CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MINH HƯƠNG TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM

Ngày đăng: 10/05/2023 09:24:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Vài tháng trước tôi có viết loạt bài Cộng Đồng Người Minh Hương Trên Vùng Đất Phương Nam, rất nhiều bạn hữu đề nghị tôi gom lại thành một bài cho tiện việc theo dõi. Hôm nay Trang mạng Thư Viện Hoa Sen đã gom loạt bài viết nầy lại làm một bài dưới dạng PDF, tôi xin trân trọng chia sẻ cùng quý thân hữu. Kính chúc quý thân hữu thân tâm luôn an lạc.

Trung Hoa là một nước lớn nằm về phía Đông Bắc Á Châu. Tuy nhiên, từ ngày lập quốc đến năm 1911, chưa bao giờ nước nầy có một quốc hiệu thống nhất. Thời các vua Nghiêu Thuấn thì chưa có sử sách rõ ràng về một quốc hiệu Trung Hoa. Đến đời nhà Chu thì người ta cũng chỉ gọi tên nước theo họ của người làm vua; và nước nầy chưa bao giờ có được một tên gọi thống nhất. Không biết tên mà chúng ta gọi nước nầy là Trung Hoa ngày nay có từ thời nào, chứ từ sau đời nhà Chu thì họ y cứ theo họ của vị hoàng đế đầu tiên mà gọi. Đến đời nhà Tần, sau khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, thì nước nầy có danh xưng là Tần Quốc. Đến đời nhà Đường thì gọi là Đại Đường, đời nhà Tống thì gọi là Đại Tống, thời lệ thuộc Mông Cổ thì gọi là Đại Nguyên, sau khi Chu Nguyên Chương thu hồi độc lập rồi lập lên nhà Minh thì gọi là Đại Minh. Đến khi lệ thuộc tộc Mãn Thanh thì gọi là Đại Thanh, vân vân. Còn nói về người Trung Hoa di dân đến Việt Nam có lẽ đã diễn ra từ hàng chục thế kỷ về trước, từ sau khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam hán giành lại độc lập cho Việt Nam, một số quan quân nhà Hán không chịu về nước, đã định cư luôn ở xứ Đại Việt. Trước thế kỷ thứ XVI, người Hoa ở Đại Việt chỉ tập trung tại miền Bắc, trong các vùng Vân Đồn, Phố Hiến, chứ chưa có sử liệu nào cho thấy họ đã vào xứ Đàng Trong. Đến cuối thế kỷ thứ XVI, đã có một số thương buôn Hoa kiều theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào buôn bán và định cư luôn tại miền Thuận Quảng, như tại các vùng Ái Tử, Hội An, và Quảng Ngãi, nhưng với một số lượng không đáng kể, vì thời đó cả vùng từ Thuận Hóa vào đến Phú Yên dân cư thưa thớt và kinh tế không mấy phát triển. Trong khoảng thời gian đó, vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ, chưa có người Hoa nào vào sinh sống vì toàn hãy còn chìm ngập trong sình lầy hoang vu, chưa được khai phá. Khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, chúa Nguyễn khuyến khích tàu buôn nước ngoài đến mua bán tại các hải cảng của xứ Đàng Trong (1). Từ nửa đầu thế kỷ thứ XVII, số kiều dân Trung Hoa cư ngụ tại cảng Hội An đã khá đông. Theo Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý đã từng cư ngụ tại Hội An từ năm 1618 đến năm 1621, đã ghi lại như sau: “Vì muốn cho tiện việc họp hội chợ, vua xứ Đàng Trong đã cho phép người Trung Hoa và người Nhật Bản lựa chọn một nơi thích hợp để xây dựng thị trấn. Thị trấn nầy gọi là ‘Faifo’. Vì tại đó đất rộng, nên người ta có thể nhận ra hai phố. Một là phố Khách, hai là phố Nhật. Các phố đặt riêng thủ lãnh và y theo phong tục tập quán riêng mà sinh sống.” Như vậy ngay từ thế kỷ thứ XVI, người Hoa đã lập thành cộng đồng đầu tiên của họ tại xứ Đàng Trong. Từ giữa thế kỷ thứ XVII, sau những biến cố chánh trị bên Trung Hoa, những di thần nhà Minh không phục nhà Thanh như Trần Thượng Xuyên, Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến cùng khởi binh dưới sự lãnh đạo của Trịnh Thành Công, kéo nhau ra cố thủ Đài Loan, nhưng rồi cũng thất bại, họ đành phải kéo hết gia đình và thuộc hạ dong buồm xuôi Nam tìm đất tỵ nạn. Họ đã được chúa Nguyễn cho phép đi vào vùng đất Thủy Chân Lạp khai hoang lập ấp. Sau khi đã ổn định, an cư lạc nghiệp và hòa nhập vào cuộc sống mới trên vùng đất Nam Kỳ, những người Hoa nầy đã tự cho mình hay được người Việt gọi họ là người “Minh Hương”. Theo thiển ý, có lẽ những người Hoa nầy đã tự xưng mình là người Minh Hương thì đúng hơn, vì hai chữ “Minh Hương” có nghĩa là những người còn tưởng nhờ đến quê hương nhà Minh, hay những người có cùng một quê hương dưới thời nhà Minh. Những người Minh Hương ở Nam Phần thời đó đã lập ra 5 bang chánh, gồm Quảng, Hẹ, Triều Châu, Phước Kiến và Hải Nam, nhưng đông nhất là hai bang Quảng Đông và Triều Châu. Điểm đặc biệt là người Minh Hương gốc Quảng Đông thường sống co cụm tại các tỉnh thành và chuyên nghề kinh doanh và buôn bán; trong khi người của các bang khác thì sinh sống bất cứ nơi nào mà họ có thể làm ăn được, như người Tiều thì thường sống hòa nhập với người Khmer trên các giồng cao và chuyên nghề làm rẫy, người Hải Nam thì thường sống bằng nghề đánh cá tại các vùng ven biển, vân vân.

Đối với xứ Đàng Trong từ thế kỷ thứ XVI trở về sau nầy, người Minh Hương đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn và phát triển đất nước, nhất là trong tiến trình Nam Tiến. Riêng những người Minh Hương tiên phong như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương đều là những phần tử ưu tú, có tinh thần yêu nước chống nhà Mãn Thanh, và khi sang tỵ nạn bên xứ Đàng Trong, họ đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế. Và phải thành thật mà nói ở những vùng mới khai phá trên tiến trình Nam Tiến, người Việt luôn giữ thế chủ động, tuy nhiên, nếu không có sự đóng góp của người Minh Hương chắc hẳn cha ông chúng ta đã gặp phải nhiều trở lực và công cuộc khai phá đã phải tiến triển chậm chạp hơn nhiều. Theo Gia Định Thành Thông Chí, chính những quan quân của di thần nhà Minh đi tiên phong như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu chẳng những đã khai phá hoang địa mà còn chiêu mộ lưu dân Trung Quốc để thành lập những cộng đồng người Hoa có tầm cỡ đầu tiên trong vùng Nam Kỳ (2). Quan Tổng binh Trần Thượng Xuyên cùng phó tướng Trần An Bình và Dương Ngạn Địch cùng phó tướng Hoàng Tiến cùng một số thuộc hạ chạy sang xứ Đàng Trong vào khoảng năm 1679, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa đã cho phép ông được giữ nguyên chức Tổng binh và cùng bộ tướng đi vào khai phá vùng đất Nông Nại, tức vùng Đồng Nai-Biên Hòa ngày nay. Trong khi nhóm của Trần Thượng Xuyên đã vào cửa Cần Giờ, rồi lên đồn trú ở vùng Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai thời đó; còn nhóm của Dương Ngạn Địch đã theo cửa Tiểu hoặc cửa Đại, rồi lần lên theo sông Tiền để khai phá vùng Mỹ Tho Đại Phố.

Chùa Minh Hương tức Phúc An Hội quán đường Hồng Bàng, quận 5

Phải thực tình mà nói, đa số người Minh Hương sang Việt Nam hồi hậu bán thế kỷ thứ XVII, đều là những người tài giỏi chẳng những về hành chánh, quân sự mà còn cả về kinh tế, thương mại và xây dựng nữa. Họ là những người rất thành thạo về việc xây dựng phố sá. Còn về nông nghiệp, lúc đó những người Minh Hương mang theo với họ những nông cụ có lẽ đã được cải tiến hơn những nông cụ của xứ Đàng Trong nhiều. Có một điểm đặc biệt, người Minh Hương thích cưới con gái người Việt cho con trai của họ, chứ ít khi chịu gả con gái mình cho con trai của người Việt. Theo thiển ý, đây có lẽ là để bảo tồn sắc thái văn hóa cũng như phong tục tập quán của riêng họ, chứ không phải là sự kỳ thị Việt-Hoa như một số người lầm tưởng. Lúc ban đầu tuy là như vậy, nhưng nhiều thế hệ về sau này, những đứa con có cha Tàu mẹ Việt đã bớt đi cái ý nghĩ không chịu gả con gái cho con trai Việt Nam nữa. Lâu dần về sau này, riêng tại vùng Nam Kỳ, nhất là vùng Vĩnh Long, có rất nhiều gia đình trông bên ngoài có vẻ hoàn toàn Việt Nam, nhưng lại có gia phả gốc gác từ những người Minh Hương phản Thanh phục Minh đến Việt Nam hồi cuối thế kỷ thứ XVII.

NGƯỜI LONG HỒ

Chú Thích:

(1)​Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã ghi chép về việc xứ Đàng Trong buôn bán với các thuyền buôn của thương nhân Trung Hoa như sau: “Xứ Thuận Hóa, đường thủy đường bộ liên tiếp với xứ Quảng Nam, phía hữu xứ Quảng Nam lại thông với các phiên quốc. Về đường biển thì xứ Thuận Hóa và Quảng Nam chỉ cách tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Quảng Đông không đến 3, 4 ngày đường, nên các tàu buôn của Trung Quốc từ xưa đến nay thường tụ tập ở hải phận Thuận Hóa và Quảng Nam.”

(2)​Ngay từ thế kỷ thứ XVI, những thương nhân người Hoa đã thành lập cộng đồng đầu tiên của họ tại Hội An của xứ Đàng Trong.

Quý vị nào muốn xem trọn bài viết, xin bấm vào đường dẫn sau. Sau khi bấm vào đường dẫn, dưới tựa đề của bài viết có 2 bút hiệu: NGƯỜI LONG HỒ và THIỆN PHÚC, quý vị nào muốn xem một số bài biên khảo Đất Phương Nam thì bấm vào bút hiệu NGƯỜI LONG HỒ, quý vị nào muốn xem những bài viết về Phật Giáo thì bấm vào bút hiệu THIỆN PHÚC. Quý vị nào chỉ muốn xem trọn bài viết nầy thì bấm vào hàng chữ có tô màu vàng: https://thuvienhoasen.org/…/cong-dong-nguoi-minh-huong…

 

Có 1 bình luận về CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MINH HƯƠNG TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM

  1. Luong Minh nói:

    Ở Vĩnh Long cũng có chùa Minh Hương ở phường 5, ngang chợ cá. Đọc thêm:

    https://tongphuochiep-vinhlong.com/2013/03/chua-ba-minh-huong-vinh-long/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác