ĐI HỌP BẠN Ở SÓC TRĂNG

Ngày đăng: 25/09/2023 09:54:41 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Sóc Trăng đã thành vùng đất thân quen với tôi, bởi tôi ghé về đây nhiều lần, mỗi lần vải ngày cho nên, dù không biết rõ từng địa phương nhưng tôi biết tên những địa danh nổi tiếng ở nơi này. Thú vị là năm nay, một bạn đồng khoá ở lớp đại học báo chí ngày xưa của tôi quê ở Sóc Trăng nên “đăng cai” chọn nơi này làm điểm họp lớp thường niên năm 2023. Ngày tựu họp ấn định xong, tôi đi trước hai ngày vì muốn ghé Cần Thơ thăm bạn bè.

Quang Vinh- Huỳnh Duy Lộc- Phù sa Lộc- Lương Minh

Ở Cần Thơ tôi có người bạn là nhà thơ Huỳnh Duy Lộc, anh có tên trong văn đàn trước năm 75. Tôi biết Lộc qua Nguyễn Bạch Dương khi chúng tôi dẫn đoàn báo Bà Rịa Vũng Tàu về Cần Thơ giao lưu. Lúc đó, anh Duy Lộc đã nổi tiếng. Từ năm 1991 đến 1997, anh có 7 tác phẩm gồm thơ và truyện ngắn. Thời gian sau, nghe nói anh Huỳnh Duy Lộc sang Malta làm ăn, tạm ngưng sáng tác văn nghệ một thời gian. Năm 2018, tôi gặp lại anh ở Cần Thơ, làm chủ một khách sạn có tiếng. Mỗi lần đi Cần Thơ tôi ghé KS của anh nghỉ vừa tiện nghi, thân tình lại có cơ hội trò chuyện thời sự văn nghệ với anh, bởi anh quảng giao với nhiều anh em ở khu vực Cần Thơ và các tỉnh lân cận nên có rất nhiều thông tin. Cách nay hai năm, anh lâm trọng bệnh nhưng vẫn sáng tác đều, lần này gặp, sắc mặt tươi tỉnh hơn, mừng cho anh. Về đêm, tôi đi chơi về ngồi nói chuyện với anh, trong đó có nhắc nhà thơ Phong Tâm (PT) ở Cái Mơn gửi lời thăm anh, anh vội lấy tập thơ “Từ khi chim vịt kêu chiều” gửi tặng nhà thơ PT nhờ tôi chuyển dùm. Ở Cần Thơ có nhà sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam, các nhà văn các tỉnh khác mở trại sáng tác có thể ghé qua đây ăn nghỉ gọi là đi thực tế, nhờ vậy họ có thể gặp nhau, giao lưu. Anh ở đây gặp gỡ rất nhiều người, anh cho tôi biết sáng này mới đi cà phê với nhà thơ Hồ Việt Khuê ở Bình Thuận, có gửi lời thăm tôi.

Tôi gọi hỏi thăm nhà văn Trúc Linh Lan thì được biết chị đang ở Saigon dự mấy sự kiện lớn tổ chức liên tục vài ngày. Chị Linh Lan là người chị đầu đàn trong làng văn hóa nghệ thuật Cần Thơ, lần nào về đây tôi cũng gặp chị.

Văn Kim Khanh (bìa phải) ở quán cà phê K’Nha

Sáng sớm anh Huỳnh Duy Lộc dẫn tôi đến thăm nhà thơ Lê Chí, một người có uy tín ở ĐBSCL. Thời chiến tranh Lê Chí là bộ đội, sau 1975 đương nhiên là cán bộ được đãi ngộ, anh làm đại diện cho nhóm nhà văn Việt Nam ở vùng Tây Nam bộ. Lần trước gặp anh, không thân quen lắm nhưng anh trò chuyện với tôi rất cởi mở còn tặng tôi hai tập thơ “Đời” và tập “Nhớ”. Anh rất dễ gần gủi dù lớn tuổi và có vai vế trong văn đàn. Anh được đi Mỹ và có những người bạn là nhà văn Mỹ, do vậy quan niệm của anh rất thoáng. Thơ anh giống như tuyên ngôn cụ Đồ Chiểu: Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…Anh không có bài tụng ca, dù anh từ trong vùng kháng chiến đi ra. Đọc bài “Đẳng cấp” của anh : Ai cũng có thể nói lời vĩ nhân/ Giọng kẻ ác từ bi lịch lãm/ Sự thật bóc trần đẳng cấp/ Tự do nắng gió trong lành. Hay như bài “Minh Bạch”: Trăm nghe không bằng một thấy/ ởm ờ/ tráo trở/ ngôn từ/ thời gian mũi tên ánh sáng/ Lý sự ba hoa lẩn trốn nơi nào.

Nói chuyện với anh (Lê Chí ?) cũng thấy anh ghét cái xấu, cái ác. Thế nên trong thơ anh viết: “Phải nhìn bằng gì/ phải nghe bằng gì/ Kẻ lừa đảo miệng mồm tử tế/ tên giết người gương mặt thư sinh/ lũ ăn cắp veston cravat/ Thịt bẩn, gạo bẩn, nước bẩn, gió bẩn và lương tâm cũng bẩn/ Phận người trên thớt”. (Như có như không).

Tôi hỏi nhà thơ Phù Sa Lộc, phải chăng từ lúc đi Mỹ về, anh Lê Chí có cái nhìn như vậy? Phù Sa Lộc nói, ảnh đã có thái độ đó từ lâu, nên nhà cầm quyền địa phương không ưa, nói anh gần gủi bọn xấu, bị chúng bôi đen.

Hôm nay , đến nhà anh Lê Chí thì cửa đóng then gài. Anh đi vắng, Huỳnh Duy Lộc và tôi đến quán cà phê K’Nha cách nhà anh vài chục mét – nơi mà sáng nào anh cũng ngồi đó với các bạn già có, bạn văn có, giáo viên về hưu có, vẫn không thấy bóng anh. Gọi điện thì anh nói đang đi tái khám định kỳ. Tuổi 84 ai mà chẳng bệnh, nên phải khám thường xuyên và lấy thuốc. Chào anh một tiếng khi mình đến địa bàn Cần Thơ, anh nói rất tiếc vì đến trưa mới xong, hẹn chuyến tới. Nhìn quán K’Nha, bản doanh của các lão già, tuy trong hẽm nhưng rộng rãi. Chỗ ngồi của các anh là một bàn 4 người ngồi trong khoảng giữa của quán, thoáng mát có thể hút thuốc được.

Tôi gọi điện cho Phù Sa Lộc, bạn vong niên với Lê Chí. Nhà thơ Phù Sa Lộc sinh năm 1946- cây bút lâu năm ở miền Nam, từ năm 1997 làm biên tập cho báo Cần Thơ. Anh viết nhiều đề tài, nhiều thể loại, nhiều bài thơ mà độc giả còn nhớ như Bài Hành vợ ta, Đêm Phương Nam, Gặp bạn Bến Tre. Viết tạp bút về các món ăn ở báo Kinh tế Sài Gòn, nhất là có dính tới phong tục người Hoa, bởi anh là người Hoa với tên thật là Diệp Ngọc Sơn, sinh ta ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) một địa phương có nhiều người Triều Châu. Anh có hai tập thơ là Thơ Tình tuổi bốn mươi (1989) và Ngọn khói (1994) nên bạn bè vẫn gọi anh là nhà thơ, dù sống bằng nghề báo. Sáng nay anh đau răng nên phải đi nha sĩ, nghe đâu tới đây phải chỉnh trang lại nhiều cái. Rủ anh đến quán , anh bảo bệnh huyết áp nên không dám dùng cà phê. Anh hỏi tôi có đem Văn Học Việt số mới không, bởi ông anh bà con đi kháng chiến, nhưng rất khoái tờ văn nghệ này !

Ngồi chừng nửa tiếng thì gặp nhà báo Văn Kim Khanh, một đồng nghiệp trong báo Thị Trường thuở trước. Anh nguyên là giáo viên cấp 3 trường PTTH Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long vừa làm báo vừa sáng tác truyện ngắn, thơ và bài ca cổ. Trước đây anh có cộng tác Thời báo Tài chính, báo Thị Trường Bất động sản, bây giờ làm trưởng đại diện cho báo Một Thế giới ở Miền Tây. Anh khuyên tôi, người thường hay đi, sẵn viết bài gửi cho anh, đề tài gì cũng được miễn liên quan các tỉnh ĐBSCL là được. Tôi cũng hứa chiếu lệ, chứ biết mình dạo này viết chậm, tình trạng giống như bút bi hết mực, còn đâu mà viết! Anh gửi tôi bài Trăng Nước Ninh Kiều, có ca sĩ hát trên Youtube để tôi giới thiệu nhiều người nghe.

Nhâm Hùng và Lương Minh

Buổi chiều, tôi gọi điện cho Nhâm Hùng- nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng đất Nam Bộ như: Tìm hiểu đất và người Hậu Giang; Ngã Bảy xưa và nay; Long Mỹ Xưa và Nay…nhưng sách nổi bật và được độc giả chú ý nhất là Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi chuyên viết về chợ gặp ông vua “Chợ Nổi” là rất thích, từ lâu muốn gặp mà nay mới có dịp.

Hẹn anh tại quán gà rán Jolli đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, quán đẹp và gần nhà anh. Các công ty thực phẩm nước ngoài như Jolli dạo này mở quán khắp các tỉnh thành cả nước, cung cách phục vụ giống nhau, chất lượng tốt vì không có đồ ế ẩm tồn lại hôm trước. Nhâm Hùng đến Jplli gặp tôi lại rủ đi quán khác. Cần Thơ dạo này có quá nhiều quán cà phê lớn và đẹp. Tây Đô mà ! Cũng trên đường này có một quán rất đẹp, tên nghe dễ thương và không kém phần lí lắc: Cô Ti ơi!

Anh tặng tôi hai quyển “Chợ Nổi Miền Tây” (2023) và “Kể chuyện Bến Ninh Kiều” tôi cũng tặng anh lại hai quyển sách về chợ. Anh nói quyển Chợ Tỉnh Chợ Quê của Lương Minh anh có rồi nhưng chưa có chữ ký, thôi thì bây giờ bổ sung vậy. Anh xuất bản hơn 20 tác phẩm, ngoài ra anh còn sáng tác dàn dựng kịch bản ca cổ cho đoàn cải lương, cho Đài truyền hình TPHCM nên có nhiều người gọi anh là soạn giả, lúc đó anh còn là Phó GĐ Nhà hát Tây Đô, một nhà hát lớn với 800 chỗ ngồi được xây dựng năm 2007.

Anh là người viết sách sống được bằng nghề, thu nhập từ xuất bản sách của anh lên đến hàng mấy trăm triệu đồng; với cuốn “55 năm đô thị Vị Thanh, Tìm hiểu đất Hậu Giang”, ngoài ra anh còn là tác giả của đường hoa đèn nghệ thuật Cần Thơ 2018; Tổng đạo diễn Lễ Hội bánh dân gian Nam bộ năm 2017. Năm nay, từ 9 đến 12/7 anh cũng tham gia góp ý tổ chức Ngày hội Du lịch Văn Hóa Chợ Nổi Cái Răng. Với kiến thức và kinh nghiệm về Nam Bộ phong phú nên các trường du lịch mời anh giảng chuyên đề: ” Văn hoá vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, trong đó có Văn hoá trong mở đất, phát triển kinh tế nông nghiệp, tính cách người phương Nam, phong tục tập quán, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. “Văn hoá nổi”, với mùa nước nổi, cây lúa nổi, chợ nổi, làng nổi, nhà nổi,.v.v.

Hai giờ đồng hồ trao đổi với anh về chợ, về phương cách nghiên cứu, tôi hỏi những thắc mắc chưa rõ về Cần thơ anh đều giải đáp cặn kẻ. Tâm phục anh chỗ làm việc và sống được bằng nghề , việc mà giới nghiên cứu ít người làm được.

o0o

Ở miền Tây tôi còn vài người bạn lính chung khóa Bộ binh Thủ Đức, hàng năm cũng có gặp trong tiệc tất niên ở Sài Gòn nhưng nay xuống đây không gặp là quấy lắm. Tôi gọi điện cho Lê Hồng Dự, anh hiện nay mở quán cà phê ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Hỏi chỗ anh cách trung tâm Cần Thơ bao xa, anh nói khoảng 17 km. Thật ra Tân Phú Thạnh trước đây cũng thuộc Cần Thơ, do tách tỉnh nên nghĩ là xa. Dự nói muốn gặp tôi nhưng phải sau 8 giờ vì còn khách uống cà phê sáng. Tôi mừng quá nên hẹn gặp lúc 9 giờ nơi khách sạn tôi nghỉ.

Dự đến, chúng tôi kéo nhau ra cà phê KATINAT đường Mậu Thân. Quán sang trọng, hai ông nhà quê ngồi nói chuyện , hỏi thăm các bạn ở Cần Thơ: Em Lê Tấn Nam thì đi làm chỉ có rảnh ngày thứ bảy chủ nhật. Các em khác thì ở Sóc Trăng, chút nữa tôi sẽ đi Sóc Trăng chắc gặp được. Tôi gửi cho Dự quyển Đời Chợ loại sách cổ vì đã hơn 20 năm mà tôi chưa có dịp tặng bạn. Lần này có dịp đưa , Dự nói sách chưa xem cũng như mới, tôi cười muốn chảy nước mắt.

Cà phê xong, Hồng Dự mời tôi ăn cơm trưa, chúng tôi lựa quán gần nhất để có thể đi bộ được. Ngang quán cà phê có quán ăn Song Mộc, bán bún bò, bánh mì op la … Thôi thì ăn qua loa để trò chuyện thêm một đổi nữa.

Ở Cần Thơ muốn đi Sóc Trăng ngay bằng xe giường nằm cao cấp tôi buột phải đi chuyến xe Saigon về Cà Mau. Xe trung chuyển đến ks đón tôi ra bến xe Cần Thơ ngồi chờ xe đi Cà Mau ghé rước. Mình đi Sóc Trăng thì coi như xuống dọc đường. Xuống chỗ cây xăng bắt xe ôm về khách sạn Quê Tôi, điểm mà ban tổ chức cuộc họp đã chọn sẳn cho tôi nghỉ đêm. Vừa đến khách sạn tôi gọi ngay cho Nguyễn văn Tám, đồng môn chung khóa sinh Thủ Đức, đúng ra những huynh này ngày xưa không thân quen, sau này về già gắn kết hỏi thăm thường xuyên và thương lẫn nhau, có lẽ chung số phận nên tình cảm có phần nặng hơn bạn hồi trung học, bạn hồi đại học.

Nguyễn Văn Tiến- Nguyễn Văn Tám- Lương Minh

Nguyễn văn Tám nhận tin tôi, liền gọi cho Nguyễn Văn Tiến cũng ở trong thành phố này. Trước kia, Tiến là sĩ quan Không quân, nhưng giờ gia cảnh khó khăn nhất trong các bạn. Mấy năm trước anh em trong khóa phụ với Tiến xây nhà được cho gia đình Tiến căn nhà. Tiến dạo này phụ với các hội từ thiện chăm lo phần ăn cho người nghèo. Ba mươi phút sau, hai anh em đến chỗ tôi rồi cùng đi đến quán cà phê Thuận Phát trên đường Phú Lợi. Tám nói , quán này năm ngoái các bạn xuống cũng uống nơi này. Nhìn quán bên ngoài hình dạng giống như chiếc tàu hải quân, bên trong trên vách có các cây dầm để bơi, chuẩn bị khi tàu chìm thủy thủ bước xuống phao. Một cái vô lăng trên trên vách không biết có phải dự phòng cái trên khoang bị gảy không ? Cả ba thằng đều kêu sinh tố, trà lipton , không ai uống cà phê. Tôi nói với Tám, rượu không rớ, cà phê không uống , người lớn tuổi chỉ còn uống thuốc hàng ngày thôi.

Cả ba trò chuyện khá lâu, Tiến còn phải về nhà để phụ gia đình. Nhà Tiến phía sau KS Quê Tôi, nơi tôi nghỉ, nghe nói đến nhà Tiến chỉ có đoạn vào tới KS là đường tốt, còn khúc sau đó lởm chổm khó đi. Chúng tôi chia tay nhau hẹn dịp khác.

o0o

Đơn vị đăng cai tổ chức họp bạn năm nay là Sóc Trăng do bạn Nguyễn Tứ phụ trách. Tứ học chung với chúng tôi trong lớp báo chí đầu tiên của ĐBSCL hồi năm 1992. Ba mươi năm rồi từ một phóng viên giờ đây là giám đốc Đài truyền Hình Sóc Trăng. Có lẽ không cần tả tướng tá của anh này vì bây giờ khác xưa nhiều (Tướng tự tâm sinh) bệ vệ, trán cao, mang kính rõ nét lãnh đạo nhưng không có vẻ gì hách dịch. Anh mời tôi và các bạn đến sớm gặp trước trò chuyện ở quán thịt dê. Tôi nói đùa, dê này không biết phải dê ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) không? Mọi người trong bàn nói, dễ gì, thịt dê núi đắt lắm đó !

Với các bạn học ở Sóc Trăng

Xa nhau hơn ba thập niên, nhất là không liên lạc thường xuyên giờ thấy bạn nào cũng nổi ít trội vượt bực thì mừng, một phóng viên đài ngồi cùng bàn nói với tôi: Sếp em rất giỏi, cấp trên quyết định năm 2020 sẽ để đài tự chủ tài chính nhưng mới năm 2028 là anh Tư đã bắt tay thực hành rồi…

Hơn nữa , sếp là người giỏi nên nhân viên rất nể mà cấp trên tin dùng. Em ấy nói sao, nghe vậy nhưng với trực giác của tôi thì Tứ là người tốt.

Buổi sáng, Tứ hỏi tôi có đi tham quan quanh đây chưa? Tôi nói mới xuống đây mà biết gì. Tứ nói, Sóc Trăng có rất nhiều chùa Khmer, kiến trúc đẹp nên du khách đến để chụp hình. Chỉ có chùa Dơi kế bên là có phần linh thiêng, trong đó có Miếu Bà Đen. Thật ra, tôi đã đi thăm chùa Dơi nhiều lần với các công ty du lịch, có chụp hình nhiều dơi bay lên và trú ngụ trong chùa, hướng dẫn viên có chỉ ngôi mộ heo 5 móng trong khuôn viên chùa nhưng chưa nói gì đến Miếu Bà Đen. Phải chăng họ sợ mang tiếng truyền bá mê tín dị đoan (?)

Taxi đưa tôi đến chùa và đậu bên ngoài. Tôi đến Miếu Bà Đen thì thấy dân chúng cúng bái khá đông dù đây là ngày thường, không có đoàn khách du lịch nào đến viếng. Cũng giống như các nơi thờ tự Bà Chúa xứ, Miếu này có tựợng bà mặt đen ngồi trên đện, hai nữ đệ tử cầm quạt hầu hai bên. Trước miếu có lư hương lớn cho khách thập phương thấp hương cúng bái. Bên cạnh miếu có cái chái nhỏ , dàn nhạc ngủ âm của người dân tộc Khmer ngồi đó, thỉnh thoảng có khách đông thì trổi lên, khách đi ngang đứng nghe bỏ vài chục đồng vô giỏ mây ủng hộ. Các nhạc công cũng không nhìn, họ mãi mê với điệu nhạc hầu cúng bà , hay biểu diễn phục vụ du khách.

Tứ nói Miếu Bà linh thiêng, lòng tôi cũng dao động muốn hưởng chút lộc của Bà vì từ phương xa lăn lội tới đây. Nhưng cầu xin chi khi tuổi đã cổ lai hy. Gia đình kinh tế, con cái cũng tạm đủ rồi, còn đường công danh thì không có cửa. Thôi thì cầu sao cho bạn bè tôi người nào cũng mạnh giỏi và tôi còn sức khỏe đi chơi với mọi người.

LƯƠNG MINH

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác