ĐÈN LON ĐÊM TRUNG THU

Ngày đăng: 27/09/2023 12:48:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Phần nhiều những ai sinh ra trong thập niên 60 – 80 và mấy năm đầu của 90 mà tôi quen hay đọc từ các trang tản văn, bút kí của một số tác giả họ đều biết qua hoặc từng chơi xe đèn ống lon (sữa bò) mùa trung thu. Ngày đó cuộc sống nhiều nơi rất khó khăn, nghèo túng, đặc biệt ở các vùng thôn quê miếng ăn hằng ngày phải chật vật lo toan, lao động cực nhọc lắm mới mong đủ ăn. Mỗi năm gần đến tết trung thu chỉ bọn con nít chúng tôi là rất háo hức đợi chờ, mong ước đủ thứ, nào ước có cái lồng đèn bự thiệt bự với một đống đèn cầy đốt cho thả ga, mơ được ăn trọn một mình một cái bánh trung thu lớn như cái dĩa hơn một gang tay…chính vì thiếu thốn nên thèm khát đủ thứ, trong đầu cứ lởn vởn hình ảnh đó đến cả trong mơ còn thấy. Thường thì cái gì mơ đều không thành sự thật.

Trước ngày rằm mười lăm tháng tám âm lịch khoảng mười ngày tôi cùng vài đứa trong xóm đi dọc theo mé sông, quán cà phê ở chợ, quanh nhà giàu tìm lượm, xin lon sữa không đã bỏ, loại lon sữa Ông Thọ hoặc Ngôi Sao Phương Nam, chúng tôi gọi tắt là lon sữa bò. Sau khi xin các lon sữa về lựa ra lon tròn đều đẹp, lột bỏ nhãn dán, súc rửa sạch, dùng dao đục bỏ mặt có hai lỗ mà người ta đục để đổ sữa ra, riêng cái lon làm bánh xe thì không đục, giữ nguyên. Làm xe đèn mấy tầng thì đục mấy lon, chúng tôi hay làm từ 1 – 3 tầng (tức 1 lon hoặc 3 lon chồng lên lon bánh xe). Tiếp theo đục nhiều lỗ trang trí cho đẹp theo hình ngôi sao hoặc những vòng tròn ở mặt còn lại (mặt đáy) của ống lon làm tầng, ngoài ra ta cần đục thêm hai lỗ đồng tâm ở hai hông (ngay giữa thân lon), xử lí xong lon tầng mình để một bên bắt đầu làm lon bánh xe ta dùng cây đinh một tấc và búa đục hai lỗ đồng tâm ngay chính giữa ở hai mặt miệng và đáy lon, xong tiếp tục tìm một thanh tre hoặc một đoạn đọt tầm vông còn chắc, tốt hay cây săn (gỗ nặng, tốt) lớn hơn ngón chân cái, dài khoảng 1.3m – 1.5m dùng làm cây đẩy xe và một đoạn dây kẽm 04 – 05 li, canh độ dài dư hơn một chút với chiều cao tầng cần làm, thường làm hai tầng thì độ dài sợi kẽm khoảng 75cm hoặc dùng cây căm xe đạp (căm xe đạp thì không làm được nhiều tầng). Tiếp theo ta dùng dây chì nhỏ và kềm quấn dính cố định một đầu dây kẽm (khoảng 20cm) vào một đầu thanh tre, kỹ hơn một chút thì bẻ dây kẽm cong một đoạn chừng một lóng tay một góc 90 độ (chữ L) rồi khoan một lỗ trên thân thanh tre xỏ đoạn kẽm bẻ khi nãy lọt vào lỗ thì khi đẩy không bị tuột tới tuột lui. Sau khi cố định xong dây kẽm vào thân thanh tre thì ta bẻ đoạn kẽm tiếp một góc 90 độ (chữ L) theo chiều ngang (qua trái hoặc phải tuỳ ý), chỗ góc bẻ cách đầu cây đẩy khoảng 10cm, rồi lấy đầu dây kẽm xỏ vào hai lỗ của lon bánh xe kéo lon sát góc 90 độ. Tiếp tục ta bẻ dây kẽm một góc 90 độ theo chiều thẳng đứng (hướng lên trời), sau đó xỏ các ống lon tầng chồng lên ống lon bánh xe. Cuối cùng dùng kềm bẻ ngoéo sợi kẽm nghịch lại song song với chiều thẳng đứng khi nãy một đoạn khoảng hai lóng tay, để khi đẩy mạnh các ống lon tầng không bị bay rơi ra ngoài. Ta đẩy thử kiểm tra xe đi ro ro mượt chưa, các ống lon cọ nhau xoay vòng đều là xong. Hoàn thành xe đèn, chúng tôi xin tiền mua hoặc đi lượm ve chai đổi cho mấy bà thu mua phế liệu lấy đèn cầy loại nhỏ, cao cỡ ngón tay út, đủ các màu xanh dương, xanh lá cây, đỏ, vàng để tối đốt cắm vào các ống lon tầng đẩy đi khắp xóm chơi cho tới qua ngày rằm, ngày chính thức trung thu đến mấy ngày sau chán mới thôi.

 Ngoài xe đèn, ống lon còn có thể sáng tạo nhiều hình thù lồng đèn khác nhau như làm đèn xách tay dạng đứng hoặc nằm đơn giản hơn, chỉ cần một lon đục bỏ đầu có lỗ đổ sữa rồi dùng đinh 5 phân đục nhiều lỗ trang trí cho ánh sáng thoát ra hai hông lon, đáy lon, tiếp đó đục hai lỗ hai đầu lon đối xứng nhau xỏ dây chì làm quai xách cho cân bằng, đốt đèn cầy cắm vô xách đi chơi tòn ten. Xóm tôi trước đây bọn con nít hầu như tự làm lồng đèn để chơi, rất ít đứa nhờ đến người lớn làm giùm, chỉ trừ khi làm lồng đèn loại lớn làm bằng giấy kiếng xanh, đỏ, vàng với hình dáng nhiều chi tiết như chiếc tàu, con bướm, con cá. Tôi nhớ khi đó có vài đứa trang lứa với tôi nhà rất nghèo, gia đình sống trên ghe, bè vì không có đất ở. Bọn nó không có tiền để mua giấy kiếng nên chặt tre, cắt giấy tập cũ để dán làm đèn ngôi sao, khi đốt đèn cầy lên cái đèn toàn số và chữ nhìn khá vui mắt, đứa nào mặt cũng hớn hở, nôn nao chạy ra đường tụ thành từng tốp ba đến năm đứa xách đèn, đẩy xe đèn kêu rồ rồ vừa đi vừa cười giỡn rộn ràng trên con đường đất, ánh sáng của đèn trung thu xoay xoay, in các đốm hoa văn trên đường hưởng ứng ánh sáng của trăng như mời gọi Chú Cuội, Chị Hằng cùng xuống chơi với đám trẻ quê. Điều khiến tôi ấn tượng hình ảnh của những ngày trung thu đó là nhiều đứa đi chân không (chân đất), tôi hỏi mấy đứa nó sao không mang dép? Bọn nó trả lời: dép để dành đi học, mang đi chơi đứt rồi tiền đâu mua lại! Thật vậy, ngày đó muốn mua đôi dép mới phải đúng dịp lúa mới bán, trúng mùa cá, cha mẹ vừa lãnh tiền công cắt lúa…hoặc tết nhứt. Minh chứng là trong nhóm cùng đi chơi có vài đứa dép đứt phải xỏ dây chì, dây gân, dây vải, dây ni lông, tôi cũng từng mang dép xỏ dây chì nối lại chỗ quai bị đứt để đi học.

Cuối cùng khoảnh khắc đợi chờ để được ăn bánh trung thu cũng tới, ngay ngày trung thu, ngày mười lăm trăng tròn sáng rực ngoài sân tôi được ông bà nội cho hai miếng bánh cắt ra từ cái bánh nhỏ cỡ cái chén chia làm sáu. Tôi không dám ăn nhanh…sợ hết, tôi cắn nhín nhín, bánh thập cẩm thơm, béo hoà lẫn ngọt mặn có dính chút xíu trứng muối bùi bùi cảm giác ngon không thể tả, trên tay hết bánh miệng cứ nhép nhép thèm thêm miếng nữa nhưng hết rồi, chỉ bấy nhiêu thôi, ăn lấy vị. Cái vị ấy đeo đẳng tôi tới bây giờ dù tôi có thể mua được vài chục cái bánh lớn gấp bốn năm lần, mắc hơn vài chục lần giá tiền cái bánh thuở trước nhưng làm sao mua được hương vị và cảm giác của ngày xưa! Lồng đèn ngày nay thì muôn hình muôn vẻ, màu sắc bắt mắt lại có tiếng nhạc, đèn nhấp nháy khiến con nít mê tít thò lò, nhưng chúng nhanh chán chỉ được đôi ba bữa là quăng vào một xó…hết trung thu. Giờ  nhớ lại dù sao tôi vẫn may mắn được ăn bánh trung thu thật sự, còn nhiều đứa trong xóm không có bánh để ăn, ba mẹ nó mua bánh pía thay bánh trung thu cho nó. Nói bánh pía cho oai vậy chứ thực chất chỉ làm tròn giống bánh bía, nhân đậu xanh có đường chút ét, bên ngoài là bột bao phủ, bánh nhỏ hơn mấy lần bánh pía, cỡ đường kính cái đèn pin vỏ sắt loại nhỏ màu bạc hồi trước, năm cái vô một bịch nhựa, giá bán hình như hai ngàn đồng một bịch. Có đứa còn tội nghiệp hơn hai ba năm liền chưa biết mùi trung thu là gì vì thời điểm trung thu ngay mùa nước nổi nó phải theo gia đình đi giăng lưới, đổ dớn, xiệt đêm kiếm tiền trang trải cuộc sống vốn nghèo khó. Tôi biết trong lòng chúng nó chắc cũng rất xốn xang khi ngoài đồng đêm nghe văng vẳng tiếng của bọn tôi cười giỡn, ca hát xách đèn, đẩy đèn đi chơi trung thu! Tết trung thu ngày thơ ấu của tôi cùng đám trẻ chung xóm nhiều năm liền trôi qua như thế, háo hức đợi chờ một chuỗi dài kí ức đẹp thời khó khăn mỗi mùa trung thu đến và đi qua!

Võ Hữu Nghị

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác