TẾT XƯA LÀNG NGUYỆT

Ngày đăng: 19/01/2023 02:51:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Ngày 20 tháng chạp là “nét” tết bắt đầu “vẽ” lên làng Nguyệt. Bọn trẻ hỏi nhau, “đi củi chưa, đi rười chưa”. Nghĩa là, trước hết nhà nào cũng có “củi” hoặc “rười” đun dịp tết (đi “rười” là lấy cây cây về đun ở đồi cát dọc sông Kiến Giang). Hợp tác xã thông báo mỗi hộ được phân phối nửa lít dầu hỏa hoặc cấp trên cho vài ba kí thóc mỗi nhân khẩu ăn tết.
Ngày ông “Táo” về trời tôi không thấy ai thay ông “Táo” mới vì dùng kiềng sắt 3 chân. Nhiều nhà dựng “cây nêu” trước sân bằng cây tre non cao vài mét, trên cùng để chùm lá, có buộc dây dài hơn thước treo “lá bùa” rộng bằng bàn tay, dài vài gang tay viết chữ “Hán” nên tôi không đọc được.
Nhà nào cũng trữ nước đầy “hồ”, đầy “chum”. “Hồ” xây bằng xi măng hình trụ chứa khoảng 4 đến 5 gánh nước (dùng để sinh hoạt) lấy ở giếng gần nhà như giếng “Xóm”, giếng “Chùa” vv. “Chum” bằng sành, đựng khoảng một gánh nước dùng để uống (nước giếng Hoang). Chiều giáp tết là đường “quan” (đường liên lạc ngày nay) nhún nhảy đòn triêng (đón gánh) của mấy mệ mấy o, trong thùng “pháo sáng” có bỏ lá chuối, lá tre để “bình” nước, không cho trào ra.
Học sinh nghỉ học (khoảng 26 âm lịch) là chúng tôi dọn nhà. Nhà tôi ba gian hai chái, gian giữa trung tâm, đặt bàn thờ. Ở trên xà ngang của “tra” (gọi là “gác” khi lụt leo lên đó) treo các “phần thưởng” như “bằng khen”, “giấy khen” vv… Các cột nhà treo “câu đối” nền đỏ chữ vàng, treo bộ “tứ bình” hoặc “cá chép trông trăng”, “chú bé và con gà”, “đám cưới chuột” vv.. tranh Đông Hồ.
Các xà ngang còn lại ở gian khác treo họa báo của Trung Quốc, Liên Xô. Các họa báo hồi đó giấy tốt, ảnh có màu đẹp, vài ba năm mới thay.
Giáp tết, chúng tôi kết thúc học kỳ 1 để vào học kỳ 2 nên bọc sách vở mới, nắn nót ghi “nhãn” bằng bút lá tre chấm vào lọ mực xanh “Hồng Hà”. Chúng tôi học sách của các anh chị lớp trên để lại, có khi sách mất đến trang 10, trang 15 là bình thường.
Những người khéo tay tự làm hoa giấy, những ai có tiền thì mua ở chợ Hiền Ninh. Có hàng bán hoa làm sẵn, những bông hoa sặc sỡ màu, như nụ cười chúm chím, run rẩy trước gió đông cuối mùa.
Làng Nguyệt có thứ bánh “bắt buộc” trong ngày tết là bánh “đòn”, bánh “chiếc” còn gọi là bánh “éc” (tức bánh “chưng”, bánh “tét”). Nhưng có sự khác biệt với những nơi khác là bánh “đòn”, bánh “chiếc” không có nhân và làm rất nhỏ. Bánh “chiếc” nằm gọn trong lòng bàn tay, bánh “đòn” tròn như cánh tay con gái, dài khoảng 25 phân. Bánh “chiếc” không gói cặp đôi như bánh “chưng” ở miền Bắc mà chỉ một cái. Bánh nhỏ, gói cuối cùng gọi “con rò” tức “con rùa”. Luộc bánh bắt đầu từ trưa, đến đêm, có khi gần giao thừa mới xong. Khi luộc có người canh để đổ thêm nước, nếu cạn nước, nồi cháy coi như “hết tết”. Dùng “con rùa” để thử bánh chín. Con nít ngủ gục chờ được xơi “con rùa” là vậy. Một loại bánh “biên chế” vừa đủ một người ăn. Bánh không “nhân” giữ được “một kỳ sơn tràng” (khoảng chục ngày) mà không “lại gạo”. Bánh làng Nguyệt ngày thường chủ yếu phục vụ “sơn tràng” (người đi rừng lấy gỗ) và người đi xa, dần dần thành thói quen, kể cả bánh ngày tết cũng không có “nhân” là vậy. Những năm tôi đại học, dịp tết, mấy đứa trong lớp “trưng bày” bánh “chưng” ở miền Bắc, bánh “tét” ở miền Nam. Nắng lên, bánh “chưng”, bánh “tét” có “nhân” (chủ yếu là đậu xanh hoặc thịt heo) đều thiu hết, chỉ còn bánh của tôi ăn được. Chúng nó tìm “nhân” không thấy, tôi chống chế “chắc là bánh này…gói cuối nên hết nhân”.
Thứ nữa là bánh “xoài” (có nơi gọi là bánh “thuẩn”) và bánh “in” (còn gọi là bánh “phục linh”). Bánh “xoài”, bánh “in” các nơi làm đều làm giống nhau, chỉ khác nhau “khuôn” tạo nên hình thức “một người một vẻ”. Bánh “in” bao giấy ngũ sắc bên ngoài, bánh “xoài” thì không.
Mỗi nhà, để sẵn giữa bàn tiếp khách một gói thuốc “Tam Thanh”, “Nhị Thanh” vv… hoặc thuốc “rê” (tức thuốc “bọ”) để trên đĩa có xấp giấy bồi để cuốn thuốc, gói chè (trà) “Ba Đình”, “Thái Nguyên” (loại 1)vv… hoặc chè “bồm“ (loại 3). Khi khách đến thì pha trà, bưng bánh, mứt ra tiếp, khách về thì dọn vào trong.
Pháo “tép” nổ lẹt đẹt từ ngày cúng tất niên. Nổ râm ran lúc giao thừa (thời khắc năm cũ chuyển sang năm mới). Tiếng pháo là đặc trưng của “tết” (“tết” mà không tiếng pháo như ca sĩ hát không nhạc đệm, dù hay đến mấy cũng là hát “chay”).
Pháo có ngàn đời nay, không “quản” được thì ta…“cấm”. Bây giờ, các thành phố cho bắn pháo bông, nhà quê thì mua pháo “ngoài luồng” ….tự “bắn”.
Làng Nguyệt xưa, lũ trẻ chúng tôi nghe tiếng pháo là đến tìm trong khói bay mù mịt những viên pháo “xịt” bỏ vào túi như bỏ tuổi thơ vào kỷ niệm để tuổi già…mở ra coi.
Từ Sâm
H

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác