LƯƠNG KHẮC NINH-NGƯỜI CÓ CÔNG  PHÁT TRIỂN QUỐC NGỮ

Ngày đăng: 7/03/2023 09:42:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Đây là bài thứ 2 trong loạt bài Người Phương Nam có công trong cuộc phát triển quốc ngữ và báo chí của Người Long Hồ (Ngoc Trần) Bài 1 giới thiệu về Trương Vĩnh Ký – ông tổ của ngành báo chí Việt Nam. Bài hai là giới thiệu về Lương Khắc Ninh. Trang nhà đã xin phép tác giả để lần lượt đăng hết các vị này (LM)

Lương Khắc Ninh (1862-1943)

Lương Khắc Ninh còn có tên là Lương Dũ Thúc, bút hiệu là Dị Sử Thị. Ông là một trong những nhân vật hoạt động tích cực trên lĩnh vực văn hóa ở Sài Gòn trong suốt ba thập niên từ 1900 đến 1930. Ông còn là nhà báo, nhà văn cổ động mạnh mẽ cho sự phát triển của thương nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là một trong những nhà tiên phong viết tuồng và làm bầu gánh hát bội, và nghị viên của Hội đồng Tư vấn của Chính phủ Nam Kỳ. Tổ phụ của ông vốn người Điện Bàn, thuộc tỉnh Quảng Nam. Đến đời cha ông là ông Lương Khắc Huệ(1), làm nghề thầy thuốc, và mẹ là bà Võ thị Bường di cư vào Nam lập nghiệp tại phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long trước khi hạ sanh ông.

Ông Lương Khắc Ninh sanh năm 1862 tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc tỉnh Bến Tre, Nam Việt. Khi ông vừa mới chào đời thì thực dân Pháp đã chiếm xong Vĩnh Long lần thứ nhất. Tuy nhiên, lúc đó cha mẹ ông vẫn cho ông theo học chữ Nho, nhưng đến năm 1878, cha ông quyết định cho ông theo học chữ quốc ngữ và chữ Pháp theo chương trình cưỡng bách của thực dân Pháp(2), rồi sau đó gửi ông qua Mỹ Tho học tại trường Collège de Mytho(3). Sau khi học xong bậc trung học vào năm 1880, Lương Khắc Ninh được bổ vào làm tại sở Thương Chánh Bến Tre(4) đến năm 1883. Đến năm 1889, ông chuyển sang làm thông ngôn cho Tòa Án Bến Tre. Năm 1899, ông vào Hội Đồng Quản Hạt Địa Phương. Ông rất thích văn chương thi phú, nên mỗi khi rảnh việc ông thường cùng các văn nhân khác trong vùng tổ chức thi thơ xướng họa. Thị họa của ông thì rất nhiều, nhưng trong khuôn khổ tập sách này chúng tôi chỉ đưa ra một vài bài tiêu biểu mà thôi. Dưới đây là bài ông họa lại bài “Trâu cột ghét trâu ăn(5)” của Nguyễn Khắc Huề:

​​​“Bất ý chăn trâu biết mấy thằng,

​​​ Bọn thì buộc lại, bọn cho ăn.

​​​ Giụm đầu mấy bợm quanh trơ mép,

​​​ Châu mỏ những chàng gặm cỏ măng.

​​​ Dàm miệng khó ăn nên ghét vặt,

​​​ Chẹt chuồng túng bước phải hơn nhăn.

​​​ Chê bai bầy thả hay ăn chạ,

​​​ Nếu đặng rộng đường cũng rửa răng.”

 

Năm 1900, ông lên Sài Gòn tham gia viết báo và viết văn. Năm 1901, ông viết cho tờ Nông Cổ Mín Đàm(6). Ban đầu, ông phụ trách mục “Thương Cổ Luận,” và có công rất lớn trong việc cổ động cho phong trào Minh Tân, cổ súy cho giới chủ thương người Việt Nam đứng lên cạnh tranh với người Hoa và người Pháp trong vùng Lục Tỉnh. Lúc này tham gia vào Nông Cổ Mín Đàm còn có các ông Nguyễn Khắc Huề, giáo học ở Bến Tre; Nguyễn Viên Kiều, hiệu Lão Ngạc, người Trà Vinh; và Nguyễn An Khương, gốc người Hóc Môn, Gia Định.

Ông Nguyễn An Khương

Về sau này, ông được bổ nhiệm làm chủ bút cho tờ báo này. Tưởng cũng nên nhắc lại, tờ Nông Cổ Mín Đàm đả phá tư tưởng phân chia giai cấp “Sĩ, Nông, Công, Thương”, một loại tư tưởng xem thường thương nhân buôn bán đã bám rễ thật sâu vào tâm thức người Việt. Ngược lại, tờ báo luôn có ý hướng xiển dương việc buôn bán và cho rằng chính việc buôn bán sẽ làm cho dân giàu nước mạnh. Ông luôn nhấn mạnh đến việc lấy đạo lý dân tộc làm cơ sở cho việc phát triển kinh doanh, nhưng cũng tiếp nhận văn hóa Tây Phương và xem pháp luật như cơ sở cho việc làm ăn buôn bán.

Ông rất thích bộ môn Hát Bội, nên năm 1905 ông đã lập ra gánh Hát Bội mang tên là Châu Luân Ban. Ngoài ra, ông còn soạn nhiều tuồng hát, một trong những tuồng tiêu biểu là vở “Gia Trường”. Lương Khắc Ninh rất thích cùng bạn hữu đi diễn thuyết. Năm 1902, ông đắc cử Hội Đồng Thuộc Địa, rồi năm 1906, ông lại được bổ nhiệm làm thành viên của Hội Đồng Tư Vấn Đông Dương. Chính vì vậy mà dân Sài Gòn thời đó còn gọi ông là ông Hội Đồng Ninh. Lúc này người thay thế ông làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm là ông Gilbert Trần Chánh Chiếu. Tuy làm chức Hội Đồng Thuộc Địa, nhưng hoạt động chính của ông vẫn là báo chí và văn chương hơn là làm chính trị. Tiếp theo sau đó, ông được làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn(7) từ số 51, vào tháng 10 năm 1908, thay cho chủ bút Gilbert Trần Chánh Chiếu bị chánh quyền thuộc địa bắt giữ. Qua 2 tờ báo Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn, Lương Khắc Ninh tích cực và mạnh mẽ cổ võ cho việc phát triển nông nghiệp và thương nghiệp nước nhà. Dầu có nhận tiền trợ cấp của chính quyền thuộc địa, nhưng qua nội dung của những tờ báo, chúng ta vẫn thấy rõ ràng điểm nổi bật của tờ Lục Tỉnh Tân Văn là dám công khai cổ võ lòng yêu nước, dầu chỉ nói trên bình diện kinh tế.

Qua tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Lương Khắc Ninh đã cổ súy việc chấn hưng dân chí, dân khí, và sự hợp quần trong kinh doanh hầu cạnh tranh với các thương gia người Hoa và người Pháp. Ông phân tích rất rõ ràng và chi tiết về nguyên nhân nghèo khó của người Việt Nam thời đó. Ngay ngày đầu tiên làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, ông đã tuyên chiến với quan niệm cũ “Sĩ, Nông, Công, Thương” bằng lời lẽ rất đanh thép trong mục Thương Cổ Luận: “Sự đại thương là đệ nhất cách giúp cho dân phú quốc cường.” Điều này đi ngược hoàn toàn với truyền thống tự tôn của giới trí thức Nho học. Lương Khắc Ninh, một trí thức xuất thân từ Nho học, đã không ngần ngại viết trên báo và phân tích những thói hư tật xấu của người Việt, trên cả hai mặt tư duy và cách hành xử. Ông đã đánh thẳng vào tử huyệt của những lề thói cổ hủ của người Việt Nam như tham lợi vô cớ, ham mê cờ bạc những mong nhanh chóng làm giàu, chỉ thích dùng hàng ngoại nhập và chê bai hàng nội hóa, thường hay bất tín, lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết có nghề nông, cái nào dễ thì làm còn khó thì bỏ, thiếu kiên nhẫn, một số vừa mới phất lên giàu có đã ra mặt khinh miệt những kẻ nghèo hèn, vân vân. Ông viết ra hết tất cả những lề thói cổ hủ này không phải để chê bai người Việt Nam, mà để cùng nói cho nhau nghe để cùng nhau cải thiện những thứ cản trở vô hình đã làm những rào cản to lớn trên con đường canh tân đưa đất nước đến chỗ phú cường. Lương Khắc Ninh quả không hổ danh là một nhà báo chân chánh, dám viết và dám nói những tư tưởng có thể đưa đất nước đến chỗ độc lập và phú cường, dầu những tư tưởng này đi ngược lại với chủ trương và đường lối của chính quyền thực dân phong kiến thời đó.

Sau một thời gian hoạt động trên chính trường Nam Kỳ Thuộc Địa, Lương Khắc Ninh nhận thấy rất rõ rằng Việt Nam rất khó thu hồi độc lập bằng vũ trang, theo ông nghĩ, con đường khả dĩ đưa đất nước đến chỗ độc lập tự do phải là con đường làm cho dân giàu nước mạnh. Chính vì thế mà ông đã nghiêng hẳn về việc sinh hoạt báo chí nhằm cổ võ và giáo dục cho dân chúng làm giàu bằng cách buôn bán hơn là việc làm chính trị. Năm 1922, khi ông dự cuộc đấu xảo tại Marseille, Pháp Quốc và được biết vua Khải Định cũng có mặt tại đó, Lương Khắc Ninh đã gửi đến nhà vua một bức thư, trong đó có đoạn viết:

Theo thời thế, như nước nguồn thông thoát.

Nghịch ý dân, chẳng khác nào như phong với thủy; chẳng nương chìu.

Đang đời này, vạn quốc thảy phong trào,

Vì dân nhờ nước, nước nhờ dân ấy nghĩa.

Nước bị gió, sóng trào vung bốn phía,

Hễ gió êm thì nước lặng cả năm phương.

Lập quốc dân , xã hội nghị cộng đồng,

Vạn bang đã rõ thông chánh trị.

Phương viên nghĩa, lập chiến bang hữu vị,

Dân chọn người thông đạt trị giùm dân.

Hễ mà người tư tham loại bỏ dần dần,

Quyền thay mặt vì dân quyền đều rộng.

Dân hiệp ý quyết bỏ ngôi nhứt thống,

Ngôi ấy, thuở xưa dùng vì dân tánh hãy thuần lương.

Đời xuống dần, dân hóa rộng đo lường,

Nào như buổi: cửa không gài, đồ chẳng lượm.”

Lương Khắc Ninh biết đây là thời điểm khó khăn của nhà nước phong kiến bù nhìn trong việc điều hành đất nước, nên ông muốn nhắn nhủ vua Khải Định nên đi theo chủ trương của cụ Phan Chu Trinh để phát triển đất nước. Qua đoạn thơ, chúng ta thấy nơi Lương Khắc Ninh đề cao những ý tưởng về một xã hội dân cử và dân quyền thật sự. Chẳng những ông viết gửi vua Khải Định, mà khi có dịp hội kiến nhà vua, Lương Khắc Ninh lại luôn miệng nhắc đến những cụm từ ‘dân chọn người thông đạt trị dân… Người tư tham loại bỏ… Vì dân quyền quyết bỏ ngôi nhứt thống, vân vân …’ Tại Pháp, Lương Khắc Ninh cũng thường tiếp xúc và gặp gỡ chí sĩ Phan Châu Trinh để bàn luận về quan điểm và đường lối cứu nước. Ông tỏ ra rất kính phục cụ Phan về tài năng và phương cách giành lại độc lập cho xứ sở. Như vậy rõ ràng ngay từ đầu thế kỷ thứ XIX, Lương Khắc Ninh cùng Phan Chu Trinh đã có những tư tưởng hết sức cấp tiến. Ông đã dám nói thật và nói thẳng với nhà vua về một thể chế hợp với thời với thế và hợp cả với lòng dân sẽ đưa đất nước này đến chỗ giàu mạnh và hùng cường.

Sau khi từ Pháp về, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các báo tại Sài Gòn và thường đi diễn thuyết tại các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long và Trà Vinh nhằm cổ động cho phong trào Duy Tân Tự Cường. Có một giai thoại rất lý thú giữa Lương Khắc Ninh và con gái của cụ Đồ Chiểu là bà Sương Nguyệt Anh (1864-1921), chủ bút tờ báo “Nữ Giới Chung”. Số là, ông Ninh và ông Nguyễn Viên Kiều (hiệu Lão Ngạc, người Trà Vinh, cộng tác với “Nông cổ mín đàm”) thỉnh thoảng có đi diễn thuyết ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho ( Tiền Giang), nhiều hơn cả là các quận trong tỉnh Bến Tre. Một lần, khi đến quận Ba Tri diễn thuyết, hai ông Ninh, Kiều bị bà Sương Nguyệt Anh làm một bài thơ bát cú chế giễu. Nội dung bài này bị thiếu mất hai câu luận về hai câu thực, chỉ còn hai câu mở đề và hai câu kết, xin ghi lại như sau:

“Múa mỏ phùng mang bớ chú Ninh,

Rỡ ràng đèn đuốc trống ình ình,

Hội nầy phải gặp Trương Minh Ký,

Hai cụ nói xàm biết mấy kinh.”

Bài thơ đến tai hai ông. Bị chê là “nói xàm”, ông Ninh và ông Kiều lấy làm giận dữ lắm, liền cùng nhau làm một bài thơ chọi lại bà Sương Nguyệt Anh. Thơ rằng:

Lời phải trái tai chớ giận Ninh,

Cá không ăn muối cá ươn ình.

Tiểu nhân hồi thổ không dời gót,

Quân tử thành nhân phải nhẹ mình.

Ngọc tốt uổng gieo dòng nước đục,

Đứa gian hằng sợ bóng trăng thinh.

Ngô nho đâu rõ tài Gia Cát,

Xích Bích (9) rồi đây mới thất kinh.”

Phải nói ông Ninh cũng đáo để chứ không chịu để người khác làm nhục đâu. Về phần sáng tác văn chương, hầu hết những sáng tác của Lương Khắc Ninh đều được in trên báo. Hiện tại, chưa có một công trình sưu tầm về tác phẩm Lương Khắc Ninh, nhưng qua những bài mà chúng ta có được trên các tờ báo cũ, chúng ta có thể cảm nhận được con người Lương Khắc Ninh lúc nào cũng coi trọng trung hiếu, tiết nghĩa, lúc nào cũng đề cao tính cần cù, kiên nhẫn, hiền hậu và thật thà trong làm ăn. Lúc nào ông cũng cổ vũ cho lòng nhân ái, nghĩa vị tha đang rất cần trong cuộc sống hằng ngày. Trong lời giới thiệu quyển truyện thơ “In Khờ Mà Khôn,” in năm 1924 tại Sài Gòn, có đoạn ông viết:

​​​“Ai mà hiểu thấu thiện duyên,

Trọn đời mới rõ hiếu hiền thành thân.

Người mà tâm tánh tham gian,

Bất trung bất hiếu hoang đàng lụy thân.

Thông Đạo hai tên an nhàn,

Thảo cha, thuận bạn, vợ chồng thảnh thơi.

Khuyên ai phải xét việc đời,

Nay tin đặng sướng, dữ thời táng thân.”

Bên cạnh đó, Lương Khắc Ninh còn đặc biệt lưu ý đến văn hóa truyền thống của người Việt Nam qua việc ông thành lập gánh hát bội Châu Luân Ban tại Sài Gòn vào năm 1905. Trong lãnh vực này, Lương Khắc Ninh chủ trương cải lương và đổi mới nhưng cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cũng tiếp can với các nền văn hóa bên ngoài. Trong buổi diễn thuyết ngày 28 tháng 3 năm 1917 tại Hội Khuyến Học Sài Gòn về vấn đề “Hí Nghệ Cải Lương,” khi nhà báo Diệp Văn Kỳ chất vấn ông: “Trong cuộc hát phải có nhạc, mà nhạc An Nam còn phải sửa, vậy ai là ông nhạc sư mà sửa?” Lương Khắc Ninh đã đáp lại như vầy: “Nói qua nhạc thì xin bãi nhạc đi. Đây tôi tính hát tiếng thường, không nam, không khách gì nên không kể đến nhạc. Hát tuồng diễn mà răn đời thôi!” Trong “Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang,” NXB Trẻ, 2003, tr. 351-352, Sơn Nam đã viết: “Năm 1917, Lương Khắc Ninh sành về hát bội, đã diễn thuyết tại Hội Khuyến Học Sài Gòn như sau: ‘Người An Nam thuở nay vẫn cho nghề hát là nghề hạ tiện, nên người có học thức một ít thì không làm… Muốn cải lương phải làm sao?… Chuyện nói đây không phải khó. Có học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng, nó ra hát theo Lang Sa, bộ tịch như Lang Sa. Rất đổi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được, hà huống là người An Nam không được sao?… Như văn chương Lang Sa là khó, mình học được, bác vật có người học rồi, có lý nào các môn học thức ấy ta theo Đại Pháp được mà nghề hát ta chẳng theo Đại Pháp được sao? Rồi đoàn ca nhạc kịch bên Pháp mỗi năm sáu tháng đến Sài Gòn trình diễn, có màn có cảnh phân minh, mỗi tuồng dứt trọn một đêm. Công chúng người Việt Nam ham mộ, thấy hợp lý, thêm tranh cảnh gọi Sơn Thủy, đẹp mắt.’” Thật vậy, chính Lương Khắc Ninh là người đã cố gắng nói cho mọi người biết quan niệm sai lầm về nghề ca hát qua câu nói dân gian “Xướng Ca Vô Loại.” Ông đã viết rất nhiều bài báo bênh vực những người theo nghiệp cầm ca.

Năm 1906, ông hợp tác với Lương Khắc Huề để viết tuồng “Gia Trường” và sau đó đưa đoàn hát bội của mình sang Pháp trình diễn vào năm 1922. Vào thời đó, những nhà bình luận văn hóa người Pháp đã đánh giá rất cao về Lương Khắc Ninh. Theo Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp trong “Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử và Cải Lương…” NXB Văn Hóa-Văn nghệ TPHCM, 2013, tr. 41, nhà văn và nhà báo người Pháp tên Henri Danguy đã viết về ông như sau: “Ông Lương Khắc Ninh chính là một hiền nhân. Ông biết kết hợp giữa sự biến hóa và sự bảo tồn. Người ta trình diễn những tuồng hát cổ xưa trong những rạp hát do ông điều hành, nhưng cảnh trí được thắp sáng bởi đèn điện…”

Tháng 10 năm 1908, Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn từ số 51, thay thế Trần Chánh Chiếu đang bị chính quyền thuộc địa giam giữ. Tuy là người có tiếng tăm tại vùng Đất Phương Nam về những hoạt động chính trị, từng làm nghị viên hội đồng nên người đương thời gọi ông là Hội Đồng Ninh, tuy vậy hoạt động chính của ông vẫn là trong ngành báo chí hơn là chính trị. Thông qua mục Thương Cổ Luận, hay bàn luận về nghề buôn bán trên tờ Nông Cổ Mín Đàm, Lương Khắc Ninh chủ trương cổ động mạnh mẽ cho việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của Hoa kiều và Pháp kiều. Ông đưa ra cái nhìn của mình về nguyên nhân của sự nghèo khó của người Việt và của đất nước Việt Nam thời bấy giờ. Nhiều học giả về kinh tế đã đánh giá là những luận điểm của ông Ninh lúc đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Ngay từ số đầu tiên, mục Thương Cổ Luận đã tuyên chiến với quan niệm cũ bằng lời khẳng định: “Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường.”

Lương Khắc Ninh không ngần ngại đi ngược lại truyền thống tự tôn của giới trí thức Nho học. Như trên đã nói, Lương Khắc Ninh chủ trương dùng tờ báo Nông Cổ Mín Đàm để khuyến khích dân chúng làm ăn buôn bán nhằm đi đến chỗ dân giàu nước mạnh. Ông đã viết nhiều bài báo nói về sự chèn ép của thương nhân nước ngoài trên thương trường Việt Nam, nhất là người Hoa và người Pháp. Thật vậy, nếu trong suốt cuộc đời của cụ Đồ Chiểu đã lấy thơ văn làm vũ khí chống quân thù, thì đối với Lương Khắc Ninh, trong suốt cuộc đời ông, ông đã “dĩ văn tải đạo,” mà đạo ở đây của ông là đạo “Dân giàu Nước mạnh.” Hầu hết những sáng tác của ông đều được in trên báo. Mặc dầu ông chỉ theo Nho học trong một vài năm, và ông không có tác phẩm nào đặc sắc, nhưng hầu hết những bài viết của ông đều hướng về tư tưởng chính của Nho giáo “trung hiếu, tiết nghĩa, đề cao tính cần cù, đôn hậu và kiên nhẫn của người Việt Nam.” Ông luôn cổ võ cho lòng nhân ái và vị tha trong cuộc sống. Và dầu loại thơ lục bát của ông không bóng bẫy như những nhà thơ khác, nhưng nó đi rất sâu vào lòng dân Việt Nam, nhất là dân chúng Nam Kỳ vì nó phù hợp với phần lớn đọc giả thời bấy giờ. Trong bất cứ bài viết nào của Lương Khắc Ninh lúc nào cũng bàng bạc tư tưởng “Làm sao cho dân thoát khó nghèo”. Chẳng hạn như trong một bản tin được đăng trên tờ Nông Cổ Mín Đàm số 139, ngày 5 tháng 5 năm 1904, ông kết luận bản tin bằng những lời khuyên đạo lý như: “… Số hao mất bao nhiêu chưa rõ, chớ lý nghĩ thường ắt quá ngàn người. Xin anh em rót xét việc đời, trời còn biến huống người sao khỏi. Nhưng vậy mà hỡi chớ lòng dời đổi, mà quên đạo quên nhơn, khuyên đừng dạ bất lương mà sang tai sang hại, ít lời phải trái cho bạn giải khuây. Chủ bút”.

Trong đời 81 năm của mình, ngoài việc làm báo, họ Lương còn tham gia hoạt động chính trị. Phải nói sự nghiệp chính trị của ông khởi đi từ cái gốc nền được ăn học của ông từ thuở nhỏ. Để từ đó, với trình độ, uy tín, mà ông rẽ ngang sang địa hạt nầy. Mặc dầu tham gia vào hoạt động chính trị và có chân trong bộ máy chính quyền thuộc địa do người Pháp điều hành, Lương Khắc Ninh vẫn giữ được lòng yêu nước của mình. Phải thực tình mà nói, tuy ông xuất thân từ cả Nho học lẫn tây học, rồi ra đời làm một công chức của chính quyền thuộc địa, nhưng lúc nào ông cũng dấn thân vào công cuộc duy tân xứ sở cũng như các nhà cách mạng tiền bối yêu nước khác như Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, vân vân. Một phần vì Lương Khắc Ninh nôn nóng muốn nhìn thấy dân giàu nước mạnh để sớm thoát ách đô hộ của ngoại bang, phần khác do cái trực tính của mình, nên trong Nông Cổ Mín Đàm các số 8, 15, 51, 53, 54… ông đã không ngần ngại mổ xẻ, phơi bày và phân tích ngay trên báo chí những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong sự suy nghĩ lẫn trong hành động, không chỉ riêng trong lãnh vực thương nghiệp, mà trong mọi vấn đề khác như: tham lam vô cớ, ham mê cờ bạc để mong được làm giàu nhanh chóng, chỉ thích dùng hàng ngoaị quốc, không giữ chữ tín, lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết một nghề làm nông, dễ thì làm khó thì bỏ, thiếu kiên nhẫn, vừa mới phất lên giàu đã vội khinh miệt người nghèo khó… Phải nói, nếu đọc kỹ và suy ngẫm cho tới những điều ông Ninh vừa nói trên các tờ báo không có tính cách ghét bỏ mà chỉ trích; ngược lại, như trên đã nói, ông vì muốn cho dân giàu nước mạnh mà vạch ra những yếu điểm nên bỏ, vì chính những thứ mà ông vừa vạch ra đều là những lực cản vô hình đã bao đời ngăn trở dân tộc mình canh tân xứ sở. Nói tóm lại, Lương Khắc Ninh là một nhà văn, nhà báo hoạt động mạnh mẽ trong việc cổ võ cho thương nghiệp, một nhà chính trị ôn hòa. Ông cũng là một nhà viết tuồng và hoạt động chính trị trong Hộ Đồng Tư Vấn Nam Kỳ. Trong bất cứ lãnh vực nào ông cũng đều muốn cho dân được giàu, cho nước được mạnh để từ đó thoát khỏi móng vuốt cai trị của thực dân Pháp. Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 1943, nhằm ngày 25 tháng mười năm Quí Mùi, thọ 81 tuổi. Sự đóng góp của Lương Khắc Ninh vào các lãnh vực báo chí, ý tưởng về một xã hội dân cử và dân quyền, sáng tác văn chương, văn hóa truyền thống… của dân tộc Việt Nam không phải là nhỏ. Dân tộc Việt Nam, nhất là con dân vùng Vĩnh Long và Bến Tre sẽ đời đời kính ngưỡng và nhớ ơn ông!

NGƯỜI LONG HỒ

——————————————————————————-

Ghi Chú:

(1)​Ông Lương Khắc Huệ, còn được gọi là ông Mười Lớn. Theo gia phả họ Lương, Lương Khắc Ninh có 2 người anh em là Lương Khắc Khoang và Lương Khắc Nghị. Ông Lương Khắc Ninh có hai bà vợ; với bà vợ cả Hồ Định, ông có cả thảy 4 người cong gái: Lương thị Thỏa (chết lúc còn nhỏ), Lương thị Châu, Lương thị Phụng, Lương thị Sang, Lương thị Trọng. Với bà vợ kế là Võ thị Đề ông có một người con gái là Lương thị Cường.

(2)​Cái nghĩa “cưỡng bách” ở đây có nghĩa là khi người Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, dân Nam ít ai chịu học tiếng Pháp, nên chính quyền địa phương phải đi đến tận từng nhà ép dân chúng cho con cái theo học.

(3) ​Trường Collège de Mytho được thành lập vào năm 1879, đến năm 1942 thì được đổi thành Collège Le Myre de Vilers, tên của vị toàn quyền dân sự đầu tiên của Pháp tại Đông Dương. Năm 1953, trường này lại được đổi thành trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu và vẫn được mang tên này cho đến ngày hôm nay.

(4) ​Sở Thương Nghiệp và Hải Quan ngày nay.

(5)​Nguyễn Khắc Huề Thi Tập, Imprimerie Lucien Mossard, Saigon, 1938, tr.25.

(6)​Nông Cổ Mín Đàm, phát hành từ năm 1901 đến năm 1924, tiếng Pháp là Causeries sur l’agriculture et le commerce, có nghĩa là uống trà bàn chuyện làm ruộng và buôn bán. Đây là tờ báo kinh tế đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ do Paul Canavaggio, một chủ đồn điền của Tây, gốc người đảo Corse, hội viên hội đồng Nam Kỳ, làm chủ nhiệm, và người chủ bút đầu tiên là ông Lương Khắc Ninh. Trụ sở được đặt tại số 84 đường De La Grandière, Sài Gòn, ngày nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM. Tờ báo được phát hành hàng tuần. Toàn quyền Pháp là Paul Doumer đã cho phép theo nghị định ngày 14 tháng 2 năm 1901.

(7)​Số đầu tiên của tờ Lục Tỉnh Tân Văn phát hành vào ngày 15 tháng 11 năm 1907 đến năm 1944, do Francois Schneider lập nên.

(8)​Quân tử là người trưởng thành, không chấp nhứt lời của người khác, người ta còn nói: “quân tử thành nhân chi mỹ.”

(9)​Thời Tam Quốc bên Tàu, Khổng Minh Gia Cát Lượng, người đã bày trận Xích Bích đốt cháy quân của Tào Tháo. ​

——————————————————————-

 

 Nhà Thờ họ Lương ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam.

Bài nầy được trích trong chương 30, tập II, bộ HÀO KIỆT ĐẤT PHƯƠNG NAM. Quý vị nào muốn xem toàn chương 30, xin bấm vào đường dẫn sau đây, rồi lướt xuống xem từ trang 1133 đến trang 1213: https://thuvienhoasen.org/…/hao-kiet-dat-phuong-nam-ii.pdf

 

Có 1 bình luận về LƯƠNG KHẮC NINH-NGƯỜI CÓ CÔNG  PHÁT TRIỂN QUỐC NGỮ

  1. Bacsi Suu nói:

    Có đọc bài mới biết về ông Lương Khắc Ninh. Kiến thức của mình thật ra còn nông cạn lắm!
    Những lời chê bai về lề thói, tính cách của người Việt 100 năm trước đến nay vẫn đúng. Quan điểm của ông về “đại thương” nếu được thực hiện triệt để thì “dân phú quốc cường” lâu rồi!
    Cũng qua bài viết, nhớ lại những người học rộng có lòng thành muốn giúp đời trong giai đoạn khó khăn thời người Pháp bắt đầu cai trị nước ta, thường xuất thân từ các tỉnh, không cứ là người ở đô thị hay các cậu ấm con nhà quyền quý. Ngẫm nghĩ lại, hậu sinh cũng phải thấy xấu hổ!

Trả lời Bacsi Suu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác