BẠCH MÃ CHƠI VƠI
Những ngày này tôi thường rơi vào trạng thái chông chênh, mệt mỏi, sợ đám đông, sợ tiếng cười nói của con người, cảm giác như mình lầm lụi đi trong bóng đêm. Tôi muốn thoát khỏi trạng thái này. Vậy là quyết định bay về sớm để theo chân những anh chị trong Quán Văn lên núi Bạch Mã. Với mong muốn Bạch Mã sẽ là phép màu cho tôi năng lượng và cảm xúc.
“Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ, bởi cảnh trần đẹp chẳng kém chốn bồng lai. Khi các tiên ông ngồi đánh cờ thì đàn ngựa mải mê tìm cỏ non. Đợi ngựa không được, các tiên ông phải bay về trời.
Tác giả Trúc Hạ trên Bạch Mã
Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây hệt như bầy ngựa trắng, quanh năm quấn quýt ngọn núi. Tên gọi Bạch Mã bắt nguồn từ đó.”Ngọn linh sơn đó là trường học núi rừng của người thầy thiên nhiên vĩ đại, mà Liên hội hướng đạo Đông Dương đã chọn làm trại huấn luyện. Tôi đã từng đi theo Hướng đạo An Hải cắm trại ở đây, đã từng ngủ trong lều với cơn mưa rừng xối xả và những con vắt bò ra đánh đu trên những sợi dây giăng lều bạt, từng chinh phục thác Ngũ Hồ bằng dây cáp, từng nấu cơm bằng củi mục…Tôi yêu tất cả những ngọn núi và với Bạch Mã thì… thật lạ, khó diễn tả bằng ngôn từ. Vậy mà bây giờ sao tôi thấy sợ. Đứng trước Bạch Mã bây giờ cảm thấy rợn ngợp như đứng trước một người Thầy chuẩn mực mà lạnh lùng, khắc nghiệt.
Buổi chiều chúng tôi lên Vọng Hải Đài, nhiều lớp núi chìm trong cảnh hoàng hôn, mặt trời chiếu sáng mọi vật lần cuối trong ngày, cỏ cây đong đưa trong gió chiều, màu mây thay đổi sắc màu liên tục, sắc đỏ tím của ráng chiều thoát ẩn thoát hiện. Trong thoát chốc trời chuyển sang màu xanh đậm và nhạt nhoà rồi bóng đêm như ôm choàng lên tất cả sự vật. Chúng tôi ngồi bên nhau trong không khí nặng nề u uẩn…
Tôi đã nghĩ đến cuộc hội ngộ trên đỉnh núi với những thân tình. Vậy mà…có gì đó như tổn thương, như tức tưởi, như nghẹn đắng…chúng tôi chỉ là những lữ khách ghé thăm, làm sao chúng tôi có thể tuân thủ theo tinh thần kỉ luật nghiêm khắc của võ sĩ đạo?!…
Chúng tôi ngồi bên nhau trong cảm giác ngượng ngùng, lạnh lẽo. Anh Đoàn Văn Khánh(1) đã đứng dậy bước ra khỏi ngôi nhà Vọng Hải Đài, một con rết từ đâu đã rơi trên tóc và bắt đầu giật ngược tóc anh, hoảng sợ anh đưa tay lên chụp và kéo nó ra. Chúng tôi nương nhau đi trong bóng đêm núi rừng để về lại khách sạn với sự trợ giúp của những anh em tử tế võ đường. Lặng lẽ và rã rời.
Nhìn các anh chị tôi muốn khóc. Mới hai năm covid không gặp nhau mà họ già yếu và suy sụp nhiều quá. Họ là những văn nghệ sĩ thất thế còn sót lại sau những nghiệt ngã của chiến tranh, dịch bệnh và thời gian…Họ đã nương vào nhau để đi qua bão giông của cuộc đời. Vậy mà tôi đã quá mệt mõi và chán nản nên đã rời xa họ mặc dầu lúc nào tôi cũng nghĩ về họ và nhớ thương họ thật nhiều. Tôi nhớ những vùng đất chúng tôi đã đi qua, những bài ca chúng tôi đã hát cùng nhau trong tiếng đàn giutar bập bùng của anh Thạch(2) anh đã ra đi trong đại dịch covid. Tôi nhớ sự năng nổ nhiệt tình của anh An, chị Lệ(3) nhớ nụ cười hiền lành của vợ chồng anh Lê Ký Thương, Nhớ giọng hát của anh Quách Mạnh Kha, nhớ vẻ đăm chiêu minh triết của anh Tiết Hùng Thái, nhớ Ban Mai, nhớ chị Quang Đặng, nhớ sự hào phóng của vc anh Nguyên Cẩn, nhớ chị Dung Vân, nhớ anh Lương Minh, nhớ chị Luyến, chị Náo, nhớ vợ chồng anh Vũ Trọng Quang….Ôi sao đêm nay nỗi nhớ ùa về nhiều quá vậy ?!…Thời gian còn lại không đủ để giận hờn trách cứ nhau nữa. Tôi muốn quay về với họ.
Suốt đêm nghe tiếng rì rầm trò chuyện của anh Đỗ Hồng Ngọc với người bạn đi cùng anh, hình như chuyện xảy ra buổi tối trên Vọng Hải Đài làm họ trăn trở không ngủ được.
Tờ mờ sáng, tôi mở cửa để xuống thác, những xác bướm nằm la liệt trước hiên nhà, đêm qua, tôi nhìn thấy chúng đâm đầu vào cửa sổ vì ánh sáng của bóng đèn. Anh Ngọc đã đứng đó tự bao giờ anh hỏi : “Em không lên lại Vọng Hải Đài để ngắm bình minh với mọi người sao?”
Tôi nói với anh tôi không muốn lên đó nữa, chỉ muốn quanh quẩn ở đây hít thở không khí trong lành của núi rừng và nếu được thì xuống thác, tôi muốn nhìn thấy hoa đỗ quyên nở ở suối. Anh cầm tay tôi và nói thật buồn: “Anh cảm ơn em đã về kịp và đi cùng anh”. Tôi không nén được những giọt nước mắt. Tôi ngưỡng mộ anh, một người thầy, một người anh lớn, một bác sĩ tài hoa đã viết bao tác phẩm để chữa bệnh từ những đứa trẻ mới lớn đến những người già. Anh không viết từ những nghĩ suy bình thường mà viết từ trái tim, dù trái tim không phải để suy nghĩ mà để yêu thương.
Buổi sáng, mây vẫn bàng bạc màu khói xám, âm thanh của núi rừng vẫn trầm mặc âm u trả lại cho chúng tôi sự an nhiên tự tại. Chúng tôi cứ ngồi im như thế bên tách trà nóng. Rồi bổng nhiên tiếng anh Nữu cất lên:
“Hẹn nhau
ở ngã ba đường
Nửa hăm hở nửa chán chường.
Vì sao?
Lụi tàn đốm lửa khát khao
Gửi theo gió một tiếng chào.
Về thôi.
Về thôi
ngỡ thật xa rồi
Như cành mây bạc bên trời lửng lơ
Rơi.
Chìm tận đáy hư vô
Mất tăm bóng nước ơ thờ
là xong
Về thôi chân bước rêu rong
Hồn còn ngơ ngẩn xoay vòng một phương
Lại quay về ngã ba đường
Cao tay hái chiếc lá vương sợi chiều
Và tôi – hạt bụi liêu xiêu
Đỏ hai con mắt
vời theo dáng người…” LÁ VƯƠNG SỢI CHIỀU – ĐOÀN VĂN KHÁNH
Anh đã đọc bài thơ “Lá vương sợi chiều” của anh Khánh. Tôi ngỡ ngàng trước giọng đọc trầm ấm của anh và cũng ngỡ ngàng trước tình bạn bền vững của họ. Một quãng thời gian quá dài và khoảng cách địa lí hơn nữa vòng trái đất họ vẫn nhớ về nhau. Họ đã yêu quí nhau như yêu quí một bức tranh đẹp và đặt bức tranh đó trong ánh sáng đẹp nhất. Tôi luôn khao khát một tình bạn như vậy và cứ mãi đi tìm nhưng chẳng bao giờ tìm thấy được. Rồi không hiểu sao anh Ngọc cũng nối tiếp bài thơ “Thư cho bé sơ sinh” . Hình như đây là bài đầu tiên anh viết khi còn là sinh viên đi thực tập ở bệnh viện Từ Dũ:
“Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến
Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…”
Bình minh ở đâu cũng lóng lánh sắc màu, mặt trời ở đâu rạng rỡ ánh hồng, phía bên kia núi cũng là núi, núi càng xa càng huyền ảo. Như ánh sáng của đom đóm, cứ xa xa tưởng nó là đốm lửa nhưng cầm nó trên tay nó chỉ là một loài côn trùng lạnh lẽo. Phải chăng con người cũng thế, cứ ngỡ rằng gần nhau sẽ ấm áp thân tình nhưng lạ lùng thay ở một khoảng cách xa người ta lại trân quí nhau hơn. Có những cuộc hội ngộ mà người ta lại tiếc phải chi đừng xảy ra… Chúng tôi chia tay nhau xuống núi trở về với phố, bỏ lại sau lưng đàn ngựa trắng ngơ ngác, lang thang đi tìm các tiên ông trong vô vọng.
TRẦN THỊ TRÚC HẠ
(1) Nhà thơ trong Quán Văn
(2) Nhạc sĩ Hoàng Đình Thạch, đã mất
(3) Thành viên của Quán Văn
Bài viết hay quá! Đong đầy những kỉ niệm cá nhân, có khi xa lắc… từ thời đi hướng đạo…!
Bài thơ của anh Đổ Hồng Ngọc nhắc lại chính xác những động tác của sinh viên y khoa trong đêm thực tập đỡ đẻ… kèm theo đó là những cảm xúc rất “triết lý” của anh. Đỡ đẻ thành công thì anh SV cười trong khi đức bé khóc to. Thao tác cắt cuống rún đồng thời mang ý nghĩa tách rời cuộc sống của đứa bé với dòng máu của bà mẹ. Nhỏ giọt cồn Iode màu nâu vào mắt bé để ngừa nhiễm trùng, rồi cột vòng equitette quanh cổ tay để xác định nhân thân…Công việc vừa xong thì trời cũng vừa sáng, anh SV ngỡ ngàng nhìn qua khung cửa kính…!