lai” thì hợp với cảnh hơn, nhưng ý thơ sẽ dỡ hơn nhiều. Chỉ một chữ “không” mà diễn đạt tâm tư lắng đọng trong nỗi vô vọng vời vợi chờ mong. Quả xử dụng từ ngữ như thế làm cho khổ thơ bay bỗng trong nối sầu tuyệt đẹp!

Khổ thơ thứ hai đặt trùng dương bên cạnh đóa hoa màu trắng. Hai câu thơ đầu mở rộng tầm nhìn đến chân trời xa tít, rồi hai câu thơ sau khép tầm nhìn lại trên đóa hoa để nhớ về một quá khứ xa xăm:

Đóa hoa trắng áo em màu tuyết trắng

Thuở học trò vời vợi giấc mơ hoa.

Nhà thơ lấy một đóa hoa trắng làm tâm diểm. Đóa hoa trắng như một người nằm ngủ, mà sóng biển xô bờ ru một giấc Nam Kha. Giấc mơ đó thật sự không phải của hoa, mà của con người đang ngồi đó. Con người đang ngồi đó, nhìn hoa, nhìn trời, nghe sóng biển, để tâm hồn quay về thời áo trăng, quay về với giấc mơ hoa thời áo trắng xa xưa trinh tuyết.

Khổ thơ không như một bức tranh mà như một đoạn phim có âm nhạc, có hoạt hình với giấc mơ của một nhân vật hiện diện trong khung trời thắng cảnh. Đọc thơ tâm hồn ta nhập vào hoa để mang tâm sự của người. Người lại nhập vào hồn thiên nhiên để cảm xúc với hoa. Cứ như thế thơ cho ta tỉnh táo nhìn thiên nhiên rất đẹp rồi ngủ lịm dần vào giấc mơ hoa trong quá khứ.

Trong khổ thơ thứ ba, con mắt thi nhân không còn trong sáng để nhìn hoa trắng, để nhìn khoảng vườn xanh hy vọng, để nhìn trùng dương ngút ngàn chân trời biếc nữa. Có lẽ đôi mắt kia có nhòe đi vì đôi ba giọt lệ, nên cái nhìn trở nên bi quan yếm thế:

Đưa tay níu khung trời xưa viễn mộng

Buổi tàn đông trắng cả lối đi xưa

Vén sợi tóc nhủ lòng trăng đã xế

Còn lại đây hoa cúc cuối mùa mưa.

“Đưa tay níu khung trời viễn mộng”: Khung trời viễn mộng là vô hình mà đưa tay níu làm chi. Dầu câu thơ chỉ đại diện cho hành động trong tâm thức nhưng cũng là một cử chỉ vu vơ khi không ổn định tâm thần.

“Buổi tàn đông trắng cả lối đi xưa”: lối đi xưa là lối đi “vời vợi giấc mơ hoa” mà bây giờ nhà thơ thấy trắng cả lối đi nghĩa là không còn chi dấu tích

“Vén sợi tóc nhủ lòng trăng đã xế”: Một suy nghĩ bi quan khác với cái nhìn ban đầu thấy “Đóa hoa trắng lung linh cười với nắng”

“Còn lại đây hoa cúc cuối mùa mưa”: Tự nhủ với lòng còn một chút nầy thôi, không còn gì hy vọng. Khác với ban đầu nhìn đóa hoa trắng “lung linh cười với nắng” trong “Góc vườn đó một khoảng xanh hy vọng”.

Khổ thơ thứ ba cho ta nhìn một hình ảnh cô đơn, tội nghiệp bên đóa hoa cúc trắng lẽ loi cuối mùa đông. Tiếng thơ âm vọng nỗi buồn bay đến cõi xa xôi trong khung trời viễn mộng.

Trăng xế và tàn đông trầm lắng xuống dòng thời gian. Ta thấy miên man trong lòng ta nỗi buồn thiên thu u uẩn!

Như trên tôi đã nói, bài thơ “Hoa Cúc Và Tôi” bày tỏ một tâm hồn thi nhân rất nhạy bén, vui buồn biến chuyển trong đường tơ. Tâm hồn đó như hoa cúc trắng, nghĩa là trong đẹp đến vô biên và trong đẹp suốt một đời. Mỗi câu thơ như một tiếng sóng chuyển biến tâm hồn, mỗi khổ thơ như thay đổi một giai điệu, gây âm ba trầm hương thấm vị trong lòng người đọc. Cả bài thơ chuyển biến khung trời như chuyển biến tâm tư trong lòng tác giả. Cảnh đẹp, vườn đẹp, tâm hồn đẹp và nỗi buồn cũng rất đẹp lưu ly!

CHÂU THẠCH

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác