MÓN BÁNH CANH CỦA NGOẠI

Ngày đăng: 3/01/2023 09:05:46 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Cứ mỗi sáng mùng 1 tết hàng năm, ông nội tôi lại chuẩn bị cho tôi 1 chai rượu và gói sẵn một chục nem để đi thắp hương cho ông ngoại. Ông ngoại tôi là một thầy giáo thời Pháp thuộc, am hiểu, sống giản dị, nghĩa tình. Có lẽ hai ông thông gia hiểu tính nhau, hiểu sở thích của nhau.

Sáng sớm, bà nội đưa cho tôi miếng lụa điều và cái kim bảo may qua, may lại trên mảnh vải (may lấy phép vài nuộc thôi). Theo bà tôi như vậy để cả năm cho hên, ý nói gặp vận đỏ, may mắn. Nhà nội tôi là nhà từ đường nên đêm 30 tết, bà nội tôi thức nguyên đêm để làm các loại bánh. Tôi chẳng phụ được gì ngoài việc đãi được mớ đậu xanh để nội tôi nấu chè xanh đánh, nhặt rửa rau sống. Rồi tôi đứng xớ rớ một lúc đợi bà tôi sai vặt nhưng bà tôi lại bảo:

  • Để nội làm, cho con đi ngủ đi, mai mà về ngoại cho sớm!

Nghe vậy, tôi ngủ khì một mạch cho đến sáng. Bây giờ nhớ lại thật hối tiếc. Lẽ ra phải thức để phụ làm với nội để đỡ đần cho nội mà còn học hỏi nấu nướng nữa chứ.

Khi trời sáng cũng là lúc bà làm xong bánh trái, nấu cơm cộ sắp dọn theo các tầng từ mâm thượng, mâm hạ đến bảy bậc trên bàn thờ. Vậy mà vẫn không quên chuẩn bị miếng vải điều cho tôi may vận đỏ.

Ăn sáng xong, ông nội tôi bảo:

– Việc đầu tiên của tết là con về thắp hương cho ông ngoại.

Lúc còn nhỏ chưa tự đi một mình, khi thì có ông thầy (bà con bên ngoại của ông nội tôi, dạy ĐHSP Huế). Theo quyền ông vải, tôi phải gọi bằng ông nhưng ông chưa lập gia đình. Ông ở trong xóm, thỉnh thoảng ông ghé nhà tôi chơi rồi bảo:

– Ê Nhỏ, con có đi thăm mệ tóc dài của con không? Ông chở đi.

Chả là ông gọi như vậy để phân biệt bà ngoại tôi để tóc dài, búi gọn sau gáy, còn bà nội tôi trước đây có để tóc dài nhưng sau 1 trận ốm, bà cắt tóc tém kiểu đờ mi cho gọn.

Lại nói về ông giáo họ Lê, tính ra ông chẳng bà con chi với nhà ngoại tôi cả sao ông ấy lại siêng về nhà ngoại tôi đến vậy. Sau này tôi lớn lên mới hiểu là do ông thích một người dì không biết dì nào trong số bảy người dì của tôi.

Có năm thì tôi về nhà dì Ngọc tôi ở xóm dưới, đợi mấy anh chị con dì cùng về ngoại, năm nào cũng như tôi, việc đầu tiên trong mỗi tết là thắp hương cho ông ngoại đã rồi muốn đi chơi đâu thì đi. Nhà tôi về nhà ngoại khoảng ba cây số mà còn phải qua đò nữa nên ở tuổi học tiểu học tôi chưa tự đi một mình được.

Về nhà ngoại, tết vui lắm! Tất cả các anh chị em con các dì tập trung khá đầy đủ, có khi còn có một số dì cậu, phụ huynh của các anh chị ở các xóm lân cận với nhà ngoại. Đặt lễ lên thắp hương cho ngoại xong thì cả nhóm tụ tập, có cơ hội gặp nhau thôi thì chạy đuổi bắt, giỡn nhau chí chóe, nhưng tôi nhớ rất rõ là hai chị con dì Như  là chị H và chị T lúc nào cũng hiền khô. Ai nói gì thì nói, ai làm gì thì làm, hai chị cứ đứng ôm cột nhà. Bà ngoại hỏi gì nói nấy.

Rồi bà ngoại dọn đồ ăn cho chúng tôi. Tết thì có đủ loại bánh, trái …nhưng sáng sớm trời lạnh và bưng tô bánh canh còn bốc hơi nghi ngút là hấp dẫn nhất, bà ngoại bảo ăn bánh canh dằn bụng cho ấm trước rồi ăn bánh trái sau. Có lẽ ngoại cũng phải dậy từ rất sớm để hầm xương, riêu tôm và nhồi bột, cắt lát thành sợi, rồi nấu nồi cháo bánh canh. Ngoại chuẩn bị sẵn cho lũ cháu sáng mùng tết về sum vầy bên ngoại.

Ngoại tôi nấu bánh canh rất ngon, nêm mùi vị rất thấm tháp, Những sợi bánh canh trắng nõn làm bằng bột gạo được ngoại cắt vào nồi bằng phương pháp thủ công. Nhớ khi ngoại múc từng tô, rắc hành tiêu lên, hơi nóng, bốc lên quyện mùi tôm, thịt đã riêu thơm cùng tiêu hành mời gọi hấp dẫn, ngất ngây là vị giác bắt đầu tứa nước bọt ra đầu lưỡi. Mỗi đứa đón lấy tô bánh canh hấp dẫn ăn ngon lành, mùi tiêu ở tô cháo bánh canh mỗi sáng mùng 1 tết ở nhà ngoại khắc sâu vào tâm khảm của tôi. Tôi không biết nấu ăn, cho đến khi tôi lập gia đình tôi mới phải tập tành nấu nướng để chăm sóc các con tôi. Mấy chục năm trôi qua, ngoại tôi đã về miền thiên cổ. Tôi bây giờ cũng lại làm bà nội của mấy cháu. Mỗi lần tôi nấu đồ ăn sáng cho gia đình nhỏ của tôi, nhất là mỗi khi tôi nấu lại món bánh canh của ngoại, múc ra, rắc hành và đặc biệt là mùi tiêu thơm gợi nhớ ngoại da diết. Tôi thường nhắc tới món bánh canh của ngoại với các con tôi. Lòng nao nao nhớ về một thuở mùng một tết chúng tôi quây quần bên ngoại. Và hình ảnh cuả ngoại vẫn còn y nguyên trong tâm trí của tôi với dáng người tầm thước. Mũi cao, đôi mắt luôn mở to với ánh nhìn ấm áp. Thân hình ngoại dù đã cao tuổi vẫn đầy đặn, rất nữ tính và rất sang. Chả là dòng dõi con cháu nhà quan mà lị. Bà ngoại chúng tôi tên đầy đủ là Phạm Thị Khương. Ba của bà ngoại tôi là cậu ấm Phạm Kim Trang con một vị quan võ họ Phạm dưới triều vua Thiệu Trị -Tự Đức. Ông bà cũng đã tìm nơi môn đăng hộ đối để hỏi vợ cho con trai mình. Vì vậy mẹ của bà ngoại tôi cũng là một tiểu thư con quan, bà là Lương Thị Hạnh con quan đốc học họ Lương phụ trách một tỉnh miền Trung thời Tự Đức. Vì thế cốt cách của ngoại tôi lúc nào cũng điềm đạm, khoan thai mặc thời thế đảo điên, mặc phù trầm dâu bể.

Sài gòn, ngày 21/12/2021

Hoàng Thị Bích Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác