CHUYỆN DỊCH THƠ VÀ GHÉP THƠ CỦA BÙI GIÁNG

Ngày đăng: 4/03/2023 09:31:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)
Trong bài trước tôi đã viết về hai điệp ngữ trong hai câu của bài thơ bằng chữ Hán “Nam Hành Biệt Đệ” của Vi Thừa Khánh mà một bạn đồng nghiệp tên Trung đang ở Mỹ đã dịch thơ bài thơ này ra tiếng Việt rất hay, theo thể lục bát .
Trong bài này tôi giới thiệu một đồng môn khác cũng là đồng nghiệp, bạn Ngô Văn Long đang ở Tây Ninh. Phải nói ngay là bạn Văn Long rất thích thơ của Bùi Giáng nên đã tìm đọc rất nhiều thơ của ông từ thời bạn còn ngồi trung học. Riêng tôi, thú thật tuy rất trọng Bùi Giáng về tư duy triết học mà tôi không “với” tới được. Quyển “Tư Tưởng Triết Học” của ông tôi “kính nhi viễn chi”! Đồng thời tôi lại không thích nhiều bài thơ của ông với những lời ngang tàng, phóng túng, rối rắm và khó hiểu đến độ… đôi lúc tôi nghi ngờ tài năng làm thơ của nhân vật nổi tiếng này!
         
Thi sỹ Bùi Giáng
Tuy vậy, có một lần bạn Văn Long đã cho tôi thấy cái tài thơ của Bùi Giáng. Nhưng không tiện nhờ anh viết bài trực tiếp về câu chuyện này, tôi đành chỉ gián tiếp ghi lại ý kiến của anh qua một bài tôi viết trước đây đã lâu:
Nhắc đến Bùi Giáng tôi lại nhớ đến một đồng môn Y khoa cũng thích văn chương, bạn Văn Long, đang sống ở Tây Ninh. Bạn đã từng ghi lại bốn câu thơ dịch của họ Bùi ghép từ hai bài khác nhau là “Chu Hành Tức Sự” và “Dương Phi Cố Lý” cùng trong tập thơ “Bắc Hành Tạp Lục” của Nguyễn Du sáng tác (gồm hơn trăm bài thơ bằng tiếng Hán), khi đi sứ sang Tàu.
-Trong bài “Chu Hành Tức Sự” (Đi thuyền cảm tác), có hai câu luận:
Thiên địa phiên chu phù tợ diệp
Văn chương tàn tức nhược như ty
Bùi Giáng đã dịch thơ bằng thể lục bát:
Thuyền con chiếc lá giữa trời
Thơ văn tiếng thở như lời tơ than
-Và trong bài “Dương Phi Cố Lý” (Quê cũ của Dương Quý Phi), có hai câu kết:
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ
Đông phong thành hạ bất thăng tình
Bùi Giáng cũng đã dịch thơ bằng thể lục bát:
Trông vời hồng rụng ngổn ngang
Tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia.
Bốn câu dịch thể lục bát bằng chữ Việt của Bùi Giáng đã ghép lại một cách “ngẫu hứng” nhưng vẫn quá “thiên tài” hai đoạn thơ thất ngôn bát cú khác biệt nhau bằng chữ Hán… thành chỉ một bài thơ, ghép những lời thương tưởng tấm nhan sắc của nàng Quý Phi họ Dương vào với cảm nghĩ về… văn chương trần thế:
Thuyền con chiếc lá giữa trời
Thơ văn tiếng thở như lời tơ than
Trông vời hồng rụng ngổn ngang
Tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia.
Không biết “nhà thơ điên” của chúng ta “lẩn thẩn” thế nào khi “lấy râu ông nọ cắm vào cằm bà kia” mà cho ra những câu thơ tuyệt tác như thế! Chẳng cần phải bình luận thêm gì cả! Sự kết ghép tuyệt vời này đã khiến bạn Văn Long cảm khái với cái nghiệp văn chương: “Văn chương như chiếc thuyền con trôi nổi giữa đất trời đầy phong ba bảo táp… Văn chương là chiếc lá, là sợi tơ trong cuộc đời”!
Từ hơn một năm nay tôi thường viết và đăng bài trên FB của một nhóm cựu học sinh trung học mà vợ tôi trước đây cũng là học sinh của ngôi trường đó. Bài tôi viết có nội dung thuộc nhiều đề tài khác nhau: văn, thơ, vọng cổ, đời sống xã hội, các kiến trúc văn hóa và lịch sử… Mục đích của tôi nhằm góp phần “sinh động”, lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào trang FB trên. Nhưng khi viết bài này, tôi “thấm” với ý tưởng của anh bạn đồng nghiệp Văn Long. Thơ văn thật ra cũng chỉ như thuyền con, chiếc lá… có viết nhiều chắc cũng không “tải” được bao nhiêu như người xưa đã nói, như tôi đã mong!

KHƯƠNG TRONG SỬU

Có 5 bình luận về CHUYỆN DỊCH THƠ VÀ GHÉP THƠ CỦA BÙI GIÁNG

  1. Bacsi Suu nói:

    Tôi đang viết tiếp bài này và sẽ gửi bạn Lương Minh nhờ đăng dùm.

    • Luong Minh nói:

      Lúc này mà có người phản hồi như anh là hiếm có. Bởi ở Facebook tiện lợi hơn nhiều. Nhưng sau này anh sẽ thấy cái lợi là dễ tìm bài viết hay ý kiến của mình (đôi khi cần nhưng không biết nơi đâu )

  2. Bacsi Suu nói:

    Cám ơn admin đã trình bày bài viết của tôi rất đẹp. Nghe nói đó là công (và tài) của bạn Năng? Lần tới có dịp về Chợ Lách, tôi sẽ tìm cơ hội gặp lại bạn!
    Xin lỗi các anh, tên của tôi là Sửu (dấu hỏi), không phải Sữu (dấu ngã). Có thể chỉnh sửa lại không? (Đổi Khương Trọng Sữu thành Khương Trọng Sửu)

  3. Bacsi Suu nói:

    Cám ơn anh Lương Minh đã cho ý kiến. Tôi cũng muốn đóng góp với sự phát triển các website chuyên về văn hóa của các địa phương. Lập website không khó nhưng cái khó là nuôi dưỡng nó. Dầu sao phải nhìn nhận là thiết kế của website này rất khéo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác