TRƯƠNG MINH KÝ- NHÀ VĂN VIẾT BẰNG QUỐC NGỮ

Ngày đăng: 8/03/2023 11:04:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Trương Minh Ký (1855-1900), nhà báo, nhà giáo, nhà văn hóa của Việt Nam hồi cuối thế kỷ thứ XIX. Trương Minh Ký là văn Đất Phương Nam đầu tiên viết văn bằng chữ quốc ngữ. Trương Minh Ký là một trong những học giả nổi tiếng của miền Nam, đã góp phần rất quan trọng trong giai đoạn phát triển nền văn học Quốc ngữ Việt Nam. Ông sanh ngày 23 tháng 10 năm 1855 tại Gia Định, là môn sinh của Trương Vĩnh Ký. Ông tên thật là Trương Minh Ngôn, tự Thế Tải, bút hiệu là Mai Nham, nhưng sau khi thọ giáo với Trương Vĩnh Ký (1837-1898), ông kính ngưỡng tài của thầy nên đã đổi lại thành Trương Minh Ký, hiệu là Mai Nham. Ông gốc người Bình Định (1), nhưng đến thế kỷ thứ XVIII, nội tổ dời vào Gia Định. Cha ông là ông Trương Minh Cần, học hành cũng khá cao, nhưng chỉ chuyên nghề buôn bán. Chú ruột của ông là ông Trương Minh Giảng, làm Thượng thư dưới triều Minh Mạng. Mẹ ông là bà Phạm Thị Nguyệt, gốc người Gia Định.

Hoạ ảnh Trương Minh Ký, ảnh Bulletin de Cochinchine 1890.

Thân mẫu qua đời khi ông vừa lên 7 tuổi, nhưng ông được thân phụ chăm sóc rất chu đáo. Trương Minh Ký theo học với thầy Trương Vĩnh Ký ngay từ lúc còn nhỏ trong trường nhà dòng Thiên Chúa. Sau khi học xong tứ thư ngũ kinh, ông theo học chữ Quốc ngữ và pháp ngữ. Chính vì vậy mà từ thời tuổi trẻ ông đã thông thạo cả hai Hán văn lẫn Pháp văn. Do có năng khiếu, lại thêm tư chất thông minh và chuyên cần, ông đã nhanh chóng trở thành người học trò giỏi nhất của thầy Trương Vĩnh Ký. Vì cảm mến tài ba và đức độ của thầy nên ông đã thêm chữ Kỷ vào sau tên Ngôn của mình và từ đó đổi luôn thành Trương Minh Ký.

Năm 19 tuổi, Trương Minh Ký tốt nghiệp trường Khải Tường với bằng thượng hạng (Brevet supérieur des instituteurs), về sau này trường này đổi tên thành Chasseloup Laubat. Sau khi ông tốt nghiệp, do thông thạo Hán văn và rất giỏi chữ Pháp, nên ông được giữ lại trường để giảng dạy chữ Hán và chữ Pháp cho các học sinh cấp sau; đồng thời ông cũng tham gia việc giảng dạy tại các trường thông ngôn (Collèges des interpretes) và trường Sĩ Hoạn, tức là trường dạy cách làm quan (Collège des administrateurs stratégies). Ông cũng được Trương Vĩnh Ký giới thiệu làm thông ngôn cho các quan chức Pháp tại Sài Gòn. Theo Trương Gia Từ Đường Thế Phả Toàn Tập(2), năm 1879, Trương Minh Ký  là thầy phụ giáo hạng ba, lên hạng nhì, đồng niên lãnh 1.400 quan tiền Pháp.

Trương Minh Ký cùng phái đoàn Triều Đình Huế đi dự Hội Chợ Paris, Pháp, vào năm 1889,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1890 (Trương Minh Ký đứng bìa trái, tay cầm gậy).

Năm 1880, với vốn kiến thức uyên thâm và tinh thông nhiều ngôn ngữ, ông được viên nguyên soái Tây tên Le Myre de Villers giao nhiệm vụ dẫn 10 học sinh bản xứ, trong đó có Diệp Văn Cương (?-1929), Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) sang học bậc Cao đẳng tại trường trung học Alger, thuộc xứ Algerie. Sau chuyến đi này, ông có sáng tác tác phẩm “Như Tây Nhự Trình”, được đăng trên Gia Định Báo từ năm 1888, kể về cuộc hành trình này.

Ngày 3 tháng 7 năm 1889, Trương Minh Ký được Landes tiến cử làm thông ngôn cho triều đình Huế đi Pháp tham dự cuộc đấu xảo tại Paris. Dịp này, ông được Huỳnh Quốc Công Miên Triệu đặt cho biệt hiệu Thế Tải. Ông cũng được chính phủ Pháp trao tặng huy chương Hàn Lâm Viện Pháp Quốc, và phong thưởng tước Hàn Lâm Viện cùng một số tiền lớn. Khi về nước, Trương Minh Ký vẫn tiếp tục công việc viết báo, sáng tác và làm thông sự ở Ty Phiên Dịch Nam Kỳ từ năm 1890 cho đến ngày qua đời. Sau đó, ông được triều đình vua Thành Thái ân thưởng huân chương Kim Khánh trung hạng cùng với cặp cống sa màu lục và màu hồng. Lúc này, Trương Minh Ký cho in tác phẩm du ký bằng thơ, nhan đề: “Chư Quấc Thoại Hội (1891)”, viết về chuyến đi. Sau năm 1890, Trương Minh Ký làm thông sự ở ty Phiên Dịch Nam Kỳ.

Về sau ông về cộng tác với Trương Vĩnh Ký và làm bỉnh bút đắc lực cho tờ “Gia Định Báo,” tờ báo đầu tiên của nước ta. Ngoài ra, ông còn hợp tác với ông Trương Vĩnh Ký trong tờ báo Thông Loại Khóa Trình, dùng những tờ báo này như là một phương tiện để phổ biến chữ quốc ngữ cũng như giới thiệu tư tưởng và học thuật Âu-Á. Trương Minh Ký có lối hành văn rất bình dân, mộc mạc như Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, chuyên dịch chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và sử dụng văn vần nhiều hơn văn xuôi. Bên cạnh đó, ông cũng viết ra nhiều sách dạy tiếng Pháp cho học trò nước Nam. Về sau, ông làm chủ bút tờ Gia Định Báo từ năm 1881 đến năm 1897.

Trong sự nghiệp văn chương, ông đã từng được ban thưởng những huy chương rất cao quí như huy chương Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (Officier d’Academie), Kim Khánh Bội Tinh của Việt Nam và hoàng gia Cam Bốt. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà văn, một nhà dịch thuật những sách chữ Hán và chữ Pháp sang chữ quốc ngữ, và cũng là một trong những nhà viết tuồng soạn kịch bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Ông qua đời tại Gia Định vào ngày 11 tháng 8 năm 1900, nhằm ngày 11 tháng 7 năm Canh Tý, hưởng dương 45 tuổi. Ông được an táng trong nghĩa trang gia đình “Trang Gia Từ” ở vùng Gò Vấp, Gia Định, gần khu Tổng Y Viện Cộng Hòa thời VNCH. Ngày nay khu này nằm trong khu dân cư tại số 163/25 E, đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM.

Trương Minh Ký vừa là học trò mà cũng là người cộng tác rất đắc lực và thân cận với Trương Vĩnh Ký. Ông cũng là một trong những người có công rất lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ và nền văn học Việt Nam hiện đại, chẳng những tại vùng Đất Phương Nam, mà còn trên bình diện cả nước nữa. Trong vai trò một nhà giáo, nhà nghiên cứu, ông viết sách dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, nghiên cứu về ngôn ngữ Việt, Hán và Pháp, sưu tầm biên khảo văn học Việt Nam. Những tác phẩm văn chương bằng chữ quốc ngữ mà ông để lại bao gồm nhiều thể loại từ văn xuôi, thi văn, dịch thuật đến tuồng tích. Trong vai trò một dịch giả, ông dịch và giới thiệu văn học Đông phương, văn học Tây phương ra chữ Quốc ngữ. Trong vai trò là một nhà văn, ông có nhiều sáng tác quan trọng, mở đường cho văn học hiện đại. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được đăng trên Gia Định Báo trước khi xuất bản thành sách.

Về dịch thuật chữ Hán, tiêu biểu nhất gồm thứ nhất là giáo trình, sách nghiên cứu về ngôn ngữ Việt, Hán và Pháp: “Tập dạy học tiếng Phansa và tiếng An Nam (Méthode pour Apprendre le Francaise et l’Annamite, 1er partie, 1892)”, “Ấu Học Khải Mông (dạy chữ Hán-Cours Gradué de Langue Chinoiese Ecrite, 1er partie, 1892)”, “Ấu học khải mông (Cours gradué de langue chinoise écrite, 2e parie)”, “Pháp Học Tân Lương (Cours gradué de Langue-Francaise en 100 lecons, 1893)”, “Quốc Ngữ Sơ Giai, 1895”, “Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa (Introduction à l’étude chinoise. Course gradué de langue chinoise écrite. 3e partie du maitre), 1896”, “Hán Học Tân Lương (Cours practique et gradue de Langue-Chinoise Ecrite, à usage des Européans, 1899)”, “Cours gradué de langue francaise à l’usage des annamites (1895)”, “Vần Quốc ngữ có hình (Syllabaire Quốc ngữ)”, vân vân

Về dịch thuật chữ Hán-Nôm ra Quốc ngữ, sưu tầm nghiên cứu gồm: “Quốc Phong,” dịch từ Kinh Thi; “Chính Khí Ca”; “Tô Huệ Hồi Văn”, “Lục Súc Tranh Công, Gia Định Báo 1891”, “Hiếu Kinh Diễn Nghĩa, 1893”, “Hiếu kinh diễn nghĩa, ba thứ tiếng (Entretiens sur la Piété filiale)”, “Trị Gia Cách Ngôn Khuyến Hiếu Ca, 1895”, “Ca Từ Diễn Nghĩa (Trésor poétique chinois), 1896”, “Thi Pháp Nhập Môn (Traité de versification annamite), 1898”, “Cổ Văn Chơn Bửu (Morceaux choisis de litérature chinoise. Quatrième partie du Cours gradué de langue chinoise écrite), 1896”, “Nhị Thập Tứ Hiếu, Gia Định Báo 1896”, “Quốc Phong, Gia Định Báo 1896”, “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Gia Định Báo 1897”, “Phương Ngôn Ngạn Ngữ, Gia Định Báo 1897”, “Câu Chữ Nho, đăng rải rác trong Thông Loại Khóa Trình do Trương Vĩnh Ký chủ biên”, vân vân.

Về dịch thuật từ tiếng Pháp, tiêu biểu gồm có: “Chuyện Phansa diễn ra Quấc Ngữ, gồm 16 truyện của La Fontaine, 1884”, “Truyện Nhi Đồng Francinet, 1884”, “Morceaux Choisie, 1884”, “Chuyện Phansa diễn ra Quấc Ngữ (Fables de la Fontaine), gồm 16 truyện không có truyện của La Fontaine, 1884”, “Truyện Francinet”, “Phú Bần Diễn Ca (Riche et Pauvre, 1885)”, “Chuyện Phansa diễn ra Quấc Ngữ, gồm 150 truyện ngụ ngôn của La Fontaine, 1886 (Fables de la Fontaine traduites en annamite pour la première fois)”, “Truyện Télémaque”; “Truyện Francinet, 1887”, “Phansa Quốc sử diễn ca, Gia Định Báo 1891”, vân vân. Về sáng tác tuồng tích, tiêu biểu nhất là bản tuồng lấy tên là “Tuồng Kim Vân Kiều, 1896-1897 (Tragédie de Kim Vân Kiều)”, “Tuồng Joseph, 1888”, “Tuồng Phong Thần Bá Ấp Khảo, 1896 (Tragédie de Bá-Ấp-Khảo)”, vân vân. Về du ký, tiêu biểu nhất là những sáng tác sau đây: “Thiên Hạnh”; “Như Tây Nhự Trình, 1889”, “Chư Quấc Thoại Hội, 1889”, “”, vân vân. Về văn xuôi thi văn, những tác phẩm của ông rất nhiều nhưng tiêu biểu nhất bao gồm: “Ý Hạnh,” đây là loại viết theo trường thiên lục bát. Ngoài ra, về giáo khoa, ông còn là tác giả của một số sách viết bằng tiếng Pháp, tiêu biểu gồm có: “Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa (Petite étude chinoise écrite), 1895”, “Trị gia cách ngôn khuyến hiếu ca (Préceptes de morale chinoise), 1895”“Quốc ngữ sơ giai (Premières lectures enfantines), 1895”, và tuyển tập “Câu Hát An Nam, 1896-1897”, “Lecon de langue annamite. Cours autographié au collège des Interpretes (1886)”, “Châu Tử Gia Huấn (Les aventures de Télémaque de Fénélon, suive du)”, “Tuồng Joseph (Joseph, tragédie tirée de l’histoire sainte)”, “Như Tây nhựt trình (De Saigon à Paris)”, “Chư quấc thoại hội có hình (Exposition universelle de 1889)”, vân vân.

Dưới đây là một trong những bài thất ngôn tứ tuyệt của ông, có tựa đề “Chức Cẩm Hồi Văn”, được đăng trong Gia Định Báo ngày số 18 ngày 6 tháng 5 năm 1882:

​​​ CHỨC CẨM HỒI VĂN

Chàng vâng hoàng chiếu thú an biên,

​​​Đưa tới Hà kiều rẻ thảm riêng,

​​​Ngậm thở ngùi than ngừng giọt lụy,

​​​Ân tình xa cách chớ hề quên.

​​​

Đi ra tin đứt có dè sau!

​​​Màn trướng đầu xuân ấm đặng nào!

​​​Dưới bụi quỳnh diêu rêu biếc láng,

​​​San hô trong trướng bụi hồng bao.

​​​

Nỗi lìa thuở ấy bắt kinh hoàng,

​​​Đem giũ lòng đâu gặp lại chàng;

​​​Lòng ước làm trăng ngoài biển cả,

​​​Hoặc làm mây nước chói cao san.

​​​

Mây móc hàng năm thấy mặt chồng,

​​​Hàng năm trăng biển giọi soi cùng.

​​​Bay đi bay lại cho gần được,

​​​Muôn dặm thấy nhau kẻo đợi trông.

​​​

Đường sá vơi vơi cách trở thay!

​​​Hờn chàng ngoài ải ở lâu ngày;

​​​Thuở đi đưa đó lau vàng lá,

​​​Ai ngỡ hoa mai nở bấy chầy.

​​​

Trăm hoa rộn rực sớm chào xuân,

​​​Ai đó mà xuân giục kẻ than,

​​​Đầy đất dương sà vì đó vén,

​​​Bông rời không kẻ quét đầy đàng.

​​​

Thiệt thơm xuân sớm lối ngoài vườn,

​​​Ôm lấy tần tranh tới hoa đường.

​​​Ngâm khúc Giang nam vì đó khảy,

​​​Tình sâu xin gửi thấu lòng chàng.

​​​

Bắc phương hiểm trở vượt non sông,

​​​Muôn dặm non từ dứt nẻo thông,

​​​Trấp bạc gối đầu dầm áo lụy,

​​​Chữ vàng xiêm giẻ thảy xười bông.

​​​

Ba xuân hồng nhạn tiếng qua sông,

​​​Ấy đó người lìa đứt ruột trông,

​​​Chửa đứt dây đờn lòng đã đứt,

​​​Đã xong mối thảm, khúc chưa xong.

​​​

Chàng nay nhớ thiếp nặng bằng non,

​​​Thiếp cũng nhớ chàng mỗi phút luôn,

​​​Một bổn dệt đem dâng cúng chúa,

​​​Cầu tha chồng thiếp sớm về cùng.​

TMK

 

Mộ Trương Minh Ký (báo Tuổi trẻ đăng 2020)

Trong sự nghiệp biên soạn của Trương Minh Ký, bộ “Thi Pháp Nhập Môn” là một công trình biên soạn hết sức đặc biệt. Có lẽ ông chính là người đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ “Thi pháp” trong chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, sau khi xem qua bộ sách, chúng ta thấy Thi pháp mà ông nói ở đây không phải là phương pháp nghiên cứu nghệ thuật thi thơ, mà chỉ trình bày bảng mẫu bằng trắc của luật thơ, kèm theo những thí dụ minh họa cụ thể, thường là những bài thơ do ông sáng tác về những đề tài giản dị trong cuộc sống. Bộ “Thi Pháp Nhập Môn” là nền tảng giúp người học theo đó có thể tập làm thơ và làm đúng luật. “Thi Pháp Nhập Môn” được Trương Minh Ký hệ thống hóa luật thơ ở từng thể loại là bước đầu của khái quát và khoa học. Và đây có thể xem như là một giáo trình dạy sáng tác văn học.

Bên cạnh đó, qua bộ Câu Hát An Nam, chúng ta thấy Trương Minh Ký còn bỏ rất nhiều công sức ra sưu tầm văn học dân gian. Bộ Câu Hát An Nam là một tuyển tập văn học dân gian ở vùng Đất Phương Nam được viết bằng chữ Quốc ngữ rất có giá trị, nếu không là xuất hiện đầu tiên trên vùng đất này thì cũng có thể nói là rất sớm. Trương Minh Ký là một trong những người đi tiên phong của ngành Dân Gian Học Việt Nam, ông đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ và phổ biến rộng rãi văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và của vùng Đất Phương Nam nói riêng.

Đường Trương Minh Ký,  Gò Vấp (ảnh Lương Minh 8/3/2023)

Về phương tiện sáng tác, nếu nói Nguyễn Trọng Quản là người đi đầu cấm cột mốc và đặt nền móng cho tiểu thuyết hiện đại theo lối Tây phương về cả 2 phương diện hình thức lẫn nội dung với truyện Thầy Lazaro Phiền (1887), thì tuồng Joseph, tuồng Phong thần Bá Áp Khảo, tuồng Kim Vân Kiều của Trương Minh Ký là một dạng kịch bản văn học mở đầu cho thể loại tuồng được viết bằng chữ Quốc ngữ. Hơn thế nữa, qua những tác phẩm du ký Như Tây Nhựt Trình và Chư Quốc Thoại Hội, chính Trương Minh Ký đã mở đường cho thể loại du ký hiện đại.

Sự nghiệp văn học của nhà học giả Thế Tải Trương Minh Ký bao quát trên nhiều lãnh vực từ dịch thuật Hán sang Pháp, Pháp sang Việt, Hán-Nôm ra Quốc ngữ, sáng tác tuồng tích, văn xuôi, du ký… Hầu hết các trước tác của Trương Minh Ký thường mang đậm nét đạo lý. Có lẽ lúc ấy Trương Minh Ký đang sống trong một xã hội quá nhiễu nhương vì sự có mặt của thực dân Pháp sau khi họ xâm lấn Nam Kỳ, nên đa phần các nhà văn nhà thơ yêu nước thời đó đều có một khuynh hướng chung, đó là nếu không đánh đuổi được Tây ra khỏi bờ cõi, ít nhất họ cũng cố góp phần tái cấu trúc một xã hội đang bị xáo trộn quá nhiều. Trong thực trạng thay đổi quá nhanh, nhanh đến hỗn độn của buổi giao thời giữa sự tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Tây phương và Đông phương, giới sĩ phu trí thức rất nhạy cảm và họ luôn thao thức về một sự mất mát rất lớn sẽ xảy ra: đó là nguy cơ tha hóa và mất gốc. Thật vậy, điều này rất dễ xảy ra cho vùng Đất Phương Nam vì hai lẽ: thứ nhất là vùng đất này chỉ có lịch sử mở cõi khoảng chưa đầy 300 năm, vừa được ổn định trong vòng tay của ý thức hệ Nho giáo chưa được bao lâu thì lại bị nạn ngoại xâm đưa đến một thách thức ngoại lai quá lớn. Chính vì vậy mà đa phần sĩ phu yêu nước đều sáng tác những tác phẩm có khuynh hướng quay trở lại với Nho giáo và lấy Nho giáo làm điểm tực để cân bằng xã hội trước nguy cơ mất gốc này.

Công việc của ông trong buổi sơ thời của chữ Quốc ngữ là một nền tảng chuẩn bị cho sự thành hình và phát triển của nền văn học mới trên vùng Đất Phương Nam và trên cả nước. Ông đã tập trung nhiều vào việc phiên âm, chú giải, và xuất bản các tác phẩm văn học truyền thống của Việt Nam, bao gồm luôn cả các tác phẩm truyền khẩu trong dân gian. Đồng thời, ông cũng phiên dịch cả những tác phẩm văn học ngoại quốc ra chữ Quốc ngữ. Trương Minh Ký đã chọn cho mình hướng đi bảo vệ văn hóa dân tộc thông qua một loạt trước tác của mình, từ dịch thuật, sưu tầm văn học dân gian, đến sáng tác để truyền bá chữ Quốc ngữ, dân tộc hóa giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói riêng và của cả nhân loại nói chung. Những tác phẩm của Trương Minh Ký không chỉ nhắm vào việc giải trí, mà chúng còn góp phần định hướng về các mặt tư tưởng và thẩm mỹ. Phải nói nhà học giả Thế Tải Trương Minh Ký đã một đời cống hiến tất cả tài năng của mình trong việc truyền bá chữ quốc ngữ mà đàn hậu bối chúng ta ngày nay đang thừa hưởng, công lao của học giả Trương Minh Ký đối với sự phát triển văn học và văn hóa nước nhà không phải là nhỏ vậy! Dân tộc Việt Nam và dân chúng vùng Đất Phương Nam sẽ đời đời kính ngưỡng và nhớ ơn ông!

NGƯỜI LONG HỒ

————————————————————————–

Ghi Chú:

(1)​Theo Trương Gia Từ Đường Thế Phả Toàn Tập, xuất bản tại TPHCM, 1998, nguyên tổ của Trương Minh Ngôn là Trương Đạt, tự Văn Phòng. Ông nguyên quán tỉnh Quảng Bình, huyện Khang Lộc, nay là huyện Phong Lộc, tổng Hoàng Phố, xã Trường Dục, thiên cư vào tỉnh Bình Định, phủ Quy Nhơn, nay là An Nhơn, huyện Tuy Viễn, tổng Thời Hòa, nay là Mỹ Thuận, thôn Nhơn Thuận, lấy nghề nông làm nghiệp. Cũng theo Trương Gia Từ Đường Thế Phả Toàn Tập, thì đệ nhất tổ của Trương Minh Ngôn là ông Trương Minh Kiều. Tuy gia tộc lập nghiệp tại Bình Định, nhưng ông tồ đời thứ nhất (1725-1778) tức người đầu tiên, đầu xuân Mậu Dần, vào khai canh tại Hạnh Thông xã, thuộc Gò Vấp ngày nay. Danh tướng Trương Minh Giảng là hậu duệ đời thứ ba của dòng họ này, còn Trương Minh Ngôn, tức Trương Minh Ký, là đời thứ 5.

(2)​Trương Gia Từ Đường Thế Phả Toàn Tập, xuất bản tại TPHCM, 1998, tr.6.

(

——————————————————————

Bài nầy được trích trong chương 30, tập II, bộ HÀO KIỆT ĐẤT PHƯƠNG NAM. Quý vị nào muốn xem toàn chương 30, xin bấm vào đường dẫn sau đây, rồi lướt xuống xem từ trang 1133 đến trang 1213: https://thuvienhoasen.org/…/hao-kiet-dat-phuong-nam-ii.pdf

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác