ĐIỆP NGỮ VÀ DỊCH THƠ

Ngày đăng: 3/03/2023 11:28:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Tôi có một anh bạn đồng môn và cũng là đồng nghiệp, tên Nguyễn Hoài Trung, đang sống ở Mỹ. Thời sinh viên anh rất thích văn thơ nên trong khi đang học ngành Y rất cực khổ anh lại còn ghi danh học thêm bên Văn Khoa. Do đó anh đã có bằng Cử nhân Văn chương trước khi có bằng Bác sĩ Y khoa.

 Trường Giang

Cách nay nhiều năm, trong một lần trao đổi chuyện thi văn qua email, anh Trung có nhắc đến bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt  “Nam Hành Biệt Đệ” (Từ biệt em về Giang Nam) của Vi Thừa Khánh, một nhà thơ thời kỳ Sơ Đường, trong đó có hai câu:

Đạm đạm Trường Giang thủy

Du du viễn khách tình…

mà chính anh ấy đã dịch thơ theo thể lục bát:

Lững lờ giòng nước Trường Giang

Ngậm ngùi viễn khách, mênh mang nỗi sầu

Bài “Nam Hành Biệt Đệ” rất nổi tiếng đối với những nhà thơ thuộc lớp trước chúng ta (giỏi Hán học) nên đã có nhiều người dịch thơ bài thơ này, kể cả các cụ Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Đản…. Các bài dịch thơ của các vị này có khác nhau đôi chút nhưng đều rất hay! Tuy vậy, có thể một phần vì tình bạn bè nên thiên vị, tôi lại rất thích lời dịch thơ của bạn Trung hơn.

Thật ra cả hai bài, thơ nguyên tác và dịch thơ đều quá hay! Hay từ cả câu thơ ngũ ngôn tiếng Hán của Vi Thừa Khánh dùng điệp ngữ đạm đạm, du du rất khéo, lẫn hay lời dịch tiếng Việt rất thoáng theo thể lục bát của Nguyễn Hoài Trung. Lời thơ trong cả hai đều thừa sức làm rung động lòng người!

Những nhà thơ Đường thường hay dùng điệp ngữ tạo cái buồn man mác u hoài. Tôi nhớ trong bài phú “Tiền Xích Bích” của Tô Đông Pha cũng có điệp ngữ “…Diễu diễu hề dư hoài. Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương”! Tôi cũng nhớ trong bài “Trường Giang” của nhà thơ Huy Cận có: ”Lòng quê dợn dợn vời con nước. Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”!

Về lời dịch thơ của Nguyễn Hoài Trung, anh đã dùng hai trạng từ: chữ “lững lờ” trợ nghĩa cho một động từ ẩn là “trôi”; chữ “ngậm ngùi” trợ nghĩa cho một tính từ ẩn là “buồn”. Tôi cho rằng anh chọn được chữ dùng như thế là “tài”. “Lững lờ trôi” và “ngậm ngùi buồn” tạo cho người đọc một nỗi buồn dai dẳng và sự rung động cảm thông. Như thế chính là “tình”!

Có vẻ buồn cười khi tôi phân tích tự loại những chữ trong bài thơ! Biết rằng khi làm thơ, thi sĩ “bắt” được cái “ý” hay chọn được cái “chữ” thường là do “hứng” hoặc do “chất thơ” đang cuồn cuộn chảy trong người. Không ai hơi đâu mà suy nghĩ về ngữ pháp để tìm chữ thích hợp. Nhưng khi đọc thơ, người đọc có khi phải vận dụng ngữ pháp để tìm cái hay, cái đẹp. Một bài thơ không chỉ có danh tự để tả cảnh tả tình mà phải có động tự để tả cái “nhìn” những sự việc đang hay đã diễn ra, và tính từ hay trạng từ để nói lên cái “thấy” những tính chất hay trạng thái của sự việc. Mỗi tự loại nếu được dùng khéo đều có thể gây những rung động riêng khác nhau đối với người đọc…

Tuy đổi cách viết nhưng lần này tôi vẫn “bình thơ” qua nhận xét về cách dùng điệp ngữ và dịch thơ. Mong các bạn không “ngán”!

KHƯƠNG TRONG SỬU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có 1 bình luận về ĐIỆP NGỮ VÀ DỊCH THƠ

  1. Bacsi Suu nói:

    Cám ơn admin chọn cho tôi hình minh họa rất đẹp!
    Tuy nhiên nhờ sửa dùm tên của tôi là Sửu (dấu hỏi), không phải Sữu (dấu ngã).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác