ĐƠN GIẢN NHƯ DÒNG SÔNG TRÔI

Ngày đăng: 16/12/2022 08:16:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Đơn giản như dòng sông trôi. Đó là tựa một tập thơ.. Cách nay hơn hai tháng, tôi được bạn Minh Lương và thầy giáo Phú dẫn đi chơi xã Vĩnh Thành, có ghé thăm nhà thờ Cái Mơn, tu viện Mến Thánh giá Cái Mơn rồi đến nhà một ông giáo già, thầy Chín Long, đồng thời cũng là nhà thơ Phong Tâm. Được đãi ăn bữa cơm trưa ( còn được chủ nhà tặng một tập thơ, sách in trình bày rất đẹp; tôi rất cảm kích!

Ngay khi nhận quà tặng, tôi đã để ý đến cái tên của tập thơ “Đơn giản như dòng sông trôi” và cảm thấy hơi hướng của “thiền” trong tập thơ. Về đến nhà, đọc được một số bài tôi cũng thấy phảng phất như thế.

Tập thơ có nhiều thể loại; thơ lục bát, thơ bảy chữ, thơ mới… nhưng tất cả đều có nét riêng, lời thơ thường gọn, đơn giản và dứt khoát:

Ngủ không được

Thức không được

Đi không được – đất sình trơn trượt

Nghĩ tới vườn rau

Chạnh nhớ ai… (Ba tháng mưa dầm)

Hoặc

Một ly trà đá chanh đường / Vô tình uống cạn… vô thường lại quên/ Quán đời đôi lúc không tên

Dễ chi biết được mông mênh tuổi buồn? (Phố khuya)

Hoặc

Người đi. Ờ! Lạnh lùng đi…

Trăm năm chỉ một xuân thì vậy thôi

Trong mầm yêu có chia phôi

Nào ai ngăn được bờ môi muộn phiền (Bây giờ)

Nhưng cũng có lúc lời thơ rất tha thiết tình cảm:

Chầm chậm xuống vàng phai lá rũ

Hoàng hôn về ru ngủ thời gian

Người đi dưới bóng trăng tàn

Có hay cỏ ướt hoa vàng đọng sương (Thu lạnh)

Hoặc

Em về thăm lại vườn anh

Có nghe lá thở trên cành thu buông?

Trăm năm, một giấc mơ buồn

Nhón chân, sẽ hái được vuông tình đầu (Tự dưng tháng Bảy)

Cũng có khi lời thơ tràn ngập hoài niệm u buồn, gợi nhớ một bài thơ tình nổi tiếng của hơn nửa thế kỷ trước:

Bỗng thấy chiều nay chợt nhớ người

Của thời mơ mộng rất xa xôi

Mà sao mây khói mênh mông quá

Tôi biết chiều thu mưa sẽ rơi (Buồn thu)

Khi đến thăm nhà thơ, tôi đã đứng trong sân nhà dưới bóng mát tàn cây, nhìn ra con kinh êm đềm trước mặt đổ ra sông Hàm Luông… Ngày nay cảnh trí bờ kinh có vẻ “xô bồ”, thiếu bóng dừa… nhưng ngày xưa ắt phải “nên thơ”. Vì thế khi đọc thơ tôi mới hiểu tại sao nhà thơ có nhiều câu gợi nhớ quê hương xứ dừa Bến Tre “nặng tình” đến vậy! Mà hầu hết lời thơ tả tình tả cảnh quê hương lại cũng đơn giản… như chính ông vốn đơn giản, từ cách nói chuyện, trang trí ngôi nhà, bố trí phòng làm việc…:

Trưa ngồi lắc võng ầu ơ /Nhớ lăn tăn sóng xao bờ Hàm Luông/ Như nghe điệu hát ru buồn /Chan cơm nước mắt mà thương xứ dừa

Hoặc

Trưa ngồi lắc võng cô đơn /Nhớ lăn tăn thưở hoàng hôn giao mùa/ Bây giờ đất Bến Tre thơ /Vẫn màu thanh lịch bên bờ Hàm Luông (Đất thơ)

Hoặc

Dừa nghiêng xuống cháy yêu nồng / Người ơi có thấy dòng sông nặng tình/ Ta thương dừa xứ sở mình /Để con mắt chớp lưu hình trong tim (Dừa nghiêng)

Phong Tâm- Trong Sửu- Thầy Phú- Lương Minh

Biết tửu lượng không cao của nhau vì toàn bạn già trên bảy mươi, bạn Minh Lương chỉ mua vài hộp bia để bữa cơm thêm vui. Tôi biết chủ nhà tuy lớn tuổi nhất, trên tám mươi, vẫn nhiệt tình cụng ly tiếp khách… nên bỗng thấy trong người rất sảng khoái khi đọc bài thơ của anh tả một đêm dùng thuyền đi uống rượu trên nhà sàn ven biển; được viết khi tác giả đến đất mũi Cà Mau họp mặt cùng các thi hữu hai tỉnh Bến Tre – Cà Mau năm 2013:

Đêm

Con sào cắm đung đưa sàn nhà nổi/ Xa hóa gần/ Tìm nhau âm giọng nói/Xứ Dừa – Đất Mũi

Tràn ly! (Về đất mũi Cà Mau)

Cả đêm uống rượu mà chỉ hai từ “Tràn ly” đơn độc cũng đủ tả “cái tình”, cái nồng nhiệt của các bạn thơ tứ xứ khi cùng nhau ngất ngưởng bên men rượu!

Ngoài ra, đoạn cuối của bài thơ cũng “thâm trầm” không kém:

Đêm

Những bàn tay chai sần/ Lặng lẽ cầm chổi bông sậy quét/ Gom hột bụi thơ ca

Đọc xong nhiều bài trong tập thơ, tôi nghe một cảm giác êm êm, một trạng thái “buông xả thanh thản”, muốn quên đi, quên thật nhiều… như bốn câu cuối của bài thơ mang tên “Đơn giản như dòng sông trôi” mà nhà thơ đã chọn làm tít cho tập thơ của mình:

Bỏ chiều xuống, bỏ nắng lên/ Thời gian chẳng nhớ cái tên là gì?/ Anh dừng bước để mà đi…

Bởi đơn giản lúc đương thì… cũng quên. (Đơn giản như dòng sông trôi)

Tôi thích lối làm thơ đơn giản như thế: Đất sình trơn trượt, Một ly trà đá chanh đường; Người đi. Ờ! Lạnh lùng đi; Trưa ngồi lắc võng cô đơn; Con sào cắm đung đưa sàn nhà nổi; Tràn ly… Tất cả đều rất thật, không cần phải cầu kỳ, không dùng sáo ngữ hay những câu chữ “ước lệ” mà những nhà thơ trước đã dùng, cho “ra vẻ” thơ! Nhưng khi cần phải “tả tình” nhà thơ vẫn đã có những câu rất lãng mạn mà sâu lắng, lay động lòng người: Nghĩ tới vườn rau Chạnh nhớ ai; Dễ chi biết được mông mênh tuổi buồn?; Nào ai ngăn được bờ môi muộn phiền; Chầm chậm xuống vàng phai lá rũ; Trăm năm, một giấc mơ buồn; Bỗng thấy chiều nay chợt nhớ người Của thời mơ mộng rất xa xôi; Nhớ lăn tăn sóng xao bờ Hàm Luông; Người ơi có thấy dòng sông nặng tình…

Thật ra tôi nghĩ có thể vì chọn cách dùng chữ khá “tự do” khi làm thơ mới nên nhà thơ dễ “thoải mái” trong việc chọn lời, có thể bất ngờ buông những chữ thật hay! Tuy nhiên, thơ lục bát hay thơ bảy chữ của anh cũng vậy; không có, hay ít có, những “sáo ngữ”, những từ ngữ “bay bổng”… đọc nghe “kêu” nhưng thật sự rất nhàm chán!.

Già rồi nên tôi thích đọc những vần thơ hay, lời thơ đơn giản thôi nhưng diễn tả đầy đủ ý, có thể thâm trầm… cho đỡ “nhức đầu”!

Tháng 12/ 2022

KHƯƠNG TRỌNG SỬU

 

Có 2 bình luận về ĐƠN GIẢN NHƯ DÒNG SÔNG TRÔI

  1. Phong Tâm nói:

    Bài viết của tác giả Khương Trọng Sửu (Bs Sửu) về tập thơ “Đơn giản như dòng sông trôi” của PT, tôi đã có bài “bình luận” trên trang Fb Phong Tâm, cám ơn anh Khương Trọng Sửu viết bài phê bình tác phẩm rất tỉ mỉ, không kém phần độc đáo theo cách của người lý luận-phê bình văn học Xin chân thành chúc sức khỏe anh..

  2. Bacsi Suu nói:

    Cám ơn lời chúc của bạn Phong Tâm. Đọc những bài trong tập thơ của anh tôi thấy thích nên viết vài cảm nghĩ của mình vậy thôi!
    Muốn viết vài hàng gửi anh đã lâu nhưng tôi không quen với thiết kế của trang web này nên không biết phải làm thế nào để viết được. Nhờ hôm qua hỏi anh Minh Lương nên tôi mới biết!

Trả lời Phong Tâm Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác