CHUYỆN BIỆT LY TRONG THƠ

Ngày đăng: 13/03/2023 10:14:08 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Khi viết bài thơ “Nam Hành Biệt Đệ”, tác giả Vi Thừa Khánh tả cảnh biệt ly giữa hai anh em bên dòng Trường Giang. Có cảnh biệt ly vì một người phải ở lại bên này bờ sông, người kia bị áp giải xuống thuyền qua sông vì bị đi đày tận miền Giang Nam xa xôi. Trong sự chia ly ấy, người đi kẻ ở đều mang trong lòng một nỗi niềm đớn đau cay đắng:

Đạm đạm Trường Giang thủy,

Du du viễn khách tình.  

Lạc hoa tương dữ hận,

Đáo địa nhất vô thanh.

Bốn câu thơ trong bài ngũ ngôn tứ tuyệt đó hay quá đi! Nếu theo cách đánh giá của Tản Đà ta phải xem bài thơ được cả “tài” lẫn “tình”!

Hai câu đầu tả cảnh sông nước Trường Giang và tả tình người sắp biệt ly. Nước sông chảy lờ đờ phù hợp với nỗi buồn man mác của người đi.

Hai câu sau tả cánh hoa rơi. Cánh hoa tuy là vật vô tình vậy mà lại rất hữu tình. Để tỏ lòng cảm thông và trân trọng trước cái sầu ly biệt của con người, cánh hoa đã nhẹ nhàng rơi xuống đất mà không gây một tiếng động nào. Có thể đọc lời văn xuôi dịch nghĩa cho dễ hiểu:

Nước Trường Giang chảy lờ đờ,/Tâm sự người đi xa man mác./Hoa rụng như chia sẻ nỗi hờn,/Chạm đất không gây một tiếng động.

Tác giả đã dùng ngòi bút viết thơ để tả được sự cảm thông của cánh hoa rơi với tình cảm với nỗi lòng của con người như thế, quả là “tuyệt bút”!

Trong lịch sử thơ Đường có nhiều nhà thơ cũng đã dùng thủ bút như vậy.

Thí dụ, nhà thơ Lý Thương Ẩn thời vãn Đường khi tả một đôi trai gái đang khổ đau, rầu rĩ tâm sự với nhau vì ngày mai họ phải xa cách, trong phòng lúc ấy có một ngọn nến. Nhìn những giọt sáp chảy xuống chân nến suốt đêm, nhà thơ nghĩ cây đèn cũng “có lòng” với tâm sự con người, nên ông đã “thấy” những giọt sáp là những giọt nước mắt của đôi con người đang khóc suốt đêm vì sắp biệt ly:

Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt. Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh. 

(Cây đèn sáp có lòng với nỗi biệt ly mà thay người nhỏ lệ cho đến sáng)

Trong lịch sử thơ ta, tôi không thể biết nhà thơ lớp trước nào của ta có những cái nhìn “tinh tế” như thế. Nhưng mượn cảnh để tả tình thì có nhiều:

thí dụ

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô    (Lưu Trọng Lư)

hay

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai tựa máu hồng   (TTKH)

tuy không nói được sự cảm thông giữa vật tự nhiên với tình con người… nhưng vẫn mượn cảnh mà tả tình thật hay!

Đọc nhiều bài thơ cũ, ta vẫn gặp những bài chan chứa tình cảm như vậy. Ngày nay tôi thấy có vẻ ít người thật sự “yêu thơ” như trước. Một số tuy còn làm thơ nhưng khá “dễ tính”, chỉ nhằm giải trí, cốt sao đặt câu cho có vần, “mượn” vài chữ của những nhà thơ nổi tiếng ngày trước… để đọc cho “kêu”, là được; để nhận vài tiếng vổ tay dầu cho có hình thức, là được! Do đó tôi đã e rằng “văn hóa thơ”, vốn đã thịnh hành từ vài chục, vài trăm năm trước, trải qua các thời kỳ của chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ phôi thai… đến nay đã trở thành một ngôn ngữ Việt khá hoàn chỉnh… thì tiếc thay cái văn hóa thơ ấy lại có vẻ đang mai một dần!

Nhưng cũng may, biết được một số bạn như Nguyễn Hoài Trung như Patrice Tran… Tuy họ sống ở nước ngoài đã lâu nhưng vẫn có lòng với thơ một cách nghiêm túc, nhiệt tình với các sinh hoạt thơ… tôi lại cảm thấy vui!

Long Xuyên, tháng 3/ 2023

KHƯƠNG TRỌNG SỬU

H3

h4

h5

 

Có 2 bình luận về CHUYỆN BIỆT LY TRONG THƠ

  1. Bacsi Suu nói:

    Nhìn những giọt đèn sáp chảy xuống mà Lý Thương Ẩn nhìn ra là những giọt lệ! Hay thiệt!

  2. Bacsi Suu nói:

    Đúng là hoa Ti-gôn có hai sắc. Ta có thể thấy trên cùng một cánh hoa có đồng thời cả hai sắc hồng đỏ và trắng. Tùy theo vị trí nằm của cánh hoa mà ta cũng thấy cánh hoa có hình trái tim.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác