ĐẶNG TIẾN, NGHỆ THUẬT NHƯ MỘT ÁM ẢNH
Đến tháng ba năm 2023, Đặng Tiến tròn 83 tuổi. Đặng Tiến sinh ngày 30 tháng 3 năm 1940 tại làng An Trạch, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Học Lycée Pascal (Đà Nẵng), tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn (1963). Bắt đầu viết phê bình văn học từ 1960 trở đi trên các tạp chí như Mai, Văn, Tân văn. Ông là bạn của Thái Tuấn, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Hoài Khanh, Bửu Ý, Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, …
Năm 1966, ra nước ngoài. Lập nghiệp ở Pháp từ 1968, dạy Pháp văn cho một trường trung học tại Pháp. Làm giảng viên văn học Việt Nam trong ban Việt học, Đại học París VII từ năm 1969 đến nghỉ hưu 2005. Hiện sống tại Orleans, Pháp.
Tác phẩm đã in: Vũ trụ thơ, NXB Giao điểm, Sài Gòn, 1972, Vũ trụ thơ II, Thư Ấn quán, Hoa Kỳ, 2008, Thơ, chân dung và thi pháp, NXB Phụ nữ, HN, 2009.
Đặng Tiến là gương mặt đẹp của lý luận thi pháp thơ tại Việt Nam, chiếm cảm tình của người đọc trong và ngoài nước từ hơn nửa thế kỷ nay. Ông là người tiếp nhận, vận dụng thi pháp Jakobson khá sớm, đưa lại quan niệm: “Thi ca sử dụng ngôn từ vào một đối tượng khác, nghĩa là sáng tạo một nghĩa mới cho ngôn ngữ”. Đặng Tiến, trong toàn bộ những bài viết, cho thấy rõ ý niệm của ông về hai điểm chính của ngôn ngữ: nhạc điệu và hình ảnh. Ông tìm đến các nhà thơ trong một niềm đồng cảm, thanh tân và tươi mới của tâm hồn. Ông dắt dẫn người đọc vào một vũ trụ riêng, ở đó, có sự dung hợp giữa cảm xúc và nhận biết, giữa ấn tượng và trực cảm.
Tôi tiếp xúc những bài phê bình của Đặng Tiến trên tạp chí Văn và Tân văn, các số đặc biệt, như Vũ trụ Đinh Hùng (Văn, số 91, 1967), Tản Đà, thi sĩ của phôi pha, (Văn số 175, 1971), Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử (Văn số 179, 1971), Trần Tế Xương, người xa lạ, Văn số 163, ngày 1-10-1970 và tạp chí Tân văn, số 3, 7-1968 về Hoàng Trúc Ly, Nụ cười trong và đôi mắt sáng.
Sau này, đọc các bài viết về Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Lê Đạt, … mới thấy cái tài hoa, tinh tế và tấm lòng của ông. Những bài viết của Đặng Tiến bao giờ cũng lưu giữ ấn tượng nơi người đọc, Ấn tượng đó, trước hết là cách nhìn về thế giới nghệ thuật của thi sĩ đang luận bàn. Chỉ với tiêu đề đã thu hút sự chú ý của bạn đọc: Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng; Nữ tính trong thơ Bà Huyện Thanh Quan; Tản Đà, thi sĩ của phôi pha; Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử; Thi giới Đinh Hùng; Trần Tế Xương, người xa lạ; Quang Dũng, một thoáng mơ phai; Nguyễn Đình Thi và tiếng chim từ quy; Nhớ thương Phạm Công Thiện; Hoài niệm Vũ Hoàng Chương; Đinh Cường, tấm lòng vô hạn, Vũ Hữu Định, tình ca người lỡ vận, …
Ở đây, qua những bài viết về các tác giả, ta gặp niềm tri ngộ giữa Đặng Tiến và các nhà thơ, nhà văn.
Chữ nghĩa trong văn Đặng Tiến như có hồn, lung linh một thứ ánh sáng nhiều màu, ánh xạ trên từng trang viết, khiến ta nhớ mãi: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm” (Vũ trụ thơ, trang 9).
Trong Tản Đà, thi sĩ của phôi pha, Đặng Tiến viết: Nguồn thơ nào mà không mang ít nhiều nhan sắc của phôi pha, nếu bản chất của thơ không phải chính là di tích của phôi pha … Tập thơ nào hay mà không u ẩn một cuộc tiễn đưa, một lời tống biệt ? Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai” (Vũ trụ thơ, trang 65)
Hơn 60 năm qua, kể từ những bài điểm sách trên tạp chí Mai, đến những bài phê bình văn học trên Văn, Tân văn, Đặng Tiến đã tạo cho riêng mình một con đường về cảm thụ văn học. Ông quan niệm: “Thơ phải có khả năng tạo ra một vũ trụ mới, với những kích thước, những quan hệ, những định luật riêng, bằng cách khai thác đặc tính của ngôn ngữ …” (Thơ-Thi pháp và Chân dung, NXB Phụ nữ, 2009, trang 91). Đúng như ông viết: “Kích thước một nhà thơ là kích thước thi giới do người ấy sáng tác” (Thơ-Thi pháp và Chân dung, NXB Phụ nữ, 2009, trang 404).
Vậy mà, tạp chí Văn có hai số bàn về thơ: Văn số 86 (15-7-1967) : Viết về thơ; Văn số 198 (15-3-1972), Số đặc biệt về thơ (15-3-1972), lại không có bài viết của Đặng Tiến. Kể cũng lạ. Đến năm 1973, trên Văn, Giai phẩm, Tuyển tập Tháng Mười, Đặng Tiến có tiểu luận Thơ là gì ? Như tác giả nói, “Bài Thơ là gì ? tôi viết tại Pháp vào mùa hè 1973, sau khi hiệp định Paris vừa được ký kết, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Viễn tượng hòa bình và thống nhất đất nước, lúc đó, đã thành hình rõ nét, mang theo hy vọng sẽ có một nền văn học Việt Nam mở rộng, tiếp thu những thành tựu khoa học toàn cầu, bên ngoài sự phân biệt chính trị và ý thức hệ” (Thơ-Thi pháp và Chân dung, NXB Phụ nữ, 2009, trang 7).
Tiểu luận này, Đặng Tiến quan tâm và đặt vấn đề về ngôn ngữ theo trường phái lý thuyết của Roman Jakobson (1896-1982), của Claude Levy-Strauss (1908-2009) về thi pháp (poétique). Đặng Tiến viết:
“Khi từ ngữ vượt khỏi công dụng thông tin ấy, để biểu hiện giá trị thẩm mỹ tự tại thì, theo Jakobson, nó có chức năng thi pháp (fonction poétique). Đó là thơ”. (Thơ-Thi pháp và Chân dung, NXB Phụ nữ, 2009, trang 11). Đây là nhận định quan trọng.
Đặng Tiến dẫn lại chủ trương của Jakobson: “Thơ chỉ là một ngôn đề nhắm vào biểu thức (un énoncé visant l’expression), có thể nói, vận hành trong quy luật nội tại; chức năng truyền đạt, đặc biệt của ngôn ngữ hằng ngày và ngôn ngữ truyền cảm, bị giới hạn đến mức tối đa. Thơ dửng dưng với đối tượng của lời nói… Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó. .. thi tính thể hiện ra sao ? Thể hiện bằng cách: từ ngữ được cảm thụ như là từ ngữ chứ không phải chỉ là một ký hiệu tầm thường của sự vật được gọi tên, cũng không phải như một òa vỡ của tình cảm; nó thể hiện bằng cách: những con chữ, và cú pháp, và ý nghĩa, và hình thể ngoại tại và nội tại, không phải chỉ là những ký hiệu vô vị của thực tế, trái lại những con chữ đó có trọng lượng riêng, có giá trị riêng”. (Thơ-Thi pháp và Chân dung, NXB Phụ nữ, 2009, trang 12, 13).
Lý thuyết của R. Jakobson và những đóng góp của chủ nghĩa cấu trúc đã đưa đến những chân trời rộng mở về nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và đặc biệt ngôn ngữ thơ nói riêng. Đặng Tiến còn dẫn Hans-Georg Gadamer, triết gia Đức (11-2-1900 / 13-3-2002) và Paul Valéry (30-10-1871 / 29-7-1945), nhà thơ, triết gia, nhà văn, giáo sư Thi ca học của Pháp để nghiên cứu về thơ và thi pháp học.
Đặng Tiến đã viết loạt bài như Roman Jakobson và thi pháp, Claude Lévi Strauss, Ý thơ và lời thơ , Nguyễn Tài Cẩn trên nền thi học Việt Nam, Thơ và khoa Ngôn ngữ học Tây phương, Mấy lối giảng thơ, Con nhện vương tơ, … những bài này góp phần cho hướng đi mới về nghiên cứu thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại Việt Nam. Có lẽ, tại Việt Nam, người đi đầu và khởi xướng nghiên cứu về thi pháp học hiện đại là Đặng Tiến. Mãi đến thập niên 80 trở đi, Trần Đình Sử mới hệ thống hóa và có các chuyện luận về thi pháp như Thi pháp thơ Tố Hữu (NXB Giáo dục, HN, 1995), Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, HN, 2002).
Những tác giả văn chương Việt đều được Đặng Tiến nhìn dưới góc độ thi pháp. Ông viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng đến Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Chính Hữu, Lê Đạt, rồi Trịnh Công Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng, qua Vũ Hữu Định, Nguyễn Nho Sa đều tìm về thi giới của nhà thơ, nhà văn đó.
Có lần, trong buổi gặp mặt bạn hữu tại nhà Nguyễn Ngọc Hạnh, thành phố Đà Nẵng, tôi có hỏi lý do trong tập Vũ trụ thơ, Giao Điểm, 1972, không tuyển Hoàng Trúc Ly, Nụ cười trong và đôi mắt sáng (Tạp chí Tân văn, số 3, 7-1968) và Trần Tế Xương, người xa lạ, Văn số 163, 1-10-1970. Đây là hai tiểu luận văn học hay, nhiều nét mới trong phát hiện và đánh giá. Đặng Tiến trả lời, bấy giờ đang ở Pháp, ông Trần Phong Giao, nguyên Thư ký Tòa soạn Văn, sau làm tạp chí Giao Điểm, chọn và chỉ lấy năm tác giả, gồm: Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Từ và Đinh Hùng. Không tuyển thêm. Tôi nói, tiếc quá ! Vì thế, sẽ đưa lại bài viết về Trần Tế Xương và lấy tranh của họa sĩ Nguyễn Trung, bạn Đặng Tiến, hình bìa ở số tạp chí đó, như một lý do để thêm yêu Đặng Tiến.
Ông thổ lộ sự cảm mến, trân trọng đối với các nhà thơ thật cảm động. Chỉ mấy dòng thôi mà xiết bao ân tình: “Trong tháng 8.1991, làng thơ Việt Nam đã chịu hai cái tang lớn: nhà thơ Lưu Trọng Lư mất ngày 10, nhà thơ Hồ Dzếnh mất ngày 13 cùng tại Hà Nội” (Tưởng niệm Lưu Trọng Lư và Hồ Dzếnh). Lời kết bài viết Nguyễn Đình Thi và tiếng chim từ quy, Đặng Tiến viết: “Tưởng nợ nhau một lời nói. Hóa ra nợ nhau một tiếng từ quy. Một kiếp từ quy. Khỉ thật !”
Đặng Tiến kể lại, khi Huy Cận sang Paris công cán, như sau:
Năm 1998, tình cờ Huy Cận và Phạm Duy cùng có mặt tại Paris. Nhạc sĩ muốn quan hệ, hỏi tôi số điện thọai, tôi tham khảo Huy Cận, và anh trả lời ngay: «Phạm Duy à ? Phạm Duy thì mình phải gọi anh ấy trước, chớ sao để anh ấy gọi mình?» Sau đó vài giờ, Phạm Duy gọi lại tôi, giọng còn rơm rớm, kể đã nói chuyện với nhau cả tiếng. Huy Cận cảm ơn Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ Ngậm Ngùi làm cho nhiều người biết. Sau đó nhạc sĩ sưu tập 16 giọng hát bài Ngậm Ngùi nhờ tôi chuyển về nhà thơ. Tôi biết là Huy Cận chân thành, …
Năm 2000, một buổi chiều đi lang thang ở Paris với Huy Cận, tôi rủ anh gọi dây nói sang Mỹ thăm Phạm Duy chơi, từ phòng điện thoại công cộng, tôi nhìn anh trong ca-bin: lúc đầu hùng hồn, khoa chân múa tay, về sau lấy khăn tay chậm lên mắt. Không biết hai ông nói chuyện gì, tôi không hỏi.
Những đề tài lớn về Huy Cận đã, và sẽ có nhiều người nói. Tôi kể lại vài kỷ niệm tuy nhỏ nhưng đã giúp tôi đánh giá anh dưới một góc độ riêng, và kết luận Huy Cận là con người tình nghĩa, chí tình và thật tình. Thậm chí có lúc thật thà như đếm. (Đặng Tiến, Huy Cận trong tôi).
Đây là những dòng viết về Tế Hanh: “Anh đến nhân gian vào một ngày hạ chí, 15-5 năm Tân Dậu, suy ra ngày dương 20-6-1921, cũng vào ngày hạ chí, rồi ra đi một buổi trưa hè, 16-7-2009″ (Mùa Hạ, Tế Hanh). Ông viết về Quang Dũng: “Quang Dũng đã đến giữa cuộc đời, dịu dàng như một nét hoài nghi, rồi anh lại ra đi nhẹ nhàng như một thoáng mơ phai” (Quang Dũng, Một thoáng mơ phai). Với Văn Cao: “Thơ trĩu nặng tâm sự và khát vọng thời đại, và đất nước, nhưng nhan đề sao mà nhẹ nhàng, một chữ ngắn: Lá”. (Văn Cao, Lá khát vọng). Đặng Ngọc Khoa, người cháu trong tộc, khi qua đời, với sự quý mến tài năng và nhân cách, Đặng Tiến viết:
“Đặng Ngọc Khoa làm thơ hay. Là một bậc tài tử trước cuộc đời, trong một giai đoạn có thể nói là nhiễu nhương nhất của lịch sử, Khoa là kẻ dấn thân vào thời đại, thậm chí có khi đưa cả sinh mệnh vào những cơn tao loạn, nhưng bản thân là một nghệ sĩ, bị cơn gió chướng của số mệnh thổi tạt vào đêm nghịch lữ.
Nói chung là một giọng hào sảng, đến hung hãn, tha thiết đến chì chiết, ngay thẳng mà uẩn khúc, hồn nhiên mà phức tạp”. (Đặng Ngọc Khoa, dấu chân lạc đà qua sa mạc thơ).
Trong văn chương, cái tình là quan trọng. Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu ở Việt Nam như Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Lai Thúy, Trần Đình Sử, Dương Tường, Mai Anh Tuấn,… quý mến Đặng Tiến. Trong họ, Đặng Tiến là nhà lý luận phê bình đáng trọng, gần gũi và dành cho ông những tình cảm và lời lẽ đẹp đẽ, thâm tình.
Đặng Tiến “là một nhà phê bình tài tử theo nghĩa phê bình vị phê bình, phê bình vì yêu văn chương nghệ thuật chứ không vì một cái gì khác ngoài văn chương, kể cả cái danh vọng, nếu có, của một nhà phê bình. Và, biết đâu chẳng vì thế mà Đặng Tiến thành tựu nhiều trong văn chương. Và không chỉ trong văn chương” .
(Đỗ Lai Thúy, Vẫy vào vô tận – Tùy bút chân dung học thuật, NXB Phụ nữ, 2014, trang 347)
Những lời dẫn sau đây của Đỗ Lai Thúy viết về Đặng Tiến, đã nói hộ, nói thay, nói được tâm tình của nhiều người đọc văn Đặng Tiến.
“Tôi vốn là người mê văn phê bình Đặng Tiến. Và, có lẽ, vì quá mê văn nên nhiều lúc đâm ra ngại găp người. Và cũng có lẽ, vì quá mê, nên khó nói được điều gì đó về văn anh cho có đầu có đuôi. Hơn nữa, chữ nghĩa mỗi bài viết của anh kết lại như một tòa thành mà tôi lại không tìm ra cửa hoặc người đẹp giữ cửa. Tôi đã nhiều lần đi quanh ngôi cổ thành ấy để một hôm vỡ ra rằng lối đi vào tòa chữ ấy chỉ bằng cách đánh chiếm nó như một tổng thể, tức tìm hiểu chính cái cách anh đi đến với mỗi nhà thơ, bằng khái niệm vũ trụ thơ, thi giới, mà bây giờ người ta thường gọi là thế giới nghệ thuật”.
(Đỗ Lai Thúy, Vẫy vào vô tận – Tùy bút chân dung học thuật, NXB Phụ nữ, 2014, trang 339)
Đặng Tiến bao giờ cũng có lối diễn đạt ngắn gọn, tinh tế, tài hoa và chân xác. Đặc điểm này do ông tiếp xúc với môi trường văn hóa phương tây từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, nhất là, qua thực tiễn viết và đọc tác phẩm văn chương. Đặng Tiến có ý thức về cách đọc, cách viết, một lối đọc riêng, một cách viết riêng, tạo dựng một con đường chiếm lĩnh, truyền đạt về nghệ thuật, không lẫn với bất cứ ai.
Huỳnh Văn Hoa
Tháng 3 năm 2023
Nguồn: Khoa học và phát triển, TP ĐN, số 4 (3-2023)