QUÁN VĂN VÀ NHỮNG TRANG HẢO HÁN

Ngày đăng: 1/08/2022 10:55:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Ngày xưa khi đọc những bộ tiểu thuyết kinh điển của Văn học Trung Quốc từ Tam Quốc Chí, Đông chu liệt quốc, Thủy Hử… tôi đã rất thích hình ảnh 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am. Với những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc là nơi tụ họp của những trang hảo hán đầy tài năng, mỗi người một tính cách đa dạng làm tôi say mê từ thuở thiếu thời.

Nếu như Tống Giang là vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc hào hiệp, nổi tiếng là người tốt, hay giúp đỡ nhiều người nên được anh hùng các nơi vị nể, tôn kính trong tác phẩm Thủy Hử, thì tập san Quán Văn với chủ biên Nguyên Minh sẵn sàng hy sinh tất cả để làm nghệ thuật bất vụ lợi trong một xã hội nhiễu nhương ngày nay là hiện tượng văn chương đáng khâm phục, đáng trân trọng. Chính nhân cách và tâm huyết của người chủ biên sẵn sàng đứng mũi chịu sào trước kiểm duyệt này đã thu hút tất cả các văn nghệ sĩ mọi miền mọi lứa tuổi tụ họp về đây.
Nhà văn Nguyên Minh

Gần 10 năm nay Quán Văn trở thành sân chơi chung của các nhà văn trong nước và hải ngoại. Từ các nhà văn Miền Bắc đến Miền Nam, các nhà văn cũ từ trước 1975 đến những nhà văn trẻ lứa tuổi 9x đều có mặt ở nơi này. Với tiêu chí tất cả vì nghệ thuật, giữ gìn sự trong sáng của nền Văn chương Việt Nam, không nhận quảng cáo, không nhận viện trợ, chỉ tự lực cánh sinh vậy mà cũng đã đứng vững hơn 10 năm qua với 88 số đã xuất bản. trì đều đặn các buổi gặp mặt giới thiệu sách mới tại Sài Gòn.
Chính từ nơi đây tôi đã tìm lại một thời đã qua, gặp lại những người muôn năm cũ. Được đọc lại các trang sách của những nhà văn Miền Nam trước 1975 sau khi kết thúc chiến tranh đã một thời bị bôi xóa.

Quán Văn tập họp rất nhiều tài hoa họ đến đây vì một chữ tình, vì một niềm đam mê văn chương.
Trong những bậc đàn anh hảo hán mà tôi quen biết, tôi chú ý đến một tác giả vô cùng khiêm cung, trầm lặng, mới đầu tôi nghĩ anh là bạn đọc của Quán Văn vì chưa từng nghe tên, chưa từng đọc tác phẩm, sau này mới biết anh là người viết mới Đặng Châu Long.

Tôi không nghĩ anh lại viết nhiều đến vậy, chưa đầy 7 năm anh đã tự xuất bản trên 10 tác phẩm.
Thơ: Níu đời dịu phai (2013) Đêm thắp lời dâng (2016).
Ký+Tản văn: Đóa hoa hương sắc ngày thơ(2012), Giọt xanh ký ức (2012). Bằng hữu một thời bằng hữu một đời (2015) . 10 tập Viết Để Nhớ (2013-2018), Chân trần bên gai lửa (2015), Dịch: Kẻ Tiên Tri của Khalil Gibran (Le Prophète)1996.
Tháng 7/2019 ra mắt tập phê bình và tùy bút “Rung nhẹ tơ văn”.
Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy xuyên suốt những tác phẩm của anh là một nỗi buồn.
Buồn vì một thế hệ vong thân, buồn vì chiến tranh đã trôi qua nhưng vết thương của nó vẫn còn âm ỉ trong mỗi con người. Buồn vì biết rằng nó không bao giờ lành da trên thân xác của những chàng trai nước Việt.

Nhà văn Đặng Châu Long

Riêng tôi chiến tranh còn là nỗi ám ảnh. Tôi vẫn còn nhớ tiếng nổ, mùi lựu đạn cay trước thềm nhà, xe quân cảnh chắn ngang đường bắt thanh niên trốn quân dịch. Nhà tôi nằm trên đường Nguyễn Huệ đối diện Tòa Án, gần Tòa Tỉnh, bệnh viện, trường học nên những cảnh tượng này tôi đã quen. Mùi lựu đạn cay làm tôi nghẹt thở, mẹ vội nhúng khăn ướt chụp vào mặt đưa tôi vào nhà sau. Những đêm ngủ, thỉnh thoảng nghe đì đùng đâu đó trong phi trường, chị em tôi túm lại trên khung cửa nhìn ra bầu trời đêm lóe sáng ánh hỏa châu rơi. Miền Nam Việt Nam đầu thập niên 70, chiến tranh càng ngày càng ác liệt, học sinh, sinh viên thầy giáo đều bị bắt vào quân trường. Có lần một thanh niên còn bận đồ học sinh chạy bay vào nhà tôi xin trốn khi bị truy đuổi. Ba tôi dấu ở phía sau nhà.
Đặng Châu Long cũng không thoát khỏi cái nền lịch sử chung của đất nước.

Sinh ra trong một gia đình công chức, cha là trưởng ga xe lửa, ngày ấy thường lưu chuyển nhiệm sở, nên cả nhà thường thay nơi ở theo cha, lúc thì cha anh phụ trách tuyến Sài Gòn – Lộc Ninh, khi thì thẳng tiến đến miền Trung xứ Tuy Hòa hiu quạnh và cuối cùng thì dừng chân ở thành phố Nha Trang, là Trưởng Ty khai thác hỏa xa tuyến Mường Mán – Đà Lạt – Diêu Trì thay người tiền nhiệm vừa mới bị đột kích mất.
Tại Nha Trang, gia đình anh ở ngôi biệt thự số 21 đường Gia Long, cha anh hàng ngày đi làm ở tại số 2 Yersin. Cuộc sống gia đình công chức với vị trí Trưởng ty Hỏa xa ngày ấy khá sung túc với 8 người con. Anh chị em của anh hầu hết được gửi học ở các trường dòng Lasan. Anh viết: “nhà tôi riêng theo học Lasan có ba người: hai anh tôi học Mossard, tôi học Bá Ninh, em gái tôi học Thánh Tâm dòng Đức Bà Truyền Giáo và em trai tôi học trường Đặng Đức Tuấn dòng Giu se. Điều tôi thích nhất trong hệ thống trường dòng Lasan là tính toàn diện trong đào tạo. Chúng tôi được rèn luyện văn hóa, thể thao và thuật đối nhân xử thế một cách hài hòa, Sáng, chiều đều có hoạt động thể thao bắt buộc nửa giờ, có thể là bóng rổ, bóng chuyền, đá banh, bóng bàn, ballon militaire, water polo…trên 5 sân bóng rổ, 6 sân bóng chuyền, 5 bàn pingpong, 1 sân đá banh, và…phía trước trường là biển để chơi trò chơi nước. Mỗi lớp thời đó còn được trang bị một piano để tập luyện văn nghệ.” Đặng Châu Long năng nổ tham gia trong đội văn nghệ trường, làm báo trường, ngoài ra anh còn hoạt động hăng hái trong phân đoàn Hội Hồng Thập Tự Nha Trang. Anh viết: “Chưa khi nào tôi quên những buổi văn nghệ liên trường vào dịp gần tết, những hợp ca Mẹ Việt Nam, Hòn Vọng Phu, Đà Lạt sương mờ, cũng như những vở kịch dài như Huyền Trân Công Chúa bao giờ cũng được tập công phu từ đầu niên khóa và đón nhận những cổ võ nhiệt tình từ các trường bạn. Trong trường có club Văn Hóa Xã Hội để quán xuyến những công viêc thuộc mảng này. Trường còn có cả ban nhạc Bluesea với dàn nhạc cụ hiện đại. Nếu kể thêm, có thể nhắc đến đoàn thể Thanh Sinh Công, hoặc các lớp dạy võ thuật rất bài bản cho học sinh và hoàn toàn miễn phí. Báo trường thì cứ 1 hoặc hai tháng lại ra một số, thật là vui”. “…tôi đã tham gia hầu như tất cả các hoạt động: phụ trách club Văn Hóa Xã Hội, phụ trách ban kỹ thuật cho Thanh Sinh Công, chủ biên tờ báo trường. Ngày nào cũng vậy, tôi luôn túc trực tại phòng Sư Huynh Giám Học trong những giờ chưa vào lớp hoặc bãi lớp để giúp Frere Alexandre làm những công việc chung của trường. Những năm tháng đó thật hạnh phúc vì đã không bỏ phí thời gian học hỏi kinh nghiệm cộng đồng cùng Sư Huynh Alexandre. Những ngày tháng êm đềm đã cùng tôi trôi trên vùng biển sóng dạt dào trời trong cát mịn bên hàng dương xanh ngắt thân cằn uốn lượn cùng tán lá vuông vức đều hàng. Những muộn phiền nỗi đời như được cất bỏ khi hòa cùng giòng tươi mát ấy”. (1)
Nền giáo dục Miền Nam Việt Nam thời đó đã giảng dạy trên tinh thần tự do, dân tộc, khai phóng đào tạo nên một lớp người sống tiếp cận cùng nền văn minh thế giơí, chúng tôi những thế hệ học sinh cuối cùng của Miền Nam cũng tiếp thu nền giáo dục tinh hoa này. Nhưng niềm vui không được bao lâu, chiến tranh như vòi bạch tuột ùa đến vây bọc cuộc đời những thế hệ thanh niên thời ấy. Họ không được lựa chọn cách sống của riêng họ, cuộc chiến cuốn trôi họ vào guồng quay của lịch sử.

Cuộc đời của Đặng Châu Long và gia đình anh cũng không thoát khỏi guồng quay lịch sử này. Hai người anh trai của Đặng Châu Long đến tuổi đều phải đi lính. Cú đấm trực diện đầu tiên là cái chết của người anh thứ ba do một quả mìn cộng sản gài trước trường tiểu học Bưng Cầu Bình Dương, ngay ngày khánh thành trường. Không lâu sau đó là cái chết của người anh cả trong trận đánh ở đèo Nhông, Phù Mỹ, Bình Định xác chôn ở nghĩa trang Ghềnh Ráng.
Cái chết của hai người anh trai càng làm cho Đặng Châu Long sống trầm mặc trong thế giới cô đơn của mình, anh viết:
“Tương lai thanh niên Việt nam đi về đâu để tìm ra ánh sáng cuối đường
Hai chiếc thẻ bài
Theo mìn nổ hút tầng không
Anh thảng thốt dững dưng lên trời
Ngày ba tháng ba âm lịch một chín bảy mươi
Chỉ trước ngày anh chuẩn bị rời quân ngũ
Chấp chới giấc mộng dân thường
Anh nằm đây
Thịt vương xương vãi
Đèo Nhông Phù Mỹ
Theo tôi hằn mãi nét tang thương
Ba mươi bảy năm sau
Đón anh xa rời
nghĩa trang nhà binh Ghềnh Ráng
Cuộc di tản thảm thương sau cái chết đầu
Giấc ngàn thu chưa sâu
Bên rừng ngàn sóng nước
Hàn Mặc Tử ôm trăng sướt mướt
Tiếng tăm này để lụy âm cung
Ôm hộp cốt trả đời trăng mơ mộng
Tình cũ hồn xưa hứng chút bụi tro tàn
Thể phách tan rồi tinh anh vẫn vẹn
Chút sắt son sao thẹn tấc lòng
(Đặng Châu Long- “Đưa anh tìm góc yên bình”)
Và rồi cũng tới phiên Đặng Châu Long, mấy lần hoãn quân dịch vì có 2 anh trai đi lính, cuối cùng năm anh 20 tuổi không thể hoãn nữa, anh cũng đầu quân vào đúng ngày đầu tiên của Tết dương lịch năm 1970. Anh viết chiến tranh “đã tác động rất lớn đến giòng sống của những thanh niên mới lớn như chúng tôi. Những nét trầm ngâm đã hằn lên khuôn mặt mỗi người, thân phận con người dường như là con rối trong trò chơi chiến tranh và những kẻ hô hào chiến tranh mãi lẫn trong bóng tối cổ võ, thúc đẩy con người bước vào nơi cùng tận để nhận bánh vẽ vinh quang”. (1)
“Con người dùng mọi thủ thuật đề sinh tồn. Tranh sống, nhưng chưa từng ai chuẩn bị cái chết để tử tế hơn khi còn sống. Trong thời chiến chinh, cái chết và cái sống như trộn lẫn cùng nhau, lạ lùng thay, tuổi trẻ là vật thí thân cho giòng oan khiên đó. Cái chết bình thường và vô tình, nhẹ như cơn gió chiều thu:
“Sáng nay vừa thức dậy,
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường!
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình, khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa.
Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở!
Nhưng biết bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ?”
(Phạm Duy, Tâm ca 1, Tôi ước mơ, thơ Nhất Hạnh)
Như trò chơi biến hình, chẳng mấy chốc tôi đã hóa thân làm một chiến binh, để tồn tại theo đuổi cuộc chiến đấu dài hơi này, tôi còn phải học hỏi nhiều đòn phép mới. Bây giờ cuộc chơi chỉ mới trong giai đoạn chuẩn bị, với tôi, nhưng dường như hiểm họa vẫn rình rập từng ngày.(1)

Trong bài thơ “Chiều trên Phá Tam Giang” viết năm 1972 vào mùa hè đỏ lửa, người lính Tô Thùy Yên đã nhiều lần tra vấn:
Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau
Ta tự hỏi vì sao
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
(“Chiều trên Phá Tam Giang” – Tô Thùy Yên)

Tháng 4/1975 chiến tranh kết thúc, lúc ấy Đặng Châu Long là sĩ quan Pháo binh 25 tuổi trẻ măng cuộc đời chỉ mới bắt đầu nhưng tương lai đã khép lại. Mang danh là lính cộng hòa thua trận, anh cũng bị bắt ở tù học tập cải tạo 4 năm 3 tháng trên những vùng rừng núi hoang vu, đói khát triền miên. Mấy lần ốm suýt chết rồi cũng qua. Trở về được Mỹ chấp thuận ra đi diện RD nhưng phía chính quyền không cấp passport. Ở lại anh làm đủ nghề để kiếm sống. Trong kỷ niệm ngày sinh nhật anh từng viết: “Tôi thật sự không rộn ràng về ngày mai, chỉ như một vận hành của đất trời. Ngày mai này cũng không ngoại lệ. Dù là ngày sinh của tôi. Thay vào lòng vui, tôi tràn ngập nhớ, nhớ miên man. Tôi có gì vui khi dòng sống tôi đã biến đi vào năm tôi hai mươi lăm tuổi. Hay chi li hơn, nó đã phôi phai từ năm năm trước nữa, ngày 31-12-1969, ngày tôi bước vào cơn bão giông chinh chiến, Tôi không còn chiếm hữu khát khao tôi mà chỉ còn lại gió chướng đời, từ dạo ấy. Năm năm ấy, tôi đã phải lấy trách nhiệm để khuây khỏa rằng mình còn có ích cho tha nhân, những người sống cùng. Cho đến ngày cuối, ngày 30-04-75 tôi mất hẳn tôi. Tôi đã tự biến mất tôi bằng những cơn lặng lẽ đớn đau dù tôi vẫn là tôi khi sống cùng người, những người khốn khổ quanh tôi” (2)

Đặng Châu Long bắt đầu viết từ thời học sinh, bài đầu tiên đăng năm 1966, phụ trách tờ báo trường Bá Ninh, rồi Hồng Thập Tử, vào quân trường anh cộng tác với báo Bộ Binh Thủ Đức (1970). Ra mắt tập thơ đầu tiên 1968 với tựa đề “Trắng” rồi chấm dứt niềm say mê sau 1975. Bẵng đi gần 40 năm ngụp lặn với cuộc đời để tồn tại anh không viết, đến khi tham gia cùng tạp chí Quán Văn anh viết lại với ngòi bút sung mãn bất ngờ, có lẽ 40 năm tích tụ ẩn ức giờ này bộc phát nên tuôn tràn như thác đổ.
Tôi biết Đặng Châu Long khi gặp anh ở tòa soạn Tạp chí Quán Văn tại Sài Gòn. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp anh là một người thầm lặng ít nói, vết cắt của cuộc đời cũng không thể làm lụi tàng khí phách của một trang hảo hán. Và tôi tin chắc bạn bè tôi trong Quán Văn khi đọc anh và khi cùng anh rong ruổi những tháng ngày trên cung đường dọc nước Việt đều nghĩ như vậy.
Những năm đói khổ triền miên đó cái tình của con người như “mò kim đáy biển”, thế nhưng anh đã không băn khoăn khi nghĩ mình đói còn có người đói hơn, thôi thì bạn cần trước thì mình đưa rồi sau hẵng hay. Chị Hạnh vợ anh có lẽ lúc ấy có buồn có lo lắng nhưng chị bao giờ cũng nghe theo chồng vì chị biết rằng chồng mình luôn là một trang hảo hán trọng nghĩa khinh tài.

Trong những lần ra mắt sách, những ngày vui gặp mặt bạn bè anh luôn là người chăm lo hậu trường. Chỉ thấy dáng anh mỉm cười nhìn bạn bè, rồi xông xáo nơi này nơi kia để viết tin bằng hình ảnh chứ không thấy lên tiếng bao giờ, anh rất kiệm lời. Bên anh bạn bè có cảm giác an toàn và tôi cũng vậy.
Tạp chí Quán Văn là ngôi nhà thứ 2 mà anh yêu quý, là nguồn suối thổi mát lòng anh những năm tháng sau này như anh chia xẻ: “May mắn trong dòng đời tôi còn bốn dòng suối để chảy thành sông. ..Dòng suối thứ tư là một dòng suối hồi quang. Hồi quang sau quá nhiều năm cạn khô nguồn mạch nằm phơi lá ủ mục ruỗng theo năm tháng đợi chờ. Từng người về. Từng người về gặp lại, thấy nhau tuôn trào dòng chảy để soi cùng nhau trong dòng nhỏ an bình. Không phải là nhà, chỉ là quán. Một quán văn bé nhỏ khiêm nhường không cần ai nhớ ai thương. Chỉ có một gia đình đông thành viên ái ngại nhìn nhau dậy tuổi thu tàn. Những mảnh vụn đời riêng khơi gợi niềm chung. “ (2)

“Tôi từng ví Quán Văn như một nơi hội ngộ của những người đơn sơ, không diễn lễ hội hóa trang và cũng chẳng tán dương ai. Có một hình ảnh nào đó cứ quanh quẩn trong tôi khi nghĩ về. Tôi nghĩ đến giòng suối nhỏ. Những giòng suối nhỏ nhiều nhánh đã cùng gặp nhau khi khát khao về nguồn.” (2)

Đặng Châu Long đọc gần như tất cả sách bạn bè trao tặng và viết về họ với một tình cảm trân trọng, trong tập sách mới xuất bản tháng 7/2019 “Rung nhẹ tơ văn” là một dòng suối trong lành lan tỏa đến từng người bạn. Tập sách gồm 2 phần: Phần 1 là 26 bài điểm sách, mỗi bài thường ngắn khoảng hai đến ba trang, anh viết cảm nhận của mình khi đọc tác phẩm với một cái nhìn tinh tế, phác họa vài dòng là ra khuôn mặt người như một họa sĩ vẽ chân dung: Nguyên Minh, Trương Văn Dân, Elena Trương, Nguyễn Ngọc Thơ, Lê Phương Nguyên, Nguyên Cẩn, Đông Hương, Nguyễn An Đình, Mang Viên Long, Cung Tích Biền, Sâm Thương, Nguyễn An Bình, Hạc Thành Hoa, Tiểu Nguyệt, Kiệt Tấn, Khuất Đẩu, Tôn Nữ Đông Hương, Như Quỳnh de Prelle, Huỳnh Ngọc Nga, Trần Thị Trúc Hạ, Hồ Sỹ Bình, Nguyễn Châu, Phạm Thiên Thư…Phần 2 – Tâm Văn gồm 35 đoản khúc như những tiếng tơ lòng viết về các chuyến đi từ Nam ra Bắc, từ Miền Tây nam Bộ lên tới Tây Nguyên của anh chị em tạp chí Quán Văn, hoặc ghi lại những lần bạn bè gặp mặt ra mắt các chuyên đề tạp chí Quán Văn, anh như người đưa tin cần mẩn, tỉ mỉ không thiếu một sự kiện nào.

Quán Văn với chúng tôi là một gia đình, có lẽ đây là nơi duy nhất không quan tâm địa vị chức tước, học hàm học vị, không phân biệt chiếu trên chiếu dưới như các hội đoàn văn nghệ quốc doanh nhan nhản mà tôi thường thấy ở xứ này.
Nơi đây chỉ xem trọng chữ tình, xem trọng tài năng và nhân cách. Tài năng thể hiện qua tác phẩm, nhân cách thể hiện trong đối nhân xử thế với mọi người.
Trong bài “Nhớ nhau hong một chút tình” Đặng Châu Long thổ lộ: “Tôi đã ghé lại đây bởi đầu tiên hai chữ văn chương, nhưng dừng lại nơi này bởi giản đơn tình bạn.” (2)
Với anh: “Tình bạn chỉ đơn giản là sẵn sàng vì bạn với bình thường tâm.” (2)
Đặng Châu Long là một lữ hành trên chuyến tàu Quán Văn không thể thiếu và chúng tôi hạnh phúc khi có anh bên cạnh.

BAN MAI
20.7.2019, chỉnh sửa ngày 1.8.2022

Ghi chú:
1. Chân trần bên gai lửa – Đặng Châu Long
2. Rung nhẹ tơ văn – Đặng Châu Long

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác